Ngày hôm nay của con thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 06, 2021
Cuộc SốngGia Đình

Ngày hôm nay của con thế nào?

Khi có con, mình rất thích nghe con kể chuyện ở trường. Thế nên, mình tìm đủ mọi cách để con kể nhiều hơn, và đúc kết được vài điều nho nhỏ.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bữa cơm tối quây quần bên nhau thường là lúc cả nhà trò chuyện với nhau nhiều nhất sau một ngày dài. Mình còn nhớ, hồi ấy, bố mẹ mình cũng có quan tâm và thăm hỏi về một ngày của mình. Nhưng đôi khi thật khó để mình có thể nhớ ra cụ thể nó như thế nào, trừ khi có chuyện gì đó rất đặc biệt. 

Vậy nên, khi được hỏi:

“Ngày hôm nay của con thế nào?”, mình thường trả lời những câu chung chung “Dạ ổn”, “Dạ cũng bình thường”; hoặc 

“Hôm nay con đi học có vui không?” mình luôn trả lời “Dạ vui” vì không nghĩ ra đã có chuyện gì buồn. 

Còn nếu không ai hỏi gì thì mình im luôn. 

Sau này khi có con, mình rất thích nghe con kể chuyện ở trường. Đó luôn là những câu chuyện vừa hồn nhiên, vừa chân thật, đôi khi buồn cười pha lẫn chút ngốc nghếch tuổi thơ, khiến mình luôn chờ đợi được kể cho nghe. Thế nên, mình tìm đủ mọi cách để con kể nhiều hơn, và đúc kết được vài điều nho nhỏ sau:

1. Bố mẹ chủ động kể câu chuyện của mình

Bắt đầu từ câu chuyện của bố mẹ trước, một cách thật tự nhiên về cảm xúc đến với mình trong ngày.

  • Hôm nay bố rất vui vì hoàn thành công việc tốt và được sếp khen.
  • Còn mẹ thì vừa chia tay một cô bạn đồng nghiệp, vì cô ấy chuẩn bị đi định cư ở nước ngoài. Mẹ sẽ rất nhớ cô ấy.
  • Bố được giao công việc khó nên rất lo lắng. Bố cần phải tập trung để hoàn thành trong tuần này. Bố nghĩ nếu mình cố gắng thì mình sẽ làm được.

2. Hỏi con những câu chi tiết để gợi mở cho những câu chuyện phía sau đó

Hãy hỏi con những câu hỏi mở. Đó là những câu hỏi mà câu trả lời không đơn giản là “có” hay “không”. Cách đặt câu hỏi này gợi cho trẻ nói nhiều hơn, chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của trẻ. Bố mẹ có thể thử một vài gợi ý sau đây:

Thay vì hỏi “Con có thích buổi học vẽ hôm nay không?”

Hãy hỏi: Con thích điều gì nhất trong buổi học vẽ hôm nay? Con đã vẽ những hình ảnh gì? Còn giờ chơi ở ngoài trời thì sao? Trò chơi nào làm con thích thú nhất? Có trò nào con không thích hay không?

Thay vì hỏi: “Hôm nay con có vui không?”

Hãy hỏi: Điều gì đã làm cho con cười rất nhiều? Con nghĩ là mình đã làm cho ai cười? Con có khiến cho ai đó buồn không? Lúc đó con cảm thấy thế nào?

Thay vì hỏi: “Con ăn trưa có ngon không?”

Hãy hỏi: Trong giờ ăn trưa, món ăn nào mà con thích nhất? Con đã ngồi ăn cạnh bạn nào? Bạn ấy có phải là bạn thân của con không? Bạn thân của con như thế nào?

Mô tả cảm xúc của mình khi nghe con kể chuyện

Phản ứng của bố mẹ sẽ giúp con nhận thấy mình thực sự quan trọng với bố mẹ. Hãy tập trung khi nghe con kể và hưởng ứng câu chuyện của con bằng ngôn từ thể hiện sự quan tâm:

"Vậy à con?"

“Rồi sao nữa?”

"À, mẹ hiểu rồi."

"Thế còn…"

Cuối cùng, đừng quên chia sẻ cảm xúc sau tất cả câu chuyện của con: 

"Điều đó thật thú vị!"

“Bố/mẹ rất thích thú khi nghe con kể chuyện con ở trường!”

Đưa ra những câu thăm hỏi con về những hoạt động hàng ngày sẽ giúp bố mẹ xây dựng lòng tin nơi con trẻ. Khi con biết rằng bạn rất hứng thú muốn nghe những câu chuyện đó, con sẽ cảm thấy an toàn và được yêu thương.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.