Nguyên tắc quản trị hiệu quả trong phòng chống dịch Covid | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 08, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Nguyên tắc quản trị hiệu quả trong phòng chống dịch Covid

Là một người làm kinh doanh, tôi nghĩ chúng ta có thể áp dụng một số nguyên tắc về quản trị trong công  tác phòng chống dịch Covid-19 trong tương lai.  

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Đại dịch Covid-19 hiện là mối quan tâm lớn của xã hội và chính phủ. Với  việc triển khai tiêm chủng dạng rộng ngừa Covid hiện tại, hy vọng chúng  ta sẽ đẩy nhanh tiến độ hồi phục nền kinh tế và trở lại nếp sinh hoạt xã  hội trong bối cảnh bình thường mới. Là một người làm kinh doanh, tôi nghĩ chúng ta có thể áp dụng một số nguyên tắc về quản trị trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tương lai.  

1. Bắt đầu từ đích đến 

Là một trong bảy thói quen hiệu quả của tác giả Stephen R. Covey, đây là một nguyên tắc làm việc khuyến khích bản thân luôn đặt ra những mục tiêu cần đạt được. Hiện nay công tác phòng chống dịch còn nhiều thụ động, chủ yếu truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng để cách ly các F0; chúng ta cần một chiến lược gia để đưa ra một kế hoạch dài hạn trong  tương lai.  

Những mục tiêu Chính phủ mong muốn đạt được sau đại dịch là gì? Và kế hoạch tiếp tục công tác phòng chống dịch Covid-19 trong năm, mười năm tới sẽ như thế nào ? 

Đại dịch Covid xuất hiện và đã thay đổi một cách căn bản cách vận hành của xã hội và thế giới. Đó là một lời nhắc nhở của tự nhiên sau một thời kì phát triển dài và thịnh vượng của nhân loại, sau giai đoạn lầm than của chiến tranh. Chắc hẳn trong tương lai y tế cộng đồng và những vấn đề vệ sinh trong sinh hoạt sẽ là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. 

Chính phủ cần đưa ra một kế hoạch vận hành xã hội sau khi kiểm soát được đại dịch, tiếp tục nhấn mạnh các vấn đề giữ gìn vệ sinh cá nhân và các nguyên tắc giữ khoảng cách, tránh đại dịch bùng phát trở lại.  

Với dân số đông trên 90 triệu dân, chúng ta lường trước những khó khăn  trong công tác dịch tễ, tuy nhiên đại dịch có tính lây nhiễm cao, nên chỉ cần một vài điểm dịch bùng phát sẽ dễ dàng lan nhanh theo dòng người di chuyển trong xã hội.  

Chúng ta cũng cần nhận định rằng ngay cả khi người dân được tiêm vaccine đầy đủ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh, nên rất khó để tiêu diệt hoàn toàn được đại dịch này. Trong lúc đó, Chính phủ vẫn cần vận hành nền kinh tế, người dân vẫn cần tự do di chuyển, nên cần xác định việc sống chung với dịch trong lâu dài.  

Nghĩ về tương lai, chính phủ cần đầu tư trong việc nghiên cứu, thử nghiệm, đưa vào sản xuất đại trà vaccine và các thiết bị y tế. Đại dịch kì  này đã cho chúng ta thấy vẫn còn nhiều hạn chế về thiết bị y tế để sử dụng trong công tác phòng chống dịch, cần tránh lệ thuộc về dài hạn việc  nhập khẩu trang thiết bị.  

Đại dịch kì này là một thách thức cho hệ thống y tế cộng đồng của nước nhà, và là động lực để chúng ta cải thiện công tác trên.  

Trong một thế giới hậu Covid-19, người dân sẽ cần quay lại việc di chuyển  giữa các địa phương, quốc gia, vùng lãnh thổ. Bên cạnh việc tiêm chủng  đầy đủ, có một passport vaccine điện tử thuận tiện cho việc tra cứu dữ liệu theo chuẩn chung của thế giới, việc xét nghiệm ngẫu nhiên vẫn cần  thiết được tiến hành ở các điểm chốt đón nhận di chuyển, ví dụ sân bay, ga tàu lửa. Đo thân nhiệt, xét nghiệm nhanh, và các công nghệ tầm soát  khác cần được triển khai, tránh đưa thêm mầm bệnh vào cộng đồng. Chúng ta hiểu rằng việc bùng phát dịch trở lại dẫn đến gián đoạn vận  hành xã hội và kinh tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng nền kinh tế nước nhà.  

Chúng ta cần lên một kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể trong trường  hợp dịch quay lại. Hiện nay công tác quản lý vẫn còn nhiều lúng túng, đối  phó, bị động; nhiều quyết định, nghị định được đưa ra chồng chéo, chính quyền sở tại chưa có cách xử lý nhất quán, các bộ ngành chưa hợp tác  nhịp nhàng để đảm bảo các yếu tố vận hành bình thường của xã hội.  

Việc giãn cách xã hội kéo dài, tạm ngưng các hoạt động kinh tế để tiện  truy vết F0 chỉ là giải pháp tạm thời; về lâu dài chính sách này sẽ bóp chết các doanh nghiệp, làm nền kinh tế èo uột. Không có nhiều doanh nghiệp có thể tồn tại một cách gián đoạn theo tình hình dịch luôn có nguy cơ  quay lại. Chính phủ cần cân nhắc một chiến lược sống chung với dịch, áp dụng các nguyên tắc phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo việc vận hành  bình thường của xã hội. 

Chúng ta cũng cần xác định sẽ có nhiều thương vong trong đại dịch, với việc tiêm chủng diện rộng sẽ giảm thiểu những tác hại của dịch bệnh trên sức khỏe người dân vô tình mắc phải.  

Một số đề xuất về chiến lược phòng chống dịch Covid-19 trong lâu dài: 

- Triển khai tiêm chủng diện rộng cho toàn dân 

- Đầu tư nghiên cứu phát triển vaccine và sản xuất các thiết bị y tế

- Triển khai các biện pháp xét nghiệm nhanh, xét nghiệm ngẫu nhiên  ở các điểm chốt đón nhận hành khách, như sân bay, ga xe lửa, bến  tàu, v.v…. 

- Cần có kế hoạch vận hành xã hội, kinh tế chi tiết, cụ thể trong trường  hợp dịch bùng phát. Cần đảm bảo việc vận hành ổn định song song  với phòng chống dịch. Hạn chế giãn cách xã hội kéo dài, ảnh hưởng  mưu sinh của người dân 

- Đưa ra bộ nguyên tắc hành động phòng chống dịch Covid-19 đồng  nhất để các địa phương có thể triển khai khi cần thiết 

2. Xác lập các ưu tiên  

Nguồn lực là hữu hạn, cuộc chiến chống Covid-19 là một cuộc chiến kéo  dài. Chính phủ cần xác lập các ưu tiên để tận dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất.  

Số lượng vaccine được nhập về hạn chế về số lượng và bị lệ thuộc về thời gian, trong khi diễn biến phòng chống dịch bệnh vẫn nóng theo từng  ngày. Chính phủ cần xác định nguồn lực nhân sự phòng chống dịch là đối  tượng ưu tiên được tiêm vaccine, để đảm bảo họ có đủ sức khỏe và bảo vệ bản thân khi tiếp xúc gần các đối tượng có nguy cơ. 

Hiện nay việc xác định các đối tượng ưu tiên vẫn còn nhiều hạn chế, đơn  cử như việc đưa người lớn tuổi vào diện được ưu tiên tiêm trước. Mặc dù rất trân trọng chính sách nhân đạo của chính phủ “Không có người nào bị bỏ lại phía sau”, chúng ta nên ưu tiên các liều vaccine quý giá cho lực lượng y bác sĩ, công an, dân phòng tham gia công tác phòng chống  dịch. 

Ngay trong đợt tiêm chủng đầu tiên của quốc gia, các y bác sĩ trong các  mảng bệnh viện công và tư, những người có chuyên môn y tế cần được ưu tiên tiêm chủng trước. Cần hiểu rằng việc tiêm vaccine cần được thực hiện theo 2 liều, và có thời gian cách nhau giữa 2 đợt tiêm để vaccine có  hiệu quả; đó là quãng thời gian quý báu để bảo vệ sức khỏe của các nhân  viên y tế. Tuy nhiên theo tôi được biết, các nhân viên y tế mảng bệnh viện  tư chưa được ưu tiên tiêm chủng, dẫn đến khi Sở y tế thành phố kêu gọi  những nhân sự này cùng tham gia phòng chống dịch, họ chưa được  chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào cuộc chiến. Đó là một sai lầm chiến  thuật và lãng phí về thời gian.  

Nếu chúng ta xác định đây là một cuộc chiến lâu dài, thì ngay từ bây giờ các nhân viên y tế ở các mảng công tư đều cần được tiêm chủng, ngoài ra các sinh viên y tế cũng nên tham gia, vì sẽ có lúc cần các  em tham gia công tác phòng chống dịch trong tương lai.  

Lực lượng nhân viên y tế sẽ là phòng tuyến hàng đầu trong trận chiến kì  này, và việc đảm bảo sức khỏe bản thân cho họ, cung cấp cho họ đầy đủ các thiết bị y tế là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.  

Trong binh pháp, trong một trận chiến kéo dài, quân lương là tối quan  trọng, đảm bảo tinh thần cho lực lượng tham chiến, tuy nhiên hiện nay số lượng thiết bị y tế thiếu hụt nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác của  các bác sĩ; Chính phủ nên đầu tư tiền của vào việc thu mua, nhập khẩu  các thiết bị y tế, phòng hộ ngay lúc này.  

Các đề xuất: 

- Triển khai tiêm vaccine cho tất cả nhân viên y tế, sinh viên y tế trên  khắp cả nước

- Tổ chức đào tạo, chuẩn bị nhân sự cho công cuộc phòng chống  dịch lâu dài  

- Nhà nước đầu tư nghiên cứu và phát triển các nhóm sản phẩm sau:  vaccine nội địa, thuốc chữa Covid-19, bộ xét nghiệm Covid-19, các  thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, v.v… 

- Bên cạnh công tác phòng chống dịch hiện tại, triển khai các phương  án xét nghiệm phòng chống dịch ở các cửa ngõ vào thành phố, địa  phương; giúp tránh đưa mầm bệnh vào cộng đồng 

3. Chọn đúng người đúng việc

Gần đây tôi được nghe nói Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Tổ tư vấn  phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Tôi rất trân trọng nỗ lực  này của chính quyền, chứng minh các lãnh đạo lắng nghe ý kiến từ các  chuyên gia, và sẽ được cố vấn từ kinh nghiệm của các chuyên gia trong  sách lược phòng chống dịch. 

Tuy nhiên tôi khá băn khoăn về thành phần Tổ tư vấn, khi chỉ có đúng một đại diện là chuyên gia trong lĩnh vực y tế, đa phần các cố vấn là từ các mảng hành chính công, kinh tế, luật,... Thiết nghĩ cần nhiều hơn đại diện cho mảng dịch tễ và y tế cộng đồng góp tiếng nói trong công tác  phòng chống dịch.  

Ngoài ra, tại sao chúng ta không mời thêm đại diện từ mảng cộng đồng  doanh nghiệp? Họ là người đang chịu nhiều ảnh hưởng về các chính sách  công phòng chống dịch, mảng kinh tế tư nhân cũng góp phần quan trọng  vào ngân sách của thành phố. Chính quyền cần lắng nghe ý kiến từ cộng  đồng này, đưa ra các chính sách gỡ rối cho doanh nghiệp, để đảm bảo  họ có thể tiếp tục tồn tại sau đại dịch. 

Ngoài ra, chúng ta đừng quên Việt Nam có một cộng đồng các  chuyên gia, tiến sĩ, bác sĩ,... trên khắp thế giới. Đó là một nguồn  lực khổng lồ, một nguồn tri thức quý giá để đóng góp cho các chính  sách trong tương lai. Với sự phát triển của Internet, rất dễ dàng tiếp  cận những đối tượng này và lắng nghe các ý kiến của họ.  

Các đề xuất: 

- Bổ sung đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong nhóm cố vấn các  phương án hồi phục nền kinh tế 

- Bổ sung chuyên gia dịch tễ trong tổ tư vấn 

- Tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến và mời các chuyên gia, nhà  khoa học, bác sĩ gốc Việt trên khắp thế giới tham gia đối thoại, đóng  góp ý kiến 

- Tổ chức một đội ngũ tổng hợp thông tin, các góp ý, đề xuất; để sàng lọc và triển khai các ý tưởng tốt, phù hợp với tình hình hiện tại của  Việt Nam 

4. Bắt chước và phát triển  

Trên thế giới hiện nay đã có khá nhiều điển hình quốc gia xử lý phòng  chống dịch hiệu quả, chính quyền nên có một đội nghiên cứu học hỏi để triển khai tại Việt Nam. Đôi khi việc học hỏi và bắt chước các mô hình  thành công sẽ giúp cắt ngắn thời gian và tăng hiệu quả hơn việc tự nghĩ ra các biện pháp.  

Đơn cử như việc Trung Quốc sử dụng mã QR để phân loại quản lý sức  khỏe người dân, mã màu xanh cho việc tự do đi lại, mã vàng hạn chế đi  lại, mã đỏ cách ly tại nhà. Việc này giúp bảo vệ sức khỏe người dân ở các địa điểm công cộng rất hiệu quả.  

Cách khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng vaccine ở các nước Châu Âu, có kèm phần thưởng tham gia sổ xố tiền mặt.  

Trong lúc chúng ta mải loay hoay nghĩ ra những chính sách rồi phải thay đổi cập nhật, tại sao không học hỏi những điểm hay trong công tác chống dịch của các nước và triển khai tại Việt Nam? 

Chính phủ nên thành lập một đội ngũ nghiên cứu các chính sách và  phương pháp chống dịch của các nước, sau đó chắt lọc những biện pháp hiệu quả và phù hợp với môi trường Việt Nam để tiến hành  triển khai trong nội địa.  

Các đề xuất: 

- Hệ thống quản lý sức khỏe số thông qua mã QR, tương tự Trung  Quốc. Tương lai các địa điểm công cộng sẽ được triển khai các máy  quét QR để đảm bảo khách vãng lai có sức khỏe tốt và được tiêm  vaccine đầy đủ 

- Tổ chức các booth xét nghiệm ở các khu vực công cộng như Hàn Quốc, tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên 

- Khuyến khích người dân tiêm vaccine để có thể tự do di chuyển  trong tương lai 

- Triển khai passport vaccine điện tử như ở Anh và Mỹ

- Tổ chức tổ nghiên cứu chính sách chống dịch của các nước để học  hỏi 

5. Tận dụng nguồn lực cộng đồng

Phương Tây có các khái niệm crowd-funding (Gọi vốn cộng đồng) hoặc crowd-sourcing (Trí tuệ đám đông). Các nhà khoa học tin rằng trí tuệ tập thể sẽ hiệu quả hơn của cá nhân, và sức mạnh của cộng đồng có thể tạo ra những điều kì diệu.  

Chính phủ đã thành công trong việc vận động người dân đóng góp vào  quỹ mua vaccine. Đó là một hình thức gọi vốn cộng đồng. Công cuộc chống dịch là công cuộc của toàn dân. Chính phủ nên tận  dụng nguồn lực của cộng đồng trong việc triển khai các hoạt động chống dịch.  

Các đề xuất: 

- Vận động người dân đóng góp vào quỹ vaccine 

- Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức động viên nhân viên, thành  viên tham gia tiêm vaccine càng sớm càng tốt 

- Vì công cuộc phòng chống dịch sẽ kéo dài, hướng dẫn người dân  tự xét nghiệm tại nhà. Chủ động liên hệ cơ quan có thẩm quyền  để nhận được sự trợ giúp y tế, hướng dẫn tự cách ly ở nhà nếu  bệnh diễn biến nhẹ,… Cách này sẽ hiệu quả hơn tổ chức xét  nghiệm tập trung về lâu dài, giúp chính quyền phản ứng nhanh hơn  để đối phó dịch 

- Tổ chức nhận các góp ý, sáng kiến phòng chống dịch từ cộng đồng,  đặc biệt là cộng đồng các chuyên gia, y bác sĩ trên khắp cả nước  và thế giới 

6. Thời gian là quan trọng

Trong bất kỳ cuộc chiến nào, tốc độ là quan trọng. Có sự chuẩn bị kỹ càng và triển khai thần tốc là chìa khóa dẫn đến thắng lợi. Đơn cử như việc  triển khai vaccine cho các nhân viên y tế ở các mảng công lập và tư nhân,  nếu được triển khai sớm hơn, sẽ tiết kiệm thời gian giữa 2 mũi vaccine, đảm bảo bảo vệ sức khỏe các y bác sĩ trong suốt quá trình phòng chống  dịch.  

Trong thời gian thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực kiểm soát dịch, các thành  phố lớn như Hà Nội cũng nên tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm  cộng đồng để sàng lọc F0. Vì tính lây lan cao của virus, chúng ta nên xác  định mầm bệnh có thể có mặt ở khắp mọi nơi. Trong tương lai, việc di  chuyển của hàng hoá và con người giữa các địa phương sẽ vẫn tiếp tục  diễn ra, nên việc tự sàng lọc, tự bảo vệ của các địa phương là cần thiết,  cắt đứt chuỗi lây nhiễm. 

Các quyết định chính sách, cần cân nhắc giữa hai yếu tố mức độ quan  trọng và khẩn cấp, để được sắp xếp mức độ ưu tiên và triển khai. Dựa  theo nguyên tắc Eisenhower, ưu tiên số 1 là các vấn đề có mức quan  trọng cao và khẩn cấp cao, ưu tiên số 2 là các vấn đề có mức quan trọng  thấp và khẩn cấp cao, ưu tiên số 3 là các vấn đề có mức quan trọng cao  và khẩn cấp thấp, ưu tiên số 4 là các vấn đề có mức quan trọng thấp và  khẩn cấp thấp. Sau khi xem xét các yếu tố trên, việc đưa ra các quyết  định chính sách sẽ dễ dàng và thuận tiện hơn.  

Tình hình diễn biến dịch thay đổi theo từng ngày, đòi hỏi chính quyền cần có sự chuẩn bị tốt, lường trước các tình huống có thể xảy ra. Chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch trước khi tình hình xấu đi.  

Các đề xuất: 

- Triển khai xét nghiệm ngẫu nhiên, xét nghiệm cộng đồng ở các địa  phương. Tiến hành bền bĩ, lâu dài; không cần quá cấp tốc nhưng  ổn định; nhằm sàng lập và chăm sóc sức khỏe các F0, tách mầm bệnh khỏi cộng đồng để tránh lây lan. 

- Các chính sách phòng chống dịch được quyết định dựa trên yếu tố mức độ quan trọng và khẩn cấp. 

- Có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ cho công cuộc phòng chống dịch  Covid-19 trong nhiều năm.  

7. Chống dịch ở thế chủ động 

Việc tiếp nhận các nguồn vaccine ngoại nhập không nằm trong sự quản  lý của chúng ta và lệ thuộc vào thời gian cung ứng của các công ty nước  ngoài và chương trình COVAC của thế giới. Đó là thành quả của nỗ lực  ngoại giao vaccine của Chính phủ. 

Như đã đề cập ở điểm 6, thời gian là quan trọng. Xã hội và kinh tế Việt  Nam, nếu bị gián đoạn vì giãn cách xã hội kéo dài, sẽ dẫn đến nền kinh  tế èo uột, kéo lùi thành quả kinh tế chúng ta đã đạt được trong hàng chục  năm qua.  

Trật tự kinh tế thế giới trong những năm sắp tới sẽ được xác lập dựa trên  nỗ lực phòng chống dịch của quốc gia và tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch. 

Trong công cuộc phòng chống dịch, chính quyền nên ở thế chủ động.  Công tác dịch tễ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chủ động xét nghiệm  ngẫu nhiên, xét nghiệm cộng đồng để sàng lọc F0, khuyến khích người  dân tự chăm sóc sức khỏe bản thân, thực hiện 5K, sẽ là các tiêu chuẩn  mới trong thời kỳ sống chung với dịch trong những năm tiếp theo.  

8. Xã hội hoá công tác phòng chống dịch   

Như đã đề cập ở điểm 5 “Tận dụng sức mạnh cộng đồng” và điểm 6 “Thời  gian là quan trọng”, cần thiết là sự hợp tác giữa các nỗ lực của Chính phủ và sự chung tay của người dân, để công cuộc phòng chống dịch được  triển khai nhanh chóng, hiệu quả.  

Trong hàng chục năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự thành công trong  công cuộc xã hội hóa các ngành giáo dục, y tế. Tại sao không triển khai xã hội hóa việc tổ chức chích ngừa vaccine phòng Covid-19? 

Đơn cử như trường hợp bệnh viện FV tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tự trang bị hệ thống kho lạnh để trữ vaccine, có thể tổ chức triển khai tiêm  chủng diện rộng và số lượng lớn trong thời gian ngắn, đồng thời thương  thảo các nguồn cung cấp vaccine chất lượng. Nhiều bệnh viện tư nhân cũng mong muốn tham gia. 

Để đảm bảo tốc độ triển khai vaccine trong cộng đồng, các tổ chức tư nhân rất cần sự gỡ trói cơ chế, khung hành lang pháp lý, để có thể cùng  tham gia công cuộc phòng chống dịch. 

Trong quá khứ, chúng ta đã cho triển khai tiêm chủng dịch vụ phòng ngừa  uốn ván,… Nếu tình hình dịch kéo dài, tại sao không cho tiêm chủng  dịch vụ ngừa Covid-19? 

Nếu được thực hiện, đảm bảo tiến độ triển khai tiêm chủng vaccine sẽ được nhân đôi so với hiện tại.  

Chúng ta cần nhận thức, việc tiêm chủng không chỉ dừng lại ở hai mũi hiện tại, vì theo thời gian mức độ phòng chống bệnh sẽ giảm sút, đặc biệt với biến chủng Delta hiện tại; sẽ cần tiêm chủng bổ sung trong nhiều năm sau đó; nên rất cần thiết cơ chế tiêm chủng dịch vụ cho tương lai.

9. Triển khai các biện pháp công nghệ thông tin 

Chính phủ cần đẩy mạnh việc triển khai các sáng kiến công nghệ, áp dụng điện tử hóa các phương thức truyền thông trong công cuộc phòng chống  dịch.  

Đơn cử như trường hợp triển khai đường dây nóng hỗ trợ người dân. Mật độ dân số đông, diễn biến dịch phức tạp, đội ngũ tổng đài viên hạn chế, dẫn đến tình trạng dễ dẫn đến nghẽn mạch, khó xử lý lưu lượng cao. 

Nếu chúng ta triển khai đường dây nóng thông qua hệ thống tin nhắn, các phần mềm nhắn tin phổ biến như Zalo, hệ thống có thể xử lý hàng triệu  thông tin trong ngày, thuận tiện cho việc lưu trữ và phân loại thông tin. Đội ngũ điều phối viên sẽ phân loại thông tin và kết nối đến bộ phận phụ trách phù hợp, xử lý nhanh chóng, giảm thiểu các rủi ro sai sót.  

Ngoài ra, còn rất nhiều sáng kiến công nghệ có thể triển khai. Đội ngũ  nhân sự công nghệ thông tin của Việt Nam rất chất lượng, có thể dễ dàng triển khai trong thời gian ngắn dưới sự điều động của Chính phủ. 

Các đề xuất: 

- Tổ chức các cuộc thi sáng kiến công nghệ trong công tác truyền  thông phòng chống dịch Covid-19 

- Triển khai điện tử hóa các phương thức thông tin như đường dây  nóng, khai báo y tế,... 

- Triển khai passport vaccine điện tử 

- Triển khai quản lý sức khỏe số thông qua mã QR 

10. Triển khai chiến dịch truyền thông tích hợp 

Trong quá khứ, Chính phủ đã tổ chức thành công chiến dịch truyền thông  vận động người dân đội mũ bảo hiểm. Tại sao không tiến hành một chiến dịch truyền thông tuyên truyền phòng chống dịch? 

Tâm lý người dân hiện rất hoang mang, lo lắng về tình hình dịch diễn biến  phức tạp. Các nguồn thông tin về tình hình dịch bị phân mảnh, không tập  trung; dẫn đến nở rộ các tin đồn không chính thống gây hoang mang dư  luận.  

Cần thiết có một kênh truyền thông chính thức cập nhật tình hình dịch, giáo dục người dân về việc tự bảo vệ sức khỏe bản thân và người thân, cập nhật các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn,… 

Các đề xuất: 

- Xây dựng cổng thông tin điện tử website cập nhật các nỗ lực của  Chính phủ trong công tác phòng chống dịch, ngoại giao vaccine,...

- Đối với các tỉnh thành, thành phố lớn với diễn biến dịch phức tạp, ví dụ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, có thể phát triển cổng thông tin  điện tử riêng cập nhật tình hình hoạt động tại địa phương. 

- Chủ động tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục người dân về dịch Covid-19, giải đáp các thắc mắc và hiểu lầm thường gặp, hướng dẫn bảo vệ sức khỏe bản thân và phòng chống lây nhiễm,… 

- Xây dựng thông điệp tích cực, để người dân yên tâm chung tay với  Chính phủ phòng chống dịch 

11. Sống chung với dịch 

Giãn cách xã hội và xét nghiệm diện rộng để sàng lọc F0 chỉ là giải pháp  tạm thời. Dịch bệnh Covid-19 lây truyền qua không khí, nên dù thành công  trong việc sàng lọc F0 trong cộng đồng, thì nguy cơ dịch bệnh quay lại  vẫn tồn tại. Điều tốt nhất trong khả năng của chúng ta là kiềm chế dịch  bệnh lan rộng, phản ứng nhanh xử lý các ca bệnh trong cộng đồng, đồng  thời tổ chức tiêm chủng diện rộng, hướng dẫn người dân đối phó với dịch  bệnh.  

Chúng ta cần đặt ra câu hỏi: liệu giãn cách xã hội trong bao lâu? 6 tháng?  1 năm? Đến khi nào mới hoàn toàn loại bỏ được hết mầm bệnh? 

Xã hội vẫn cần mở cửa hoạt động trở lại, các hoạt động kinh tế cần được  tiếp diễn, để đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo sự bền vững của nền kinh  tế trong công cuộc chống dịch lâu dài. “Có thực mới vực được đạo”. 

Chúng ta nên thay đổi mục tiêu chiến lược từ sàng lọc tất cả mầm bệnh  trong cộng đồng sang làm cách nào có thể sống chung với dịch và bảo  đảm sức khỏe của người dân. 

Sau đây là tóm tắt một số đề xuất về xã hội Việt Nam sau đại dịch:

- Triển khai tiêm chủng diện rộng trên toàn dân 

- Nỗ lực sớm đưa xã hội và nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường trong môi trường mới 

- Khuyến khích người dân tiếp tục thực hiện chủ trương 5K - Nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa, các thiết bị y tế - Chuẩn bị đào tạo đội ngũ y bác sĩ phòng chống dịch 

- Triển khai theo dõi sức khỏe số bằng mã QR 

- Triển khai passport vaccine điện tử

- Hướng dẫn người dân tự xét nghiệm tại nhà khi có nghi vấn. Liên  hệ cơ quan y tế để nhận chăm sóc sức khỏe 

- Xã hội hóa tiêm chủng vaccine 

- Xây dựng các khu chữa trị Covid-19. Đối với các ca F0 nhẹ hoặc  không có triệu chứng, có thể cho cách ly dịch vụ tại các khách sạn  được trưng dụng, có nhân viên y tế tại chỗ. Việc này sẽ giảm tải cho  các bệnh viện.  

- Kiểm soát, tầm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu thành phố, địa  phương 

- Tiếp tục thực hiện công tác ngoại giao vaccine 

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.