Bài viết này được chuyển ngữ từ phần trả lời của Nela Canovic trên Quora.
Không phải cái gì tôi cũng đọc, và tôi cũng chẳng muốn làm thế. Tôi nhận ra rằng để có thể tập trung đọc một quyển sách, tôi cần phải dành thời gian và tạo ra một mối liên kết với quyển sách đó. Tôi cũng muốn tập trung vào yếu tố chất lượng thay vì số lượng.
Ví dụ, thay vì đặt ra mục tiêu phải đọc bao nhiêu quyển sách trong một tuần hay một tháng, thì tôi sẽ dành thời gian để chú trọng vào nội dung hơn: tác giả có phát triển nội dung sách tốt không, công sức của tác giả bỏ ra để viết tác phẩm này có đáng ngưỡng mộ không, tác phẩm này có mang đến tác động tích cực nào cho tôi không, thậm chí là liệu đọc quyển sách này có khiến tôi thấy hạnh phúc không.
Hơn nữa, có hàng ngàn những danh sách đề cử với tiêu đề như “Những quyển sách kinh điển phải đọc" hay “Những quyển sách cần đọc trước 30 tuổi", và nếu tôi bắt bản thân phải lướt qua hết mấy danh sách best-seller thì chắc mất cả ngày và tôi sẽ chẳng còn thời gian cho việc viết, đi bộ, vẽ, làm bữa tối, hay cho bản thân không gian để chỉ suy nghĩ. Những điều này cũng cần thời gian mà.
Nên tốt hơn là đặt lại tiêu đề thế này:
Làm thế nào để có thời gian đọc những thứ quan trọng với bạn?
1. Dù là sách hay một bài báo, trước khi đọc hãy luôn tự hỏi, “Tại sao mình phải đọc thứ này?”
Có thể ai đó đề cử cho bạn, hoặc bạn tự tìm thấy trong một danh sách đọc nào đó trên trang web bạn hay ghé thăm. Tới đây, hãy đặt ý kiến của người khác sang một bên, và tập trung vào ý kiến của riêng bạn. Quyển sách này có được viết bởi người bạn tôn trọng không? Bạn có bị kích thích trí tò mò chỉ từ nhan đề của quyển sách không? Bạn có thấy vấn đề trong sách có hấp dẫn hay đặc biệt hữu ích với bạn không? Bất kể lý do là gì, thì kết nối giữa bạn với thứ bạn đọc quan trọng hơn cả.
2. Tạo thói quen đọc
Dành riêng ra một khoảng thời gian trong ngày (bất kì lúc nào từ 30 phút đến 1 tiếng). Đây là khoảng thời gian mà bạn biết chắc rằng không có gì xen vào và quấy nhiễu được. Không cần phải vội vã đến lớp, họp hành, làm việc hay chạy việc vặt.
Nếu bạn có thể nhét thời gian đọc sách vào sáng sớm, trước khi bị xoáy vào guồng quay hằng ngày, cứ làm đi; nếu không, thì để vào buổi chiều hoặc trước khi đi ngủ cũng được. Điều này giúp bạn lên kế hoạch trước để hoàn tất các đầu việc, và vì thế không cần phải đánh đổi việc đọc sách để làm thứ gì khác.
3. Biến việc đọc thành một nghi thức thiêng liêng
Biến việc đọc thành thứ khiến bạn trông chờ để được làm mỗi ngày, chứ không phải như việc nhà mà mẹ bạn buộc bạn phải làm.
Khi thời gian đã điểm, hãy tránh xa khỏi máy tính, làm một cốc cà phê hay tách trà cho bản thân, lấy thêm một thanh sô cô la ngon lành hay một gói bim bim, rồi đọc thôi (hoặc nếu bạn chọn đọc sáng vào buổi sáng, thì cứ tranh thủ đọc lúc ăn sáng nhé), chọn một bài nhạc thư giãn, và mang tai nghe vào để bạn có thể đọc sách trong yên bình.
4. Tại ứng dụng Goodreads
Đây là cách nhanh nhất và dễ nhất để giữ vững thói quen đọc sách. Ứng dụng này sẽ giúp bạn khám phá ra những quyển sách và tác giả mới dựa trên độ yêu thích cá nhân của bạn (có thể theo thể loại, chủ đề, hay tác giả). Ứng dụng này cũng cung cấp các tóm tắt nội dung ngắn và hữu ích, nên nó sẽ giúp bạn biết được là bạn có muốn đọc quyển sách đó không. Bạn cũng có thể cập nhật trạng thái đang đọc sách gì và có những quyển nào trong mục “muốn đọc” của bạn.
5. Tìm một nơi mà bạn không bị xao nhãng
Nếu bạn đang học bài hay làm việc từ xa, nơi đó có thể là giường của bạn, một chiếc ghế sofa thoải mái, hay một cái ghế bành cỡ lớn. Nếu bạn dành bữa trưa ở thư viện, thì có thể chọn một cái bàn nằm tuốt phía trong góc, cạnh tường, để không bị người khác đi qua lại làm xao nhãng. Nếu bạn thích đọc ngay sau giờ làm việc, thì có thể chọn một cái ghế dài trong công viên gần chỗ làm hay một tiệm cà phê gần đó.
6. Tránh xa sự xao nhãng
Đặt điện thoại ở chế độ máy bay để tránh các cuộc gọi và tin nhắn, hay tắt âm lượng và đặt điện thoại sang một bên. Hãy để những người chung nhà biết bạn đang đọc sách. Và đừng làm nhiều việc một lúc: để thực sự tập trung vào nội dung đang đọc thì đừng kiểm tra email, lướt mạng, nghe tin tức, xem bóng đá, hay lâu lâu lại quay sang “tám” chuyện với người ngồi bên cạnh. Đây là thời gian riêng tư và bạn nên tận hưởng trọn vẹn thời khắc này.
7. Ghi chú những ý quan trọng
Khi bạn đọc, luôn mang bên mình một quyển sổ và cây bút để ghi lại những gì bạn thấy thú vị, khơi dậy suy nghĩ, hay ghi chú lại những ý tưởng của bạn về cách áp dụng những gì học được vào cuộc sống. Có thể chỉ là danh sách gạch đầu dòng ngắn gọn tương tự như một đề mục mà thôi. Việc này sẽ giúp thúc đẩy trí nhớ, và về sau giúp bạn gợi nhớ lại những chi tiết đã đọc được, cũng như nhắc bạn nhớ lý do quan trọng để bạn ghi chú lại ý này.