Nuôi dưỡng cảm xúc như đứa trẻ trong bụng mẹ | Vietcetera
Billboard banner
Vietcetera
29 Thg 06, 2021
Chất Lượng Sống

Nuôi dưỡng cảm xúc như đứa trẻ trong bụng mẹ

Trải nghiệm khi mang bầu có nhiều điều thú vị. Trải nghiệm với cảm xúc cũng vậy. Hai thứ tưởng chẳng liên quan mà hóa ra cũng có nhiều tương đồng hay ho.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing - Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Trải nghiệm khi mang bầu có nhiều điều thú vị. Trải nghiệm với cảm xúc cũng vậy. Chúng ta cùng xem hai thứ tưởng chẳng liên quan mà hóa ra cũng có nhiều tương đồng hay ho này nhé!

Chịu trách nhiệm với cảm xúc

Trừ một số trường hợp bất khả kháng rất hiếm, thì thông thường, mang trong mình một thai nhi là việc mình tự làm tự chịu. 

Với cảm xúc cũng vậy. 

Chúng ta thường đổ lỗi cho hành động của người khác là nguyên nhân dẫn đến cảm xúc của mình (cô ấy nói những lời làm cho tôi buồn, anh ấy có những hành động khiến tôi tức giận). Nhưng thật ra, nó đến từ chính bên trong chúng ta và chúng ta mới là người phải chịu trách nhiệm cho những cảm xúc đó.

Bắt đầu bằng việc đặt tên cho cảm xúc

Khi phát hiện hai vạch, một trong những thứ chúng là làm đầu tiên là nghĩ về tên của đứa trẻ. Bạn mình kể, con nó tên Mè. Từ những ngày đầu tiên em bé hình thành thì mẹ bé đã “hành” ba bé rất nhiều. Khi đó ba bé hay mắng yêu: “Mới bé tí bằng hột mè mà đã vậy rồi heng!”. Thế là tên Mè ra đời từ đó. Một đứa bạn khác thì kể, khi có bầu con, tớ chỉ thèm bánh mì, ngày nào cũng phải ăn ít nhất một ổ, nên tớ gọi luôn con tớ là Bánh Mì. Dù chưa biết giới tính đứa trẻ trong bụng, nhưng dựa vào một số đặc điểm nào đó, chúng ta đã âu yếm gọi bằng một cái tên. 

Đặt tên tưởng dễ mà khó. Ba mẹ thường hay lên mạng tìm kiếm “Tên hay cho con trai”, “Tên ý nghĩa cho con gái” hay là “Những nickname dễ thương cho con trai con gái”. Cũng có thể là khi xem một bộ phim, đọc một cuốn tiểu thuyết, hay ngưỡng mộ nhân vật đó ở đời thực, mà ba mẹ ghi nhớ lại và theo đó đặt tên cho con mình.

Với cảm xúc cũng vậy.

Hãy quan sát những dấu hiệu mà cảm xúc mang đến, và gọi tên cảm xúc đó. Giả sử nó mang đến cho mình sự bồn chồn không yên, mình tạm gọi nó là Lo Lắng. Hay nó khiến mặt mình đỏ bừng lên, tìm đập thình thịch, có một cục gì đó như to ra và đẩy lên đến tận cổ họng, có thể đặt tên nó là Tức Giận. Hoặc giả mình thấy người lâng lâng, răng thì cứ nhe ra cả hàm, còn đầu chỉ nghĩ về những điều tốt đẹp, thì tên của nó sẽ là Hạnh Phúc. 

Thường có 2 loại giới tính để tra cứu tên, với cảm xúc thì chia làm 6 loại lớn: Anger – Tức giận, Fear – Sợ hãi, Disgust – Kinh tởm, Happiness – Hạnh phúc, Sadness – buồn bã và Surprise – Ngạc nhiên. Trong mỗi loại sẽ có nhiều cảm xúc khác nhau theo cung bậc, mà chúng ta cần tìm tòi thêm về dấu hiệu nhận biết của từng loại để gọi tên cho đúng. Để làm được điều này, chúng ta cũng cần đọc, quan sát, ghi nhận và làm giàu thêm vốn từ vựng cảm xúc từ khắp mọi nơi. Có như vậy, khi cần gọi tên tên cảm xúc, chúng ta mới có sẵn danh sách để dò tìm.

Thể hiện cảm xúc

Chúng ta thường chia sẻ về đứa trẻ trong bụng với mọi người. Có đôi khi mình không muốn nói với ai, nhưng cuối cùng thì bụng cũng to ra và mọi người đều biết. 

Với cảm xúc cũng vậy.

Cách tốt nhất là đừng nên che giấu. Nếu muốn không cho ai đó biết đi chăng nữa, thì chí ít cũng đừng che giấu với chính bản thân mình. Hãy luôn tự hào về cảm xúc đó. Bởi lẽ, ai cũng có những cảm xúc khác nhau và cảm xúc nào cũng mang đến những thông điệp giúp bản thân mình phát triển.

Quan sát cảm xúc

Chúng ta luôn theo dõi những chuyển động cùng sự lớn lên của đứa trẻ trong bụng. Ngoài hình ảnh siêu âm, còn có nhịp tim, nhịp đạp và những cơn gò. Khi em bé cần loại chất dinh dưỡng nào, mẹ có thể sẽ thèm ăn thứ đó. Khi em bé đạp nhanh, có thể em đang vui vì được nghe nhạc. Khi bé đạp mạnh, đó là lúc em nghe tiếng bố đang trò chuyện với mình và muốn hồi đáp lại. Có những giai đoạn mà người mẹ cần theo dõi nhịp đạp của con, nếu cả ngày không thấy con đạp thì có thể là con cảm thấy không khỏe.

Với cảm xúc cũng vậy.

Cảm xúc luôn mang đến cho chúng ta một thông điệp nào đó gửi đến từ trái tim. Vì thế, việc quan sát, theo dõi để nhận biết những thông điệp đó là điều vô cùng quan trọng. Khi chúng ta thấy mình tức giận hoặc buồn bã vì một sự việc, nghĩa là có nhu cầu nào đó của chúng ta đang không được đáp ứng. Đó có thể là nhu cầu được tôn trọng, được che chở, được yêu thương, được lắng nghe… mà chúng ta cần phải quay vào bên trong, làm việc với chính mình để cảm nhận chúng một cách trọn vẹn nhất.

Giải quyết nhu cầu

Khi mẹ bầu thèm ăn thì nhất định là sẽ lăn vào bếp nấu hoặc í ới gọi anh chồng mua ngay. Khi mẹ bầu cảm thấy hình như em bé trong bụng không được khỏe thì tự điều chỉnh nhịp sinh hoạt hàng ngày cho phù hợp hoặc tìm gặp bác sĩ để thăm khám. Khi mẹ bầu cảm nhận em bé vui vì được nghe nhạc hoặc được trò chuyện với bố, chắc hẳn sẽ duy trì hoạt động này thường xuyên hơn.

Với cảm xúc cũng vậy.

Khi chúng ta hiểu được thông điệp của cảm xúc, hãy tìm cách đáp ứng nhu cầu mà bản thân đang cần. Nếu muốn ai đó lắng nghe mình, yêu thương mình, trân trọng mình, bảo vệ mình… hãy thủ thỉ với họ về điều đó, một cách rõ ràng, bằng nghĩa đen, không bóng gió. Đừng lo lắng về chuyện lỡ mình nói ra rồi họ không làm theo thì sao. Bởi vì chỉ cần thổ lộ nhu cầu thôi, bản thân mình đôi khi cũng đã thỏa mãn được rất nhiều phần rồi. Mà, nếu người ta không hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của mình, như lúc mẹ bầu thèm ăn í ới anh chồng mà ảnh bận quá thì sao? Thì tự đặt món giao tận nơi trong nháy mắt chứ sao. Hiểu mình và tự đáp ứng nhu cầu của mình chính là “đỉnh của chóp” trong việc định hướng cảm xúc bản thân tích cực đấy.

9 tháng thai nghén tương đương 9 giây cảm xúc

Từ khi mang nặng đến lúc đẻ đau cần thời gian 9 tháng. Thỉnh thoảng cũng có bé sinh non ở thời điểm 7 hoặc 8 tháng và lớn lên khỏe mạnh bình thường, sớm hơn nữa thì khá nguy hiểm. Trong suốt thời gian đó, mẹ bầu luôn được hướng dẫn các bài tập hít thở để có một thai kỳ khỏe mạnh và giảm bớt cơn đau khi sinh.

Với cảm xúc cũng gần như vậy.

Cảm xúc từ lúc dâng trào đến khi vỡ òa ra cũng cần 6 giây theo các nghiên cứu. Với mình, mình hào phóng cho hẳn 9 giây để bản thân có đủ thời gian hít thở, trải nghiệm, tận hưởng cảm xúc. Sẽ không tốt nếu để cảm xúc “sinh non” khi mình chưa hít thở đủ sâu và cảm nhận đủ lâu. Cũng không nên đè nén làm nó kéo dài ra thêm, bởi “chửa trâu để lâu càng khổ”.

Kết

Khi cảm xúc dâng trào, hãy dành 9 giây để hít thở và nghĩ về trải nghiệm thai nghén ở trên, trước khi “hạ sinh” nó ra và để cho “cái bụng” mình trở lại bình thường. Hoặc, nếu lúc đó chẳng nghĩ được gì cả, thì hít thở và đếm từ 1 đến 9 thôi cũng có thể giúp mình rất nhiều. 

Bạn hãy thử nhé!

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.