Thử tìm kiếm cụm từ "em bé rơi từ chung cư" trên Google, ta dễ dàng tìm thấy rất nhiều kết quả, cực kì chi tiết từng trường hợp nạn nhân. Nếu dành thời gian đọc từng trường hợp, ta sẽ thấy tất cả đều có chung những điểm như sau:
- Các nạn nhân đều là các em bé trong độ tuổi 3-5.
- Hoàn cảnh xảy ra tai nạn đều na ná nhau: bé ở nhà chung cư cao tầng, leo trèo ra ban công/cửa sổ và rơi xuống.
- Bé không có người lớn ở bên cạnh trông nom, để ý.
Giờ, thử tìm kiếm từ khoá tiếp "giải pháp nào cho những em bé rơi từ chung cư", ta tìm được những kết quả như thế nào? Tôi sẽ để cho các bạn - những ai quan tâm đến vấn đề này tự đi tìm và có câu trả lời của mình.
Bản thân tôi cũng đã đi tìm, vì tôi muốn biết xem người lớn chúng ta đã làm gì, đang làm gì để chấm dứt tình trạng này. Tại sao cứ vài tháng nửa năm lại có một bài báo đưa tin em bé ở đây rơi, em bé ở kia ngã từ trên cao xuống đất? Và đúng như tôi nghĩ, toàn là những giải pháp mà các cụ ta gọi là mất bò mới lo làm chuồng. Tôi tin chắc bố mẹ của những em bé nạn nhân kia nếu được hỏi, chẳng ai là không biết đến những biện pháp phòng ngừa và giữ an toàn cho trẻ cả. Còn nếu như không biết, thì đúng thật họ đã quá vội vàng làm cha làm mẹ khi chưa sẵn sàng.
Nếu những biện pháp đó hiệu quả, tại sao chỉ mới vài ngày trước đây thôi, lại thêm một em bé nữa rời khỏi thế giới này bằng cách... nhảy xuống? Nếu như tất cả những giải pháp người lớn chúng ta nghĩ ra cho mọi vấn đề đến từ con trẻ, từ trước đến nay, có được tác dụng thực sự như ta mong muốn, vậy thì tại sao cứ mỗi năm đến hẹn lại lên, chúng ta vẫn thấy có những "mùa" xâm hại tình dục, những "mùa" học sinh bị bỏ quên trên xe buýt, những "mùa" các em bé "thi nhau" "rơi tự do"? Phải chăng khi động não để tìm ra giải pháp, chúng ta đã đặt sai mục đích hay phải chăng cách tiếp cận vấn đề của chúng ta chưa được ổn thoả?
Là người làm việc với trẻ trong độ tuổi 0-3 gần 10 năm, một trong những start-up đồng thời là đam mê lớn nhất của tôi, cũng là mô hình tổ hợp dịch vụ đầu tiên dành cho bé dưới 3 ở Việt Nam, 5 năm kinh nghiệm tương tác trực tiếp với hơn 6000 em bé và bố mẹ khắp mọi vùng miền Tổ quốc, tôi thực sự đau đáu đi tìm câu trả lời cho tất cả những vấn đề mà các gia đình đang đi tìm giải pháp, đang loay hoay áp dụng giải pháp, hay đang bế tắc không biết bắt đầu từ đâu.
Gần 2 năm qua từ khi Covid xuất hiện, tôi đã có cơ hội để quan sát, thực hành, chiêm nghiệm, và cả rút kinh nghiệm những gì tôi đã và đang theo đuổi - trở thành người đồng hành cùng cha mẹ dưỡng dục trẻ 0-3. Với triết lí RIE (Resources for Infant Educarers) và ứng dụng từ sensory play (hoạt động phát triển giác quan), tôi tin là mình đã tìm ra giải pháp tận gốc cho mọi câu hỏi mà chúng ta đang có, liên quan đến mọi khía cạnh xung quanh một đứa trẻ. Tôi và những người mẹ - đồng nghiệp - chị em - bạn bè - cộng sự trong 2 năm qua đã cùng nhau áp dụng "giải pháp" này, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ và đồng hành cùng nhau 7 ngày/tuần, 365 ngày/năm để rút ra kết luận là chúng tôi đúng.
Là một người mẹ, tôi không khỏi đau xót mỗi khi đọc thấy tin một đứa bé chạc tuổi con mình, ở đâu đó ngoài kia, vì một lí do gì đó, đã không còn tiếp tục những trải nghiệm, khám phá trên trái đất này. Nếu như không phải vũ trụ sắp đặt để tôi bén duyên với cái nghề-tự-tôi-đặt-tên-và-theo-đuổi, có lẽ tôi cũng sẽ như bao người mẹ khác, sẽ sớm quên đi nỗi đau không phải của mình, vì rằng chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, những trường hợp xấu sẽ chỉ xảy ra đâu đó bên ngoài tổ ấm của ta mà thôi.
Tôi đang đi từng bước trên hành trình đồng hành cùng những con người thật, những tình huống thật, những đối tượng mà tôi thật sự muốn giúp đỡ, là những bố mẹ có con ở độ tuổi 0-3 đang gặp nhiều vấn đề khác nhau trong công việc làm cha mẹ của mình. Chỉ có điều, cứ mỗi khi tin tiêu cực nổi lên, tôi lại không khỏi đau xót vì thấy mọi thứ ngoài kia vận hành quá nhanh, quá tàn nhẫn đối với những đứa trẻ chỉ mới đến với thế giới này. Tôi thật sự chỉ muốn hét lên thật to “Hãy chậm lại, lắng nghe tôi”...nhưng, cũng giống như tiếng gào thét bên trong của những đứa trẻ là nạn nhân kia, hầu như tôi không nhận lại được mấy phản hồi ngoài những nút like hay thả tim ở trên mạng xã hội.
Nhưng, với những gì chúng tôi đã và đang thực hành, áp dụng trong chính cuộc sống của mình, tôi vẫn tin là câu chuyện của mình sẽ tìm được người muốn lắng nghe, cũng giống như đứa bé rơi tìm được người đàn ông cứu mạng vậy. Cứ tin là được, phải không?