Phấn đấu để trở nên ‘bình thường’ | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 06, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Phấn đấu để trở nên ‘bình thường’

Bạn có bao giờ trăn trở và buồn phiền vì mình quá 'bình thường' so với người khác?

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Chúng ta đang sống trong một thời đại nơi mà sự ‘xuất sắc’, ‘đặc biệt’ và ‘tài năng’ đang được ca ngợi và hô hào hơn bao giờ hết. Và sự ‘trung bình’ dần trở thành một lời nguyền mà đa số đều e sợ và né tránh. Hoặc là bạn đặc biệt tài năng. Hoặc là bạn đặc biệt tệ hại. Vậy chỗ nào cho chúng ta - những người đang chật vật trong sự ‘bình thường’ của chính mình? 

1. Sự bình thường là gì?

Hãy thử tưởng tượng mức độ tài năng, giàu có hay thành công của mỗi con người được đo lường bằng một thước thẳng trải dài mà điểm bắt đầu của nó là “Vô cùng tệ hại” và điểm kết thúc là “Đặc biệt phi thường”. Sự ‘trung bình’ hay ‘bình thường’, hiểu đơn giản, chính là đoạn thẳng ở giữa của thang đo ấy, không quá xuất sắc, cũng chẳng quá tệ lậu, nhưng lại chiếm phần lớn nhất trong tất cả. Hay ít nhất, đó là thứ mà mọi người vẫn thường nghĩ. 

Một điều quan trọng mà tôi nghĩ hiếm khi được đề cập đến khi nói về sự ‘bình thường’ hay ‘phi thường’ đó là việc chúng đều là những khái niệm mang tính tương đối. Một người có thể rất bình thường và nhàm chán khi được đặt trong mối tương quan với một nhóm người này, nhưng hoàn toàn có thể là một con người phi thường, xuất sắc và tài năng ở một nhóm người khác. 

Tương tự, sự bình thường hay phi thường còn dựa vào thang đo riêng của mỗi người. Trên mỗi thang đo riêng biệt, mà một con người có thể trở nên đặc biệt xuất sắc, hoặc vô cùng thảm hại hay rất đỗi bình thường. Điều đáng tiếc là mỗi chúng ta đều chịu sự chi phối quá nhiều từ những thang đo mà xã hội áp đặt cho mình, khiến mỗi người đều bất lực và mông lung, tin rằng mình cần ‘thoát ly’ khỏi sự bình thường để sánh vai với hình tượng ‘thành công rực rỡ’ mà xã hội đang hô hào và tán dương.

2. Vậy, bình thường có thật sự xấu xa như bạn nghĩ?

Không ai sinh ra đã trở nên đặc biệt. Và kể cả khi chúng ta có thật sự trở nên đặc biệt ở một lĩnh vực nào đó, chúng ta vẫn đều rất đỗi bình thường ở hầu hết các khía cạnh khác trong cuộc sống. Một học sinh có thể rất xuất sắc trong việc học, có thể đã đạt được những thành tích vô cùng đáng nể và tự hào, nhưng lại chật vật khi nấu ăn hay xây dựng các mối quan hệ yêu đương. Đó là một điều bình thường.

Bản thân mỗi ai trong chúng ta đều không thể phi thường hay xuất sắc ở mọi thứ trong cuộc sống. Khi mỗi cá nhân đều có quỹ thời gian và năng lực giới hạn, chúng ta không thể phân phối chúng cho tất cả mọi hoạt động. Thế nhưng để thật sự xuất sắc và nổi bật ở một lĩnh vực nào đó cần một mức độ đầu tư về thời gian và công sức đáng kể. Như Malcolm Gladwell đã từng đề cập trong quyển sách "Outliers" được xuất bản năm 2008, “chúng ta cần 10.000 giờ để thật sự trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó”. Vì thế, chỉ cần tập trung vào lĩnh vực bạn thực sự đam mê và có khả năng, việc là một người vô cùng bình thường hay thậm chí ‘dưới mức bình thường’ ở các khía cạnh khác cũng thật sự không đáng để bận tâm. 

3. Vậy nếu tôi cũng rất bình thường ở lĩnh vực mình đã chọn thì sao?

Đây có lẽ là nỗi băn khoăn của không ít người. Ngay cả bản thân tôi cũng đã từng hoài nghi chính năng lực của bản thân những ngày đầu tiên bước vào cấp ba. Vốn dĩ những năm tháng học cấp hai đã khiến tôi nghĩ rằng mình thật sự rất xuất sắc trong việc học tập, đặc biệt là ở môn mình quyết định theo học chuyên ở cấp ba. Thế nhưng khi thật sự được bước vào ngôi trường mình mơ ước, được theo đuổi môn học mình đam mê, và được gặp gỡ những người vô cùng xuất sắc, tôi đã cảm thấy rất tệ về sự bình thường của bản thân. Và rồi sau một khoảng thời gian học tập như vậy, tôi cũng đần nhận ra việc làm một người bình thường trong lĩnh vực mình tâm huyết cũng không tệ như mình nghĩ. Thật ra, nó còn là một điều đáng mừng. Bởi lẽ điều đó có nghĩa bạn vẫn còn có nhiều không gian để có thể cải thiện và phát triển bản thân. 

Như tôi đã nói, sự bình thường hay phi thường vốn có tính tương đối. Việc vốn dĩ tôi cảm thấy bình thường trong môi trường học tập hiện tại của mình là vì tôi đã được ở cạnh những người thật sự xuất sắc và tài giỏi. Và việc trở nên bình thường trong môi trường ấy không đáng để ta thấy xấu hổ, mà càng là động lực lớn lao để nỗ lực phát triển bản thân hơn. Thật ra, việc thấy mình là người bình thường không đáng sợ bằng việc cảm thấy bản thân đã thật sự xuất sắc và phi thường. Bởi lẽ khi chúng ta tự cảm thấy bản thân đã phi thường, chúng ta sẽ ngừng cố gắng để vươn lên.

Sự ‘phi thường’ có lẽ là thứ mà hiếm ai trong chúng ta có thể với tới. Nhưng nỗ lực để trở nên bình thường có lẽ là điều mỗi người đều có thể thực hiện được. Mỗi khi chúng ta cảm thấy mình thật sự xuất sắc và nổi bật, hãy cố tìm môi trường mới, một vùng trời mới, những con người mới  để thứ mà chúng ta nghĩ là xuất sắc và phi thường của bản thân trở thành một sự bình thường. Chỉ có thế chúng ta mới có thể tiếp tục cố gắng, không phải để trở nên phi thường, mà để nâng cấp sự ‘bình thường’ của chính mình.