Tại sao mình lại bỏ việc? | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 06, 2021
Kinh DoanhVăn Hoá Đi Làm

Tại sao mình lại bỏ việc?

Đã có khi nào, bạn cân nhắc đến chuyện nghỉ việc chưa?

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Mình theo đuổi ngành tài chính - ngân hàng từ đại học, cao học và 5 năm sau khi ra trường. Tuy nhiên, cách đây 3 năm, mình đã quyết định đổi ngành, đổi việc sau khi thử đủ các vị trí từ back tới front của Ngân hàng trong lẫn ngoài nước.

Trong thời gian này, để chuyển đổi công việc chắc chắn, bạn sẽ phải cân nhắc hơn rất nhiều, nhưng đây là những câu mình từng nói với bản thân:

1. Bạn nghỉ việc không cần sự đồng ý, thông qua của bất kì ai

Khi thông báo mình sẽ nghỉ việc, bạn bè của mình có người sẽ nói “Mày thật dũng cảm, tao ủng hộ mày”, hoặc “sao mày liều thế”, “con này mày điên quá”,…

Thực sự mình cũng chỉ coi đó như một thông báo, ý kiến của mọi người dù thế nào cũng không khiến mình thay đổi quyết định, bởi mình vẫn sẽ là người chịu trách nhiệm cho quyết định của mình chứ không phải ai khác.

Ngẫm lại thì bản chất của con người khi làm việc, hỏi ý kiến nhiều khi mong chờ một sự ủng hộ, sự đồng tình kể cả khi đã có câu trả lời. Tin mình đi, bạn không cần quá nhiều sự ủng hộ, đồng tình để làm điều mình muốn, quan trọng là bạn sẽ làm chủ và chịu trách nhiệm cho quyết định của mình.

2. Bạn lo sợ không biết mình sẽ đi đâu về đâu khi nghỉ việc

Thử tưởng tượng bạn có sợ coi phim ma không? Mình thì có.

Nếu xem phim ma mà tới mấy cảnh kinh dị âm thanh dồn dập chờ ma nhảy ra nhiều khi mình bịp tai ti hí mắt, nhưng mình vẫn xem tiếp. Bởi lẽ cảm giác hồi hộp, kích thích, tim đập nhanh lại khiến mình muốn xem tiếp.

Thực ra nghỉ việc khi chưa có việc khác cũng không đáng sợ như mọi người nghĩ. Mình có may mắn là chỉ cần lo cho bản thân mình chứ chưa cần trợ giúp kinh tế gia đình nên nhu cầu càng ít, tiết kiệm đảm bảo có thể sống trong tầm 3-6 tháng (xin trợ cấp thất nghiệp mình sẽ hướng dẫn sau), cho mình một khoảng thời gian thử học, thử làm những việc trước giờ định mà chưa bao giờ làm.

Đối với mình ngày đầu tiên ngay sau nghỉ việc, ngồi trước máy tính lên kế hoạch mình cũng rất háo hức. May mắn tìm được người bạn đồng hành hợp cạ, mình đã có chuyến du lịch xuyên Việt bằng tàu hoả, bằng cách xin tài trợ chuyến đi của chúng mình có được vô vàn điều đáng quý, đi về càng thêm nhiều ý tưởng để làm. Có thể nói quãng thời gian sau khi nghỉ việc mình không hề nhàn hơn, vẫn rất bận rộn với kế hoạch, ý tưởng, thực hiện tuy nhiên đây là quãng thời gian mình cảm giác tươi mới nhất, học, trải nghiệm được nhiều điều mới mẻ mỗi ngày.

Vậy mới thấy nỗi sợ cũng không hề đáng sợ mà ngược lại, kích thích sự sáng tạo và tiềm năng vô hạn của con người, tự mình vận động với con đường mới mẻ phía trước.

3. Bạn không thể biết khi chưa thử

Nghe thì hơi sến nhưng đây là sự thật. Thừa nhận thêm là mình không hề chán ghét môi trường đồng nghiệp cũ, mọi người cực kì tốt nhưng bản chất của công việc là như vậy, người nhân viên là một con vít, một mắt xích tốt trong toàn thể bộ máy vĩ đại. Tuy nhiên một phần lớn công việc của mình là việc hành chính – mình hay gọi đùa là quét nhà, khiến mình cảm thấy chưa phù hợp và không cảm thấy được thử thách. Nhưng nếu nghỉ việc liệu mình còn có thể làm gì?

Bạn không thể ngồi nghĩ mà không làm. Bạn phải làm đi, thử đi, và thậm chí thất bại nữa.
Một vài dự án của mình được làm việc cùng với các bạn trong môi trường start up, khiến mình một lần nữa thấy đúng đắn khi thay đổi. Cách làm việc 'take ownership' (tư duy làm chủ), nếu có đề gấp thì tập trung khắc phục thay vì đổ lỗi hay chỉ trích, công việc hay khách hàng làm đầu. Cũng vì phải 'take ownership', coi như đây là công ty của bản thân mà mình được tiếp cận với các tư duy rất mới mẻ. Nếu như trước đây làm việc ngân hàng mình chỉ cần biết làm tốt khâu của mình, tính tương tác với các bộ phận khác còn hạn chế, nếu như làm start-up bạn phải lăn xả và chịu trách nhiệm cho cả dự án, các kĩ năng tư duy, mind map (bản đồ tư duy), hệ thống hoá, lập quy trình đều được rèn luyện. Và mình nghĩ công việc nào cũng vậy, mình sẽ cảm thấy vui nhất nếu mỗi ngày bản thân của mình được hoàn thiện.

4. Nghề nghiệp không nói lên bạn là ai

Nỗi sợ này bị ám ảnh vào tiềm thức của nhiều người, đây là nỗi sợ bị xã hội đánh giá, bố mẹ đánh giá, bạn bè đánh giá. Thực chất bạn chả cần phải quan tâm tới nỗi sợ này nếu có sự tự tin vào bản thân. Bạn là ai quan trọng hơn bạn làm nghề gì. Bạn có thể làm bảo vệ, dọn phòng miễn bạn cảm thấy cuộc sống mình ý nghĩa và hạnh phúc vì điều đó. Mình tin là bố mẹ, bạn bè yêu thương bạn cuối cùng cũng chỉ mong bạn cảm thấy hạnh phúc mà thôi.

Vậy nên hãy làm điều mà mình muốn, và chịu trách nhiệm với quyết định đó.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.