Tái thiết lập niềm tin để trở thành người tử tế | Vietcetera
Billboard banner
VietceteraVietcetera
Vietcetera
26 Thg 06, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Tái thiết lập niềm tin để trở thành người tử tế

Niềm tin là thứ mà ai trong chúng ta đều có. Dù đúng, dù sai, niềm tin luôn là kim chỉ nam và là thành tố quan trọng trong việc tạo dựng nên một con người.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Niềm tin có lẽ là thứ mà mỗi ai trong chúng ta đều có. Dù đúng, dù sai, những niềm tin luôn là kim chỉ nam và là những thành tố quan trọng trong việc tạo dựng nên một con người. Tuy nhiên, trong một xã hội với nhiều đổi mới và tiến bộ, hẳn không ít người đã chịu nhiều cú sốc và tức tối khi niềm tin của bản thân bị sụp đổ, hoặc phản bác. Một niềm tin cũ cần được bỏ đi, một niềm tin mới cần được thiết lập. Và quá trình tái thiết niềm tin ấy, thiết nghĩ, là một điều cần thiết trong bất kỳ bối cảnh nào của xã hội để con người có thể tiến bộ, phát triển và hơn hết, là để chung sống với nhau. 

Đặc tính niềm tin

Niềm tin là thứ đã được đặt nền móng kể từ khi chúng ta sinh ra. Trong suốt quá trình trưởng thành và va chạm với cuộc sống, con người không ngừng tạo lập những niềm tin mới của riêng mình và cho tới một giai đoạn nhất định, những niềm tin ấy dần trở thành một điều hiển nhiên trong tiềm thức của mỗi người.

Ba đặc tính quan trọng của niềm tin mà chúng ta cần nhắc đến đó chính là:

1. Tính bị tác động

Niềm tin chính là sự đúc kết của những trải nghiệm. Từ khi còn bé, chúng ta được ba mẹ  “đút” cho mình những niềm tin đầu tiên. Ví như bạn tin rằng nếu bạn đánh răng mỗi tối để giữ răng sạch sẽ thì khi răng của bạn rụng đi, nàng tiên răng sẽ tặng bạn một đồng xu. Đó là vì bạn đã nghe được câu chuyện ấy từ ba mẹ hay ông bà của mình.  Những câu chuyện kể đầu giường, những bài học đạo đức, những lời răn dạy lúc vỡ lòng, v.v tất thảy đều có tác động lên niềm tin của chúng ta thuở ấu thơ. 

Không những thế, niềm tin còn chịu những tác động của nhiều yếu tố khác như môi trường sống, các sự kiện diễn ra trong đời, trải nghiệm quá khứ, những chứng kiến cá nhân, hay bề dày kiến thức. Một người trải nghiệm nhiều, đọc nhiều, biết nhiều hẳn sẽ có đa dạng cơ sở hơn để hình thành cho mình những niềm tin riêng hơn là một người với vốn sống ít ỏi. 

2. Tính tương đối

Niềm tin của một người có thể đúng và phù hợp trong bối cảnh này nhưng có thể hoàn toàn sai lệch trong một bối cảnh khác. Và sẽ đến một lúc khi niềm tin của chúng ta không còn phù hợp với dòng chảy của thời đại, chúng ta buộc phải từ bỏ nó để chấp nhận những niềm tin khác tiến bộ và phù hợp hơn. 

3. Tính lựa chọn

Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng niềm tin là một điều bất biến và không thể thay đổi được. Tuy nhiên, niềm tin thực chất là một sự lựa chọn. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta vẫn hay thường nghe người ta hỏi “Liệu bạn có tin tôi không?” Vì bản chất khi đặt câu hỏi này, người nói muốn nghe lựa chọn từ phía người được hỏi. Có những thứ tưởng chừng như rất vô lý và thiếu bằng chứng xác thực, nhưng nhiều người vẫn cứ tin. Trong khi một vài thứ được chứng minh cặn kẽ và xác đáng, nhưng vẫn sẽ có người phớt lờ. Suy cho cùng, niềm tin chính là một lựa chọn và bạn có thể lựa chọn lại bất kỳ lúc nào.

Tại sao chúng ta cần tái thiết niềm tin của chính mình?

Không phải bất kỳ niềm tin nào cũng cần được tái thiết. Như đã đề cập sơ qua ở phần đặc tính của niềm tin, một niềm tin cần được đổi mới khi nó không còn phù hợp và đúng đắn trong bối cảnh hiện đại. Suy cho cùng, những cụm từ như “định kiến”, “ thành kiến”, “khuôn mẫu”, v.v tựu chung đều là từ niềm tin của mỗi người. Có những người tin rằng “đàn ông phải mạnh mẽ”, “phụ nữ phải làm việc nhà”, “đồng tính là một căn bệnh tâm lý”, hay “tất thảy người da đen đều không đàng hoàng”, v.v. Đây là những niềm tin sai lệch mà không ít người vẫn đang mang theo trên mình và đã lâu không còn phù hợp với bối cảnh xã hội. 

Một niềm tin sai lầm sẽ dẫn đến những hành động sai lầm. Đó là kỳ thị, là tẩy chay, là đả kích, là tấn công, là lăng mạ, là chèn ép, là bóc lột và thậm chí là giết chóc. Khi niềm tin của bạn đang tiềm tàng những nguy cơ có thể tổn thương hay phương hại một ai đó, đó là lúc báo động bạn cần phải tái thiết niềm tin của chính mình.

Trong một xã hội nơi mà chúng ta đang đấu tranh cho sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, chúng ta cần phải cẩn trọng và soi xét, đánh giá niềm tin của bản thân thường xuyên hơn bao giờ hết. Vì niềm tin sai lệch có thể trở thành rào cản giữa con người và khiến chúng ta đánh mất đi sự tử tế. Và đôi khi niềm tin sai lệch có thể khiến bạn tổn hại đến chính mình. Ví như một người được kế thừa niềm tin từ người khác, rằng “Đại học chính là con đường duy nhất để thành công và rớt Đại học là biểu hiện của sự thất bại”, vậy hãy tưởng tượng người ấy sẽ đối chọi thế nào khi chẳng may họ trượt? Hẳn là chúng ta đã nghe không ít tin tức về những vụ tử tử của những học sinh được nhiều kỳ vọng nhưng lại trượt kỳ thi tuyển sinh. Đó là một hệ quả dễ dàng nhận thấy của việc tiếp thu những niềm tin sai lệch.

Để không tổn hại mình và người khác, chính chúng ta - những con người trong xã hội hiện đại, cần thay đổi những niềm tin không còn đúng đắn của bản thân một cách quyết liệt hơn bao giờ hết.

Vậy, làm thế nào để nhận ra và thay đổi những niềm tin sai lệch của chính mình?

Đôi khi niềm tin đã trở thành một điều hiển nhiên trong cuộc sống của mỗi người mà chúng ta dường như không chú ý để nhận ra rằng chúng là những niềm tin sai lệch. Tuy nhiên vẫn có những cách mà chúng ta có thể làm để phát hiện, đánh giá và thay đổi những niềm tin không còn phù hợp của bản thân.

1. Mở rộng hiểu biết

Như đã nói, niềm tin chính là tổng hòa của những trải nghiệm cá nhân. Chính vì thế mỗi người cần phải trải nghiệm nhiều hơn, đọc nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, tiếp xúc với nhiều người, nhiều nền văn hóa, nhiều hệ tư tưởng khác nhau để nhận ra những niềm tin và ý kiến khác biệt. Từ đó, chúng ta mới có một hệ quy chiếu đa dạng hơn để đối sánh và đánh giá niềm tin của bản thân cũng như tiếp thu những tư tưởng tiến bộ khác.

2. Luyện tập tư duy phản biện

Phản biện ở đây chính là luôn không ngừng đánh giá và đặt câu hỏi cho những niềm tin của chính mình. Khi bạn có một hành động nào đó, hay thể hiện một quan điểm/niềm tin nào đó, hãy luôn đặt câu hỏi: liệu rằng điều này có đúng đắn hay không? Liệu nó có làm tổn thương ai không? Tại sao mình lại có niềm tin này ngay từ đầu? Những niềm tin trái ngược với mình liệu có đúng không? Bằng việc không ngừng tự đặt những câu hỏi và tìm lời giải đáp cho những niềm tin của bản thân, chúng ta có thể có cái nhìn đa chiều để đánh giá tốt hơn niềm tin của chính mình.

3. Chấp nhận bản thân không hoàn hảo

Việc mỗi người đều có những niềm tin sai lệch là một điều vô cùng bình thường. Chính vì vậy mỗi chúng ta cần chấp nhận mình không hoàn hảo, để từ đó chúng ta có thể đón nhận những niềm tin khác nhau với tinh thần cởi mở và thay đổi bản thân để trở nên tốt hơn từng ngày. 

Anton Chekhov đã từng nói:

A man is what he believes.

(Con người là những gì họ tin tưởng).

Hãy là một người tử tế, với những niềm tin tử tế.