Thời trang bền vững không miễn phí | Vietcetera
Billboard banner
21 Thg 07, 2021
Kinh doanh Thời trang

Thời trang bền vững không miễn phí

Ai đang là người đang chi trả cho thời trang bền vững?

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bền vững (sustainability) nói chung và thời trang bền vững (sustainable fashion) nói riêng đang là từ khóa “hot" trong thời gian trở lại đây. Khi mà người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về ảnh hưởng của ngành công nghiệp thời trang lên môi trường và yêu cầu các thương hiệu phải có trách nhiệm hơn trong quy trình sản xuất của họ, thương hiệu bắt buộc phải có câu trả lời. Ngoài những cam kết về môi trường và sự minh bạch trong chuỗi cung ứng, một số nhãn hàng thậm chí đã đưa “sustainability" trở thành giá trị cốt lõi trong những chiến lược truyền thông của họ trong một vài năm trở lại đây

Nhưng đằng sau những hình ảnh đẹp đẽ của một thương hiệu “xanh" và những lời hứa bảo vệ trái đất và người tiêu dùng, là cả một ngành công nghiệp đang trải qua những thay đổi không hề dễ dàng và đơn giản. Ai đang là người đang chi trả cho thời trang bền vững?

Thế nào là thời trang bền vững?

Thời trang bền vững cơ bản là những sản phẩm quần áo, giày dép, túi và phụ kiện được sản xuất, bán và tiêu thụ một cách bền vững, kể cả về môi trường và các yếu tố kinh tế, xã hội. Để làm được điều này, thương hiệu thời trang và cả người tiêu dùng cần có trách nhiệm trong tất cả những bước để sản xuất và tiêu thụ một sản phẩm thời trang.

Ví dụ, một chiếc áo phông trắng là “bền vững" khi nó được sản xuất bởi bông hữu cơ, tại những nhà máy và nông trại tiết kiệm nước và không xả chất thải vào môi trường. Chưa hết, nhân công ở nhà máy này cần được hưởng một mức lương tương xứng với sức lao động họ bỏ ra và có một môi trường làm việc tốt. Nhà máy cần tận dụng tối đa các nguồn điện mặt trời hoặc gió, thay vì dùng than. Tốt nhất là nhà máy cũng nên được đặt ở gần nơi bán hàng (locally produced) để có thể giảm thiểu việc vận chuyển và tiết kiệm năng lượng. 

Cuối cùng, người tiêu dùng chỉ nên mua cái áo này khi họ thực sự cần và chỉ mua một chiếc một lần thay vì mua quá nhiều mà không dùng đến. Họ cũng không nên giặt áo thường xuyên để tiết kiệm nước và sau khi sử dụng chán rồi thì họ nên tái chế hoặc gửi áo đi làm từ thiện chứ không vứt đi. 

Đó chính là vòng đời được coi là bền vững cho một sản phẩm thời trang. 

Thương hiệu nào được coi là bền vững?

Hiển nhiên là để thực hiện được vòng đời nói trên là một câu chuyện còn khá xa trên thực tế. Tuy vậy, với hơn 50% người dùng ở Mỹ và Châu Âu mong muốn ngành thời trang trở nên bền vững hơn, ngày càng nhiều thương hiệu cam kết đạt được mục tiêu bền vững trong 10 đến 20 năm tới.

Lớn nhất có thể kể đến H&M với chiến dịch truyền thông mạnh mẽ về thời trang bền vững. Họ cam kết đến năm 2030 sẽ sử dụng 100% nguyên liệu tái chế hoặc bền vững trong những sản phẩm của mình, cũng như giảm tối đa lượng khí thải ra môi trường. H&M thường xuyên cập nhật sản phẩm mới cho bộ sưu tập “H&M Conscious" làm từ chất liệu tái chế. Khách hàng có thể mang quần áo cũ đến cửa hàng H&M để đổi lấy voucher và tái chế thành quần áo mới. 

Ngoài H&M, Adidas, Puma và The North Face đều cam kết sản xuất từ những nguyên liệu đạt tiêu chuẩn về môi trường và thương mại công bằng.

Bên cạnh việc nâng cao quy trình sản xuất và bán hàng, nhiều công ty và dịch vụ đã ra đời với mục đích thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Ví dụ, nhiều dịch vụ thuê và mua bán lại quần áo, đồ phụ kiện đã ra mắt. Các sàn thương mại điện tử cho quần áo secondhand (từ bình dân đến cao cấp) đang nở rộ. Một số thương hiệu thì dừng việc sản xuất thừa thãi quá nhiều sản phẩm và ra mắt những bộ sưu tập số lượng rất ít, với chất vải bền hơn và có thể tái chế. Người tiêu dùng có thể tham khảo các website như https://goodonyou.eco/ để xem thương hiệu nào là bền vững, thương hiệu nào không trước khi quyết định mua hàng. 

Ngành công nghiệp thời trang có thực sự đang thay đổi? 

Dù đã có nhiều tín hiệu đáng mừng về ngành thời trang trở nên bền vững hơn, nhiều người vẫn nghi ngờ mức độ tin cậy của những cam kết thương hiệu đưa ra. Thậm chí, chỉ có 19% người tiêu dùng tin tưởng vào thông tin và những bản báo cáo bền vững do các công ty thời trang gửi ra. 

Zara là một trong những thương hiệu lớn nhất thường xuyên bị chỉ trích vì không thực hiện đúng cam kết về thời trang bền vững. Hãng vẫn tiếp tục giới thiệu tràn lan các sản phẩm mới và tạo thói quen mua sắm quá độ cho người tiêu dùng. Zara và H&M mới đây cũng dính vào scandal cực kỳ nhạy cảm là sử dụng bông từ những trang trại của người Uyghur ở Trung Quốc, nơi có điều kiện sống và làm việc bóc lột.

Business of Fashion mới đây đã lên án ngành thời trang không hề có ý định đầu tư vào một tương lai bền vững hơn cho ngành công nghiệp. Ước tính sẽ cần 20 đến 30 tỷ đô la mỗi năm cần được đầu tư trong vòng 10 năm tới để phát triển công nghệ và chuỗi cung ứng bền vững. Tuy nhiên, những ông lớn như LVMH (tập đoàn mẹ của Dior, Louis Vuitton, Givenchy, Tiffany & Co.) dự định đầu từ vỏn vẹn 12 triệu USD trong năm 2021, và với Kering (tập đoàn mẹ của Gucci, YSL, Balenciaga)  con số này là 6.5 triệu đô. Nhưng như vậy còn hơn là những tập đoàn không hề tiết lộ mức độ đầu tư với lý do “giữ bí mật chiến lược và tình hình tài chính" cho tập đoàn. 

Thực tế là ngành thời trang không thể trở nên bền vững hơn mà không có chi phí. Như một chủ nhà máy ở Bangladesh (nơi hầu hết các hãng thời trang lớn đặt dây chuyền sản xuất) cho biết, “Các công ty thời trang nghĩ rằng việc giảm thiểu dùng đồ nhựa hoặc thay cửa kính hấp thụ nhiệt năng trong văn phòng là đủ. Nhưng khi tôi nhờ họ cho vay thêm tiền mua công nghệ và cơ sở vật chất trong nhà máy để nó đáp ứng yêu cầu về bền vững thì không ai đầu tư cả.” Hoặc khi giá cotton hữu cơ tăng lên thì các nhãn hàng lập tức trở lại với nguyên liệu kém chất lượng hơn nhằm giữ cạnh tranh về giá. 

Ngay cả người tiêu dùng cũng cần chia sẻ trách nhiệm với nhãn hàng. Chỉ có 29% người được hỏi trả lời sẵn sàng trả giá cao hơn cho một món hàng thời trang bền vững. Chúng ta yêu cầu cao hơn từ nhãn hàng, nhưng lại không tin tưởng và không muốn trả tiền cho họ.

Bền vững không miễn phí

Tóm lại là, ai cũng biết cần phải sống và tiêu dùng một cách bền vững hơn, nhưng không ai chịu trả chi phí cho sự bền vững này cả. Các công ty không muốn đầu tư vào chuỗi cung ứng bền vững và thường thực hiện những cam kết nhỏ lẻ, ngắn hạn hơn là lâu dài. Người tiêu dùng thì yêu cầu sản phẩm thời trang bền vững nhưng muốn chạy theo xu hướng và trả giá rẻ.

Đây là câu chuyện con gà quả trứng và không thể chỉ đổ lỗi cho một công ty bán lẻ hoặc một nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng. Người tiêu dùng vẫn có quyền yêu cầu thương hiệu phải cam kết với các giá trị bền vững. Nhưng chúng ta cũng có thể từng bước thay đổi những lựa chọn hàng ngày để đưa ngành công nghiệp thời trang đến gần mục tiêu bền vững hơn. Sau COVID-19, 39% người tiêu dùng (đặc biệt là Gen Z) đã thay đổi hành vi mua sắm: mua ít sản phẩm đi, đọc kỹ nguyên liệu và nguồn gốc sản phẩm, lựa chọn thương hiệu địa phương để mua sắm, và tái chế. Điều này cũng đặt công ty thời trang vào vị trí phải đổi mới để tồn tại được trên thị trường.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.