Thông điệp 5K - Giữ an toàn cho tâm trí | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 07, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Thông điệp 5K - Giữ an toàn cho tâm trí

Bộ Y tế ra thông điệp 5K, kêu gọi mọi người cùng thực hiện chung sống an toàn với dịch. Nhưng thông điệp này cũng áp dụng để giữ cho tâm trí được an toàn đấy.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Để chủ động phòng chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã ra thông điệp 5K: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”, kêu gọi mọi người cùng nhau thực hiện việc chung sống an toàn với dịch bệnh.

Thông điệp 5k này, chúng ta cũng có thể học hỏi và áp dụng để giữ cho tâm trí luôn được an toàn.

Khẩu trang

Đại dịch đã tạo cho chúng ta thói quen đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Thế nhưng có lẽ ít ai biết rằng tâm trí của chúng ta cũng cần được đeo khẩu trang để giữ an toàn nữa đó.  

Mình đọc được chia sẻ trên một diễn đàn mạng như sau:

Tôi còn nhớ lần đầu tiên tậu được chiếc ôtô trong đời, vui sướng lắm, chạy Camry mà phê như chạy Lambogini. Nhưng tầm 3 tháng thì mất cảm giác ban đầu, vì não tôi đã thích nghi rồi, phê càng nhanh càng mạnh thì càng chóng chán. Kèm thêm tác động của ngoại cảnh, lên mạng thấy có người chạy chiếc ngon hơn, hay đồng nghiệp cho chạy thử chiếc BMW mới tậu, rồi cả thằng hàng xóm mình cực ghét vừa vác về con Audi mà mình từng ao ước. Trầm cảm thực sự! Cái tâm so sánh lúc đấy như chất độc tích tụ vào trong tâm can anh em ạ. Bố sẽ ráng cày để đua với tụi bây! Thế là tâm trí bị nhiễm độc. Game đời là như thế, anh em đang tự nhiễm độc tâm trí chính mình mỗi ngày mà không nhận ra.

Vậy đó. Rất nhiều người chia sẻ với mình rằng họ luôn có cảm giác khó chịu khi nhìn thấy người khác đạt được thành tựu nào đó. Không chỉ ghen tỵ với người họ ghét, mà họ còn ganh tị với cả đứa bạn thân hay anh chị em trong nhà. Dù biết rằng điều đó là không nên nhưng họ không thể nào dừng lại được. Kéo theo phía sau đó là nỗi thất vọng, tự ti về khả năng của bản thân và hờn trách cả thế giới.

Chúng ta thỉnh thoảng để tâm trí dễ dàng xao động trước ngoại cảnh như thế.

À, bạn còn nhớ câu chuyện về những chú cua chứ? “Nếu ta bỏ một con cua vào một cái xô nhỏ, nó có thể dễ dàng leo lên và bò ra. Nhưng nếu ta bỏ nhiều con cua cũng vào chính cái xô đó, thì không con nào ra khỏi được. Bởi khi bất kỳ con cua nào cố gắng trèo ra sẽ bị những con cua khác nắm chân lôi xuống…” Bản thân chúng ta nhiều khi cũng bị “kéo xuống” bởi người khác y như vậy. Những ngăn cản, bình luận, chỉ trích, “ném đá” từ người khác hoặc những luồng thông tin tiêu cực ngoài xã hội đôi khi ảnh hưởng đến tâm trí chúng ta theo cách mà ta không lường trước được.

Những lúc ấy, một chiếc khẩu trang cho tâm trí sẽ rất cần để chúng ta bình tâm lại, ngăn mọi tác động bên ngoài để quay vào bên trong, suy xét mọi thứ cho thật sáng rõ.

Mỗi chúng ta đều có cuộc đời rất riêng với những giá trị và mục đích sống khác nhau. Khi để quá nhiều “giá trị lạ” thâm nhập vào cuộc sống của mình, bạn dễ tự tạo ra cho mình sự tự ti hoặc áp lực không đáng có. Thay vì sao chép những bức tranh của người khác, hoặc chỉnh sửa hay thậm chí xóa đi những đường nét trong bức tranh của mình theo “miệng lưỡi thế gian”, sao bạn không “đeo khẩu trang vào” và thoải mái sống trọn vẹn từng khoảnh khắc với những sắc màu rực rỡ do mình tự tạo nên.  

Đeo khẩu trang cho tâm trí cũng là cách để chúng ta bớt “khẩu nghiệp”, bớt kéo người khác xuống bằng suy nghĩ cá nhân và những định kiến của riêng mình.

Khử khuẩn

Ơ, tâm trí thì làm gì có “khuẩn” để mà khử cơ chứ?

Sao lại không nào, rất nhiều là đằng khác. Nhưng “con vi khuẩn” đó có hình hài ra sao, gây hại thế nào thì chỉ có bản thân chúng ta mới biết rõ được. Đó có thể là nỗi tổn thương từ rất lâu trong quá khứ, lòng hận thù, mối nghi ngờ, những mảnh ký ức xấu xí, mặc cảm tội lỗi, niềm day dứt… Việc gột rửa những thứ này đôi khi rất khó khăn và mất nhiều thời gian của bạn. Rửa tay cũng phải làm 6 bước và có xà phòng hỗ trợ kia mà. Từng bước một, bạn hãy học cách tha thứ (cho người khác, và cho cả bản thân mình), tư duy ôn hòa, nghĩ về những điều tốt đẹp để tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn hơn.

Bên cạnh đó, “khử khuẩn” theo đúng nghĩa đen cũng giúp cho tâm trí của bạn rất nhiều. Tâm trí chúng ta có thể được thanh lọc bằng cách dọn dẹp không gian sống xung quanh. Lau nhà cửa, sắp xếp lại bàn làm việc, quyên góp những món đồ cũ, hoặc quét lên một lớp sơn tường mới… Thỉnh thoảng hãy thử dành chút thời gian cho việc này, bạn nhé!

Khoảng cách

Để an toàn khỏi Covid, chúng ta đều thuộc nằm lòng rằng phải giữ khoảng cách ít nhất 2m khi tiếp xúc với người khác. Để giữ an toàn cho tâm trí, hãy cho mình ít nhất 2 giờ “mất sóng” mỗi ngày. Bạn có thể tắt thông báo từ một số ứng dụng không cần thiết hoặc chuyển điện thoại sang chế độ không làm phiền (ngoài một vài số liên lạc quan trọng)… để dành thời gian chất lượng cho công việc, gia đình và bản thân.

Giữ khoảng cách với những mối quan hệ không phù hợp hoặc khiến bạn mệt mỏi để dành năng lượng cho những ai thật xứng đáng cũng là cách chăm sóc tâm trí để sống nhẹ nhàng hơn.

Không tụ tập

Không gặp ai thì mình làm gì? 

Dành thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng cho tâm trí. 

Làm bạn với sách.

Ngủ đủ giấc để thức dậy vào buổi sáng với tinh thần sảng khoái.

Quay vào bên trong, kết nối với cảm xúc của mình. Bất kể chúng là gì, hãy luôn công nhận chúng, hỏi bản thân điều gì đã kích hoạt chúng và tại sao, để cho chúng cứ thế đến rồi đi.

Bạn cũng có thể chọn thiền để giúp tâm trí giảm căng thẳng và trở nên sáng suốt hơn, bắt đầu đơn giản nhất bằng việc sử dụng mọi giác quan để trải nghiệm từng khoảnh khắc của cuộc sống hằng ngày, tập trung vào hơi thở để ổn định thân tâm. Hít vào từ từ, giữ hơi thở trong vài giây rồi lại thở ra.

Khai báo

Hãy thử “khai báo” nhật ký hàng ngày để cảm nhận những thay đổi tích cực trong tâm trí. 

Khi có “dấu hiệu” về bất kỳ cảm xúc nào không thể hiện hết ra bằng lời nói được, bạn dễ cảm thấy căng thẳng và quá tải. Lúc đó, viết xuống sẽ giúp bạn dễ chịu hơn. 

Bạn cũng có thể “khai báo” thường xuyên trong nhật ký về giá trị của bản thân, những điều bạn thích về tính cách hay thế mạnh của mình, về những việc tốt bạn đã làm, những con người cho bạn cảm nhận yêu thương và hạnh phúc, những thứ mà bạn biết ơn,…

HÃY GIỮ AN TOÀN CHO TÂM TRÍ CỦA BẠN, GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRƯỚC, TRONG VÀ SAU ĐẠI DỊCH COVID-19.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.