Thử xỏ chân vào đôi giày của con | Vietcetera
Billboard banner
19 Thg 06, 2021
Cuộc SốngGia Đình

Thử xỏ chân vào đôi giày của con

Để đồng cảm với con đôi khi rất đơn giản. Đơn giản là cúi xuống ngang tầm với con, nhìn và cảm nhận mọi thứ ở góc độ của con.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Cả nhà đang ngồi ghế sau xe taxi để sang nhà ông bà chơi, con trai mình chỉ chiếc xe buýt chạy phía trước:

- Mẹ ơi, số 56!

Cậu bé đang học nhận biết số nên rất thích thú khi nhìn thấy chúng ở khắp nơi. Mẹ nhìn theo ngón tay bé xíu, hướng đến biển số xe: 

- Là 51G-2377 mà. Không có số 56.

Cậu bé vẫn quả quyết:

- 56 mà!

Mình nhìn qua lại vẫn không thấy số 56 đâu, nghĩ bụng con đã nhầm 51 với 56 rồi. Bèn nghiêng xuống sát mặt con, chỉ tay về phía biển số, dự định dạy lại các chữ số cho con. Nhưng chính lúc ở ngang tầm nhìn với con, mình mới nhận ra có số 56 màu đỏ to oạch ở góc trên bên phải xe buýt, mà phải ngồi thấp tè như con mới nhìn thấy được. Từ tầm nhìn của mình lại chỉ thấy phần nửa bên dưới của xe mà thôi.

Mình nhận ra, để đồng cảm với con đôi khi rất đơn giản. Không cần đặt mình vào vị trí của con hay tưởng tượng cao siêu chi cả, mà đơn giản là cúi xuống ngang tầm với con, nhìn và cảm nhận mọi thứ ở góc độ của con (theo đúng nghĩa đen). Mình luôn hiểu điều này nhưng không phải lúc nào cũng nhớ để làm, nên viết ra để nhắc nhớ mình điều đó.

Còn nhớ, khi con còn ẵm ngửa, mẹ hay than thở với bà ngoại về việc con bám mẹ quá. Mẹ mới rời con đi lấy chiếc tã hay cái khăn lau thôi mà còn đã khóc um lên. Rồi một ngày, trong lúc mệt mỏi, mẹ nằm ngửa ra cạnh bên con, nhìn lên trần nhà, và nhận ra tầm nhìn của mình thật giới hạn. Lúc ấy mẹ mới hiểu vì sao mình vừa đi ra xa một chút là con hoảng sợ ngay. Từ đó, mẹ tích cực nói chuyện với con liên tục khi vừa rời con nửa bước chân. Mẹ kể cho con nghe đủ thứ trên trời dưới đất, để con dù không nhìn thấy mẹ nhưng vẫn yên tâm là mẹ ở ngay đây thôi. Không biết có phải nhờ thế mà con đỡ khóc hơn nhiều, vui vẻ hơn, và lớn lên với vốn từ vựng rất phong phú. Con biết vận dụng những từ vựng khó vào các tình huống một cách hợp lý. (Ví dụ như Khi chờ mẹ làm gì đó hơi lâu, con liền hỏi thăm, “Mẹ ơi, mẹ bị trục trặc gì vậy!”). Mẹ thầm cảm ơn cái lần nằm ngửa ra nhìn lên trần nhà cùng con hồi ấy.

Năm 1 tuổi, con đi còn chưa vững, lần đầu tiên được ra hồ bơi. Bố mẹ háo hức chuẩn bị cho con nào là quần áo bơi, nón bơi, phao chống lật… nhưng vừa chạm một ngón chân vào nước là con ré lên. Trong khi cậu bạn cùng tuổi đi chung con thì mải mê chơi đùa với nước ngon lành. Bố thoáng vẻ hơi buồn xíu vì sợ con nhát gan. Mẹ rủ con ngồi bên bờ, lấy cái nón đang đội ra múc nước hồ lên chơi. Cúi sát cạnh con, nhìn ra hồ bơi, mẹ cảm thấy nó dường như rộng mênh mông không thấy được bờ, giống như mẹ đang đứng trước biển lớn vậy. Bảo sao mà con không sợ cho được.

Năm 2 tuổi, con đi chơi ở trung tâm mua sắm. Một quán pizza mới khai trương, trước cửa có người mặc hình nộm gấu Pooh đứng phát bong bóng cho trẻ em. Con rất thích bong bóng nhưng nhất quyết không dám đến gần bạn gấu dễ thương ấy, dù mẹ đã bảo là không sao đâu, mẹ còn làm mẫu lại rờ rờ chú gấu cho con nhìn thấy nữa. Mẹ đành xin chú gấu chiếc bong bóng để mang lại cho bé con nhút nhát của mẹ đang đứng nhìn từ xa. Khi cúi xuống đưa bóng cho con và dự định giảng giải thêm vài câu về sự vô hại của chú gấu dễ thương ấy nữa, mẹ nhận ra hình như nhìn từ dưới thấp lên, trông chú gấu to khổng lồ lạ thường. Thảo nào mà con sợ hãi.

Chiều hôm qua, đón con ở lớp mẫu giáo về, 2 mẹ con nắm tay nhau vào chung cư nhà mình, không quên gật đầu chào bác bảo vệ ngồi ở cổng. Con bỗng nhiên hỏi: “Ông ơi, ông bị làm sao vậy?” Mẹ thấy bác bảo vệ sững người một chút vì sự quan tâm của con, rồi cười cười bảo: “Ông uống ít nước nên môi khô, nứt ra chảy máu.” “Ông có đau không?” Con hỏi tiếp, trong khi bác bảo vệ chỉ mỉm cười. Vì bác đang ngồi và đội nón nữa, nên mẹ không nhìn rõ vết thương của bác. Nhưng cậu bé thấp lè tè của mẹ lại trông thấy rất rõ nên hỏi câu quan tâm làm cho người khác ấm lòng. 

Quãng đường từ cổng vào khu nhà thật gần mà con luôn đi rất lâu, có khi cả nửa giờ vẫn chưa đến. Hôm thì dừng lại nói chuyện với bạn ốc sên, hôm thì nhặt những chiếc lá vàng, hôm lại khe khẽ dõi theo các bạn kiến tha mồi về tổ.

Thì ra, dưới góc nhìn của con, có nhiều thứ đáng sợ nhưng cũng nhiều điều thú vị. Nên mẹ dặn lòng, luôn nhìn từ phía con.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.