Tìm gì trong công việc | Vietcetera
Billboard banner
09 Thg 08, 2021
Kinh DoanhVăn Hoá Đi Làm

Tìm gì trong công việc

Hành trình tìm việc ngắn gọn có thể hiểu là quá trình nâng tầm bản thân để thực hiện ý nghĩa sống của mình qua trải nghiệm mà công việc mang lại.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Nếu hiểu theo nghĩa rất đơn giản của hai từ "tìm việc", gồm từ "tìm" và từ "việc".

Tìm có hai kiểu tìm: tìm cái mình đã biết là gì và cái mình chưa biết là gì nên mình cứ đi tìm. Mình rất thích đoạn hội thoại trong "Alice lạc vào xứ thần tiên":

“Làm ơn chỉ cho tôi biết tôi nên đi hướng nào đây?”

“Điều đó còn tùy thuộc vào việc cô bé muốn đến đâu”, mèo con đáp.

“Tôi không quan tâm lắm…” Alice phân trần.

“Vậy thì đi đâu cũng thế thôi”, mèo con đáp.

(Alice lạc vào xứ thần tiên, Lewis Caroll)

Tìm cũng vậy, trước khi bắt đầu đi tìm, tôi cần định vị điểm đứng của tôi hiện tại và điểm đến của tôi đến một điểm thời gian nào đó trong tương lai. Cái này tạm gọi là vẽ tầm nhìn.

"Việc làm hay công việc là một hoạt động được thường xuyên thực hiện để đổi lấy việc thanh toán hoặc tiền công, thường là nghề nghiệp của một người." (Wikipedia)

Nếu hiểu công việc theo nghĩa bao gồm những tác vụ cần hoàn thành cho mỗi ngày, là hoạt động chi dùng thời gian để đổi lấy việc thanh toán/ tiền công, thì chắc đó là cái tìm chán nhất. Cất công đi tìm thì tìm cái gì hay ho hơn tí chứ nhỉ? Nên theo quan điểm cá nhân, mình cho rằng không nên tìm việc, vậy nên tìm điều gì?

Tìm bản thân mình qua công việc

Bản thân mình là khái niệm cũng rất trừu tượng và bao la, tôi muốn phân chia thành các khía cạnh gồm: năng lực, tính cách, mơ ước và động lực. Theo Carl Roger thì động lực thúc đẩy cuộc sống chính là xu hướng nhận ra mình, xu hướng này bẩm sinh ai trong chúng ta cũng có để phát triển khả năng của mỗi người. "Rogers không dừng lại ở mức phấn đấu để sinh tồn, ông tin rằng tất cả mọi sinh vật đều phấn đấu để thể hiện ý nghĩa tốt đẹp nhất của chúng. Nếu một sinh vật không thực hiện được thiên chức ấy, đấy chính là kết quả của sự thiếu đam mê để thực hiện điều đó." (theo "Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách" - Nguyễn Thơ Sinh). Theo cách hiểu trên, phải chăng đằng sau mỗi công việc chúng ta đang làm là hành trình mỗi người phấn đấu để thể hiện ý nghĩa tốt đẹp của cá nhân mình. Và chúng ta không đi tìm việc, chúng ta đang tìm phiên bản tốt hơn của mình qua mỗi trải nghiệm mà công việc mang lại.

Trải nghiệm mà công việc mang lại là từ tôi chỉ nhận ra thời gian gần đây, trước đây tôi chỉ nghĩ đơn giản "Mình học được gì qua công việc này?", "Vị trí công việc này tại công ty này có đang mở mang con người mình hơn không?" Thường tôi chỉ chọn làm việc nào đó nếu tôi trả lời “CÓ” cho câu hỏi trên. Trải nghiệm thì vô vàn và bao la, nhưng khi chọn làm một công việc cụ thể, trong đầu chúng ta đã có cho mình loại trải nghiệm tôi muốn học, muốn có, dĩ nhiên luôn đi kèm với những trải nghiệm mà chúng ta không ưa thích. Chẳng hạn như trong khoảng thời gian làm Sales tôi yêu thích trải nghiệm được tiếp xúc với nhiều khách hàng mới mỗi ngày, biến họ thành người quen, trải nghiệm chốt deal, nhưng tôi không yêu thích trải nghiệm của việc bị nhắc số mỗi ngày. Trải nghiệm cả dễ chịu hay khó chịu cũng đều làm cho tôi lớn lên mỗi ngày, quan trọng là tôi làm chủ lựa chọn để trải nghiệm những gì.

Hành trình tìm việc ngắn gọn có thể hiểu là quá trình nâng tầm bản thân để thực hiện ý nghĩa sống của mình qua trải nghiệm mà công việc mang lại. Hành trình đó không ai giống ai cả, vì mỗi người sở hữu những năng lực, tính cách, hoài bão khác nhau. Có người chọn làm cả đời cho công việc chuyên môn để tìm kiếm những trải nghiệm sâu sắc trong nghề nghiệp của mình và thõa mãn tính tò mò học thuật của mình như ông Giáo Sư người Pháp tôi có dịp được gặp dành 18 năm trong gần 40 năm tuổi để làm việc với thanh thiếu niên gặp khó khăn về tâm lý. Hay có mấy người gặp công việc nào cũng muốn nhảy vào làm: dạy học, dịch báo, bán hàng, tư vấn, tuyển người. Có những người được định hướng sớm nên may mắn được học và làm phù hợp với năng lực và sở thích. Có những người người, như tôi chẳng hạn, để tìm được cái mình thích và phù hợp tôi cũng trải qua những cái "na ná" cái mình thích. Mãi cho tới khi tôi bắt đầu học Tâm Lý và đi làm nhân sự tôi mới nhận ra mình phù hơp với hai điều này, và mình thật sự chọn lựa để trải nghiệm trong Tâm lý Nhân sự lâu dài.

Tóm lại là

Hãy như Steve Jobs nói "Stay foolish and stay hungry" (Hãy luôn khao khát, hãy cứ dại khờ). Dại khờ để luôn muốn được học hỏi mỗi ngày, triển nở con người mình mỗi ngày để làm tốt những gì được yêu cầu trong bản mô tả công việc, nhưng cũng tự mình mỗi ngày làm nên một bản công việc mới, tương xứng với năng lực và đòi hỏi của mình. Khao khát để lên đường mỗi ngày tìm kiếm những trải nghiệm mới trong công việc (cả dễ chịu và khó chịu) để mình được lớn lên, nhưng phải tin chắc mình chọn lựa cho điều đó.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.