"Today I learned" - Hôm nay tôi học được những gì? | Vietcetera
Billboard banner
24 Thg 06, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

"Today I learned" - Hôm nay tôi học được những gì?

Những bài học nhỏ tôi rút ra từ câu chuyện cá nhân và suy ngẫm hằng ngày.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Sau khi tốt nghiệp cấp Ba, mỗi người có cho mình những lựa chọn riêng. Học Đại học, đi làm, đi du học, v.v. Trong các trường hợp kể trên, đa phần con người đều cần phải học cách sống cho cuộc đời của chính mình, tự quan sát và bước đi để vất ngã, thất bại và thành công. Dưới đây là những gì tôi học được từ những bài học nhỏ rút ra từ chính cuộc sống.

Chuyện xin lỗi 

Bạn có thể nói “I am sorry” rất tự nhiên khi vô tình va phải cô gái đi ngược chiều, hay khi đồng nghiệp kể chuyện về chú chó bị bệnh của anh ta. 

Bạn có công nhận mình nói “I am sorry” rất dễ dàng, trong khi mở lời “Tôi xin lỗi” rất khó không.  Lí do là, khi nói “I am sorry” đôi khi mình không có hàm ý là mình đã làm sai và nhận lỗi mà có ý là xin lỗi vì đã làm phiền, vì người kia đang cảm thấy không ổn, không tốt. “I apologize” mang nghĩa “làm sai - nhận lỗi”, và đúng là khi có nghĩa như vậy thì người ta cũng thấy khó nói “I apologize” hơn nhiều. 

Trong tiếng Anh có “I am sorry” và “I apologize”. Trong khi tiếng việt thì chỉ có “Tôi xin lỗi” để dùng cho cả hai trường hợp. Vì vậy, tôi học được là trong nhiều trường hợp một tiếng xin lỗi sẽ giúp mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn vì điều đó thể hiện bạn quan tâm đến cảm xúc của  người khác. Tôi có thể không sai nhưng việc tôi làm phiền đến tâm trạng người khác. Trong tình huống này một tiếng xin lỗi đến từ bản thân sẽ giúp cuộc hội thoại dễ chịu và làm cho người đối  diện dễ lắng nghe hơn. Chưa kể là nhiều khi không có ai là người sai hay người đúng trong cuộc hội thoại cả, vì rất có khả năng với những trải nghiệm và cách nhìn nhận riêng của mình, cả hai người đều đúng. 

Chuyện quản lí thời gian 

Có phải kĩ năng quản lí thời gian rất quan trọng nhưng cũng khá đơn giản nên hầu hết các ứng  viên đều chọn kĩ năng này để viết vào CV và Cover Letter của mình: “Tôi là một người quản lí thời gian tốt” không?  

Quan trọng: chắc chắn rồi. 

Đơn giản: … cần phải xem xét lại. 

Từ trải nghiệm bản thân và quan sát bạn bè xung quanh, tôi khám phá được nhiều lí do khác nhau khiến con người căng thẳng vì chuyện quản lí thời gian.

Hoặc là vì có quá nhiều việc để làm, hoặc là vì không biết phải làm gì trước một vấn đề quá nan giải.

Hoặc là vì dư thừa thời gian dẫn đến không có gì để làm. 

Sau một vài lần kiệt sức đến gục ngã, và mất động lực vì rảnh rỗi, tôi tìm được phương pháp của sự cân bằng.

Nếu có quá nhiều thứ phải làm thì nên phân loại thứ tự ưu tiên từ cao đến  thấp và lần lượt giải quyết từng việc một theo mức độ ưu tiên. Đối với những đầu việc quá lớn, việc cần làm là bình tĩnh chia nhỏ vấn đề ra, giải quyết những bài toán nhỏ thì dễ hơn nhiều đúng không?

Cách này tôi học từ phương pháp Agile trong phát triển phần mềm (Thế giới IT thật sự thú vị, vì có thể áp dụng rất nhiều cho cuộc sống). Nếu mất cảm hứng và không biết làm gì, tôi sẽ nghỉ ngơi một chút để “hồi sức”. Sau đó tự học, tự phát triển kĩ năng, dù là kĩ năng  chuyên môn hay kĩ năng mềm. Các bạn có công nhận là không có gì hấp dẫn bằng việc bản thân mình giỏi giang và "xịn" không.

Hãy tập trung vào bản thân mình, phát triển và trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân, cố gắng đừng so sánh với người khác, và lấy đây là kim chỉ nan trong cuộc sống nhé (“Focus on yourself” - cái này cần học nhiều lắm vì khó nhằn). 

Cuối cùng, tìm kiếm và xây dựng những sở thích để nâng cao sức khoẻ tinh thần và tránh bị trầm cảm, chẳng hạn như đi chạy bộ, đi tập gym, nấu ăn, mời bạn đến ăn, chăm cây, đi làm  thêm, code để giải trí. Những hoạt động này giúp thế giới tâm hồn được đa dạng và thế giới  quan cũng đa chiều hơn.  

Tóm lại, chuyện quản lí thời gian rất khó, là chuyện mình cần phải học lâu dài. Trong lúc thuần thục được kĩ năng này (theo quan điểm cá nhân của tôi, con người mãi mãi không thể nào  chinh phục được khả năng này), hãy cân bằng để dù có lúc rảnh rang hay lúc bận đến mức thèm thuồng một giấc ngủ đàng hoàng thì vẫn biết mình đang làm gì và sẽ làm gì nhé. 

Chuyện đúng giờ 

Văn hoá "giờ cao su" có vẻ làm người ta cảm thấy dễ dàng trong cả cách thực hiện và cách chấp nhận ở Việt Nam. Nhưng ở Bắc Âu, Phần Lan, thì không. Đúng giờ là chuyện đương nhiên, chuyện mà mình không tuân theo sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình và làm phiền người  khác. Có câu chuyện về chuyện đúng giờ như thế này. 

Để trải nghiệm và cũng trang trải tiền sinh hoạt phí ở nước ngoài, tôi đi làm bồi bàn ở nhà hàng vào mùa hè. Mọi chuyện xảy ra rất bình thường cho đến khi đường tàu phải bảo trì một tuần. Vì văn hóa đúng giờ của người Phần Lan, tàu và các phương tiện công cộng vốn dĩ rất đúng giờ thì nay hay bị trễ hoặc bị huỷ, tôi vì thế mà bị ảnh hưởng theo, nguyên một tuần đó lúc nào cũng đến chỗ làm trễ 1-2 phút. Kết quả là bị người quản lí khiển trách. Sếp cũng không tỏ vẻ không vừa ý.

Sau này lúc vui vui tôi có hỏi:

- Sếp ơi, em chỉ đi muộn một tí như vậy mà sếp thấy không hài lòng ạ?".

Sếp mình bảo:

- Đi trễ vì lí do bất đắc dĩ thì cũng không có gì mà không hài lòng. Em thậm chí có thể đến trễ 30 phút miễn là phải nhắn báo cho mọi người bao giờ em sẽ đến nơi, chứ cứ im lặng là không được. Thông báo trước giúp cho những người làm cùng biết  chắc chắn em sẽ đến, nếu muộn quá người ta có thể bắt đầu công việc trước. Nếu em không nhắn thì sẽ tạo cho người ta cảm giác hoang mang, không biết phải chờ đến khi nào.  

Từ khi được nghe giải thích như vậy, ngoài chuyện lưu ý đúng giờ, tôi cảm thấy hiểu hơn về tâm lí con người. Điều này giúp cho tôi biết cách ứng xử đối với những tình huống bất ngờ trong cuộc sống.