Từ bỏ những 'nhãn dán' | Vietcetera
Billboard banner
27 Thg 05, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Từ bỏ những 'nhãn dán'

Trên người bạn có bao nhiêu 'nhãn dán'?

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Không biết các bạn sao chứ mình lớn lên với rất nhiều "nhãn dán" - con ngoan, trò giỏi, người mạnh mẽ, người lí trí, người ít sáng tạo,...

Không phải ngẫu nhiên mà lại có nhiều nhãn dán như vậy gắn lên người mình, trước nhất đấy là sự kì vọng của cha mẹ, của thầy cô, sau đó đấy là áp lực từ đồng trang lứa và cuối cùng đó cũng chỉ là kì vọng của mình đặt lên chính bản thân để đạt đến 1 hình mẫu nào đó.

Kì thực, may mắn là đâu đấy mình còn có những chiếc "nhãn dán tích cực", nên đâu đó trên con đường trưởng thành, khi còn non nớt, mình đã không quá xa ngã. Nhưng những kìm hãm mà nhãn dán mang lại cũng thực sự không hề tầm thường.

Suốt nhiều năm liền, mình không nhận ra khả năng sáng tạo và khuynh hướng nghệ thuật của mình. Mình vẫn nhớ bố từng kể về ngày còn bé mình đã có năng khiếu hội họa ra sao, rằng nét vẽ ngây ngô của mình ngày mẫu giáo đã sinh động như thế nào. Nhưng mình lại ngừng vẽ và tới giờ là gần như không thể hay không thoải mái khi vẽ chỉ vì trong giờ mĩ thuật ngoại khóa mà bố cho mình học thêm, thầy giáo đem bài mình vẽ mẫu vật so sánh với các bạn khác trong lớp và bắt mình thay giấy. Năm đấy mình còn chưa đi học lớp Một. Và chuyện này không chỉ ảnh hưởng tới việc vẽ, mà còn ảnh hưởng đến cả các bộ môn năng khiếu khác và lối suy nghĩ sợ bị so sánh hay thua cuộc trong suốt nhiều năm.

Năm 17 tuổi, mình run rẩy mỗi khi lên sàn đấu latin hay sân khấu hội trường, và chỉ một ánh mắt, một cái cười vu vơ từ người xem, cũng có thể khiến mình quên luôn bước nhảy tiếp theo là gì. Và tất yếu, khi không chịu nổi áp lực, mình bỏ ngang dù niềm vui và đam mê với nhảy múa thì vẫn còn.

Năm 22 tuổi, mình bật khóc vì danh hiệu sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc trường quốc tế RMIT thực ra chẳng mang lại lợi ích gì cho mình trong công việc. Phần hành tiền lương trong kiểm toán làm một tuần không xong. Và cảm giác bí bức vì không thể trút bỏ cái ý nghĩ "mình giỏi vậy sao lại không hiểu được phần hành này" đã kìm kẹp mình nhiều tuần liền mất ăn mất ngủ.

Năm 24 tuổi, mình bước ra khỏi mối quan hệ tình cảm nghiêm túc, dân dã gọi là chia tay. Và đến cả cái lúc cãi nhau to tiếng nhất, mình cũng đã không khóc (được) trước mặt người yêu (cũ) của mình. Mình vẫn nhớ như in anh hỏi mình, "Tại sao em lại không khóc trước mặt anh?", "Tại sao em cứ phải cố tỏ ra mạnh mẽ như vậy?"

Năm 25 tuổi, mình không còn làm trong Big4 và khoảng thời gian đầu tiên, khi gặp một ai đó mới, mình thật sự đã loay hoay không biết phải giới thiệu mình là ai. Đã có lúc mình ao ước có thể chỉ cần như lúc trước, đơn giản giới thiệu rằng mình đến từ KPMG là tất cả mọi người từ trong tới ngoài giới tài chính đều biết tới công ty đó.

Tại sao mình lại kể ra tất cả những câu chuyện này? Không phải để đổ tội hay cần 1 lời lý giải. Điều mình muốn nói là những nhãn dán thật sự rất độc hại và rất có thể sẽ bóp chết những tiềm năng vô hạn trong mỗi chúng ta.

Hôm qua, có 1 người em vào tâm sự chuyện công việc. Em nói em nhảy việc nhiều, mà em chưa tìm được công việc em mong muốn dù giờ em làm ở 1 tập đoàn lớn ở VN. Mình hỏi có phải em bị giới hạn trong suy nghĩ là phải làm công ty to và có danh tiếng không? Và em giật mình đáp, "Sao chị biết hay vậy?" Thật sự là vì mình đồng cảm và đã trải qua tất cả chuyện này bởi những gì mà mình có được cho tới ngày hôm nay thực ra là rất nhiều nỗ lực bắt đầu với việc vứt bỏ tất cả những nhãn dán mình mang theo hai mấy năm trời.

Có một lần mình ngã xe. Trong một khoảng khắc ngắn ngủi, tự dưng mình nghĩ, cuộc sống của mình sắp chấm dứt rồi... May mắn là mình không bị sao cả, nhưng giây phút đấy lại gây ấn tượng mạnh tới mình rất nhiều. Đêm đó, nằm trên giường, đầu mình hiện lên câu hỏi, "Mình - thật sự là ai? Bản thân mình có giá trị gì?" Và, đêm đó mình mất ngủ. Mình trăn trở trong suy nghĩ đi tìm giá trị đích thực của mình, để thực sự sống một cách có ý nghĩa.

Dĩ nhiên đây không phải câu chuyện có thể giải quyết trong 1-2 đêm mất ngủ, nhưng một điều chắc chắn là sau đêm đó, tất cảnhãn dán đều bị tống cổ đi hết.

Mình đưa bản thân về một trạng thái cởi mở hơn, dám thừa nhận rằng mình chưa hiểu một vấn đề nào đó, dám thử thách bản thân trong các hoạt động khác nhau, với những vai trò khác nhau. Và rồi những cánh cửa mới mở ra, cứ đi dần dà lại ngày càng tỏ, và niềm tin vào giá trị của bản thân trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống của mình. Chứ không phải những nhãn dán hay những định danh.

Mình nhận ra:

  • Mình thực sự không phải người chỉ toàn lý trí, những quyết định mình đưa ra cũng có cả phần tình cảm, phần bản năng.
  • Mình cũng không phải người lúc nào cũng mạnh mẽ, có lúc mệt mỏi, yếu mềm, buồn chán chứ. Nhưng đấy là những sắc màu của cuộc sống mà ai cũng nên có.
  • Mình cũng là người vừa logic vừa sáng tạo. Niềm đam mê với nghệ thuật không hề đi ngược lại với những gì mình đang làm trong sự nghiệp mà tô điểm đẹp đẽ cho mọi mặt cuộc sống.

Và thật ra tất cả chúng ta đều thế, có rất nhiều thứ mà ta có thể làm mà ta chưa dám từ bỏ một nhãn dán nào đó để bắt đầu lại, để thử, để thua một lần cho biết.

Vì kì thực, bạn có 2 cuộc sống, và cuộc sống thứ 2 chỉ có thể bắt đầu khi bạn nhận ra bạn chỉ có 1 cuộc sống mà thôi.

Cuộc sống thứ 2 của mình bắt đầu rồi, mọi người thì sao?

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.