Tư duy mà một nhà startup cần có | Vietcetera
Billboard banner
29 Thg 05, 2021
Kinh DoanhKhởi Nghiệp

Tư duy mà một nhà startup cần có

11 bài học về tư duy khởi nghiệp hàng đầu mà Brett Fox ước ông có thể học được từ bản thân ở tương lai.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Bài viết này được chuyển ngữ từ phần trả lời của Brett Fox  trên Quora.


Gửi tới: Tôi - quá khứ

Từ: Tôi - tương lai

Tiêu đề: Những điều nếu tôi ngày xưa được biết  

Xin chào, đây là phiên bản lớn tuổi nhưng khôn ngoan hơn của bạn đây. Dù thế nào đi nữa, mặc cho những thất bại vấp phải, bạn sẽ thành công đó! Bạn đã làm được. Bạn đạt được ước mơ khởi nghiệp và xây dựng công ty từ hai bàn tay trắng. 

Có thể là con đường này sẽ suôn sẻ hơn nếu bạn nắm được tư duy mà tôi có hiện tại. Nếu vậy thì bạn sẽ tránh được rất nhiều nỗi đau và sự hối hận. 

Dưới đây là 11 bài học về tư duy khởi nghiệp hàng đầu mà tôi ước mình có thể học được từ bản thân ở tương lai. Chúng sẽ rất hữu ích cho bạn đấy. 

#1. Khả năng “chịu đòn” tốt

“Con rồi sẽ phải học cách chịu đòn thôi,” bố nói với tôi.  Khi vừa chập chững bước vào con đường khởi nghiệp, bố đã cho tôi lời khuyên này từ chính kinh nghiệm ông đúc kết từ thời làm CEO startup.

Lời khuyên này của ông cũng đã được thời gian minh chứng. Tôi đã bị “đo ván” rất nhiều lần trên chặng đường khởi nghiệp.

Nhưng tôi vẫn đứng dậy sau mỗi lần ngã xuống. Đó là bài đầu tiên bạn cần học để có được tư duy của một CEO startup. Tôi rất thích lời khuyên này, và cũng đã viết một quyển sách lấy tiêu đề Learn How To Take A Punch  (Tạm dịch: Học cách chịu đòn)

Để tập chịu đòn, thì bạn cũng cần phải tập …

#2. Kiểm soát hướng đi và thừa nhận lỗi lầm

“Anh ta là CEO tay mơ, rồi sẽ mắc một đống sai lầm thôi,” Gary đang nói về CEO của một công ty mà phía đầu tư mạo hiểm tôi với anh ấy đang làm việc có ý định đầu tư. 

Ai mà biết được bạn sẽ mắc bao nhiêu sai lầm cơ chứ, nhưng chắc chắn là sẽ có vấp váp. Mọi người đều có sai lầm của họ, nhưng vấn đề không phải là sai lầm gì, mà tư duy của bạn khi mắc sai lầm mới là thứ quan trọng.

Một tư duy đúng đắn là nên thừa nhận lỗi lầm. Khi bạn thú nhận với nhà đầu tư, nhân viên, và khách hàng về sai lầm bạn gây ra (“bạn” ở đây cũng chỉ cả bạn và công ty của bạn. Tôi sẽ nói rõ về ý này trong mục #9), bạn đang xây dựng niềm tin của mọi người cho bản thân. 

Khi thừa nhận lỗi lầm, hình ảnh của bạn sẽ trở nên cởi mở hơn, không mang tính phòng vệ với người khác. Giờ bạn có thể tự kiểm soát hướng đi của mình thay vì để cho hướng đi làm chủ quyết định của bạn. Hạn chế sai lầm cũng có nghĩa là bạn học cách…

#3. Đừng nên vội vàng.

Bạn có thể nói đại loại như, “Tôi chỉ có chín tháng để đưa sản phẩm ra thị trường.” Nghe tôi này:  

Cứ từ từ, chầm chậm đã.

Thực tế là bạn sẽ “toi đời” nếu thật sự chỉ dành 9 tháng để mang sản phẩm ra thị trường đấy. Chín tháng không đủ đâu! 

Ở đây không phải tôi khuyên bạn chậm chạp hay nhàn nhã. Bạn nên chuẩn bị sẵn một tinh thần khẩn trương bất kì lúc nào. 

Cái tôi muốn nói là tư duy của bạn nên chậm lại khi cần đưa ra những quyết định quan trọng như tìm kiếm người đồng sáng lập công ty. Hãy chậm lại khi bạn đang trong cơn vội vã huy động vốn. 

Bạn vẫn sẽ tiến về phía trước với tốc độ rất nhanh, nhưng hãy dành ít thời gian để tự nhìn nhận lại những gì đã làm và đảm bảo rằng bạn đưa ra quyết định đúng đắn, đặc biệt là những quyết định liên quan đến nhà đồng sáng lập và tiền bạc. Việc này sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều sau này. Một cách khác để hạn chế sai lầm là học…

#4. Hãy có tư duy của một tay mơ

Một trong những quyển sách yêu thích nhất của tôi là “Thiền tâm, sơ tâm” (Zen mind, Beginner’s Mind) của Shunryu Suzuki. Quyển sách nói về tư duy đúng để thiền định là tư duy của một người mới bắt đầu – sơ tâm. Nhưng sơ tâm với tinh thần cởi mở và không phán đoán cũng rất hữu dụng cho một CEO startup nữa. Lý do là:  

Bạn có quyền chọn lựa tin rằng bạn biết hết mọi thứ, hay tin vào việc ai đó ngoài kia có ý tưởng hay hơn bạn. Bạn sẽ nhân thành công của mình lên gấp bội bằng tư duy cởi mở đó, và ngược lại, khả năng thành công sẽ giảm xuống khi tư duy của bạn thiển cận. Điều này lại dẫn đến…

#5: Không cần sợ việc thuê người thông minh hơn bạn... nhưng bạn cũng phải biết lắng nghe ý kiến của họ. 

“Hãy nâng chúng tôi lên đến tầm của bạn,” một CEO từng nói với tôi khi anh ấy mời tôi tham gia vào công ty của anh ấy. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy CEO thật sự mong muốn cải thiện tình hình công ty.

Tuy nhiên “Bob,” người CEO đó, lại không quan tâm đến ý kiến của tôi. Bob tin rằng không ai thông minh và sành sõi hơn anh ta cả. Và kết quả là anh ấy đã đánh đổi cả công ty cho niềm tin này.

Thành công của bạn sẽ nằm ở khả năng chiêu mộ nhân tài, khả năng xây dựng và truyền lửa cho một đội ngũ cùng chung chí hướng. Bạn sẽ giới hạn cơ hội thành công của chính mình nếu không thể chiêu mộ được một đội ngũ giỏi. Ngược lại, ta còn có…

#6. Đừng nên sợ hãi nói tiếng “không”

Không phải cứ đã xây dựng một đội ngũ giỏi giảng thì có nghĩa họ sẽ không bao giờ mắc sai lầm. Đội ngũ của bạn sẽ vẫn luôn muốn sự chỉ dẫn, và giỏi thì vẫn mắc sai lầm thôi. 

Ví dụ như hai vị đồng sáng lập công ty cứ thúc tôi phải mua cho bằng được một hệ thống đắt đỏ mà rõ ràng là chẳng để làm gì. “Randy” thậm chí còn doạ sẽ bỏ việc nếu tôi không mua cái hệ thống đó.

Đây là một bài kiểm tra, và tôi đã làm những gì phải làm. Tôi nói “không”. Andy có bỏ việc không? Dĩ nhiên là không. Và điều này lại dẫn đến…

#7. Bạn nên dành thời gian để giải thích những gì bạn đang làm và tại sao bạn lại làm điều đó

Tôi đã học được bài học này từ ngài Jack Gifford quá cố, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty Maxim Integrated Products. Jack đã cố gắng dạy tôi cách cải thiện hiệu quả làm việc khi tôi còn là một giám đốc trẻ. Ông ấy bảo tôi cứ từ từ giải thích tôi đang làm gì và lý do làm điều đó. 

Tôi không nghe lời khuyên của Gifford ngay lập tức đâu, kết quả là tôi lại dính vào nhiều trận đấu khẩu hơn mức cần thiết. Nhưng càng trưởng thành và đến khi khởi nghiệp, tôi đã nhận ra sự sáng suốt và thông thái trong lời khuyên của ông. 

Bạn có thể không thuyết phục được tất cả mọi người là bạn đúng (chẳng bao giờ bạn thuyết phục được ai đâu), nhưng bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của nhân viên, và điều đó cũng quan trọng không kém. Một lời khuyên đi kèm chính là…

#8. Bạn không nên giấu diếm thông tin nào, nhất là với nhân viên của bạn. 

Bài học tư duy này đến từ ảo tưởng có ai đó sẽ cướp ý tưởng và huỷ hoại toàn bộ công sức của bạn. Điều này không có khả năng xảy ra lắm đâu. 

Đúng là chắc chắn có khả năng một vài thông tin sẽ bị lộ ra ngoài, nhưng sự thành thật với nhân viên sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là nguy cơ đấy. 

Bạn sẽ xây dựng được lòng tin khi bạn mở lòng với nhân viên của bạn, nhất là với những sai lầm như tôi có chỉ ra trong bài học #2. Đừng lo là nhân viên bạn sẽ bỏ việc nếu bạn thông báo một tin xấu nào. Nếu bạn có một đội ngũ đúng đắn, họ sẽ cùng đồng hành và hỗ trợ công ty. Sự thành thật của bạn sẽ giúp…

Bài học tư duy #9: Đặt bản thân ở tiêu chuẩn cao hơn bất cứ ai trong công ty.

Bạn sẽ phải đặt ra một tiêu chuẩn cho tất cả mọi người trong công ty. Nếu bạn mở lòng và thành thật về sai lầm bạn mắc phải, đội ngũ của bạn cũng sẽ trở nên mở lòng và thành thật hơn. Điều này lại trực tiếp dẫn đến…

#10. Dành sự khen ngợi cho nhân viên, và nhận sai lầm về phía mình  

Khiêm tốn là một thứ rất tuyệt vời.

Đội ngũ của bạn sẽ sẵn sàng đạp đổ mọi bức tường vì bạn nếu họ thấy bạn luôn đứng sau lưng hỗ trợ họ. Đó là lý do tại sao bạn nên nhận tất cả lỗi lầm về mình. 

Sau cùng thì, bạn là CEO, nên mọi sai lầm sẽ là lỗi của bạn. Vì thế mà hãy nhận mọi sai lầm của công ty về mình. Chỉ cần không ngừng học hỏi từ chính sai lầm của bạn. 

Và đừng bận tâm nhiều về việc dành mọi lời khen ngợi cho nhân viên vì những thành tựu đạt được. Đội ngũ của bạn sẽ càng có động lực và niềm tin, và bạn chính là người hưởng lợi vì bạn là CEO mà. Cuối cùng, và quan trọng nhất, chính là…

#11. Hãy tận hưởng hành trình này

Trước mắt bạn là một doanh nghiệp cần sự nghiêm túc đầu tư xây dựng, nhưng đây cũng là thời khắc cột mốc trong đời bạn. Nghĩ xem, bạn là nhà sáng lập và CEO của một startup đấy! 

Đừng bao giờ quên điều đó! 

Tôi mong là những điều trên sẽ giúp ích cho bạn,

Brett 

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.