Tư duy phản biện qua hội hoạ | Vietcetera
Billboard banner

Tư duy phản biện qua hội hoạ

Là một người duy mỹ, yêu nghệ thuật, khóa học phát triển tư duy phản biện thông qua hội hoạ của Viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia như một mỏ vàng với tôi.

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Đáng buồn là phải đến năm 19 tuổi, khi tham gia học phần môn "Viết văn Anh" ở năm Ba đại học, tôi mới biết đến một thứ kĩ năng gọi là “tư duy phản biện”. Càng học nhiều, tôi càng thấy rõ tầm quan trọng của nó tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Là một người duy mỹ, yêu nghệ thuật, tìm thấy khóa học phát triển tư duy phản biện thông qua hội hoạ của Viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia, tôi như tìm thấy cái mỏ vàng.

“Giáo dục không phải là việc học những sự thật, giáo dục là việc rèn luyện khả năng nhận rõ sự vật để suy nghĩ.” _ Albert Einstein

Quan sát/ Suy ngẫm/ Thắc mắc

Mở đầu bài học là một bức tranh cùng hàng loạt câu hỏi: “Bạn nhìn thấy gì? Bạn nghĩ điều gì đang xảy ra? Bạn đang thắc mắc điều gì?” Câu trả lời cho ba câu hỏi này là ba giai đoạn xây dựng tư duy phản biện qua việc quan sát một bức tranh.

Quan sát tổng thể

Đập vào mắt tôi đầu tiên là một người phụ nữ đứng trên bục cao, với dáng đứng và điệu bộ toát ra vẻ quyền lực, dưới chân bà là những người đàn ông mặc giáp và đội mũ bảo hiểm. Quan sát kĩ hơn từ hậu cảnh đến tiền cảnh, tôi chợt nhận cử chỉ tay kì lạ như dấu OK những hướng nằm ngang của người phụ nữ, một cậu bé tóc xoăn đang ôm chân bà, cái hàng rào ngăn cách những dân làng ở hậu cảnh với đám quân lính ở tiền cảnh. Quan sát càng kĩ tôi càng thấy mình đã bỏ sót rất nhiều chi tiết của bức tranh mà nhìn quả lần đầu không thấy được.

Suy ngẫm

Theo suy luận của bản thân thì tôi đoán đây là một buổi chia bè phái. Một số học sinh khác cho rằng những người lính đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hay đây là một cuộc họp của những người dân sau cuộc chiến thất bại. “Điều gì trong bức tranh này khiến bạn nghĩ rằng đây là một cuộc chiến thất bại?” Cái cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, mũ bảo hiểm rơi dưới đất, thái độ mệt mỏi của những người lính,… Hàng loạt câu trả lời được đưa ra. Đến đây tôi được giới thiệu rằng đây là bức tranh Queen Zenobia Addressing her soldier bởi họa sĩ Giovanni Battista Tiepolo. Người phụ nữ trong tranh là nữ hoàng Zenobia của Đế quốc Palmyra đang chỉ đạo những người lính của mình trong cuộc chiến chống lại Đế quốc La Mã vào thế kỷ 3.

Thắc mắc

Sau khi được nghe sơ lược tiểu sử của bức tranh, giáo viên cho chúng tôi đặt những câu hỏi mà bản thân đang thắc mắc về bức tranh này. “Những người lính nam đã cảm thấy như thế nào khi có một người lãnh đạo là nữ? Bà ấy có quyền lực như một người lãnh đạo nam không? Nữ hoàng đang nói gì với những người lính? Đây là giai đoạn nào của cuộc chiến tranh? Biểu tượng của con chim, lá cờ và cử chi tay của nữ hoàng có ý nghĩa gì?” Vô số câu hỏi bùng nổ trong đầu tôi.

Áp dụng phương pháp Quan sát/ Suy ngẫm/ Thắc mắc giúp tôi đào sâu hơn về câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh, tâm lý nhân vật, những tiểu tiết mà thường tôi sẽ phớt lờ, đặt ra hàng vạn câu hỏi và cố gắng tìm câu trả lời.

Trò chơi xây dựng

Lần này, tôi được quan sát bức tranh "The Farm" của hoạ sĩ Joan Miró, nhưng không phải theo cách thông thường.

Bức tranh được chia làm bốn phần và học sinh sẽ quan sát từng phần một, sau đó phân tích và mô tả từng yếu tố của một góc tranh, từ màu sắc, hình dáng, hoa văn của sự vật đến vị trí sắp đặt, âm thanh, cảm xúc mà chúng mang lại.

Góc trái trên cùng của bức tranh là một bầu trời xanh biếc với mái ngói và đỉnh của một loại cây. Trên tường nhà là rất nhiều hoa văn kì lạ tạo cảm giác bụi bặm, cũ kĩ. Lá cây đều tăm tắp trông kém tự nhiên.

Góc phải trên cùng chỉ độc một mặt trời tròn xoe màu trắng, phần còn lại của những tán cây và một góc mái nhà khác.

Góc phải dưới cùng với nhiều chi tiết hơn. Nào là gà, dê, chim chóc, nào là rắn, thằn lằn, thỏ, một tờ báo trên mặt đất, một chú heo nấp sau cánh cửa, mảnh đất trông như những cuốn sách lật ngược.

Mảnh ghép cuối cùng của bức tranh hiện lên phần còn lại của ngồi nhà. Ở đây có sự xuất hiện đầu tiên của con người. Một cô bé đang giặt đồ ở đằng xa, thân ngựa lấp ló trong căn nhà, một cây bắp ở tiền cảnh, một chú chó đang sủa, dấu chân trên đất có vẻ như là của cô bé và một cái giếng đằng xa.

Ghép bốn phần của bức tranh lại để quan sát tổng thể. Bức tranh hoàn thiện vẽ ra một khung cảnh trang trại sinh động và nhiều màu sắc. Chủ thể là cái cây to giữa bức tranh, thân cây có gai và lá cây trông như ria mép của người đàn ông trưởng thành. Một chi tiết chỉ thấy được khi nhìn tổng thể bức tranh là ô vuông màu đỏ trước chuồng gia súc. Có người cho rằng nó tượng trưng cho sự giam cầm, người thì cho nó là ranh giới giữa động vật và con người.

Một bức tranh với nhiều sự quan sát, rất nhiều ý kiến được nêu ra. Trong nghệ thuật thì không có đúng hay sai. Tất cả các quan sát đều đóng góp cho việc xây dựng tư duy phản biện và kích thích khả năng tưởng tượng, sáng tạo của người xem. Tôi gọi phương pháp này là Zoom in/ Zoom out. Phóng to để quan sát tiểu tiết và phóng nhỏ để quan sát đại cảnh, từ đó đưa ra nhận định của cá nhân.

Quan sát/ Cảm nhận/ Kết nối

Trên màn hình là bức tranh "The Lone Tenement" của hoạ sĩ George Bellows vẽ vào năm 1909. Trước mắt tôi là hình ảnh những nhóm người mặc đồ đen tụ tập quanh đốm lửa dưới chân cầu. Đằng xa là chiếc thuyền trên sông đang nhả khói. Những cành cây khô đung đưa trên mảnh đất khô cằn. Khung cảnh mùa đông nhưng có thể cảm nhận được sự ấm áp từ ánh mặt trời lấp ló, từ nhóm lửa của những người đàn ông, từ sự quây quần. Nhắm mắt lại để tưởng tượng âm thanh khi đó, tôi nghe thấy tiếng còi tàu, tiếng người nói chuyện bằng giọng địa phương hơi khó nghe, tiếng gió hú rít, tiếng nước rì rào trên sông rồi tiếng củi lửa bập bùng hoà quyện tạo nên khung cảnh bình yên tuyệt đẹp.

Tôi được quan sát bức tranh thứ hai - "New York", của cùng một tác giả nhưng ra đời sau bức tranh đầu tiên 2 năm. Bức tranh thứ hai tái hiện sự đông đúc của thành phố New York hiện đại vào những năm đầu của thế kỉ XX. Người người chen chúc trên đại lộ lớn cùng ngựa và cái phương tiện “không cần ngựa”. Xa hơn là những tòa nhà cao tầng nhiều màu sắc trên nền tuyết trắng. Đông đúc là thế nhưng cảm giác bức tranh này mang lại chỉ là sự giá lạnh của mùa đông trên nước Mỹ phồn hoa, sự cô đơn, lạc lõng giữa chốn đông người, âm thanh ồn ào của xe cộ và những người điều tiết giao thông.

Đặt hai bức tranh cạnh nhau và quan sát. Cách để kết nối chúng với nhau là trả lời câu hỏi “Hai bức tranh giống và khác nhau như thế nào?

Cả hai bức tranh đều mô phỏng New York vào những năm 1900. Danh hoạ George Bellows thời điểm này rất quan tâm đến các dự án xây dựng đô thị và quá trình hình thành thủ đô New York tối tân. Hai bức tranh cho thấy quá trình đô thị hoá mạnh mẽ và sự thay đổi rõ rệt của thành phố chỉ sau hai năm. Khác nhau ở điểm, bức tranh đầu tiên lấy góc nhìn từ dưới chân cầu, nơi tụ tập của những người mất việc hoặc đang tìm việc trong giai đoạn này. Khó khăn là thế nhưng với những gam màu nóng, bức tranh đầu tiên mang lại cảm giác ấm áp, hướng tới một tương lai tươi đẹp của những người khốn cực. Trái lại là hình ảnh tấp nập trên cầu. Những người thành đạt hối hả đi làm, chăm chăm nhìn xuống đất. Bức tranh được khắc họa bằng những gam màu trung tính như xanh, đen, xám điểm xuyết vài chấm đỏ mang lại cảm giác lạnh lẽo, xa lạ không quen thuộc.

Phương pháp này chủ yếu nhấn mạnh vào cảm giác mà bức tranh đem lại, và kết nối chúng với những bức tranh khác tạo nên một câu chuyện hoàn chỉnh.

Cái hay ở những phương pháp trên là bạn không cần phải là một nhà phê bình hội hoạ để sử dụng chúng. Bạn không cần phải hiểu cấu trúc của bức tranh hay cách sử dụng màu của tác giả. Cái chính là chúng kích thích sự tò mò, buộc người xem phải đặt ra những câu hỏi và tìm ra những câu trả lời hợp lý để tự thoả mãn sự hiếu kỳ của bản thân.

Tóm lại

Những phương pháp này đã được Viện bảo tàng sử dụng với những học sinh từ tiểu học đến cấp hai, cấp ba khi chúng đến tham quan nhằm xây dựng khả năng tư duy phản biện và sáng tạo cho trẻ. Ngoài hội hoạ, bạn có thể sử dụng những phương pháp này ở bất cứ những trường phái nào: âm nhạc, văn chương, phim ảnh, hay cả những sự kiện ngoài đời thực. Cách tự đặt câu hỏi và tự trả lời giúp rèn luyện tư duy phản biện, quan sát sâu và nhiều khía cạnh của một vấn đề hơn. Đây là kỹ năng quan trọng để xây dựng nền tảng tư duy, giúp kết nối các suy nghĩ một cách logic, từ đó cải thiện khả năng giao tiếp và sáng tạo. Bạn có thể tham khảo khóa học này trên trang của EdX hoặc xem tranh tại trang web chính thức của Viện bảo tàng Quốc gia: www.nga.gov.com.

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.