Mình từng sợ việc già đi, nhất là sau 25 tuổi. Điều đầu tiên khiến mình giác ngộ sâu sắc về khác biệt tuổi tác giữa những năm đầu và nửa sau của tuổi 20, đó chính là câu chuyện sức khỏe. Có một đợt mình nhức gối liên tục trong nhiều tuần, đi khám thì không ra bệnh. Rồi lần đầu tiên mình biết viêm họng có thể là do trào ngược dạ dày. Sức khỏe bỗng không còn nằm trong sự quản lý của bản thân, cơ thể như đi mượn là có thật. Đấy là còn chưa kể đến các áp lực dồn đập khác của cuộc sống,...
Thật sự mình đã có 1000 lý do để ghét việc "già đi" và có nhiều thứ mình đã làm, chỉ đơn giản vì sợ sẽ lỡ mất cơ hội để thực hiện khi... già hơn nữa. Nhưng tới thời điểm này, mình lại có một góc nhìn khác: Bạn thấy mình "già đi" hay "trưởng thành", là một sự lựa chọn!
Nếu chọn "già đi", đa phần bạn sẽ thấy cáu kỉnh và khó tiếp nhận thứ mới vì cho rằng nó không còn phù hợp với lứa tuổi nữa. Nhưng trưởng thành thì lại ẩn chứa vẻ đẹp riêng của nó:
1. Bớt thấy bất an
Nếu như ở tuổi 20 mới ra trường, trong tay chỉ có sự nhiệt thành là công cụ thì khi bước qua 25, kiến thức và trải nghiệm sẽ là vũ khí chính. Và thứ vũ khí nâng cấp này sẽ lợi hại vô cùng (nếu trước đó bạn đã rèn dũa bản thân đủ nhiều) để khiến bản thân yên tâm hơn trong cuộc sống. Vẫn sẽ có những biến số mới nhưng với hành trang đầy đủ, chuyện gì rồi cũng sẽ qua. Chúng ta, dù là trai hay gái, cũng nên sống được bằng chính sức lực của bản thân trước. Đó mới là an yên đích thực.
2. Sống có kỉ luật và kiên trì hơn
Trước kia mình rất dễ nản, và rồi bỏ cuộc sẽ luôn là lẽ tất yếu. Đấy là lý do chưa thành tài mình đã treo giày giải nghệ dancesport sau khi lên đại học. Đấy là lý do từ bỏ rồi quay lại rồi lại từ bỏ tiếng Nhật trong suốt 2-3 năm trời. Đấy cũng là lý do mình phát phì trong độ tuổi 21, 22 vì sinh hoạt bất thường. "Lười" đã từng là câu nói cửa miệng và đã từng coi chuyện đó quá ư là bình thường. Nhưng giờ thì điều đó đã ko còn nằm trong từ điển của mình nữa. Một cách nào đó, có thể nói giờ mình đã trở nên khắt khe với bản thân hơn, nhưng sự tự giác này sẽ còn giúp mình đi xa hơn nữa trên những con đường mà mình lựa chọn.
3. Hiểu những giới hạn để đón nhận thử thách
Nhận thức rõ ràng về bản thân về cả thể chất và tinh thần là bài học lớn nhất mà mình học mỗi ngày trên con đường trưởng thành. Và trên con đường đấy, sẽ có lúc cho rằng mình có thể đã đạt đến một cảnh giới nhất định. Nhưng rồi lại có lúc mình thấy ngạc nhiên về chính khả năng của bản thân khi vượt qua được giới hạn đó. Cho đến cuối cùng, chiến thắng tuyệt vời nhất là chiến thắng chính giới hạn của bản thân mình khi có thể làm nhiều hơn những gì mình tưởng.
3. Tự tin và rắn rỏi
Vẻ đẹp của những năm đầu của tuổi 20 là sự "ngây thơ" và căng mọng. Một vẻ đẹp tự nhiên, và thật sự cũng có lúc mình ao ước có lại được vẻ đẹp đó. Nhưng việc hiểu bản thân, có kiến thức và trải nghiệm mới, nghiêm khắc với bản thân hơn, tất cả tôi luyện cho mình 1 vẻ đẹp khác: tự tin và rắn rỏi. Khí chất này có thể không làm mình đáng yêu nhưng sẽ luôn tỏa sáng.
4. Ý nghĩa cuộc sống
Mình đã từng làm nhiều việc để tăng cường trải nghiệm với nỗi sợ sẽ không có khả năng và không phù hợp để làm khi có tuổi hơn. Đó chính là cảm giác YOLO (You only live once) - cố trải nghiệm nhiều nhất có thể. Nhưng gần đây khi trải qua một thời gian dài cách ly, những thử thách yolo bỗng trở nên bất khả thi. Mình đã có một cách đối diện khác về cuộc sống: bạn không sống một lần trong đời, bạn sống mỗi ngày - 'You live every day'.
Mỗi sáng thức dậy, mình tập trung vào việc thấy may mắn vì được sống và sẽ muốn sống tốt và hạnh phúc hơn nữa. Cuộc sống trở nên có ý nghĩa và ít nuối tiếc hơn.
Dĩ nhiên, dù ở chặng đường nào sẽ có những lợi thế và bất lợi nhất định. Hãy hiểu và sử dụng nó đúng cách là cách để luôn thấy hạnh phúc khi là chính mình.
Giống như câu ngạn ngữ 'The only constant is change' (Điều bất biến duy nhất là sự thay đổi), hãy đón nhận mọi thứ với tất cả lòng dũng cảm và biết ơn, sự trưởng thành sẽ tỏa sáng và đẹp đẽ vô ngần.