Vị mặn của cảm xúc | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 06, 2021
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Vị mặn của cảm xúc

Nếu khóc làm mình nhẹ lòng hơn, mình vẫn chọn khóc!

Open Publishing
Bài viết này thuộc Open Publishing Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera.

Hôm trước, mình vừa xem “Have a sip” trên kênh Vietcetera, cuộc nói chuyện giữa chị Thùy Minh và anh Vũ về chủ đề “Vứt đàn đi và khóc”. Mình lúc đó như vỡ òa, vì đó là lần đầu mình biết anh Vũ ngoài đời thực (hơi ngạc nhiên vì bây giờ mình mới có cơ hội “tận hưởng dung nhan chân thực” của giọng ca “Lạ lùng”), thứ nữa là mình cũng đang quan tâm về việc “liệu khi nào có thể được khóc”. Mình thấy dường như mọi người thường ngại và cảm thấy có lỗi khi khóc và tiếp sau sẽ là câu nói “Tôi xin lỗi”, “Đáng ra tôi không nên như thế này”,… Và điều này, mình có phần hơi trăn trở.

Có lẽ với con trai, việc khóc là biểu hiện của sự yếu đuối và vì thế họ thà nén lại những cảm xúc của bản thân thay vì thổ lộ nó ra. Bây giờ, mình thử lật ngược vấn đề, giả sử thay thế nó bằng suy nghĩ rằng: Khi được khóc là dám thổ lộ một phần góc khuất tâm hồn mình, dám đối diện sự thật, được là chính mình thì quả thật can đảm. Nhưng cũng thật khó khi lớp suy nghĩ xã hội xây dựng lên đối với mọi sự vật sự việc, con trai thì phải mạnh mẽ, phải biết gánh vác, chở che. Rồi ta dần tin những điều này là đúng và vội hiểu theo hướng sự mạnh mẽ không được biểu lộ những phần yếu đuối và kìm nén nó để trái tim dần mang những tổn thương mà ta chẳng hề ý thức. Đến một ngày, khi có sự cố không như ý mình xảy ra, ta gục ngã bởi bệnh tật và một tinh thần “căn cỗi”. Lúc đó, có lẽ ta mới kịp nhận ra, sự vững chãi không phải là cứ tỏ ra mạnh mẽ và là thái độ bình thản trước mọi vật.

Chuyện cũng bắt đầu từ bản thân mình, bởi lẽ mình khá nhạy cảm và vì thế “mít ướt” là chuyện diễn ra như “cơm bữa”. Mình không thích điều đó, nên mình luôn nhắn nhủ mình là “hãy như bông hoa dại”, tuy rất mộc mạc nhưng sức sống cực kỳ mãnh liệt. Mình nghĩ nếu như vậy mình sẽ vượt qua được nhiều chuyện hơn và không hay bị buồn nữa. Thế rồi vô hình chung mình luôn tạo thứ vỏ bọc, mà đến giờ cậu bạn thân mình hay bảo rằng, “Mày tài nhỉ, dù có chuyện gì xảy ra mày cũng cười được hết”, nhưng mình biết rằng nụ cười của mình thật gượng gạo, mình không muốn vì tâm trạng của mình mà ảnh hưởng đến người xung quanh, mình rất sợ cảm giác được thương hại.

Năm chuẩn bị thi đại học, mình đã từng hỏi một người dì mà mình cực kỳ tin tưởng rằng, “Tại sao con cứ hay khóc như vậy? Con không thích điều đó.” Đáp lại băn khoăn của mình, dì cười. Mình mang nỗi trăn trở để tiếp tục tìm cho mình câu trả lời.

Rồi đến một ngày, cách đây tầm 2 năm, mình đọc được đâu đó một vài điều, đại khái nước mắt là một tín hiệu của cảm xúc và nó không có gì đáng chê trách hay lấy làm xấu hổ. Ngẫm thêm một hồi, mình thấy nó khá chính xác. Bởi lẽ việc đón nhận cảm xúc lúc đó mới là điều quan trọng. Ngay khoảnh khắc mình rơi lệ, mình tôn trọng cảm xúc hiện tại đang diễn ra, có thể là vui, buồn, lo lắng,… thì tất yếu mình sẽ đưa ra được lựa chọn liệu có nên để nó tiếp diễn như vậy hay không. Cũng đâu có đáng xấu hổ khi mình được thể hiện cảm xúc chân thật của mình ngay lúc đó. Cũng đâu có đáng xấu hổ khi bộc lộ ra một phần nào đó những nỗi niềm của mình. Thật may mắn khi mình còn nhận diện ra những cảm xúc “hỷ nộ ái ố” đời thường và để nó lên tiếng bằng những giọt nước mắt. Vì khi đó, mình còn kết nối với vạn vật, hay chăng là trái tim mình còn chạm và biết rung động với cuộc sống. Và thế là mình bắt đầu chuyển từ việc lau vội nước mắt và tự trách bản thân sang việc cứ để cảm xúc ngay lúc đó diễn ra một cách tự nhiên.

Trong một lần mình kể chuyện về gia đình, mình dường như vỡ òa và khóc trước mặt mọi người - nhóm học mình mới quen. Đúng là khoảnh khắc đó, mình vẫn nghe thấy những câu nói bảo "Hãy ngừng lại, không được khóc", và tự chê trách chính mình. Nhưng mình chọn cách an ủi bản thân - hãy cứ là chính mình. Mình không ngăn mình thôi rơi nước mắt, mình để cho mình được khóc, mình để cho mình có cơ hội ngừng tỏ ra mạnh mẽ, mình cho bản thân cơ hội để mọi người hiểu mình hơn, và quan trọng nhất là mình chọn tôn trọng cảm xúc bên trong. Với mình, đó là từng bước nhỏ mình tập để được là chính bản thân, “tháo lớp mặt nạ bí bách lâu ngày” và học cách chấp nhận những “mảng sáng và mảng tối” của chính mình.

Mình nghĩ là, khóc cũng được, không khóc cũng được, nên chăng là cách bản thân đón nhận cảm xúc ở một thời điểm nào đó. Bản thân mình chọn đối diện thay vì chối bỏ, vậy thôi! Mình vẫn đang học cách bước đi, lắng nghe những rung động của trái tim, hiểu và yêu những cảm xúc “đến rồi đi”, ôm ấp chúng như những người bạn. Có lẽ, đó là điều cần thiết nhất để được là chính mình và hiểu chính mình. 

Open Publishing
Bài viết này không thuộc quan điểm của Vietcetera.
Nơi các cây bút tự do, các chuyên gia, có thể xuất bản các nội dung, bài viết trên nền tảng của Vietcetera. tại đây.