Phá vỡ bức tường thứ tư - Điện ảnh "tràn vào" hiện thực | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 10, 2021
Sáng TạoĐiện ẢnhBóc Phim

Phá vỡ bức tường thứ tư - Điện ảnh "tràn vào" hiện thực

Các nhà làm phim đã phá vỡ ranh giới giữa điện ảnh với thực tại thông qua thủ pháp "phá vỡ bức tường thứ tư".

Phá vỡ bức tường thứ tư - Điện ảnh "tràn vào" hiện thực

Phá vỡ bức tường thứ tư được sử dụng rất nhiều trong điện ảnh. | Nguồn: Deadpool

1. Phá vỡ bức tường thứ tư là gì? 

"Bức tường thứ tư" là thuật ngữ dùng để chỉ một "bức tường" giả tưởng ngăn cách câu chuyện với thế giới thật.

Phá vỡ bức tường thứ tư là thủ pháp khi các nhân vật trong phim nhận thức được mình đang trong phim và cố gắng phá vỡ bức tường ngăn cách giữa phim và đời thực. Điều này được thể hiện qua việc giao tiếp với khán giả hoặc những chi tiết đề cập đến quá trình làm phim (Ví dụ như khi Deadpool nhắc đến tên diễn viên đóng vai chính mình - Ryan Reynolds).

Phá vỡ bức tường được sử dụng như một phương tiện để tạo không khí hài hước. Đồng thời, như đúng tên gọi của nó, thủ pháp này có khả năng phá vỡ những ranh giới và chuẩn mực của một tác phẩm khi nó dám bước ra bên ngoài “thực tại” giả tưởng và nói chuyện trực tiếp với người xem. 

Phá vỡ bức tường thứ tư lằ một "phương tiện" nổi tiếng trong điện ảnh. | Nguồn: Fleabag

Đây là một trong những thủ pháp được sử dụng nhiều nhất trong metafiction (các tác phẩm siêu hư cấu - một dạng hư cấu nhấn mạnh cấu trúc của chính nó theo cách liên tục nhắc nhở khán giả biết rằng họ đang đọc hoặc xem một tác phẩm hư cấu). Phá vỡ bức tường thứ tư đã được áp dụng rất nhiều trong các tác phẩm từ văn học cho tới điện ảnh.

Nó đặc biệt được sử dụng trong các tác phẩm kịch nói khi các diễn viên ứng biến với vai diễn. Điều này tạo nên gắn kết giữa các nhân vật giả tưởng với những người theo dõi sự kiện trên sân khấu.

2. Thủ pháp này được sử dụng như thế nào?

Phá vỡ bức tường thứ tư được chú trọng trong các bộ phim lồng ghép nhiều chi tiết dí dỏm và châm biếm. Mục đích dường như để đảo ngược và châm biếm các trope, cliche (công thức rập khuôn) thường thấy.

Thủ pháp này được dùng lần đầu tiên trong một tác phẩm phim lớn vào năm 1918, Men Who Have Made Love to Me của Mary McLane. Trong đó, nhân vật chính Mary nhìn vào máy quay và kể về những cuộc tình của mình như thể đang nói chuyện với khán giả. 

Đến thập niên 1970, các tác phẩm châm biếm của nhóm nghệ sĩ hài Anh Quốc Monty Python đã mang thủ pháp đến gần với đại chúng hơn. 

Đôi khi, phá vỡ bức tường thứ tư được dùng để làm giảm không khí căng thẳng trong các cảnh quay. Có những lúc khác, thủ pháp được sử dụng lặp đi lặp lại do cá tính của nhân vật gắn liền mật thiết với nó.

Trong Birdman, nhân vật chính liên tục nhìn vào máy quay để nói chuyện trực tiếp với khán giả và miêu tả các hành động cũng như dòng suy nghĩ của bản thân. Hay trong Ferris Bueller’s Day Off, thủ pháp này được sử dụng trong cả bộ phim để cho thấy cá tính của cậu nhóc tuổi teen Ferris trong một ngày cúp học của cậu.

Phá vỡ bức tường thứ tư được dùng theo nhiều cách khác nhau. | Nguồn: Annie Hall

Trong Annie Hall sản xuất năm 1977 của Woody Allen, thủ pháp này được áp dụng xuyên suốt bộ phim để cho thấy cá tính của nhân vật chính - Alvy Singer và những quan điểm của anh với thế giới. Ở một cảnh quay cãi nhau về một chủ đề triết học, Singer đã mang một nhân vật được nói đến trong cuộc hội thoại - Marshall McLuhan vào trong bộ phim ngay trong lúc đang nói chuyện với một người khác. 

Điều này làm tăng tính meta (tự nhận thức) cho bộ phim và góp phần làm sáng tỏ ý của Allen trong Annie Hall, một tác phẩm mang tính mỉa mai giới tri thức New York thập niên 1970.

3. Khi “bức tường thứ tư” bị lạm dụng

Để áp dụng thủ pháp vào trong các tác phẩm của mình một cách mượt mà và có “duyên” là điều hoàn toàn không dễ dàng. Phá vỡ bức tường thứ tư bị lạm dụng hoặc không dùng đúng cách có thể dẫn đến nhàm chán.

Dưới đây là một video phân tích về thủ pháp của kênh Now You See It và những hệ quả của khi ta sử dụng nó một cách bừa bãi: không phù hợp với ngữ cảnh, làm mất đi nhịp của phim hoặc sử dụng nó quá nhiều. 


4. Các ví dụ trên màn ảnh

Deadpool trong Deadpool (2016)

Alvy Singer trong Annie Hall (1977)

Ferris Bueller trong Ferris Bueller’s Day Off (1986)