Phan Đăng Di: "Hãy luôn có gì đó mới để suy nghĩ, để làm tiếp." | Vietcetera
Billboard banner
22 Thg 11, 2021
Sáng TạoĐiện Ảnh

Phan Đăng Di: "Hãy luôn có gì đó mới để suy nghĩ, để làm tiếp."

"Quan điểm có thể thay đổi theo thời gian, nhưng cái mình thích, muốn làm trong điện ảnh thường không bao giờ thay đổi."
Phan Đăng Di: "Hãy luôn có gì đó mới để suy nghĩ, để làm tiếp."

Đạo diễn Phan Đăng Di.

Phan Đăng Di là một trong những nhà làm phim nghệ thuật độc lập nổi tiếng tại Việt Nam. Anh được khán giả biết đến qua các bộ phim Chơi Vơi (biên kịch), Khi tôi 20 (phim ngắn), Bi, đừng sợ, Cha và con và, Chàng dâng cá, nàng ăn hoa.

Tác phẩm của Phan Đăng Di từng được công chiếu và tranh giải tại các Liên hoan phim Quốc tế hàng đầu như Cannes, Venice, Berlin, Busan... Hành trình hơn 15 năm theo đuổi làm phim, vị đạo diễn đã thay đổi nhiều thứ nhưng ngôn ngữ điện ảnh thì luôn nhất quán.

Mới đây, Vietcetera có cơ hội ngồi lại trò chuyện với đạo diễn Phan Đăng Di, để hiểu hơn hành trình làm điện ảnh của anh và thế hệ làm phim trẻ tiếp theo của Việt Nam.

Khoảnh khắc nào dẫn anh đến với điện ảnh?

Chính xác là năm 17 tuổi (1993), anh đang học lớp 11, và chương trình VKT phát sóng một chương trình đặc biệt về LHP Cannes. Năm đó Bá vương biệt Cơ của Trần Khải Ca được trao Cành Cọ Vàng cùng với Dương cầm của Jane Campion. Đạo diễn Trần Anh Hùng đoạt giải Camera Vàng cho phim đầu tay Mùi đu đủ xanh. Lần đầu tiên có một người Việt Nam thắng giải ở Cannes.

Nhà làm phim Phan Đăng Di. | Nguồn: DNSG

Sự kiện Cannes năm đó gây chân động rất lớn trong anh. Vốn định trở thành một nhà văn, anh quyết định sẽ thi vào trường Điện ảnh. Một năm sau đó, anh dự kỳ thi đầu vào kéo dài một tuần của trường này.

Ở trường Điện ảnh, anh học điện ảnh như thế nào?

Lúc đó trường Điện ảnh nghèo lắm, mọi thứ khá xập xệ và gần như chẳng có gì. Học điện ảnh thế thôi chứ xem, nghe cũng ít. Những tác phẩm quan trọng nhất của điện ảnh thế giới gần như bọn anh điều không được xem. Điều này ít nhiều tạo ra trong anh sự hụt hẫng.

Anh hay lên thư viện trường đọc sách báo và tìm thấy một tập tờ báo điện ảnh của Pháp rất hay tên là Cahier Du Cinema do Sứ quán Pháp viện trợ. Những tạp san này đăng lại những bức ảnh từ phim, kịch bản hoặc miêu tả diễn tiến của nhiều bộ phim nổi tiếng.

Khoảnh khắc phát hiện ra điều này, với anh rất quan trọng bởi điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ không giống lắm với những thứ anh tưởng tượng hay quan sát thấy từ những phim nước ngoài.

Anh còn nhớ không khí xem điện ảnh thời đó?

Những năm 1996 - 1997, Hà Nội có một rạp phim rất thú vị là Fansland ở 84 Lý Thường Kiệt. Rạp này do Dũng Digital, một người yêu phim hay đi nước ngoài, mua được rất nhiều đĩa VCD phim kinh điển rồi phối hợp với điện ảnh Quân đội trình chiếu cho khán giả.

Những bộ phim kinh điển, cổ điển, có chủ đề phóng khoáng, thậm chí gây sốc được trình chiếu mà không cần qua kiểm duyệt. Điều này đã tạo ra sự thích thú lớn trong lòng khán giả nên các buổi chiếu phim rất đông khách.

Thế không khí làm điện ảnh thời đó như thế nào?

Thời đó nhà nước vẫn bao cấp làm phim; các hãng phim cũng đều thuộc nhà nước. Họ được cấp bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu phim. Lượng phim làm ra trong một năm không nhiều.

Đạo diễn Phan Đăng Di.

Những năm đó nhiều bộ phim cũng bắt đầu được sản xuất nhiều hơn hơn. Nhiều người nghĩ phim chiếu rạp đã chết, tương lai sẽ là phim bộ. Trong trường Điện ảnh, sinh viên kéo đi học nghề ở các đoàn phim rất đông.

Trước khi làm phim, được biết anh từng là công chức ở Cục Điện ảnh?

Khi ra trường anh được nhận vào làm ở Cục Điện ảnh như một công chức tập sự. Khi Cục thực hiện cuốn sách Lịch sử điện ảnh, anh có cơ hội gặp gỡ rất nhiều nhân chứng, những người làm điện ảnh thời kỳ đầu, gặp gỡ và lấy tư liệu.

Thời kỳ đó, anh chưa nghĩ đến chuyện làm phim, muốn yên thân và thỉnh thoảng viết 1 kịch bản. Tuy nhiên, chính khoảng thời gian này cho anh một cái nhìn tổng thể về điện ảnh Việt Nam, cái gì đã và đang diễn ra. Anh khá thông suốt và hiểu được nội tình của lịch sử điện ảnh nước nhà.

Tại sao anh quyết định bỏ làm công chức để đi làm phim?

Anh quyết định bỏ làm ở Cục Điện ảnh vì tự thấy có sự mâu thuẫn giữa mong muốn làm phim và chức phận của một công chức.

Ngoài ra lúc đó, anh đã đi dạy cho chương trình Film Studies do Quỹ Ford tài trợ, mở tại trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Lương dạy học cũng đủ sống; thêm nữa, anh có chút tiền tích luỹ để thực hiện hồ sơ xin tài trợ cho bộ phim dài đầu tay Bi, đừng sợ. Anh bắt đầu đi chụp ảnh dự án, làm các hồ sơ, thuê dịch ra tiếng Anh và gửi đến các LHP.

Sự bỏ này đã đưa anh đến với các LHP Quốc tế lớn sau đó?

Tháng 10/2007, anh đưa dự án sang Busan. Lần đầu tiên anh đi nước ngoài với tư cách nhà làm phim. Anh choáng trước sự phát triển của Hàn Quốc và nhìn thấy cách làm điện ảnh độc lập của toàn thế giới; nhìn thấy ở đây cơ chế vận hành để phát triển một nền điện ảnh như thế nào.

Tại LHP Busan năm đó, dự án của anh đoạt giải trị giá 10 nghìn đô của Hội đồng Điện ảnh Busan (Busan Film Commission). Anh tiếp tục gặp một cơ may khác khi trại sáng tác L’Atelier của Cannes mời anh tham gia vào năm sau.

Phim ngắn đầu tay của Phan Đăng Di, Khi tôi 20.

Năm 2008, anh đến Cannes. Anh thấy quy mô của LHP này còn khủng khiếp hơn. Nhưng điều quan trọng, anh thấy được tinh thần hỗ trợ cho điện ảnh - nghệ thuật. Anh cũng thấy được sự háo hức của những người làm phim độc lập, nghệ thuật khắp thế giới.

Phim nghệ thuật rất rộng mở, thị trường lại rất tiềm năng.

Cùng năm đó, sau khi đến Cannes, đáng lẽ anh sẽ đến LHP Venice. Phim ngắn Khi tôi 20 được chiếu ở Venice nhưng do vướng vấn đề kiểm duyệt nên anh không thể gửi bản phim 35mm đi được, đành chấp nhận chiếu một bản VCD chất lượng thấp.

Vì kiểm duyệt không thông, anh cũng quyết định ở nhà. Sau đó, anh cũng phải đóng một khoản phạt vì giấy phép phổ biến phim Khi tôi 20 không cho gửi đi LHP quốc tế. Tuy nhiên chuyện buồn này cũng qua nhanh vì chỉ 1 năm sau anh đã kiếm đủ tiền để quay Bi, đừng sợ; và một vòng LHP lại tiếp tục bắt đầu.

Nhưng tác phẩm của anh có vẻ khá kén khán giả trong nước?

Những điều anh đưa vào phim là những thứ anh đã gặp, trải nghiệm trong cuộc sống hàng ngày với tư cách cá nhân. Đó là trải nghiệm của người đang sống và rất quan trọng. Có thể, vì gần gũi, quen thuộc quá nên khán giả không thích nhìn thấy một lần nữa trên màn ảnh.

Đa phần khán giả có nhu cầu xem một thế giới khác. Khi mình cho họ thấy một thế giới quá gần, có thể đó không phải là cách hay. Vì sao cả thế giới thích xem Marvel hay phim Hàn Quốc? - Vì nó bày ra một thế giới mới.

Thường những điều gần gũi như vậy chỉ là quan tâm của cá nhân người làm phim. Họ tiếp cận và nhìn nhận vấn đề qua nhãn quan rất cá nhân, bằng xúc giác, cảm giác của họ trong những suy tư về tồn tại. Điều này quan trọng với nhà làm phim nhưng đối với khán giả thì chưa hẳn.

Liệu còn điều gì khác nữa?

Anh chỉ mới có hai phim dài là Bi, đừng sợ và Cha và con và. Nhưng trong cả hai phim, anh không cố đuổi theo câu chuyện. Anh thấy có sự giả nhất định trong việc cố tình kể một câu chuyện theo cách dàn xếp, lớp lang. Anh thích sự ngẫu nhiên.

Điều anh theo đuổi trong điện ảnh là những khoảnh khắc, nhịp phim; hay những khái niệm trừu tượng về tình yêu, nỗi đau, bản thể, sự lên tiếng của cơ thể, bản năng... Khán giả xem phim của anh thường cảm thấy bị hẫng, thấy sự dẫn dắt kiểu này làm cho họ sao nhãng.

Nhiều người nhận xét phim của anh nhiều nhân vật nhưng lại không có nhân vật trung tâm. Thực sự thì anh không thích xây nên một nhân vật trung tâm trong khi mình nhìn thế giới, đời người. Cuộc đời chúng ta không thực sự có nhiều biến cố, nó trôi đi đa phần là tẻ ngắt nhưng lại có nhiều khoảnh khắc sống thật đáng nhớ, nó bùng lên man mẽ và ở đó mãi trong ký ức ta. Sau đó có thể ta không bao giờ trải qua lần nữa.

Poster phim Cha và con và (Mekong Stories).

Trong phim của mình, anh hướng đến những khoảnh khắc. Như trong Cha và con và, đó là những khoảng khắc khi gương mặt của tình yêu hiện ra trong mỗi người. Tình yêu có thể có gương mặt rất ngây thơ, dịu dàng nhưng cũng có những gương mặt ngu muội, say sưa, bệ rạc, thương tích, cũng có gương mặt giễu nhại hay nhại tiếng...

Chúng ta vẫn sống một cuộc đời ơ thờ, bổn phận, chỉ những biến cố đọng lại một khoảnh khắc nào đó khiến mình thấm thía. Còn cuộc đời nhìn chung đều trôi đi một cách ngớ ngẩn, vô nghĩa. Điều này xuất phát từ chiêm nghiệm bản thân anh và nó sẽ không thay đổi.

Điện ảnh anh muốn làm đôi khi có gì đó rất ngẫu nhiên, rất giật cục chứ không phải sự trôi chảy của một câu chuyện lớp lang. Vì thế, nó có một cái gì đó đi ngược lại với thói quen xem phim.

Với tư cách một nhà làm phim, anh nghĩ trách nhiệm của mình là gì?

Trước hết, anh phải có trách nhiệm với những đồng nghiệp, những người cộng tác, đầu tư của mình. Nhưng người làm phim có một trách nhiệm đối với cá nhân lớn hơn. Đó là anh ta phải chung thủy với sự lựa chọn cá nhân của mình và cố mà giữ được tiếng nói đó dù nó thật mỏng manh và cũng dễ bị đàn áp. Chỉ với tiếng nói đó, điện ảnh mới trở thành một thứ nghệ thuật thành thực được.

Nếu không làm được như vậy, ta có thể xem điện ảnh như một nghề nghiệp, công việc. Điều đấy cũng tốt. Còn khi đã xem điện ảnh là cái gì đó rất cá nhân, riêng tư và xem những thứ ta làm ra chính là "bản lai diện mục" của mình thì ta buộc phải trung thực với mình chứ đừng thoả hiệp.

Anh cũng nghĩ, trong một chừng mực nào đó, người làm phim cũng nên nghĩ đến việc làm dày tiếng nói tâm hồn, nội tâm của mình, của dân tộc mình, của nơi mình đang sống. Nếu thiếu đi điều đó, mọi chuyện có thể sẽ trở nên... lôm côm.

Đạo diễn Phan Đăng Di tại LHP Berlin.

Cũng phải thấy trong sáng tạo, tiếng nói của một cộng đồng đôi khi dồn lại cho một vài cá nhân tài năng nhất, vậy thì cũng phải biết cách để họ có cơ hội được cất tiếng. Đó là cách duy nhất để một nền điện ảnh, rộng ra là một nền văn hoá ít tiếng nói như mình có một sự đóng góp trở lại, dù rất nhỏ vào cái chung của nhân loại.

Theo anh, đâu là vấn đề cần nói về điện ảnh Việt Nam nhưng chưa được nói tới hoặc nói tới chưa đủ?

Những vấn đề của nền điện ảnh chúng ta thì đã được nói tới rất nhiều, qua bao nhiêu thế hệ nghệ sỹ, và tôi vẫn cứ muốn nhắc đi nhắc lại đó là: Chúng ta có quá nhiều những sợ hãi mơ hồ trong lúc chưa từng có một tầm nhìn can đảm, tham vọng để tìm cách cùng phát triển nền điện ảnh nhà.

Mọi thứ đã ở trong tình trạng rời rã mạnh ai nấy lo trong lúc tư duy quản lý vẫn dừng lại ở nhiệm vụ gác cổng chứ không phải khai phá, mở đường cho phát triển. Nếu tình trạng này không thay đổi thi điện ảnh Việt Nam sẽ rất khó để phát triển!

Anh thấy đâu là sự thay đổi lớn nhất trong hành trình làm điện ảnh của mình?

Điều khiến anh thay đổi nhiều là khi anh bắt đầu thực hiện Gặp gỡ mùa thu. Nơi đây cho anh cơ hội gặp gỡ nhiều bạn trẻ, khiến anh có một trách nhiệm khác.

Anh bắt đầu thực hiện các dự án mà mọi người có thể làm chung với nhau mà Chàng dâng cá, nàng ăn hoa là một ví dụ. Mới đây anh nhận làm phim bộ 50 tập có tên Em ước mình cùng bay cho kênh VieON. Anh muốn những người tham gia Gặp gỡ mùa thu được làm việc cùng với nhau.

Phang Đăng Di chụp ảnh cùng đạo diễn Trần Anh Hùng, diễn viên Trần Nữ Yên Khê, Trương Ngọc Ánh...

Anh cũng tách mình ra trong những dự án cụ thể. Với những tác phẩm cá nhân, độc lập, anh vẫn theo đuổi cách làm việc như đã từng. Cuối cùng, quan điểm điện ảnh có thể thay đổi theo thời gian, nhưng cái mình thích, muốn làm trong điện ảnh thường không bao giờ thay đổi.

Anh đã từng nhận được lời khuyên nào trong quá trình làm phim của mình?

Anh nhận được nhiều lời khuyên, nhưng thường trong những trường hợp cụ thể. Như giữ sức khỏe, sự tỉnh tảo. Làm cách nào để tìm được cơ hội? Làm sao để vượt qua khó khăn. Có nhiều lời khuyên hé ra cho mình một con đường.

Còn những lời khuyên lớn hơn, anh nghĩ chỉ khi cứ làm, cứ sống thì sẽ tự nhận ra con đường của mình. Lúc đó, lời khuyên cũng không thực sự còn nhiều ý nghĩa nữa. Chính kinh nghiệm của bản thân sẽ cho mình những lời khuyên xương máu.

Anh nghĩ, hãy luôn có gì đó mới để suy nghĩ, để làm tiếp.

Hà Nội mùa đông sắp diễn ra, anh có thể chia sẻ đôi điều về chương trình?

Thật may là khi Gặp gỡ mùa Thu bị đứt quãng 2 năm vì Covid, lại có ngay Hà Nội mùa đông - với cùng một tinh thần hướng đến một thứ điện ảnh riêng tư, tự tin và cởi mở.

Các nhà làm phim trẻ được trao cơ hội, góp ý như thế nào ở sự kiện này?

Ở các dự án được chọn vào, chúng tôi đều cảm được một tinh thần khá thuần khiết trong các câu chuyện kể, cả sự sơ suất khi hình dung về cách thực hiện. Nhưng cũng chẳng sao vì biết đâu kinh nghiệm của "đám già chúng tôi có thể lại giúp ích được phần nào. Cũng có các giải thưởng tiền mặt, không nhiều nhưng đủ để ấm lòng trong lúc dịch giã khốn khó thế này!

Anh nghĩ gì về thế hệ nhà làm phim trẻ tại Việt Nam hiện nay?

Việt Nam cần làm thêm nhiều phim hơn nữa. Và lớp đạo diễn trẻ hơn đang quan tâm nhiều và sâu vào ngôn ngữ điện ảnh. Đó là mầm mống đầu tiên để làm cho nền điện ảnh này trở nên phong phú. Nhưng hình hài của nền điện ảnh sẽ như thế nào trong tương lai thì sẽ còn là một câu chuyện rất dài trong đó không thể không cần đến những tư duy đột phá, sáng suốt về kiểm duyệt, đào tạo nhân lực, rộng cửa cho hợp tác và tôn trọng người tài.

Nguồn: Đạo diễn Phan Đăng Di.

Anh đã thuộc lứa khá già trong giới làm phim độc lập. Thế hệ trẻ về sau có nhiều gương mặt rất độc đáo và tài năng, nhưng để họ qua 30 tuổi mà chưa làm được ít nhất 1 bộ phim dài là điều đáng lo ngại. Độ tuổi 30 là thời điểm sung sức nhất để đối mặt với thử thách, cần phải được trui rèn trong quãng đó thì về sau mới có đà để bước tiếp được .

Một lời khuyên của anh đến những nhà làm phim trẻ hoặc những bạn trẻ ấp ủ làm phim?

Lời khuyên, đối với một nhà làm phim, là rất khó. Trong nhiều trường hợp, việc làm phim sẽ trở thành số phận, với cả ý hay và dở của nó.

Làm phim, cũng như bất cứ nghề nào khác trên đời, cần một sự theo đuổi chân thành. Và điện ảnh cũng ích kỷ đến mức mình phải xem nó là người tình thứ nhất, không thể là người tình thứ hai để mình chọn.

Nếu mình không dành đủ sự quan tâm, không xem điện ảnh là thứ nhất, thì khó để làm được điều gì đó trong điện ảnh.