Phép lịch sự tại phòng triển lãm: Để không vô tình “làm đau” nghệ thuật | Vietcetera
Billboard banner

Phép lịch sự tại phòng triển lãm: Để không vô tình “làm đau” nghệ thuật

Dù đến triển lãm vì lý do gì, hãy cư xử đúng mực.

Phép lịch sự tại phòng triển lãm: Để không vô tình “làm đau” nghệ thuật

Lối vào Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. | Nguồn: The Factory

Có thể bạn đã từng nhìn thấy đoạn video về một người phụ nữ “vô tình” làm hỏng các tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn khi đang cố chụp ảnh selfie ngay sát khu vực trưng bày. Đó là một sự cố đáng tiếc, và đáng lẽ không nên xảy ra.

Chị Zoe Butt - Giám đốc Nghệ thuật tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory tại Sài Gòn, nhận định rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến các sự việc phá hoại tác phẩm nghệ thuật, chính là thói quen sử dụng điện thoại di động mọi lúc mọi nơi.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ giới hạn ở những rủi ro khi selfie trong khu vực triển lãm. Thỉnh thoảng, tại đây sẽ có những đứa trẻ hiếu động chạy nhảy và nô đùa, những người muốn trực tiếp chạm tay vào hiện vật, và cả những người hay lớn tiếng phán xét dù không hiểu rõ về tác phẩm.

Có người đến xem triển lãm để cảm nhận thế giới quan của những người làm nghệ thuật, hoặc để thư giãn sau giờ làm và tăng khả năng sáng tạo (cũng có thể vì muốn trì hoãn công việc nữa), hoặc để gây ấn tượng với “nửa kia” trong những buổi hẹn đầu. Tuy nhiên, dù đến triển lãm vì lý do gì, hãy cư xử đúng mực.

Về cơ bản, xem triển lãm cũng giống như tham quan bảo tàng - hoàn toàn khác với những lúc vui chơi ở công viên giải trí. Hãy tôn trọng tác phẩm của nghệ sĩ, tôn trọng công sức của đội ngũ tổ chức, và cố gắng chú ý xem hành động của bạn có thể ảnh hưởng thế nào đến những người xung quanh.

Không mang theo đồ ăn - chẳng hạn như bánh mì - mới chỉ là một trong số rất nhiều điều cần lưu ý khi đến xem triển lãm. Để bày tỏ sự tôn trọng, trong trường hợp này, bạn cần có nhận thức và chuẩn bị nhiều hơn là chỉ “đến xem”.

alt
Bố cục sắp xếp của buổi triển lãm ‘Home: Looking inwards to the outer world’, với các tác phẩm được truyền cảm hứng từ những bức vẽ của nghệ sĩ Nguyễn Đức Phương. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ Trương Công Tùng, Bùi Công Khánh, Nam Thi, Thảo Nguyên Phan, Võ Thủy Tiên và Tammy Nguyễn tại The Factory. | Nguồn: The Factory

Điều chỉnh âm lượng của… chính mình

Để khách hàng tận hưởng cảm giác thư giãn khi mua sắm, nhiều cửa hàng thời trang thường mở nhạc là những bản hit có tiết tấu nhanh và nhộn nhịp. Tuy nhiên, các khu vực trưng bày nghệ thuật lại không áp dụng “phương thức kinh doanh” như vậy. Trong một buổi triển lãm tranh, nếu có tiếng động “bất thường” nào vang lên, thì chắc chắn sẽ thu hút những ánh nhìn không mấy thiện cảm.

Ví dụ như tiếng nói chuyện. Bạn hoàn toàn có thể trò chuyện khi tham quan, nhưng hãy trao đổi nhỏ nhẹ nhất có thể. Sẽ có lúc bạn đi xem triển lãm cùng người thân hoặc bạn bè, nhưng cũng có lúc bạn sẽ đến đây một mình và muốn tham quan trong yên lặng.

Vậy, hãy thử tưởng tượng: vào đúng lúc bạn đang chìm đắm trong dòng suy nghĩ thì bỗng nhiên bị gián đoạn bởi tiếng la hét của trẻ con, hoặc bởi tiếng chuông điện thoại ồn ào của ai đó - điều này thật sự không thoải mái chút nào. Không chỉ nói chuyện nhỏ nhẹ, tắt chuông điện thoại cũng là một phép lịch sự khi đến xem triển lãm.

“Ôn bài” trước

Mục đích chính của việc đến xem triển lãm là thưởng thức nghệ thuật. Để không phải hỏi han những người xung quanh quá nhiều (và làm gián đoạn trải nghiệm của họ), bạn nên tìm hiểu trước về thông tin của buổi triển lãm và nghệ sĩ góp mặt, để hiểu những lựa chọn trong phong cách nghệ thuật và lý do họ cho ra đời các tác phẩm ấy.

Hoặc, để được giải đáp những thắc mắc về ý nghĩa sâu xa ẩn đằng sau tác phẩm, hoặc về câu chuyện mà người nghệ sĩ muốn truyền tải, bạn có thể trực tiếp hỏi các nhân viên phòng triển lãm.

alt
Bố cục sắp xếp của buổi triển lãm cá nhân mang tên ‘Lost from View’ của nghệ sĩ Hương Ngô tại The Factory, diễn ra từ 19/06 - 30/09/2020. | Nguồn: The Factory

Giữ khoảng cách an toàn, không chen lấn

Ban tổ chức thường phải cân nhắc rất kỹ càng và cẩn thận về khoảng cách cần có giữa các tác phẩm nghệ thuật và khán giả. Về cơ bản, người xem tuyệt đối KHÔNG ĐƯỢC VƯỢT QUA “ranh giới” này.

Đặc biệt, đối với các tác phẩm là nghệ thuật sắp đặt, hoặc các tác phẩm điêu khắc, bạn bắt buộc phải giữ một khoảng cách an toàn nếu chúng không được bảo vệ trong khung kính. Nếu có vấn đề gì xảy ra với các tác phẩm này - dù chỉ do sơ ý, bạn sẽ phải chịu một khoản tiền phạt khá lớn.

Khách tham quan tất nhiên đều muốn nhìn tác phẩm ở cự ly gần nhất có thể. Tuy nhiên, việc chiếm giữ “chỗ đẹp” quá lâu sẽ khiến nhiều khán giả khác không có cơ hội trực tiếp cảm nhận những thông điệp mà tác giả muốn truyền tải tới công chúng. Các tác phẩm nghệ thuật thường sẽ luôn ở nguyên một vị trí (chứ không “chạy show” như ca sĩ chuyên nghiệp), nên bạn hoàn toàn có thể thư giãn và đợi đến lượt mình thưởng thức.

alt
Bố cục sắp xếp của buổi triển lãm ‘Within / Between / Beneath / Upon' của nhóm nghệ sĩ Richard Streitmatter-Trần, Lê Hiền Minh và Thảo Nguyên Phan tại The Factory. | Nguồn: The Factory

Không chạm vào hiện vật (trừ khi đó là dụng ý của tác giả)

Hầu như mọi phòng trưng bày đều có bảng chỉ dẫn rõ ràng về quy tắc này, nhưng vẫn có nhiều người không chú ý tới. Dù bạn muốn thử chạm vào lớp sơn acrylic trên một bức tranh hoa sen Việt Nam đến đâu, hay muốn cảm nhận những nét chạm khắc tinh xảo của bình gốm đến thế nào, tuyệt đối đừng làm vậy.

Vừa cùng tôi tham quan triển lãm mới nhất tại The Factory, chị Zoe vừa kể về một vài sự cố xảy ra do sự vô ý của người xem. Đã từng có một người thanh niên trực tiếp đổ mực vô hình lên toàn bộ một bức tranh, vì cho rằng họa sĩ cố tình đặt lọ mực ở đó để người xem có thể tự tìm ra thông điệp ẩn giấu trong bức tranh sau khi đổ mực lên.

Thậm chí, bức tranh này được vẽ trên một loại giấy cổ truyền quý hiếm, và chính hành động trên đã hủy hoại tác phẩm. Dù không có ý xấu, nhưng sự sai lầm của người thanh niên đã khiến chính anh, phòng trưng bày và cả nghệ sĩ đều phải bỏ ra một khoản tiền lớn để khắc phục vấn đề.

Sự cố khác xảy ra trong lúc một gia đình đang xem triển lãm thời trang của Thủy Design House. Khi đó, người mẹ không những đã sờ tay lên tấm lụa mỏng, mà sau đó còn khoác thử lên người cho các con xem. Người ngoài có thể thấy hành động này không phải sai sót gì nghiêm trọng, nhưng trên thực tế, việc này có khả năng gây ra khá nhiều thiệt hại.

alt
Bố cục sắp xếp của tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mang tên ‘Up Against The’ (sản xuất năm 2017, vẽ bằng mực vô hình trên giấy làm từ bột giấy sulphite). Tác phẩm đã bị làm hỏng khi đang được trưng bày tại The Factory. | Nguồn: The Factory

Quan trọng nhất, hãy tôn trọng nghệ thuật và người nghệ sĩ

Chẳng ai muốn bị lớn tiếng nhắc nhở khi đến tham quan các khu triển lãm nghệ thuật. Nắm được tâm lý này, các phòng tranh vẫn luôn cố gắng hướng dẫn khách hàng bằng những tấm bảng chỉ dẫn cụ thể và rõ ràng nhất.

Thay vì muốn bạn phải cảm thấy “sợ” làm hỏng tác phẩm nghệ thuật, các khu triển lãm thường mong bạn hiểu rằng một quá trình sáng tạo nghệ thuật luôn đòi hỏi sự trau chuốt và công phu: không chỉ tốn kém tiền bạc, đòi hỏi kỹ năng nghệ thuật, mà quá trình sáng tạo còn chứa đựng vô vàn cảm xúc của tác giả.

Điều khiến một nghệ sĩ đau lòng nhất, chính là khi khán giả coi các tác phẩm nghệ thuật mà họ dày công tạo ra chỉ như dạng sản phẩm dùng-một-lần-rồi-bỏ.

Để không xảy ra những hành động phá hoại nghệ thuật một cách không chủ ý, có lẽ phương pháp hiệu quả nhất chính là nên thường xuyên tiếp xúc với nghệ thuật hơn. Nhiều người cho rằng đi xem triển lãm đều đặn là một thú vui xa xỉ và tốn kém, nhưng thật ra, hầu hết vé vào cửa của các buổi triển lãm tại The Factory có giá chỉ khoảng 80.000 VNĐ/vé đối với người lớn, 40.000 VNĐ/vé đối với học sinh/sinh viên (có thẻ), và trẻ em dưới 12 tuổi thì hoàn toàn miễn phí.

Những lúc chưa biết nên đi đâu khi ra đường, bạn hoàn toàn có thể chọn tới đây để thưởng thức nghệ thuật đương đại Việt Nam. Và, hãy cư xử đúng mực!

Bài viết được chuyển ngữ bởi Thảo Vân.

alt
Bố cục sắp xếp của buổi triển lãm cá nhân mang tên ‘Lost from View’ của nghệ sĩ Hương Ngô tại The Factory, diễn ra từ 19/06 - 30/09/2020. | Nguồn: The Factory