Sách thiếu nhi - Để trẻ con nói cho mà nghe! | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Sách thiếu nhi - Để trẻ con nói cho mà nghe!

Sách thiếu nhi có thể dạy cho người lớn những bài học gì?
Sách thiếu nhi - Để trẻ con nói cho mà nghe!

Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera

“Để sống tốt hơn, đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn” - Nguyễn Nhật Ánh, “ông hoàng” của truyện thiếu nhi tại Việt Nam, đã nói thế.  

Trước khi làm người lớn, ai cũng từng là trẻ con. Nhưng nhiều khi người lớn lại quên mất điều đó.

Vậy nên, những quyển sách thiếu nhi sau đây sẽ nhắc lại một số bài học mà người lớn trót quên.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ - Nguyễn Nhật Ánh

Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera
Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera

“Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em.” Giọng văn tự sự của Nguyễn Nhật Ánh đã đưa độc giả vào hành trình của chính ông thuở nhỏ. Đó là cu Mùi, cùng những trò “nghịch dại” đậm chất trẻ thơ của cậu với nhóm bạn của mình.

Mùi là một cậu con nít. Thế nên không có gì lạ khi cậu bày ra những trò chẳng giống ai cùng bạn bè. Như ăn cơm trong… thau và xới tung vườn cây nhà bạn để đi tìm kho báu. 

Với người lớn, đó là những trò tinh nghịch vô cùng đáng đánh đòn. Nhưng chính cái nhìn đầy định kiến của người lớn cũng là thứ khiến họ chẳng được trải nghiệm những niềm vui đơn sơ của Mùi. Niềm vui được thử nghiệm sự mới mẻ, hay được khám phá một thế giới mới ngay sau sân nhà. 

Gần cuối quyển sách, bọn trẻ con đã giả lập một phiên tòa để trách người lớn. Người lớn luôn nghĩ họ đúng và áp đặt mọi thứ lên trẻ con. Nhưng nếu cứ mang sự định kiến như thế, liệu người lớn có cơ hội học được những góc nhìn mới mẻ từ con nít hay không?

Pippi Tất Dài -  Astrid Lindgren

Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera
Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera

Pippi thật kỳ lạ. Cô bé nằm ngủ ngược: chân để lên gối, đầu thì bị chăn phủ kín. Mẹ mất sớm, cha thì mất tích (việc này đã mang đến một bất ngờ lớn trong nội dung của nửa sau cuốn sách), nhưng Pippi vẫn luôn yêu đời.

Ngòi bút hóm hỉnh trong tất cả mọi việc của Astrid Lindgren dẫn người đọc vào hành trình nhiệm màu của Pippi và những người bạn. Không gian trong truyện có lúc gần gũi như những khu vườn, căn nhà gỗ; nhưng có lúc cũng xa tít mù khơi, như trên con thuyền hải tặc hay trong một hang động chưa ai khám phá ở một vùng biển xa lạ. 

Dù là ở xa hay gần, Pippi vẫn có cách biến mọi nơi cô đi qua thành một cuộc thám hiểm. Tâm hồn tự do khiến cô bé đương đầu được với bất kỳ thử thách nào của cuộc đời. Và tinh thần ưa khám phá khiến Pippi nhìn thấy sự kỳ diệu ở mọi nơi cô bé đi qua. 

Khi 1001 deadline bủa vây, có bao giờ chúng ta quên mất phép màu của những cuộc phiêu lưu không?

Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần

Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera
Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera

Xuyên suốt quyển sách là những câu hỏi không hồi kết về cuộc sống: Vì sao con phải cười? Vì sao chúng ta lại tên thế này mà không phải thế kia? Cậu nhóc tò mò về mọi thứ, và chẳng ngại đặt câu hỏi. 

Tác giả đã giải đáp rất nhiều câu hỏi mang tính triết học bằng góc nhìn ngây thơ và êm dịu. Tác phẩm mang nhiều tầng nghĩa mà vẫn giàu chất thơ. Gấp quyển sách lại, ta chỉ có thể mỉm cười. Bởi hành trình cậu bé đã đi qua, với những chiêm nghiệm về cuộc sống và con người, lại khiến ta vững tin vào sự đẹp đẽ của thế giới.

Sự tò mò của cậu nhóc 10 tuổi phần nào cũng truyền cảm hứng cho người lớn. Đôi khi, vì quá thực tế, chúng ta lại đang để quên sự ngây thơ và tò mò của mình về thế giới xung quanh.

Hoàng Tử Bé - Antoine de Saint-Exupéry

Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera
Nguồn: Minh Hồng cho Vietcetera

Một cuốn sách sử dụng từ ngữ rất đơn giản và dễ hiểu. Nhưng những câu hỏi nó đặt ra lại không chỉ đơn thuần dành cho trẻ em. 

Từng nhân vật xuất hiện trong cuốn sách đều mở ra một triết lý cho người đọc. Đó có thể là triết lý về tình yêu giữa Hoàng Tử Bé và bông hoa hồng, hay là triết lý về sự gắn bó giữa cậu và chú cáo...

Hoàng Tử Bé không phải là một câu chuyện vui. Những câu văn nhẹ nhàng nói lên các vấn đề mà người lớn đôi khi không muốn đối diện. Mặc cho nỗi buồn man mác lan tỏa toàn mạch truyện, Hoàng Tử Bé vẫn mang cho độc giả cảm giác bình an khi đọc, với những khung cảnh đầy thơ mộng.
 
Càng lật sách, ta càng không khỏi ngạc nhiên vì thấy bản thân, hoặc một ai đó ta quen xuất hiện. Một vị vua hợm hĩnh, một người chỉ vùi đầu vào các con số vô nghĩa, những kẻ không biết tưởng tượng…

Có khi nào trong quá trình trưởng thành, ta đã bỏ quên một phần bản thân và biến thành “một người kỳ lạ”, và khô khan, như cách Hoàng Tử Bé nhìn người lớn không?