Ta chết trong nhau bao giờ? | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 01, 2021
Sáng TạoĐiện ẢnhDVD

Ta chết trong nhau bao giờ?

Một câu chuyện tình khởi đi từ tình yêu và sự tôn trọng dành cho nhau, tại sao lại đổ vỡ và dẫn đến những tổn thương không thể cứu vãn?

Ta chết trong nhau bao giờ?

Cảnh phim "Marriage Story". | Nguồn: Netflix

Chúng ta, những kẻ được mời tham dự chứng kiến trong phiên tòa kết tội tình yêu mà không biết nên đứng về phía kẻ nào. Bọn họ ai cũng có lý của mình cả. Sự tan vỡ nào cũng có lý do chính đáng cả. Và điều cuối cùng ta nhớ, chính là tình yêu của bọn họ…

Chỉ cần tình yêu là đủ?

Nhà văn vĩ đại người Nga Lev Tolstoy từng viết trong cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1878 Anna Karenina rằng: “Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng của họ”. Gần một thế kỷ rưỡi trôi qua, nhận định đó của ông chưa bao giờ lỗi thời, và có lẽ không bao giờ lỗi thời.

Trong những bộ phim tình buồn, ta thường thấy bọn họ, những cặp tình nhân dường như sinh ra để dành cho nhau, đôi khi yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên hoặc có duyên nợ với nhau như định mệnh, nhưng rồi khi đối mặt với sự khắc nghiệt của cuộc sống thực tại, bọn họ đã không vượt qua được sự ngáng đường của thử thách tình yêu.

Bọn họ từng nghĩ rằng chỉ cần có tình yêu là đủ, cho đến khi nhận ra có vô số kẻ ngáng đường từ trong bụi rậm lao ra quyết phá vỡ tình yêu của họ. Và họ, vì hàng vạn lý do, vì sự vô tâm, vì sự vị kỷ, vì cái tôi kiêu hãnh… đã phải đầu hàng trước chúng, thậm chí trở thành những kẻ đối đầu trong những cuộc chiến vô nghĩa mà ai chiến thắng cũng là kẻ chiến bại, để rồi vết thương đó sẽ bám theo họ suốt cả cuộc đời.

Họ đã chết từ trong nhau bao giờ mà họ không hay biết.

Trong Kramer vs. Kramer (1979), Joanna Kramer (Meryl Streep) ra đi không một lời báo trước vì sự vô tâm vị kỷ của người chồng Ted Kramer (Dustin Hoffman) để rồi một ngày cô quay lại giành quyền nuôi đứa con thơ mà cô từng bỏ lại cho người chồng, dẫn đến một cuộc chiến pháp lý đầy cay đắng giữa hai kẻ từng đầu gối tay ấp.

alt
Kramer Vs. Kramer | Nguồn: Columbia Pictures

Trong Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004), một đôi tình nhân (Jim Carrey và Kate Winslet đóng) đã phải tìm đến liệu pháp khoa học xóa toàn bộ ký ức về nhau, nhưng càng cố tìm cách lãng quên thì những ký ức tươi đẹp lại càng hiện về rõ nét.

alt
Eternal Sunshine of the Spotless Mind | Nguồn: Focus Features

Trong La La Land (2016), những khác biệt về con đường sự nghiệp khắc nghiệt đã phá vỡ tình yêu tuyệt đẹp của hai “kẻ khờ mộng mơ” của Mia (Emma Stone) và Sebastian (Ryan Gosling). Và thậm chí tệ hơn nữa, Trong Revolutionary Road (2008), những ảo mộng vỡ tan tành trước thực tại tàn nhẫn đã khiến cuộc hôn nhân của cặp đôi April Wheeler (Kate Winslet) và Frank Wheeler (Leonardo DiCaprio) rơi vào một vực thẳm của đắng cay, dẫn đến một cái kết đầy thảm kịch…

alt
La La Land | Nguồn: Lionsgate

Nhưng nếu phải chọn hai bộ phim hay nhất và để lại những dư âm buồn bã nhất về sự tan vỡ của những cặp tình nhân từng mơ mộng tin rằng “chỉ có tình yêu là đủ”, với tôi, đó là Blue ValentineMarriage Story.

Ta luôn làm tổn thương người ta yêu nhất

Blue Valentine (2010) là bộ phim xuất sắc và vượt trội nhất trong sự nghiệp của nhà làm phim độc lập Derek Cianfrance, với tư cách là một biên kịch và đạo diễn. Ở tuổi 34 khi làm bộ phim này, Derek có độ chín tới của một gã đàn ông trưởng thành, không còn tin vào sự lãng mạn của tình yêu, hay nói cách khác, anh ta tin vào sự lãng mạn của tình yêu, nhưng không tin vào sự vĩnh cửu của nó.

Và cái cách anh ta cấu trúc bộ phim này, khiến người xem chúng ta đôi lúc bị bóp nghẹt cảm xúc. Sự đan chéo của hai cột mốc thời gian, xoắn bện như một sợi dây thừng mà sự lãng mạn cuồng nhiệt của tình yêu 6 năm trước và thực tế khô khốc, nghiệt ngã của bổn phận, trách nhiệm hiện tại của hai kẻ yêu nhau nay đã là vợ chồng không ngừng đối mặt mỗi ngày, không ngừng va đập nhau, cứa vào nhau.

Cấu trúc dàn dựng xoắn bện đó xuyên suốt bộ phim, khiến chúng ta, những kẻ dự cuộc, dần dần cảm nhận vết rạn trên chiếc bình gốm được tạo tác bởi tình yêu cho đến khi nó trở thành một đường nứt lớn chờ ngày vỡ tan tành.

Ryan Gosling với Dean và Michelle Williams với Cindy là hai kẻ sinh ra để dành cho nhau và dành cho Blue Valentine. Xem bộ phim này, diễn viên là nhân vật và nhân vật là diễn viên, họ hòa quyện vào nhau đến mức ta không buồn nhận ra đang xem một bộ phim, mà ta đang xem một câu chuyện đời được điện ảnh hóa.

alt
Quá khứ và Hiện tại. | Nguồn: The Weinstein Company

Dean là một gã thanh niên không có mục đích gì ở cuộc đời này. Anh ta chưa học hết cấp ba, làm nghề bốc vác cho một công ty dịch vụ vận chuyển. Bù lại, Dean đẹp trai, nụ cười sáng bừng khuôn mặt (còn ai hợp hơn Ryan Gosling), nhiều tài lẻ (đàn, hát, nhảy múa) cùng một trái tim nhạy cảm và rất nồng nhiệt.

Cindy là một cô gái bình thường như những cô gái khác, một mẫu người “down to earth” điển hình, có chút mơ mộng nhưng luôn biết dừng trước cột mốc thực tế. Cô học ngành y, ở với bố và thi thoảng vào bệnh viện dưỡng lão thăm bà.

alt
Nguồn: The Weinstein Company

Trong một lần vào thăm bà, Cindy gặp Dean, lúc anh đang vận chuyển đồ cho bệnh viện. Họ tán tỉnh nhau, chính xác là Dean tán tỉnh Cindy, theo một cách vừa có chút láu cá mà lại rất chân thành, lãng mạn khiến cô xao động. Cindy đã từng một lần đau vì tình, không lâu trước khi gặp Dean. Khi Dean hỏi cưới cô, Cindy thú nhận cô đang mang bầu và không chắc cái bầu đó của ai.

Nhưng Dean bảo, anh không quá quan tâm cái bào thai của ai, chỉ cần tình yêu của họ là đủ.

Đó là quá khứ, còn kết quả của tình yêu này là thực tại. Trong thực tại, Dean đang ngủ trên ghế bố, với mái tóc thưa và gương mặt mệt mỏi, chắc sau một đêm say xỉn. Cindy thì cáu bẳn và mệt mỏi vì thiếu ngủ trong khi chuẩn bị bữa sáng cho Dean và cô con gái bé nhỏ Frankie. “Em không muốn phải cùng một lúc chăm cả hai đứa trẻ con đâu”, cô nói trước khi lên xe chở con đến trường rồi tới sở làm.

alt
Nguồn: The Weinstein Company

Cứ thế, ta càng lúc càng trở thành kẻ dự phần trong cuộc đời của bọn họ. Dean xưa nay như một. Anh không có mục tiêu gì ở cuộc đời này. Tại sao phải cố đuổi theo danh vị, tiền bạc chứ? Anh không cần những thứ đó, anh chỉ cần một công việc đủ sống (đi quét sơn nhà), được uống bia buổi sáng, đốt thuốc như ống khói và làm chồng của Cindy, làm cha của Frankie. 6 năm, anh chẳng thay đổi gì. Anh vẫn là anh, vẫn lãng tử như ta đã biết.

Nhưng Cindy, cô gái thực tế, sau những mơ mộng của tình yêu ban đầu, lập tức phải đối mặt với sự khô khốc của cuộc sống, của cơm ăn áo mặc, của công việc y tá mệt mỏi, của người mẹ chăm sóc cô con gái nhỏ. Và ta thấy dấu hiệu của những cơn stress triền miên trên gương mặt cô. Chỉ có Dean không thấy điều đó, hoặc không hiểu được nỗi thất vọng đang lớn dần lên trong Cindy về người chồng của mình.

alt
Nguồn: The Weinstein Company

Sự khác biệt về quan điểm sống giữa Dean và Cindy ngày càng khiến họ xa cách nhau về mặt tâm hồn, dù Dean luôn tìm cách để kết nối với vợ và yêu thương con gái hết mực, cho dù không chắc nó là con anh.

Những cuộc tranh luận của họ luôn có nguy cơ biến thành cãi vã, vì không ai chịu hiểu ai cả. Họ lạc mất nhau trong bổn phận và trách nhiệm của đời thường.

10 phút cuối của bộ phim, với tôi, là một trong những phân đoạn xuất sắc nhất của bộ phim này, và thậm chí là một trong những đoạn kết đau lòng nhất của những bộ phim tình-buồn mà tôi từng xem. Họ khóa chặt cửa trong căn bếp nhà bố của Cindy, nơi cô mang con gái và dọn đồ đạc về đây ở và chuẩn bị cho việc ly dị.

alt
Chúng ta đã làm gì nhau thế này? | Nguồn: The Weinstein Company

Chúng ta, những kẻ được mời tham dự chứng kiến trong phiên tòa kết tội tình yêu mà không biết nên đứng về phía kẻ nào. Bọn họ ai cũng có lý của mình cả. Sự tan vỡ nào cũng có lý do chính đáng cả. Và điều cuối cùng ta nhớ, chính là tình yêu của bọn họ. Như cách đạo diễn cố tình sắp xếp những cảnh rạn vỡ hiện tại xen kẽ với những cảnh hạnh phúc của quá khứ, những cảnh “out of love” của thực tại đối lập với những cảnh “full of love” của 6 năm về trước.

Và một cảnh đáng nhớ nhất, đáng yêu nhất, “chemistry” nhất giữa Ryan Gosling và Michelle Williams là cảnh bọn họ đang hòa vào nhau trong một khúc ca tình yêu.

Phân cảnh này được lặp lại một lần nữa trong phần credits, lần này chỉ có âm thanh: giọng hát, tiếng nói cười, để lại một câu hỏi lớn.

"You always hurt the one you love, don’t you?"

Ta chết trong nhau bao giờ?

Marriage Story (2019) của Noah Baumbach cũng xứng đáng là một “epic family drama” như Blue Valentine với đầy đủ những hỉ nộ ái ố và tổn thương không thể chữa lành của một cuộc hôn nhân bên bờ vực thẳm. Có lẽ Noah Baumbach đặt tên cho bộ phim của mình là “Marriage Story” (Chuyện hôn nhân) thay vì thêm mạo từ “a” hoặc “the” đằng trước vì đó là một câu chuyện rất phổ quát về hôn nhân (dù rất riêng tư).

Đó là câu chuyện mà bất cứ ai, đặc biệt là những người đã và đang trải qua hôn nhân hay một mối quan hệ đều có thể tự soi mình vào đó.

Marriage Story lấy trải nghiệm từ cuộc hôn nhân của chính Noah Baumbach và nữ diễn viên Jennifer Jason Leigh. Vị đạo diễn không ngại lột trần chính bản thân mình như đang bóc một củ hành để khán giả được dịp chiêm ngưỡng từng lớp bên trong của một cuộc hôn nhân đang mục nát. Một câu chuyện tình khởi đi từ tình yêu và sự tôn trọng dành cho nhau, tại sao lại đổ vỡ và dẫn đến những tổn thương không thể cứu vãn?

Charlie (Adam Driver) là một đạo diễn sân khấu tài danh ở New York. Anh có một sự nghiệp đáng ngưỡng mộ, một đoàn kịch riêng và cuộc hôn nhân có vẻ hạnh phúc với Nicole (Scarlett Johansson), người đã từ bỏ sự nghiệp điện ảnh ở Los Angeles để trở thành vợ của Charlie và diễn viên trong đoàn kịch của anh. Họ có một cậu con trai 8 tuổi tên là Henry rất đáng yêu và thừa hưởng sự tinh tế và nhạy cảm của cả bố và mẹ.

alt
Nguồn: Netflix

Mọi thứ đều có vẻ viên mãn với cuộc hôn nhân của họ, nhất là ngay đoạn intro từ đầu phim, ta nghe họ “kể về những điều tốt đẹp” ở vợ/chồng của mình khiến ta càng lầm tưởng điều đó. Đoạn intro này được lặp lại một lần nữa ở đoạn kết, như một chủ ý cài cắm tinh vi của đạo diễn để đẩy cảm xúc lên một tầm cao mới, nhất là ở diễn xuất của Adam Driver và Scarlett Johansson (họ chưa bao giờ diễn tốt hơn thế).

alt
Nguồn: Netflix

Charlie viết về Nicole: “Cô ấy làm cho người khác có cảm giác thoải mái ngay cả khi gặp chuyện khó xử. Cô ấy biết lắng nghe người khác và biết cách làm gì đúng đắn khi gặp những chuyện khó nhằn. Cô thích thể hiện những ý tưởng điên rồ của tôi trên sân khấu. Cô ấy là diễn viên yêu thích của tôi…”

Ở phía ngược lại, Nicole viết về những điều cô thích ở Charlie: “Anh ấy không bao giờ để ý kiến của kẻ khác hay bất cứ một trở ngại nào ngăn anh làm điều muốn làm. Anh dễ khóc khi xem phim. Anh có thể tự làm mọi thứ, vá lại chiếc vớ, tự mình nấu buổi tối và ủi áo. Anh ấy có tính ganh đua. Anh thích việc được làm bố. Anh yêu tất cả những thứ mà hẳn bạn sẽ ghét, như trò ăn vạ, thức giấc giữa đêm của Henry…”

Và để minh họa cho những chi tiết nói tốt về nhau đó, Noah Baumbach dẫn dắt chúng ta vào những thước phim tái hiện quá khứ hạnh phúc của họ. Ở đó hiện lên những khung cảnh của một cuộc hôn nhân hạnh phúc qua những những chi tiết đời thường nhất của một đạo diễn biết cách “đánh lừa” khán giả một cách ngọt ngào nhất để rồi khiến họ tỉnh mộng khi đưa thẳng vào một thực tại tan vỡ mà đôi vợ chồng đang đối mặt.

Ở cảnh ngay sau đó, ta biết được rằng đôi vợ chồng tưởng chừng như rất hạnh phúc đang sống li thân gặp phải cuộc khủng hoảng hôn nhân không thể cứu vãn bởi liệu trình tâm lý. Để kết thúc nỗi khổ tâm, mỗi người thuê một luật sư để giành phần thắng trong trận chiến hôn nhân.

alt
Nguồn: Netflix

Từ một cặp vợ chồng từng hạnh phúc và yêu thương nhau, từ một cặp đôi nghệ sĩ trí thức tài năng từng tôn trọng nhau, họ trở thành hai con rối cho hai kẻ luật sư gia đình không ngần ngại bóc mẽ, đấu tố và tấn công cá nhân lẫn nhau trước toà.

Khi biết đang bị bọn luật sư đầu gấu thao túng ngoài ý muốn, họ gặp riêng nhau để cố gắng hòa giải, nhưng một lần nữa, bọn họ lại mất kiểm soát và lao vào nhau với cuộc đấu võ mồm điên loạn cho dù kết thúc trong nước mắt của sự tan vỡ không cách nào cứu vãn được nữa.

alt
Nguồn: Netflix

Phân cảnh dài gần chục phút này với diễn xuất bùng nổ của cả Adam Driver và Scarlett Johansson làm nên linh hồn của bộ phim độc lập có lẽ là tuyệt vời nhất của năm 2019 và chắc chắn còn được nhắc mãi về sau khi nói về một phân đoạn kinh điển về sự tan vỡ của tình yêu.

Sự tan vỡ nào cũng có lý do chính đáng cả khi họ đã không cùng đứng về một phía.

“You always hurt the one you love..." – có phải như câu hát trong Blue Valentine, chính chúng ta không ngừng làm tổn thương người mà ta yêu thương nhất?