Tại sao những mối quan hệ ngắn hạn khiến ta đau khổ? | Vietcetera
Billboard banner
14 Thg 11, 2023
Cuộc SốngChất Lượng Sống

Tại sao những mối quan hệ ngắn hạn khiến ta đau khổ?

Bạn có thắc mắc tại sao nhỏ bạn lại dễ vượt qua sau khi chia tay mối tình 5 năm, nhưng đến giờ vẫn luỵ anh bạn trai chỉ quen… 3 tháng?
Tại sao những mối quan hệ ngắn hạn khiến ta đau khổ?

Nguồn: @obanhmis cho Vietcetera

Điều gì tạo nên những mối quan hệ ngắn hạn?

Mối quan hệ ngắn hạn (short-term relationship) là những mối tình kéo dài chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, từ vài tuần đến vài tháng. Cũng có thể là các mối quan hệ mập mờ, ONS hoặc FWB trong thời gian ngắn và người đồng hành cùng bạn trong một chuyến công tác, du lịch…

Người vô tình bị mắc kẹt vào mối quan hệ này, họ sẽ cảm thấy đây là một điều tiêu cực, khiến họ ám ảnh và đau khổ.

Tại sao chúng ta lại luỵ những mối tình ngắn ngủi?

Không hiện thực hoá được những kỳ vọng: Mối quan hệ kéo dài trong thời gian ngắn khiến ta không thể thực hiện những dự định và kế hoạch cùng đối phương. Chúng ta sẽ luôn day dứt và tưởng tượng nếu có thể quen nhau lâu hơn thì liệu mọi chuyện sẽ khác đi như thế nào.

Theo Claudia de Llano, nhà trị liệu hôn nhân và gia đình cho biết: “Các mối quan hệ ngắn hạn đôi khi có thể khá căng thẳng và để lại cho chúng ta cảm giác mất mát, bị bỏ rơi trong khi mọi thứ còn dang dở.”

Vẫn đắm chìm trong giai đoạn tuần trăng mật: Trong giai đoạn 4-6 tháng đầu của mối quan hệ, do không có thời gian tiếp xúc lâu dài để tìm hiểu hết về đối phương, nên trong mắt bạn họ vẫn là người trong mộng với nhiều ưu điểm tuyệt vời. Nếu cả hai kết thúc, bạn sẽ tiếc nuối vì nghĩ mình đã bỏ lỡ “true love”.

Nhà tâm lý học kiêm bác sĩ trị liệu Victoria Riordan chia sẻ: “Nếu chúng ta kỳ vọng mọi mối quan hệ đều trở thành tình yêu của đời mình thì chúng ta sẽ rất dễ thất vọng, đó là lúc ta chán nản và bắt đầu coi việc hẹn hò là một việc mệt mỏi."

alt
Chúng ta dằn vặt và tự trách bản thân về những điều mình đã làm vì nghĩ điều đó khiến đối phương rời đi chỉ trong chốc lát

Bạn bị vỡ mộng: Bạn và đối phương bước vào mối quan hệ quá vội vàng và nhanh chóng mà chưa tìm hiểu kỹ về nhau. Sau một thời gian hẹn hò, bạn phát hiện cả hai bất đồng quan điểm quá nhiều hoặc bạn không có nhiều tình cảm với người đó đủ để tiến đến những kế hoạch dài hạn trong tương lai.

Tại sao có những người không muốn yêu lâu dài?

Lúc mới yêu thật vui biết bao nhiêu: Khi yêu ai đó quá lâu, có người sẽ phải trải qua những giai đoạn thăng trầm và sẽ có lúc xảy ra cãi vã, hoặc sẽ dần chán nhau và chỉ muốn ở bên người đó như một thói quen khó bỏ.

Nhưng khi ở trong một mối quan hệ ngắn hạn, bạn sẽ không kịp trải qua những giai đoạn đó mà vì mối quan hệ chỉ dừng lại ở thời gian mặn nồng. Việc dừng lại ở thời điểm này sẽ giúp ta tránh khỏi những đau khổ về sau.

Chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ nghiêm túc: Có thể bạn vừa thoát khỏi một mối tình toxic và vẫn đang trong trạng thái phục hồi. Mặt khác, bạn có nhiều dự định hơn trong tương lai như sự nghiệp, gia đình và chưa đủ tự tin để chịu trách nhiệm hay có một cam kết ràng buộc với ai đó.

Làm gì khi rơi vào mối quan hệ ngắn hạn?

Xem xét nhu cầu hiện tại của bản thân: Bạn nên nhận thức được mình đã sẵn sàng để tiến tới một tình yêu bền vững chưa, từ đó tìm cho mình một mối quan hệ phù hợp. Bên cạnh đó, hãy chia sẻ quan điểm và mong muốn của mình cho đối phương để tránh bị tổn thương, hoặc làm tổn thương người khác.

alt
Nên cân nhắc thật cẩn thận trước khi bắt đầu một mối quan hệ mới

Không phải mối quan hệ ngắn hạn nào cũng xấu: Chất lượng của một mối quan hệ không phụ thuộc vào việc nó kéo dài bao lâu, mà vào những trải nghiệm và cảm xúc giữa bạn và đối phương. Mối quan hệ ngắn hạn có thể giúp bạn nhận ra những gì bản thân thật sự cần và có sự lựa chọn sáng suốt hơn trong việc tìm kiếm nửa kia trong tương lai.

Hãy luôn tin vào tình yêu: Mặc dù gặp thất bại nhiều lần và cho rằng bản thân mình không phù hợp với chuyện yêu đương. Bạn sẽ khó mở lòng để yêu thêm lần nữa. Trên thực tế, tình yêu không có lỗi, lỗi là do “sai người, sai thời điểm”.

Theo tiến sĩ Gary Brown, nhà trị liệu tâm lý tại Los Angeles: “Chúng ta không nên coi việc kết thúc một mối quan hệ là sự thất bại. Hãy coi đây là những trải nghiệm đáng giá. Một số thử nghiệm chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, một số khác tồn tại suốt đời."

Cuối cùng, cho bản thân thời gian để chữa lành, nghỉ ngơi và hoàn thiện hơn sau khi kết thúc một mối quan hệ để không bỏ lỡ những điều tốt đẹp đang đến với bạn trong tương lai.