“Tại sao Việt Nam không có phim hoạt hình ra rạp?” | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

“Tại sao Việt Nam không có phim hoạt hình ra rạp?”

Những hiểu nhầm và các câu chuyện khác về thị trường phim hoạt hình tại Việt Nam sẽ có trong bài viết này.
“Tại sao Việt Nam không có phim hoạt hình ra rạp?”

Chị Như Lê, COO và Manager, Project Manager tại DeeDee Animation Studio.

Tại sao phim hoạt hình "made in Vietnam" ít thế? Vì sao Việt Nam không có phim hoạt hình ra rạp? Việt Nam có phải là xưởng gia công hoạt hình? Quốc gia có phải là tiêu chí để đánh giá một studio? Mức lương và cơ hội nghề nghiệp về ngành hoạt hình tại Việt Nam hiện tại ra sao?

Nếu bạn là người quan tâm đến hoạt hình, đặc biệt là hoạt hình Việt Nam và cũng thắc mắc những câu hỏi như vậy, thì bài viết này dành cho bạn.

Vietcetera có cơ hội trò chuyện với chị Như Lê, COO đồng thời là Manager và Project Manager tại DeeDee Animation, studio Việt Nam đầu tiên thực hiện toàn bộ phần hoạt hình của How to Become A Cult Leader, một series của Netflix.

Chị Như Lê có nhiều năm kinh nghiệm, cũng như am hiểu thị trường phim hoạt hình Việt Nam. Studio mà chị đang làm việc từng hợp tác với các hãng lớn đến từ Nhật Bản, Mỹ... DeeDee Animation cũng đồng thời phát triển những sản phẩm hoạt hình độc lập được yêu thích và nhận nhiều giải thưởng lớn, uy tín.

Chị Như Lê có nhiều kinh nghiệm về thị trường phim hoạt hình tại Việt Nam.

Phim hoạt hình chiếu rạp không phải là lựa chọn duy nhất

Trên thực tế, Việt Nam không có nhiều phim hoạt hình, cũng như sản phẩm hoạt hình chính thức ra rạp và nổi tiếng. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn rộng ra cả thị trường trong nước và thế giới để thấy rằng, thị phần phim hoạt hình vốn nhỏ bé so với toàn bộ nền điện ảnh. Thậm chí hoạt hình, tài liệu.. được xếp vào dòng sản phẩm ít tỷ trọng hơn rất nhiều so với phim điện ảnh, phim series.

Để làm một tác phẩm hoạt hình tốn nhiều thời gian và công sức hơn so với phim điện ảnh người đóng. Những phim hoạt hình ra rạp có thể mất khoảng 5 đến 6 năm thực hiện. Thường chỉ có những hãng phim lớn như Disney mới có thể sản xuất một tác phẩm hoạt hình với thời gian ngắn hơn.

Không phải studio nào cũng chọn tiêu tốn khoảng thời gian 5 năm để thực hiện một bộ phim hoạt hình. Nếu nhìn ở góc độ đầu tư, nó vừa tốn kém chi phí lại vừa khó thu hồi vốn. Làm phim hoạt hình, vì thế là một sự phiêu lưu, rủi ro cao. Nhà đầu tư không có lý do để phải lựa chọn phương án đó. Đối với thị trường Việt Nam, để làm phim hoạt hình lại càng khó hơn nữa với các lý do đặc thù khác.

Nhìn từ góc độ của một studio hoạt hình cũng như vậy. Sẽ mất cả thanh xuân (theo đúng nghĩa đen) của rất nhiều người để làm được một bộ phim hoạt hình chiếu rạp. Chưa kể, lựa chọn này có thể "đóng băng" hoặc hạn chế các mục tiêu hay dự án khác mà studio muốn theo đuổi.

"Yêu Kiều" là một trong những sản phẩm hoạt hình được yêu thích và đánh gia cao do DeeDee Animation sản xuất.

Hiện nay, thị trường phim hoạt hình đang thay đổi theo tháng, tuần thậm chí là theo ngày. Vì thế, câu hỏi đặt ra cho studio là: Liệu làm phim hoạt hình chiếu rạp có phải là phương án tốt nhất hay không?

Kể cả khi được đầu tư, liệu một studio có sẵn sàng đánh đổi và chấp nhận để làm phim hoạt hình chiếu rạp? Dù là nhà đầu tư thiên thần, bản thân studio cũng phải cân nhắc đến các điều kiện, điều khoản trước khi quyết định thực hiện tác phẩm.

Không chỉ ngân sách, tầm nhìn của studio khi đưa ra quyết định làm phim cũng rất quan trọng. Không phải trong quá trình phát triển, DeeDee Animation không nhận được những lời mời hợp tác đầu tư tiềm năng.

Những người sáng lập DeeDee Animation có kế hoạch và tầm nhìn theo thời gian nhất định. Nhà đầu tư xuất hiện vào thời điểm nào; có phù hợp với định hướng của studio ở thời điểm đấy hay không là một vấn đề khác nữa?

Làm phim hoạt hình series thì khả thi hơn

Đương nhiên trong chiến lược phát triển, các studio đều muốn tạo ra tác phẩm của mình để có quyền quyết định trên sản phẩm đó cũng như được khai thác mãi mãi. Chị Như Lê chia sẻ, định hướng tiếp theo của DeeDee Animation là sản xuất các bộ phim hoạt hình dài tập.

Trong tương lai gần, DeeDee sẽ tạo ra các IP (Intellectual Property) và sở hữu trí tuệ 100%. Nhưng hiện tại, phim hoạt hình chiếu rạp (feature film) không còn là con đường duy nhất. Có nhiều con đường hợp lý hơn như phát triển phim series, phim ngắn…

Nhiều studio và hoạ sĩ trẻ Việt Nam đang làm hoạt hình theo hướng series. Điều này là phù hợp khi các nền tảng streaming đang phổ biến và phát triển như hiện nay. Các studio không nhất thiết phải làm phim chiếu rạp mới nổi tiếng được.

Chúng ta cứ làm phim hoạt hình chất lượng để thế giới biết đó là sản phẩm của Việt Nam. Khi DeeDee Animation hợp tác làm việc với các đối tác nước ngoài, họ đều phải công nhận là Việt Nam có được studio đầy tài năng. Đó là sự công nhận đủ ở thời điểm này đối với chị Như Lê cũng như studio mà chị đang làm việc.

Tất nhiên, những người làm trong ngành đều mong muốn tạo ra tác phẩm hoạt hình chiếu rạp ở Việt Nam. Nhưng ở góc độ kinh doanh, chị Như Lê không thấy điều đó quá quan trọng. Chúng ta có thể làm 3 phim với mỗi phim 30 phút và mang ra rạp trình chiếu. Vì thế, không thể đứng một chỗ với ý nghĩ phải dành cả đời (và sống chết với nó) để tạo ra một phim hoạt hình chiếu rạp được.

Gia công hoạt hình không xấu, thậm chí rất tốt

Mọi người thường có ấn tượng xấu với thuật ngữ "gia công" hay "xưởng gia công." Đối với chị Như Lê, làm gia công không xấu mà ngược lại là rất tốt.

Làm gia công nghĩa là sẽ có cơ hội được chuyển giao công nghệ. Ở những nước chưa thể nghĩ ra công nghệ hoặc chưa từng tiếp cận với công nghệ thì gia công là con đường ngắn nhất, tiết kiệm nhất để được chuyển giao công nghệ.

Nhận làm gia công nghĩa là chúng ta có thể học hỏi kỹ thuật, công nghệ của họ. Chưa kể, nếu mối quan hệ hợp tác lâu dài, đối tác nước ngoài còn có thể gửi chuyên gia sang hướng dẫn và đào tạo. Vì thế mới có câu, muốn làm thầy phải làm thợ trước đã.

Tác phẩm Tàn Thể của DeeDee Animation Studio đạt nhiều giải thưởng lớn.

Làm gia công chỉ xấu khi bạn chấp nhận bản thân chỉ ở một mức độ, không có chiến lược rõ ràng. Đó cũng là những studio không có mong muốn, mơ ước, đam mê trở thành một đơn vị độc lập có thể đưa những sáng tạo riêng vào sản phẩm của mình.

Trung Quốc từng là xưởng gia công của cả thế giới nhưng những năm gần đây, họ đã có những sản phẩm trí tuệ riêng. Đối với những ngành đặc thù cần chuyển giao kỹ thuật, công nghệ như hoạt hình thì gia công là rất tốt.

Việt Nam chưa thể gọi là xưởng gia công hoạt hình của thế giới

Mọi người vẫn nghĩ Việt Nam đi theo hướng "xưởng gia công" hoạt hình của thế giới nhưng nhận định này không đúng. Theo chị Như Lê, Việt Nam chưa thể gọi là xưởng gia công hoạt hình.

Chúng ta chỉ có thể áp dụng danh xưng này với những đất nước có sản lượng gia công hoạt hình lớn trên thế giới. Ở thị trường châu Á, Ấn Độ có thể được gọi là xưởng gia công. Hay ở Đông Nam Á, nếu gọi xưởng gia công hoạt hình phải kể đến Philippines. Những nước còn lại chia nhau chưa đến 20% sản lượng. Việt Nam còn chiếm tỷ trọng ít hơn thế rất nhiều.

Chị Như Lê cho rằng Việt Nam có nhiều nghệ sĩ, studio tài năng. Nhận gia công có thể là chiến lược trong 5 năm, 10 năm đầu tiên của họ. Chị Như Lê cũng tin rằng, những người tài năng sẽ không đứng mãi ở vị trí chỉ nhận làm gia công. Nhưng để một studio vươn lên lại nằm ở định hướng và tầm nhìn của người đứng đầu.

Quốc gia không phải là tiêu chí để đánh giá, lựa chọn studio trong các hợp tác sản xuất

DeeDee Animation là studio Việt Nam đầu tiên thực hiện toàn bộ phần hoạt hình cho một series trên Netflix. Đây là một cơ hội hợp tác làm việc với đối tác lớn cùng nhiều tiềm năng.

Khi được hỏi vì sao một studio Việt Nam lại lọt vào "mắt xanh" của Netflix, chị Như Lê chia sẻ rằng, “quốc gia không phải là tiêu chí để đánh giá hay lựa chọn studio trong các hợp tác sản xuất hoạt hình.”

Thế giới có hàng trăm studio ở hàng trăm nước và họ có thể kiếm được các dự án hợp tác của riêng mình. Theo chị Như Lê, khi đã xây dựng một studio nghĩa là bạn đã có đủ điều kiện để có thể nhận được lời mời hợp tác. Nó nằm ở các tiêu chí như đáp ứng chất lượng sản phẩm, tiềm lực, giá cả…

DeeDee Animation là studio thực hiện toàn bộ phần hoạt hình cho series How to Become a Cult Leader của Netflix.

Studio ở đâu thì cũng phải đáp ứng được bộ tiêu chuẩn rất cụ thể. Khi đã biết bộ tiêu chuẩn, mình phải có chiến lược để đạt được điều đó. Khi DeeDee Animation đấu thầu các dự án, đối tác có thể đặt ra câu hỏi như: Đây là studio hoạt hình 100% Việt Nam? DeeDee sẽ cho họ thấy năng lực và chất lượng sản phẩm mà mình có thể tạo ra.

Không chỉ Việt Nam, studio ở Thái Lan hay Mỹ cũng sẽ phải đấu thầu. Trong bảng đấu thầu sẽ không có điểm số về quốc gia.

Tuy nhiên chúng ta có một số bất lợi khi Việt Nam chưa có tiếng tăm, hay nền hoạt hình chưa phát triển. Điều này có thể khiến cho đối tác lo lắng một chút nhưng nếu tự xây dựng rào cản thì sẽ rất khó hợp tác, làm việc.

Làm hoạt hình không phải kiểu nghệ sĩ "chill Chill"

Những người không làm trong ngành nghĩ rằng hoạ sĩ nói chung và hoạ sĩ hoạt hình sẽ làm việc theo cảm hứng và hơi “bay.” Thực ra, làm hoạt hình cũng bình thường như bất cứ nghề nghiệp nào khác. Mọi người có thời gian làm việc cố định, các deadline, tuân theo các nguyên tắc cũng như kỷ luật cụ thể.

Tín hiệu đáng mừng là các studio ở Việt Nam đang chuyên nghiệp hoá chứ không phải là một nhóm các hoạ sĩ đến, tìm cảm hứng rồi vẽ. Nếu là sản phẩm hoạt hình chất lượng thì nó là kết quả làm việc của 10, 20, thậm chí mấy trăm người và đó là chuyện bình thường.

Khi đã là thành viên trong một mạng lưới thì chúng ta cần phải có phương pháp quản trị, quản lý riêng. Khi bạn là một mắt xích trong mạng lưới như vậy thì bạn phải có trách nhiệm với cả mạng lưới ấy. Tính trách nhiệm, kỷ luật và đáp ứng deadline phải được đưa lên hàng đầu.

Mạng lưới studio hoạt hình ở Việt Nam đã bắt đầu hình thành

Ở Việt Nam, mạng lưới các studio hoạt hình đang bắt đầu hình thành trong khoảng 2 năm gần đây. Một số bên đã tập hợp các đơn vị sản xuất hoạt hình lại với nhau, ở cả miền Bắc và miền Nam để lập thành các hiệp hội. Họ muốn tối ưu các nguồn lực, liên kết cũng như giới thiệu các studio đến những hội chợ về hoạt hình trên thế giới.

Tuy nhiên các hiệp hội này cần phải chứng mình nhiều hơn để nhận được sự công nhận, cấp phép từ nhà nước. Theo chị Như Lê, vì các hiệp hội này chưa chính thức nên cũng chưa có nhiều chính sách đặc thù.

Đây là thời điểm các studio bắt đầu chứng minh bản thân họ có thể kiếm tiền cho đất nước. Đến một lúc nhất định, nhà nước sẽ thấy đây là một ngành cần được quan tâm và đầu tư.

Cơ hội lớn cho những người trẻ muốn làm hoạt hình

Chúng ta có thể nhìn thấy thị trường hoạt hình đang ngày càng "ấm" lên. Các trường đại học tại Việt Nam cũng đang mở các khóa chuyên sâu về đào tạo làm phim hoạt hình. Bạn không cần phải ra nước ngoài để học chuyên ngành này vì đã có những cơ sở đào tạo chuyên sâu ở trong nước.

Cơ hội việc làm cũng đang rất rộng mở với lĩnh vực hoạt hình. Điều quan trọng ở đây không chỉ là nhu cầu tuyển dụng nhiều lên mà còn ở chỗ, tuyển dụng nhiều vị trí, cấp bậc (level) khác nhau. Một người học chuyên sâu về hoạt hình có cơ hội làm việc từ bậc Junior cho đến Senior, Master, Supervisor. Vì thế, bạn không cần phải quá xuất chúng ở trong ngành mới có thể tìm kiếm được việc làm.

Poster tác phẩm hoạt hình "Đại Hiệp."

Cơ hội việc làm còn đến từ các studio trên thế giới nếu bạn có ngoại ngữ tốt. Mức thu nhập của những người trong ngành phim hoạt hình cũng rất ổn so với thu nhập chung hiện nay. Với những hoạ sĩ giỏi, họ có "sống tốt" với nguồn thu nhập cao.

Bonus: AI (Trí tuệ nhân tạo) làm hoạt hình thì có gì mà phải lo sợ

Chị Như Lê luôn tìm kiếm cơ hội trong mọi trường hợp có thể xảy ra và không bao giờ nhìn mọi thứ theo hướng tiêu cực. "Mọi thứ xuất hiện trên đời đều có hai mặt và việc lựa chọn nhìn vào mặt nào là ở bản thân mình."

Bạn hãy thử tìm kiếm những lợi thế, cơ hội và áp dụng vào ngành của mình. AI đang gây chú ý nhưng chưa thực sự nổi bật để áp dụng ở DeeDee Animation. DeeDee không sử dụng AI không có nghĩa là nó xấu hay không tốt, chị Như Lê chia sẻ.

Trước đây, các hoạ sĩ hoạt hình từng phải vẽ trên giấy. Khi digital painting ra đời, mọi người bắt đầu vẽ trên chất liệu số. Sự thay đổi này cũng là một điều gì đó rất kinh khủng. Vì không sinh ra ở thời điểm đó nên nhiều người sẽ khó biết được rằng, các nghệ sĩ đi trước đã vượt qua cú sốc như thế nào?

Trong dòng chảy thời gian, mọi thứ đến đều có lý do và đừng để cảm xúc lấn át khiến ta lo lắng, sợ hãi. Với một studio, sử dụng và ứng dụng AI như thế nào là câu chuyện của một tập thể. Với những bạn hoạ sĩ ngoài kia, sẽ có người đồng ý có người không nhưng điều đó không quan trọng bởi nó đến từ mỗi cá nhân và thẩm mỹ của họ.