Tấm vé xổ số meme coin, được ăn cả ngã về không | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 11, 2021
Kinh DoanhTài Chính Cá Nhân

Tấm vé xổ số meme coin, được ăn cả ngã về không

Meme coin có nên được xem như một hình thức đầu tư đáng tin cậy?
Tấm vé xổ số meme coin, được ăn cả ngã về không

Nguồn: Unsplash

Xuất phát từ một trò đùa, Dogecoin nhanh chóng làm nhiều người đổi đời chỉ sau 1 đêm khi giá trị của nó được đẩy cao tới chóng mặt. Tuy nhiên đây không phải đồng coin “hệ chó" duy nhất. 

Tiếp nối đàn anh, đồng Shiba Inu (SHIB coin) cũng nhanh chóng bứt phá, đứng vào bảng vàng xếp hạng tiền mã hóa, bên cạnh những “anh lớn" như Bitcoin, Ethereum hay Solana. 

Meme coin là gì?

Meme coin là loại tiền kỹ thuật số nhận được nhiều sự chú ý của cộng đồng khi nó dựa trên sự tồn tại của một meme. Nguồn gốc của meme coin bắt nguồn từ đồng Dogecoin, ra đời vào năm 2013. 

Không chỉ dừng ở coin hình chó, các đồng meme coin với chủ đề động vật cũng nhanh chóng phủ sóng với cái tên chung là “Alt-memecoin". Chính vì xuất phát từ một trò đùa mà đồng coin này thường được gọi với cái tên khác như coin rác, shit coin hay là coin xổ số. 

Đa phần các loại tiền mã hóa khác đều có mục đích sử dụng rõ ràng. Ví dụ như Ethereum với coin Ether, tồn tại như một nền tảng cho phép xác minh và lưu trữ các giao dịch tài chính mà không cần bên thứ ba. Còn với meme coin, mục đích duy nhất của nó có thể chỉ là tính giải trí cao. 

Tarusha Mittal, thành viên của Blockchain and Crypto Assets Council (BACC) cho rằng, meme coin không có giá trị nội tại thực sự mà hoàn toàn phụ thuộc vào cơn sốt của cộng đồng xung quanh. Với trường hợp của Shiba Inu chính là nhờ dòng tweet của Elon Musk giúp đẩy giá nó lên cao. 

Mang tiếng là cha đỡ đầu nhưng Elon Musk không hề sở hữu SHIB coin | Nguồn: News18

Đằng sau một đồng meme coin nổi tiếng là cả một kế hoạch thao túng và dàn xếp giá tiền. Lấy ví dụ đồng Shiba Inu, công ty nghiên cứu tiền điện tử Into the Block đã chỉ ra rằng 70.52% giao dịch của Shiba Inu được kiểm soát bởi 9 tài khoản chính, trong đó có Vitalik Buterin, người đồng sáng lập Ethereum. 

Giới đầu tư tiền mã hóa gọi những người này là “whale" - cá voi khi mà một hành động nhỏ của cá voi có thể khiến thị trường dậy sóng. Điều này tạo ra tính bất ổn cho những đồng meme coin khi nó dễ dàng bị thao túng.

Theo khảo sát được đăng trên Forbes, khi tham khảo ý kiến của 43 chuyên gia tiền điện tử, 80% người cho rằng Dogecoin chính là một bong bóng. Trong số đó 55% tin là giá của nó sẽ sụp đổ trong năm nay và 42% còn lại dự đoán bong bóng sẽ nổ vào năm 2022.

Lừa đảo meme coin xảy ra như thế nào?

Meme coin chính là một hình thức bẫy thổi giá. Không chỉ tồn tại ở thị trường chứng khoán, “pump and dump” còn là một thủ thuật thường được dùng cho các dự án meme coin lừa đảo. 

Vừa qua nhiều nhà đầu tư đã trắng tay khi đã tin tưởng và đầu tư vào coin ăn theo bộ phim Squid Game.  Nhiều người đã hy vọng rằng đây sẽ trở thành hiện tượng gây sốt, kích thích sự FOMO của giới đầu tư, khiến giá trị đồng này bay thẳng lên mặt trăng. Tuy nhiên, như biết bao vụ lừa đảo khác, nhà đầu tư của coin SQUID đã ôm tiền bỏ dự án mà đi.

Đây là một hiện tượng phổ biến, thường thấy với các coin xổ số. Người ta gọi nó là “rug pull" hay rút thảm. Thông thường khi một coin được tạo ra, một cá nhân hoặc nhóm người sở hữu coin sẽ đi “tuyên truyền" về nó trên nhiều diễn đàn, phổ biến nhất là Telegram và Twitter. Để nuôi dưỡng lòng tin của nhà đầu tư, một vài influencer sẽ được thuê để “shill" (thuật ngữ chỉ hành động cò mồi trong tiền mã hóa) cho đồng coin.

Nhằm tăng độ tín nhiệm cho sản phẩm của mình, nhóm người này sẽ “bơm" một khoảng tiền lớn vào thanh khoản. Chỉ trong vòng vài tiếng, giá trị của đồng này bỗng nhiên sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Điều này kích hoạt sự FOMO của những nhà đầu tư. Với những người chơi kinh nghiệm, họ sẽ xem đây như một hình thức sổ xố, được ăn cả ngã về không khi nhảy vào đúng lúc giá đồng coin thấp và kịp thời thoát ra trước khi “sập sàn". Tuy nhiên, không phải ai cũng nhanh chân kiếm lời khi thường thì nhóm người tạo ra coin sẽ khóa giao dịch và rút hết tiền.

Vừa qua, Zing News cũng đã đưa tin về việc một số nhà đầu tư ở Việt Nam trắng tay khi đầu tư vào một đồng tiền thú tên Aquagoat. Dù vẫn nắm giữ đồng coin trong ví, tuy nhiên, vì tiền đã bị rút sạch, đồng này bỗng dưng mất giá trị.

Cũng ăn theo Twtitter của người nổi tiếng nhưng Aquagoat lại là một cú lừa | Nguồn: Cryptoblock

Ai sẽ giải quyết các vụ lừa đảo này?

Bloomberg đưa tin rằng, quy mô của các vụ lừa đảo kiểu này ngày càng nhỏ hơn. Tuy nhiên số lượng các vụ lừa đảo nhỏ, đánh nhanh “lừa” nhanh lại diễn ra nhiều hơn. Ước tính từ năm 2019 đến năm 2020, số nạn nhân của những vụ lừa đảo kiểu này đã tăng 48%, quy ra khoảng 7,3 triệu người.

Trên thế giới đa phần nhiều nơi vẫn chưa có khung pháp lý dành cho tiền mã hóa. Nhiều cơ quan quản lý cũng thường chỉ ưu tiên các trường hợp vi phạm lớn và đặc biệt nghiêm trọng. Các vụ án có giá trị dưới 100.000 USD cũng thường bị cho qua. 

Mặc cho rủi ro của loại hình xổ số này cực cao, lợi nhuận của nó đem lại vẫn có thể khiến một người đổi đời. Vậy nên, vẫn có nhiều người bất chấp tất cả chỉ để hy vọng một ngày lịch sử lặp lại như những gì mà SHIB coin hay Dogecoin đã làm được.