Bẫy thổi giá trên thị trường chứng khoán: Làm sao để bảo vệ mình? | Vietcetera
Billboard banner

Bẫy thổi giá trên thị trường chứng khoán: Làm sao để bảo vệ mình?

Nghe ai "phím" mã này mã kia ngon lắm cũng đừng vội mua, mà phải kiểm tra trước đã!
Bẫy thổi giá trên thị trường chứng khoán: Làm sao để bảo vệ mình?

Pump-and-dump là một gian lận đã có từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn được sử dụng. | Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Thị trường chứng khoán là nơi tiềm ẩn rất nhiều gian lận, như “mông má” số liệu báo cáo của công ty niêm yết, thao túng thị trường qua lệnh mua - bán giả, giao dịch nội gián (insider trading).

Và ngoài ra, không thể không nhắc đến hành vi làm giá cổ phiếu. Đây là một gian lận đã có từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn được sử dụng, khiến nhiều nạn nhân sập bẫy.

Vậy bẫy làm giá (pump-and-dump) là gì, và làm sao để phòng tránh?

Pump-and-dump là gì?

Một cách dễ hình dung, pump-and-dump (aka. làm giá) là việc bơm thổi giá một cổ phiếu vượt hơn rất nhiều giá trị thực của nó, lôi kéo nhiều nhà đầu tư mua. Đến một thời điểm nào đó, người tổ chức games sẽ bán phần lớn hoặc toàn bộ cổ phiếu của mình để thu lợi.

Về sau, khi các nhà đầu tư phát hiện ra thì đã muộn, do giá cổ phiếu lúc này đã sụt giảm đáng kể. Những người mua sau là những người gánh thiệt hại nhiều nhất.

Pump-and-dump diễn ra như thế nào?

Bước 1: Chọn cổ phiếu để "thổi giá"

Những cổ phiếu thường được chọn để đưa vào games này là những cổ phiếu có vốn hóa nhỏ. Chúng có đặc điểm là giá rất rẻ, và khối lượng giao dịch rất thưa thớt. Những cổ phiếu này cũng thường không nằm trong chỉ số chính của một thị trường chứng khoán, hoặc chưa được niêm yết chính thức.

Những người tổ chức games, hay còn gọi là "đội lái" này sẽ bắt đầu mua vào để gom hàng, đẩy giá cổ phiếu lên từ từ.

Bước 2: Tung tin tốt

Khi đã chọn được cổ phiếu mục tiêu, "đội lái" sẽ bắt đầu tung những tin tốt về cổ phiếu. Mục đích là để "dụ" nhà đầu tư đổ xô vào mua, đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Ban đầu là cách thức truyền miệng, kiểu chỉ có anh/chị/em mới có được thông tin này. Rồi sau đó là trên các diễn đàn, các website, các nhóm chat, và thậm chí trên phương tiện thông tin truyền thông chính thống.

Nguồn tin tốt được đưa ra không chỉ từ một người hay một nguồn. Trái lại, chúng có chủ đích, và đến từ nhiều địa chỉ khác nhau để tạo sự khách quan và tin tưởng.

Bước 3: Xả hàng

Khi cổ phiếu được tạo hưng phấn (hype) lên mức cao, nhiều nhà đầu tư đổ xô vào mua thì đó cũng là thời điểm vó chuẩn bị cất. "Đội lái", và những thành viên trong nhóm của họ sẽ đồng loạt bán tháo, khiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh.

Lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ đã có ví dụ minh họa với Jonathan Lebed. Đây là một tay giao dịch chứng khoán trẻ tuổi, sử dụng chiêu pump-and-dump một cách đơn giản nhưng đã kiếm lời bất hợp pháp lên đến 800 ngàn USD từ lúc đang còn là học sinh phổ thông.

Theo đó, Jonathan đã viết nhiều và thường xuyên cho các websites, hướng dẫn lựa chọn cổ phiếu khi mới 13 tuổi. Jonathan sau đó dùng nhiều tài khoản khác nhau để bơm giá những cổ phiếu penny mà mình đã mua với số lượng lớn trước đó. Tuy nhiên, cuối cùng đã bị Ủy ban Giám sát Chứng khoán Mỹ (SEC) phát hiện và xử phạt.

Ngày nay, các chiêu thức pump-and-dump được sử dụng nhiều và phổ biến qua các diễn đàn chứng khoán, các nhóm chat như Telegram hoặc các nền tảng mạng xã hội khác.

Những tin tốt về cổ phiếu là để "dụ" nhà đầu tư đổ xô vào mua, đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Làm sao để nhận diện và tránh pump-and-dump?

Cảnh giác với thông tin để không FOMO

Hãy để ý, vì khi những cổ phiếu được truyền miệng, hoặc đang được “kêu gọi” nhiều trên các diễn đàn, nhóm chat, website chứng khoán thì nhiều khả năng là games đang được tạo lập.

Nếu cổ phiếu này mệnh giá thấp, vốn hóa của công ty nhỏ (cổ phiếu penny), lịch sử khối lượng giao dịch trước đây rất ít và thưa thớt thì khả năng bị pump-and-dump sẽ càng cao hơn.

Những thông tin để hype cổ phiếu lên thường là các tin tốt về doanh thu hay lợi nhuận trong tương lai. Đó có thể là việc sáp nhập với một tập đoàn lớn nào đó, hay sẽ đón nhận vốn đầu tư lớn, hoặc có thị trường mới, có sản phẩm mới với khả năng tạo ra lợi nhuận vượt trội.

Làm due diligence

Với các nhà đầu tư có kinh nghiệm, việc đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng, đặc biệt là cổ phiếu penny cũng là một chiến lược phổ biến. Nhưng để tránh rơi vào bẫy pump-and-dump, họ dành nhiều thời gian để thẩm tra các thông tin, hay còn gọi là làm due diligence.

Ví dụ, có thể đặt câu hỏi những công ty này đã có cổ đông lớn là quỹ đầu tư nào hay chưa? Và nếu có thì uy tín và quy mô của quỹ đầu tư đó như thế nào? Các thông tin về doanh thu hay lợi nhuận trong tương lai có thể kiểm chứng được không? Hoặc có thể có cơ hội, nhưng mức tăng trưởng tiềm năng có cao đến mức đang được hype như hiện nay?

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn đang phát triển, nhiều quy định, chế tài còn thiếu và yếu nên các bẫy pump-and-dump vẫn còn được sử dụng nhiều. Đặc biệt là khi thị trường vào giai đoạn tăng, nhiều nhà đầu tư mới háo hức tham gia.

Đã có nhiều mã cổ phiếu ở Việt Nam tăng 100-200% trong một thời gian ngắn, rồi sau đó tuột dốc không phanh, bị mất đến 90-95% giá trị ở thời điểm cao nhất. Và trong những trường hợp này, những nhà đầu tư mua ở thời điểm trước khi giảm là những người bị thiệt hại nhiều nhất.

Để tránh rơi vào bẫy pump-and-dump, cần dành nhiều thời gian làm due diligence.

Kết

Cũng như nhiều thị trường chứng khoán khác trên thế giới, tại Việt Nam, cộng đồng các nhà đầu tư cá nhân, các nhà đầu tư mới và trẻ ngày càng nhiều. Các thông tin về lựa chọn chứng khoán vì thế cũng có rất nhiều trên các diễn đàn, nhóm chat, hay các mạng xã hội.

Là nhà đầu tư mới, hãy thận trọng với tâm lý FOMO, cần đón nhận thông tin và có sự kiểm chứng kỹ càng. Khi chưa có nhiều kinh nghiệm, các nhà đầu tư trẻ hãy biết tạm đứng trên vai những người khổng lồ khác, kiềm chế lòng tham, hiểu và vận dụng các phương pháp quản trị rủi ro trong đầu tư.

Bởi vì trong đầu tư dài hạn, việc bảo toàn vốn và tích lũy trong giai đoạn đầu là yếu tố then chốt để quyết định kết quả.