"Tàn ngày để lại" và những ảo tưởng tàn phá đời người | Vietcetera
Billboard banner
20 Thg 05, 2021
Điện ẢnhDVD

"Tàn ngày để lại" và những ảo tưởng tàn phá đời người

Những con người nhỏ bé không dám sống cho riêng mình và dành cả cuộc đời cho lý tưởng, phẩm cách. Để rồi tới cuối cùng, họ còn lại gì?

"Tàn ngày để lại" và những ảo tưởng tàn phá đời người

Nguồn: Columbia Pictures.

Một chuyến đi nhưng mở ra hai hành trình: chuyến đi thực tế tiến về phía Tây nước Anh song song với chuyến du hành nội tâm ngược về quá khứ. Tàn ngày để lại (tựa tiếng Anh: The Remains of the Day) chậm rãi dẫn dắt ta bước vào hành trình cuối cùng của nhân vật chính. Ở đó ông nhận ra những ảo tưởng đã tàn phá cả đời người và những niềm luyến tiếc khôn nguôi nhưng không thể vãn hồi.

Một tuyệt tác tinh tế đậm chất Anh

The Remains of the Day – với tôi, luôn là một trong những bộ phim tinh tế nhất của điện ảnh Anh quốc, từng nhận 8 đề cử Oscar vào năm 1993 với những tên tuổi tài năng nhất của điện ảnh nước này như đạo diễn James Ivory, diễn viên Anthony Hopkins, Emma Thompson, Christopher Reeve, Hugh Grant.

Gần 30 năm sau kể từ khi bộ phim này ra mắt, tôi xem lại nó một lần nữa, sau khi đọc bản dịch tiếng Việt của cuốn tiểu thuyết gốc The Remains of the Day (Tàn ngày để lại, An Lý dịch, Nhã Nam & NXB Văn học phát hành năm 2021). Có thể nói, đó là một bản chuyển thể xứng tầm với cuốn tiểu thuyết, vừa tôn vinh và trung thành với giá trị tinh thần của tác phẩm gốc, vừa tạo dựng được một phiên bản điện ảnh có đời sống độc lập.

Tàn ngày để lại là cuốn tiểu thuyết xuất sắc của Kazuo Ishiguro, nhà văn người Anh gốc Nhật được yêu thích với những tác phẩm văn chương tinh tế và cách tạo dựng không khí quyến rũ. Cuốn tiểu thuyết này từng đoạt giải thưởng danh giá Booker Prize vào năm 1989. Năm 2017, Kazuo Ishiguro đoạt giải Nobel Văn chương cho toàn bộ sự nghiệp. Tất nhiên, Tàn ngày để lại chiếm một vị trí quan trọng.

Cuốn tiểu thuyết mở đầu vào mùa hè năm 1956, Stevens – người quản gia lớn tuổi của dinh thự Darlington đi trên chiếc ô tô cũ về phía Tây nước Anh để thăm cô Kenton. Đây là người đồng nghiệp của ông hơn 20 năm trước, nay đã là một người phụ nữ đã có gia đình. Trên chặng hành trình đó, khi cảnh vật của xứ sở sương mù lần lượt mở ra trước mắt, Stevens không ngừng hồi tưởng những năm tháng của quá khứ.

Ông ám ảnh về người chủ cũ của mình – Huân tước Darlington, một quý tộc người Anh kiểu cũ. Vì ngây thơ, ông đã gây nên những tổn thất to lớn cho nước Anh trong Thế chiến 2, rồi cuối cùng chết trong ô nhục.

Trong dòng hồi tưởng lần lượt được bộc bạch đó, ta nhận ra nỗi thống khổ của một người đàn ông bị đè nặng bởi trách nhiệm, bổn phận và “phẩm cách” (dignity). Chúng khiến tình yêu của đời ông trôi vụt qua kẽ tay mà không dám níu giữ.

book cover
Bìa sách "Tàn ngày để lại" bản tiếng Anh và tiếng Việt. | Nguồn: Faber & Faber/ Nhã Nam.

Cuốn tiểu thuyết thoạt đầu dễ gây nhàm chán bởi những dòng tự sự buồn bã, nuối tiếc về năm tháng hoàng kim. Nhưng dần dần, tác giả đã tạo dựng nên một không khí tinh tế đến mê hoặc về nước Anh của một thời đã mất. Nơi đó, giới quý tộc cổ điển sống với lý tưởng về  phẩm cách mà xã hội đặt ra. Kazuo Ishiguro khiến người đọc xúc động khi nhận ra nỗi luyến tiếc khôn nguôi của nhân vật – cái giá phải đánh đổi cho những ảo tưởng quá vãng.

Tàn ngày để lại là một cuốn tiểu thuyết đậm chất Anh. Đó là câu chuyện về cuộc đời một con người luôn phải kìm hãm và che giấu cảm xúc, không dám đón nhận tình yêu để sống cho riêng mình. Ông khư khư bảo vệ những giá trị về phẩm cách được cha truyền lại. Kể cả khi ông ta nhận ra những ảo tưởng của đời mình:

“Phục vụ huân tước tại Dinh Darlington trong những năm ấy là được tới gần trục bánh xe thế giới ở mức cao nhất mà một người như tôi có thể mơ tới. Tôi đã dành ba mươi lăm năm phục vụ Huân tước Darlington; người ta hẳn sẽ không lầm nếu nhận ra rằng trong những năm ấy, mình đã được ‘gắn với một gia đình danh giá’ theo nghĩa đúng đắn nhất của điều này. Nhìn lại quá trình sự nghiệp của tôi cho đến ngày nay, niềm thỏa mãn chính yếu của tôi là ở những thành tựu đạt được trong những năm tháng ấy…” (trích đoạn từ sách Tàn ngày để lại - An Lý dịch)

Phẩm cách và vẻ đẹp của một thời đã mất

Những năm cuối thập niên 80 và 90, điện ảnh Anh nổi lên những tên tuổi quyền lực mới có sức lan tỏa vượt ra khỏi biên giới Anh quốc và được cả thế giới ngưỡng mộ. Một trong những tên tuổi sáng tạo nổi bật của giai đoạn đó là đạo diễn James Ivory, đạo diễn chuyên chuyển thể những tác phẩm văn chương mang màu sắc cổ điển về giới quý tộc Anh quốc kiểu cũ thành điện ảnh.

James Ivory hợp tác với nhà sản xuất Ismail Merchant để thành lập hãng phim Merchant Ivory Productions lừng danh. Tại đây, nhà biên kịch Ruth Prawer Jhabvala chịu trách nhiệm chuyển thể các tác phẩm văn học thành phim.

Các tác phẩm thành danh trước đó và đoạt nhiều giải thưởng lớn, trong đó có Oscar và Bafta là A Room with a View (1985), Maurice (1987), Howards End (1992). Ba bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn lừng danh E.M. Forster. Bộ ba phim này cũng làm nên tên tuổi cho những diễn viên Anh quốc như Anthony Hopkins, Emma Thompson (bà đoạt giải Oscar nữ chính nhờ Howards End), Hugh Grant và Helena Bonhom Carter…

poster collage
A Room with a View (1985), Maurice (1987), Howards End (1992).

Sau bộ phim Howards End với 9 đề cử Oscar và đoạt 3 giải, ê kíp quyền lực này tiếp tục chuyển thể The Remains of the Day của Kazuo Ishiguro thành phim. Thủ vai chính là bộ đôi Anthony Hopkins và Emma Thompson. Bộ phim tiếp tục đưa người xem quay ngược quá khứ, với những giá trị truyền thống cổ điển của nước Anh, những vẻ đẹp và hào quang đã tàn lụi theo thời gian trước một xã hội mới đầy hãnh tiến và thực dụng.

Và ở đó, bộ phim cũng giúp người xem có cơ hội nhìn ngắm những con người nhỏ bé phải luôn kìm nén những cảm xúc của mình, thậm chí không dám sống cho riêng mình, vì những lý tưởng trong một xã hội kiểu cũ mà họ phải chấp thuận.

small people
Stevens là một người hầu đầy phẩm cách. | Nguồn: Columbia Pictures.

The Remains of the Day phiên bản điện ảnh gần như trung thành tuyệt đối với tác phẩm gốc. Diễn xuất tài tình của bộ đôi Anthony Hopkins (Stevens – quản gia) và Emma Thompson (Kenton – nội quản) giúp người xem hiểu hơn về những giằng xé nội tâm của nhân vật trước những thay đổi của thời cuộc và tình cảm riêng tư của cá nhân họ.

love question mark
Stevens và Keaton. | Nguồn: Columbia Pictures.

Bộ phim vẫn được kể lại qua góc nhìn của Stevens, một người quản gia trung thành, tận tụy, đầy nguyên tắc và cứng nhắc. Cả cuộc đời làm nghề của mình, ông ta chỉ hướng tới một giá trị cao nhất, đó là phẩm cách (dignity) nghề nghiệp. Ông tin rằng mình sinh ra để phụng sự cho người chủ nhân và nhất mực bảo vệ những giá trị đó bất kể thời cuộc.

Và chính vì phẩm cách nghề nghiệp này, Stevens đôi khi rơi vào sự nguyên tắc và máy móc trong hành xử. Khi phục vụ cho một hội nghị chính trị quan trọng tại dinh thự Darlington, Stevens đã không rời nhiệm vụ ngay cả khi cha mình đang hấp hối. Stevens cũng nghe lời chủ nhân cho thôi việc hai cô gái Do Thái nhập cư cho dù biết rằng họ sẽ phải đối mặt với án tử nếu bị trục xuất về nước.

ded
Stevens không dám rời bỏ vị trí khi nghe tin cha mình đột quỵ: "Bên trong có một quý ông cần nước muối rửa chân, anh mau vào." | Nguồn: Columbia Pictures.

Cũng vì những giá trị phẩm cách nghề nghiệp đó, Stevens nhất mực từ chối những tình cảm từ phía cô Kenton. Trước một người phụ nữ nồng nhiệt, tình cảm và sẵn sàng thể hiện cảm xúc của mình; Stevens năm lần bảy lượt tìm cớ thoái thác hoặc che giấu nội tâm của mình.

Một trong những phân cảnh đắt giá nhất của bộ phim là cảnh cô Kenton bước vào phòng của Stevens và dồn đuổi ông ta vào tận chân tường để xem ông đang đọc sách gì. Và khi không thể chống đối được nữa, Stevens buộc phải cho cô Kentons xem. Khi bị phát hiện đó là một cuốn tiểu thuyết tình cảm ướt át, Stevens chữa ngượng rằng ông đọc nó để phát triển vốn từ vựng.

Phân cảnh đó cho ta biết rằng Stevens cũng là người bình thường như chúng ta, cũng có những tình cảm yêu ghét. Cho dù tình cảm đó bị chèn ép bởi sự cứng nhắc trong cách sống, bởi “phẩm cách” mà xã hội phân cấp áp đặt lên con người.

cornered
Stevens cũng chỉ là một con người bình thường. | Nguồn: Columbia Pictures.

Bằng một ngôn ngữ điện ảnh tiết chế, chậm rãi và trầm lắng cùng với diễn xuất nội tâm xuất sắc của Anthony Hopkins, bộ phim đã vẽ nên một nỗi đau câm lặng của nhân vật. Ông nhận ra ảo tưởng đã tàn phá mình, nhưng chỉ biết chấp nhận nó với một trái tim tan vỡ.

realization
Cả đời tôi chỉ làm việc, làm việc rồi làm việc. Giờ, tôi vẫn làm việc... | Nguồn: Columbia Pictures.

Ở đoạn cuối của chuyến hành trình đến phía Tây của nước Anh là cuộc tái ngộ của hai người đồng nghiệp cũ sau hơn 20 năm.  Phân đoạn này khắc hoạ cái giá đau đớn mà cả hai nhân vật phải trả cho những sai lầm và ảo tưởng của mình.

“Chúng ta đã làm gì đời mình”, cô Kenton thốt lên trong cuộc chia tay cuối cùng với Stevens, người đồng nghiệp và người quản gia cũ của dinh thự Darlington.

parting
Giữ phẩm cách cả một đời, cuối cùng người ta còn lại gì? | Nguồn: Columbia Pictures.

Còn Stevens, cho dù nhận ra trái tim mình tan vỡ vì những mất mát không thể vãn hồi nhưng vẫn không dám thừa nhận sai lầm. Mọi thứ đã quá muộn, danh dự và phẩm cách là những giá trị cuối cùng còn sót lại để ông tựa vào và sống tiếp những năm tháng cuối cùng của đời mình.