The Lighthouse - Sự khác thường của những khung hình được đề cử Oscar | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
25 Thg 11, 2021
Điện ẢnhTráng Film

The Lighthouse - Sự khác thường của những khung hình được đề cử Oscar

Nhân dịp bộ phim được đề cử Oscar này vừa có mặt trên Netflix, hãy khám phá những kĩ thuật làm phim và câu chuyện đằng sau sự đáng sợ của The Lighthouse.

The Lighthouse - Sự khác thường của những khung hình được đề cử Oscar

Nguồn: A24

“(Bộ phim có) một bầu không khí xấu xí, ngột ngạt và bức bối. Những hình ảnh mờ ảo liên tục tấn công khán giả. Eggers chắc chắn là một nhà làm phim tài năng và độc đáo, đạo diễn này đã không hề khiến trải nghiệm xem phim của khán giả dễ dàng, nhất là với một bộ phim có nội dung hắc ám như vậy.”, nhà phê bình người Úc David Stratton nói về The Lighthouse.

Nhân dịp bộ phim nhận được đề cử Oscar cho hình ảnh xuất sắc nhất này vừa có mặt trên Netflix, hãy cùng nhau khám phá những kĩ thuật làm phim và câu chuyện đằng sau sự dị dạng đáng sợ của The Lighthouse.

Quan trọng nhất là không khí của phim

Trong quá trình thực hiện bộ phim đầu tay The Witch, Robert Eggers bất chợt tìm đến đạo diễn hình ảnh Jarin Blaschke để nói về ý tưởng cho bộ phim tiếp theo của họ. 

Jarin Blaschke kể lại rằng Robert Eggers muốn thực hiện "một bộ phim với hai người đàn ông, một không gian hẹp, một tỉ lệ khung hình hẹp, sự điên dại, vài cú đánh rắm và hai màu trắng-đen”. 

The Lighthouse kể về hai người đàn ông làm nghề canh gác ngọn hải đăng. Trong một không gian chật hẹp, bí bách và không có đường thoát, tâm trí của hai người dần trở nên bất ổn. Một cơn bão kéo đến vào đúng ngày hai người dự định rời khỏi hòn đảo. Đó là lúc sức chịu đựng họ đạt đến cực hạn.

Stormy The Lighthouse
Hai nhân vật đứng trong cơn bão để chờ tàu | Nguồn: FilmGrab

Để khán giả có thể hoà mình vào bộ phim, theo sát được cảm giác của nhân vật, Robert Eggers đã nói với Jarin Blaschke quan trọng nhất phải là bầu không khí và tinh thần của bộ phim. Câu chuyện sẽ đi theo sau.

The Lighthouse là một bộ phim kinh dị. Cái đáng sợ của nó không đến từ việc có những con quái vật hay một tên sát nhân nhảy ra hù doạ. Sự ám ảnh nó đem lại chính là không khí u ám trong khung hình chật hẹp tưởng chùng như đang bóp nghẹn khán giả qua từng cảnh phim.

Bằng những kĩ thuật âm thanh và hình ảnh, bộ đôi Robert Eggers - Jarin Blaske đã đẩy người xem đến bờ vực của sự tỉnh táo và bắt chúng ta cảm nhận những điều kinh khủng đang xảy ra trong tâm trí của hai người đàn ông.

Mở trang kịch bản đầu tiên của The Lighthouse, song song với vài dòng ngắn ngủi về nhân vật và bối cảnh là những yêu cầu rất rõ về mặt hình ảnh:

Bộ phim này phải được quay trên cuộn phim 35mm trắng-đen âm bản

Tỉ lệ khung hình: 1.19:1

Âm thanh phối: Đơn âm”

the lighthouse script
Trang đầu tiên của kịch bản The Lighthouse | Nguồn: archive.org

Việc để những yêu cầu hình ảnh và âm thanh này lên trang đầu tiên không phải là một việc thường thấy trong các kịch bản. Có thể thấy, The Lighthouse đã được thực hiện với những quyết định cực kỳ rõ ràng về kỹ thuật nhằm đưa đến cho khán giả một trải nghiệm thật đặc biệt khi xem phim.

Vậy những quyết định đó mang ý nghĩa gì và tại sao?

Tỉ lệ khung hình phải chật hẹp hết mức

Khi bắt đầu thực hiện bộ phim, bộ đôi Robert và Jarin đã mặc định bộ phim sẽ nằm ở tỉ lệ 1.33:1, vốn rộng rãi hơn tỉ lệ 4:3 tiêu chuẩn của Hollywood. 

Thế nhưng, Jarin Blaschke kể lại rằng vào một bữa tiệc trong năm 2017, anh đùa với Robert Eggers là hãy quay The Lighthouse với tỉ lệ 1.19:1 để bộ phim thậm chí còn chật hẹp hơn. Tuy từng khá phổ biến vào thời kì phim câm, hiện tại tỉ lệ này gần như không bao giờ được sử dụng nữa. Vì đa số các bộ phim sau này đều đã chuyển qua 4:3. 

Tuy là một lời nói đùa, nhưng Robert Eggers lại tỏ ra rất hứng thú với ý tưởng này và đã ngay lập tức biến nó trở thành một trong các yêu cầu chính của bộ phim.

1.19.1 cũng chính là một trong những tỉ lệ mà Jarin Blaschke thường dùng để chụp ảnh. “Đây là ti lệ khung hình có được sự cân bằng hoàn hảo giữa chủ thể và môi trường”, đạo diễn hình ảnh của The Lighthouse nhận xét.

Xét theo mặt bối cảnh, tỉ lệ này đã giúp cho chiều cao của ngọn hải đăng được tôn lên trong khung hình. Từ đó, Rober Eggers đã tô điểm cho ngọn hải đăng một vẻ đẹp thần thánh, rất thích hợp cho ý nghĩa biểu tượng của nó trong cả bộ phim.

The Lighthouse
Ngọn hải đăng trong The Lighthouse | Nguồn: FilmGrab

Ngược lại, tỉ lệ 1.19.1 còn đóng vai trò như một chiếc hộp nhỏ tí để nhốt những nhân vật của The Lighthouse vào trong. Khi họ xuất hiện một mình, môi trường xung quanh gần như bị hạn chế một cách tối đa, truyền tải đến khán giả cảm giác biệt lập và xa cách mà hai người đàn ông này đang cảm thấy.

Thế nhưng khi hai nhân vật này xuất hiện với nhau trong cùng một khung hình, tỉ lệ khung hình này bắt buộc họ ép chặt lại với nhau. Dù cho đó là những cảnh cãi nhau, hay cảnh ngọt ngào, khung hình này đã nhấn mạnh những tương tác giữa hai người hơn gấp bội. Từ đó phản ánh mối quan hệ của hai nhân vật.

Màu phim đen trắng thôi chưa đủ

Màu đen-trắng của một bộ phim thường là một lựa chọn của đạo diễn và đạo diễn hình ảnh, nhằm nhắm tới việc tạo nên một cảm giác xưa cũ cho thế giới của phim và đưa khán giả đi sâu hơn vào thế giới này.

Và đằng sau bất kỳ bộ phim đen-trắng nào của Hollywood cũng là những cuộc chiến giữa người làm phim với nhà đầu tư. Điều này có lẽ cũng không có gì lạ khi màu phim này thường sẽ kén khán giả, dẫn đến doanh thu hạn chế hơn.

The Lighthouse là một bộ phim đen-trắng. Cuộc thảo luận về màu phim ở The Lighthouse thậm chí còn đi thêm một bước xa hơn nữa. 

Hai nhân vật cùng dùng bữa tối | Nguồn: FilmGrab

Thay vì quay màu kĩ thuật số và chỉnh màu đen trắng ở hậu kì như bao bộ phim Hollywood khác đã làm, Jarin Blaschke muốn thực hiện bộ phim hoàn toàn trên những cuộn phim đen trắng truyền thống. Ngay cả khi nhà sản xuất chất vấn anh về quyết định này, Jarin vẫn khăng khăng giữ vững quan điểm hơn.

Là một người chụp ảnh film đen-trắng lâu năm, Jarin hiểu rất rõ những đa dạng của “bảng màu” đặc biệt này. Sự thiếu vắng màu sắc của một vật thể sẽ khiến người xem tập trung hơn vào độ sáng tối và cách các bề mặt phản sáng. Từ đó truyền tải được cảm giác khi chạm vào một vật thể.

Cụ thể, để làm rõ hơn sự thô ráp và dơ bẩn trên các bề mặt như sàn gỗ, tường vôi hay gương mặt diễn viên, The Lighthouse đã sử dụng một bộ phận lọc ánh sáng cho camera được làm riêng cho bộ phim. Bộ lọc này có tác dụng ngăn chặn bất kỳ ánh sáng đỏ nào lọt vào trong camera.

dàoe
Hãy chú ý đến cái chi tiết trên da của Willem Dafoe | Nguồn: FilmGrab

Vì người da trắng có làn da chủ yếu là ánh sáng đỏ, bộ lọc này sẽ khiến cho màu da tối hơn và làm rõ các khuyết điểm có trên khuôn mặt diễn viên. Khiến cho họ trở nên khắc khổ và xa lạ hơn bao giờ hết. Ngoài ra, bộ lọc này còn khiến bất kì bầu trời dù sáng và đầy mây đến đâu, cũng trở nên xám xịt và như đang báo hiệu một cơn bão có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

“Khổ trước sướng sau, thế mới mãn nguyện”

Với xuất thân là một nhà thiết kế sản xuất (Production Designer), người chịu trách nhiệm cho bối cảnh của một bộ phim, Robert Eggers khi trở thành đạo diễn vẫn giữ rất nhiều sự quan tâm cho sự chân thật và “không khí” của một bộ phim. The Lighthouse là một ví dụ điển hình cho việc này.

Đoàn làm phim đã lựa chọn quay phim ở trên một hòn đảo ngoài khơi Nova Scotia của Canada. Và khó khăn đầu tiên mà họ phải đối mặt khi quay ở địa điểm thật là độ nhận sáng kém của các cuộn phim đen trắng. 

Những máy quay màu Alexa tiêu chuẩn thường có ISO (độ nhạy cảm với ánh sáng) khoảng 800 và máy quay đen trắng mà đoàn làm phim dùng có ISO là 80. Đồng nghĩa với việc họ cần gấp 10 lần ánh sáng bình thường để có thể thắp sáng đủ một cảnh quay.

Cảnh phim sáng nhất của The Lighthouse | Nguồn: FilmGrab

The Lighthouse có thể là một bộ phim có gam màu u tối, nhưng theo lời kể của Jarin Blaschke thì phim trường sáng đến nỗi cả Willem Dafoe và Robert Pattinson liên tục nhìn thấy các đốm mù khi quay và độc thoại. Thậm chí, khi quay các cảnh nội vào buổi đêm, đa số đoàn làm phim đều phải đeo kính râm để tránh bị lóa mắt.

Khó khăn thứ hai là hòn đảo mà họ chọn để quay phim không có một công trình nhân tạo nào cả. Tất cả những bối cảnh bạn thấy trên màn ảnh đều được đoàn làm phim dựng nên để phục vụ cho mục đích quay phim, bao gồm cả ngọn hải đăng.

Ngọn hải đăng cao khoảng 21 mét này có một ngọn đèn fresnel và một bóng đèn HMI 6000 watt đã được dùng để làm nguồn sáng chính cho ngọn hải đăng. Robert Eggers kể rằng nó sáng đến nỗi anh đã được báo rằng nó đã đánh thức vài người dân từ phía bên kia vịnh thức dậy vào lúc 2 giờ sáng.

Bên trong ngọn hải đăng được dựng bởi đoàn làm phim | Nguồn: FilmGrab

Khi được hỏi là vì sao lại trải qua quá nhiều khó khăn đến vậy khi hoàn toàn có những cách dễ dàng hơn để quay phim? Đạo diễn hình ảnh Jarin Blaschke đã trả lời rằng:

“Đơn giản là có nhiều sự thỏa mãn hơn khi làm một việc theo cách khó khăn hơn bình thường. Những khó khăn đó đem lại thêm 20% cho bộ phim và hi vọng khán giả sẽ cảm nhận được điều đó. Đôi lúc phải khổ một tí thì mới sướng được.” 

Vài thông tin thú vị về The Lighthouse:

  • Cách nói chuyện của Willem Dafoe được viết dựa trên những cuốn sách phỏng vấn những người canh gác hải đăng vào thời kỳ những năm 1930.

  • Những ống kính (lense) được dùng trong phim có tuổi thọ khoảng 80 tuổi. Vì thế việc bảo quản chúng trong một hòn đảo vây quanh bởi nước biển là điều cực kì khó khăn.

  • Tất cả những cơn mưa bão trong phim là có thật và không hề được nhân tạo bởi các máy mưa. Đoàn làm phim đã phải hoạt động trong điều kiện thời tiết như thế suốt quá trình quay.

  • Phân cảnh 2 phút nơi Willem Dafoe nguyền rủa Robert Pattinson được thực hiện hoàn toàn trong một lần quay. Theo lời đạo diễn, Dafoe đã không chớp mắt suốt 2 phút đó.