Thẻ tín dụng: Khi nào dùng và dùng thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Thẻ tín dụng: Khi nào dùng và dùng thế nào?

Chiếc thẻ tín dụng đã mang đến cho tôi ác mộng và cả "giấc mơ hồng."
Thẻ tín dụng: Khi nào dùng và dùng thế nào?

Nguồn: Liza Summer/Pexels

Hơn 10 năm trước, khi các sản phẩm thẻ tín dụng mới bắt đầu được giới thiệu ở Việt Nam cũng là lúc tôi chuẩn bị đi du học. Trước khi lên máy bay, mẹ tôi dúi vào tay tôi một chiếc thẻ phụ từ thẻ chính của mẹ. Mẹ nói cứ dùng khi cần thiết, nhất là những tháng đầu chưa có công việc, học bổng chưa bắt đầu, nhiều đồ đạc cần mua sắm…

Cứ tiêu trước rồi trả sau, đó là điều mẹ cũng mới nghe được từ người tư vấn ở ngân hàng. Vậy là tôi mơ hồ đút vào túi chiếc thẻ nhựa mỏng manh ấy, bắt đầu cuộc sống một mình ở Mỹ.

Tôi đâu có ngờ, chiếc thẻ ấy không những không mở ra một cuộc sống đảm bảo mà lại đem đến cho tôi không biết bao nhiêu ác mộng.

Thiếu sự tư vấn, không có tài khoản online, ít kinh nghiệm chi tiêu ở nước ngoài, tôi không biết mình đã chi bao nhiêu. Chỉ biết cuối tháng nhận được sao kê ngân hàng là ruột gan như thắt lại. Rồi có cả những ngày phấp phỏng lo âu gọi từ Mỹ về Việt Nam cả chục cuộc chỉ để xử lý một giao dịch lỗi…

Rồi điều gì đến cũng phải đến, tôi “gia nhập” bộ phận không nhỏ những người trẻ nợ tín dụng — một sai lầm mà tôi phải dành tới hàng năm sau đó để sửa sai.

Nhưng trải nghiệm khó khăn ấy cũng khiến tôi có thêm động lực học hỏi và nghiên cứu chuyên sâu về quản lý tài chính cá nhân. Ngày nay, với số điểm tín dụng (credit score) xấp xỉ 800 — đạt ngưỡng cao nhất tại Mỹ — tôi muốn chia sẻ một vài quan điểm và lời khuyên về việc sử dụng thẻ tín dụng, để không ai khác phải rơi vào ác mộng như tôi trước đây.

Thực chất thẻ tín dụng là gì?

Thẻ tín dụng thường được quảng cáo như một phương thức thanh toán “tiêu trước trả tiền sau.” Nhưng nói thẳng ra, về bản chất, đây là một hình thức vay nợ. Bạn vay nợ ngân hàng và đặt trách nhiệm lên phiên bản tương lai của bạn để trả khoản nợ đó.

Do vậy, mỗi lần chậc lưỡi “Ừ thôi cứ cà thẻ tiêu đi, trả tính sau,” bạn nên hiểu rằng chính bạn — chứ không phải ai khác — sẽ cần phải hoàn lại số tiền này trong vài tuần sắp tới.

Tuy vậy, thẻ tín dụng cũng có rất nhiều lợi thế. Ví dụ, trả thẻ tín dụng thường an toàn hơn tiền mặt (tránh mất mát, có thể báo ngân hàng bồi thường nếu có sai sót…). Mở thẻ mới thường có nhiều ưu đãi lớn. Tiêu thẻ có thể được tích điểm, rồi đổi điểm đó lấy tiền mặt, vé máy bay, khách sạn và nhiều quyền lợi khác.

Ở Mỹ, việc tiêu bằng thẻ tín dụng thường xuyên và trả nợ thẻ đúng hạn để xây dựng điểm tín dụng cao là một điều vô cùng cần thiết. Điểm tín dụng của bạn là thứ đầu tiên ngân hàng xem xét đến nếu bạn muốn vay tiền, mua nhà, mua xe... Thậm chí, rất nhiều chủ nhà thuê cũng yêu cầu xem điểm tín dụng trước khi đồng ý cho thuê nhà.

Bởi vậy, nếu hiểu được đúng bản chất của thẻ tín dụng, bạn sẽ sử dụng nó một cách có trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn, và tạo nền móng tốt hơn cho những kế hoạch tài chính sau này của mình.

Nguồn Olya KobrusevaPexels
Nguồn: Olya Kobruseva/Pexels

Sử dụng thẻ tín dụng thế nào là tốt nhất?

An toàn và hiệu quả là hai yếu tố hàng đầu trong việc sử dụng thẻ tín dụng để đảm bảo bạn vẫn tận dụng được hết các ưu thế của thẻ, mà không biến bản thân thành “con nợ.”

Dưới đây là một số gợi ý của tôi:

1. Trả được tới đâu tiêu tới đó

Nói cách khác là chỉ tiêu trong phạm vi bạn có thể trả được.

Để làm được điều này, bạn cần lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng, theo dõi kỹ những khoản chi từ thẻ, và kỷ luật bản thân trong phạm vi đã định sẵn. Bạn có thể làm điều này bằng ghi chép thủ công hoặc dùng các ứng dụng hiện đại ghi tự động.

Khoảng 5 năm trở lại đây, vợ chồng tôi sử dụng phương pháp zero-based budget (một phương pháp tính tổng thu trừ tổng chi bằng 0) với EveryDollar. Đây là ứng dụng tích hợp với tất cả các tài khoản ngân hàng để kiểm soát chi tiêu. Bạn cũng có thể sử dụng các ứng dụng khác như Mint, YNAB, MoneyLover…

2. Trả nợ đúng hạn

Điều này là tối quan trọng để bạn tránh phí phạt, lãi suất cao và ảnh hưởng xấu tới điểm tín dụng của mình. Nếu có thể, trả đều đặn vài lần trong tháng để kiểm soát tốt hơn là đợi tới cuối tháng mới trả một lượt.

Cá nhân tôi tự cho mình một hạn mức nhất định (hiện là $300, trước đây là $50). Khi nào số dư nợ tới mức này tôi sẽ chủ động trả hết. Phương pháp này giúp tôi hiểu về chi tiêu của mình hơn, kỷ luật bản thân tốt hơn và tránh nguy cơ nợ quá hạn.

3. Nắm được tình hình thẻ tín dụng của mình

Việc này bao gồm hạn chế mở quá nhiều thẻ một lúc, theo dõi kỹ hạn mức và nợ tín dụng từng thẻ, không cho người lạ dùng thẻ của mình. Nếu thẻ bị mất hay bị nghi ngờ dùng sai mục đích, hãy liên hệ ngay với ngân hàng để khóa thẻ và bồi hoàn (nếu cần thiết).

Tôi từng có một kỷ niệm dở khóc dở cười với tính năng chống trộm cắp của thẻ tín dụng bên Mỹ. Sau một thời gian "thắt lưng buộc bụng" để tiết kiệm trả nợ, đầu tư, mua nhà…, tôi cảm thấy tình hình tài chính của mình đã "dễ thở" hơn và quyết định thưởng cho mình một buổi mua sắm online.

Sau khi mua hai cái áo, một cái váy, đến pha quẹt thẻ mua tiếp một đôi bông tai thì thẻ không dùng được nữa. Hóa ra hệ thống ngân hàng nghi ngờ hành vi mua sắm bất thường của tôi — một khách hàng có "truyền thống cần kiệm" — là do bị người khác ăn trộm thẻ. Rất may sau một cuộc điện thoại đơn giản, thẻ được mở khóa và tôi có đôi bông tai mình mong muốn.

4. Dùng thẻ đúng nơi

Thẻ tín dụng dùng tốt nhất cho những chi tiêu nhỏ hàng ngày hoặc những chi tiêu lớn mà bạn chưa có đủ tiền mặt “một cục” ngay khi đó.

Ngoài ra nó rất hữu ích khi dùng ở những địa điểm mới (như nhà hàng mới, khu du lịch lạ…) vì nếu có vấn đề gì không thỏa đáng xảy ra, bạn có thể báo ngân hàng rút lại tiền và bồi hoàn cho mình.

Thẻ tín dụng cũng nên ưu tiên dùng cho các dịch vụ thuê bao (subscription) rút tiền tự động từ tài khoản. Vì nếu dùng thẻ ghi nợ và bị trừ tiền tự động, bạn có thể bị phạt tiền nếu tài khoản bị rút quá số tiền đang có sẵn (overdraft fee).

Một số nhà hàng, khách sạn, hãng máy bay, trung tâm thương mại… có kết nối với thẻ để tích điểm thưởng khi bạn mua sắm ở những địa chỉ đó. Rất nhiều người sử dụng thẻ tín dụng thông minh đã có cả chuyến du lịch tới nước ngoài hoàn toàn miễn phí, nhờ dùng điểm thưởng tích lũy đó đổi lấy vé máy bay, khách sạn, và thậm chí nhà hàng trong cả chuyến đi.

“Giấc mơ hồng” khi dùng thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng có thể mang lại ác mộng nếu như bạn sử dụng nó khi chưa thực sự hiểu bản chất và các cách tiêu thẻ hiệu quả và an toàn nhất. Tuy nhiên, dùng thẻ một cách có trách nhiệm cũng có thể mang đến rất nhiều lợi ích không ngờ.

Đối với trường hợp của tôi, sau vài năm điều chỉnh và sửa sai, cơn ác mộng mắc nợ tín dụng đã chuyển đổi thành “giấc mơ hồng” khi điểm tín dụng cao giúp tôi vay được ngân hàng với lãi suất tốt. Nhờ đó mà tôi có thể mua được hai căn nhà cho gia đình mình và ba mẹ tại Mỹ đầu năm nay.

Tôi mong với bài viết này, bạn đọc có thể xây dựng nền tảng tín dụng vững chắc và hiện thực hóa giấc mơ của riêng mình.