Thời trang tuần hoàn là gì? | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpLET’s GO
05 Thg 03, 2020
Fashion Forum

Thời trang tuần hoàn là gì?

Thế nào là thời trang tuần hoàn? Và thế nào là không? Liệu “tuần hoàn” có đang nhanh chóng trở thành một thuật ngữ thông dụng nhưng sáo rỗng (buzzword) trong ngành thời trang? Thế thì tất cả những điều này có ý nghĩa thế nào với ngành công nghiệp thời trang?

Thời trang tuần hoàn là gì?

Dưới 1% quần áo được tái chế thành sản phẩm may mặc mới. Theo ước tính, ngành công nghiệp thời trang là tác nhân dẫn đến lượng rác thải trung bình 13kg/người trên hành tinh. Hãy tưởng tượng điều đó tương tự với viễn cảnh thế giới có một bãi rác khổng lồ với kích thước bằng nước Pháp, chỉ chứa đầy quần áo và hàng dệt may…

Ngành công nghiệp thời trang hiện tại không chỉ lãng phí mà còn tham lam khi việc khai thác khối lượng vật liệu thô khổng lồ đòi hỏi vắt kiệt nguồn tài nguyên đất, nước, dầu và hóa chất cũng như gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất.

Trong bối cảnh đó, dù chỉ mới xuất hiện vào năm 2014, từ “tuần hoàn” (circular) đã nhanh chóng trở thành một khái niệm bền vững được đón nhận nồng nhiệt trong lĩnh vực thời trang.

Có đến 90 thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ–từ Nike đến Adidas, Ganni đến Reformation, Lacoste đến VF Corporation–đã ký kết vào Bảng cam kết Hệ thống Thời Trang Tuần hoàn 2020 (2020 Circular Fashion System Commitment) của Global Fashion Agenda.

Thời trang tuần hoàn là gì0
Theo dữ liệu từ Google Trends, lượng tìm kiếm cụm từ “thời trang tuần hoàn” đã tăng gấp bốn trong giai đoạn 2014-2020. 

Vậy, nếu diễn giải ngắn gọn, thì thế nào là thời trang tuần hoàn? Và thế nào là không? Liệu “tuần hoàn” có đang nhanh chóng trở thành một thuật ngữ thông dụng nhưng sáo rỗng (buzzword) trong ngành thời trang? Thế thì tất cả những điều này có ý nghĩa thế nào với ngành công nghiệp thời trang?

Thời trang tuần hoàn là gì? 

Thời trang tuần hoàn là gì1


Ngành công nghiệp thời trang tuần hoàn được định nghĩa là ngành công nghiệp giảm thiểu chất thải và ô nhiễm, đồng thời giữ cho sản phẩm và vật liệu được sử dụng lâu nhất có thể, thông qua việc tái sử dụng và tái chế, và có các hệ thống phân loại tự nhiên tự tái tạo. 

Giảm thiểu chất thải

Nền kinh tế hiện nay chủ yếu dựa trên mô hình vận hành theo đường thẳng hay mô hình tuyến tính (linear economy). Theo đó, tài nguyên được lấy đi một cách vô tội vạ từ hành tinh, làm thành sản phẩm và sau đó bị vứt bỏ khi không còn cần thiết nữa. Dù một số sản phẩm có thể được tái sử dụng và tái chế đi chăng nữa thì cuối cùng quá trình đó vẫn là “khai thác – sản xuất – thải bỏ”.

Thời trang tuần hoàn là gì2


Ngược lại, một mô hình kinh tế bền vững hơn có tính chất tuần hoàn hơn. Sau khi được khai thác, tài nguyên được giữ lại trong vòng tuần hoàn lâu nhất có thể thông qua việc sử dụng và tái sử dụng sản phẩm, và sau đó tái chế thành vật liệu thô dùng cho sản xuất mà không cần khai thác tài nguyên mới.

Quỹ Ellen MacArthur đề cập đến mô hình này như là “một hoạt động kinh tế tách rời khỏi việc tiêu thụ tài nguyên vốn có hạn và loại bỏ chất thải ra khỏi hệ thống”.

Sản xuất bền vững 

Mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ là một cách tiếp cận phi tuyến tính (non-linear), tập trung vào việc không có rác thải mà còn phải đảm bảo hai công đoạn “ khai thác” và “sản xuất”. Việc khai thác tài nguyên vật chất và tạo ra sản phẩm cũng cần mang tính bền vững và tái tạo được.

Ví dụ, Chứng nhận Cradle2Cradle đưa ra một tiêu chuẩn tiếp cận cho vòng tuần hoàn của vật liệu. Nó đánh giá xem liệu sản phẩm đã được thiết kế phù hợp và được sản xuất đúng với đặc tính của nền kinh tế tuần hoàn, dựa trên năm hạng mục quan trọng: sức khỏe vật chất, tái sử dụng vật liệu, quản lý carbon và tái tạo năng lượng, quản lý nước, và công bằng xã hội.

Vòng đời cuối cùng

Sau cùng thì một mô hình tuần hoàn cũng xem xét giai đoạn cuối cùng trong vòng đời của một sản phẩm. Nếu sản phẩm không thể sử dụng được nữa (dù toàn bộ hay một phần) hoặc không thể được tái chế thành vật liệu thô thì có thể được thải bỏ mà không gây hại cho môi trường.

Thời trang tuần hoàn là gì3

Tác phẩm bạn thấy ở trên là một sản phẩm nâng cấp (upcycling) từ nguyên liệu vải đã qua sử dụng, bị hư hại đến mức không thể sửa chữa được nữa, đến từ Eileen Fisher, thương hiệu thời trang đến từ Mỹ. Kể từ năm 2009 đến nay, Eileen Fisher đã thu gom được 1.4 triệu sản phẩm quần áo đã qua sử dụng từ chính thương hiệu của họ. Những thứ người ta cho là rác thải, trong mắt họ, là một sự sống mới.

Làm sao để tạo dựng ngành công nghiệp thời trang tuần hoàn?

Tạo dựng thời trang tuần hoàn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận đến toàn bộ hệ thống. Để ngành công nghiệp thời trang chuyển từ mô hình vận hành theo đường thẳng sang mô hình tuần hoàn. Theo đó, các vấn đề sau đây cần được giải quyết. 

1. Chú tâm đến thiết kế với tính bền vững và tuần hoàn

Không chỉ đơn giản là loại bỏ chất thải và sử dụng vật liệu thô, thời trang tuần hoàn còn phải xem xét ở góc độ thiết kế sản phẩm từ khâu sản xuất, sử dụng và xử lý cuối cùng. Các vấn đề thiết kế cần xem xét bao gồm việc sử dụng sợi đơn thay vì sợi pha trộn, đảm bảo các loại phụ liệu may mặc có thể tháo ráp dễ dàng và có thể được phục hồi để tái sử dụng, và việc sử dụng thuốc nhuộm và thành phẩm đảm bảo an toàn.


 Kể từ khi ra mắt thương hiệu thời trang mang tên mình năm 2001, nhà thiết kế Stella McCartney luôn là người tiên phong trong việc cho ra mắt các thiết kế sử dụng chất liệu bền vững và thân thiện với môi trường. Video trên là chia sẻ của nhà thiết kế về sự kết hợp với Bolt Threads để cho ra mắt các thiết kế sử dụng chất liệu tơ nhện nhân tạo 100%.

2. Sản xuất bền vững

Một đặc tính quan trọng của thời trang tuần hoàn là cách sử dụng tài nguyên thiên nhiên cho phép chúng được phục hồi và tái sinh thay vì tận dụng cạn kiệt và gây ô nhiễm, dù là vật liệu thô hay vật liệu sản xuất.

Ví dụ, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, bông hữu cơ, sản xuất vòng kín hoặc sợi từ các sản phẩm phụ của quy trình sản xuất thực phẩm.

3. Sử dụng lâu hơn

Thời trang tuần hoàn không chỉ hướng đến việc tạo ra quần áo, giày dép và phụ kiện sử dụng được lâu mà còn xem xét lại quyền sở hữu thông qua việc bán lại, chia sẻ, cho thuê mô hình và thiết kế lại các sản phẩm hiện có, chẳng hạn như tăng giá trị thông qua việc nâng cấp (upcycling).

Dưới đây là một ví dụ đến từ Môi Điên Studio, để làm chất liệu mới cho bộ sưu tập, đội ngũ thiết kế đã sử dụng hàng trăm mảnh vải vụn sản xuất từ thương hiệu V-SIXTYFOUR.

Chiếc túi No Thanks của Môi Điên sử dụng vải denim được VSIXTYFOUR tài trợ
Chiếc túi No, Thanks của Môi Điên sử dụng vải denim được V-SIXTYFOUR tài trợ.

4. Tái chế dễ dàng hoặc trở lại thành vật liệu đầu vào

Các hệ thống và cơ sở thu gom, tái sản xuất và tái chế hiện nay đang thiếu rất nhiều thứ cần thiết để giữ cho tất cả hàng may mặc và giày dép hiện hữu luân chuyển trong vòng tuần hoàn cho dù thông qua hoạt động bán lại, nâng tầm đồ cũ hay tái chế. 

Các công nghệ mới đang nổi lên để tái chế hàng may mặc, bao gồm cả những sản phẩm được pha trộn, trở lại thành sợi có chất lượng tương tự vật liệu thô (thay vì chỉ có thể sản xuất sợi và sợi xuống cấp ít phù hợp hơn cho may mặc.)

Ví dụ, len cashmere tái tạo tác động đến môi trường ít hơn 87% so với cashmere mới được làm ra từ lông của những chú dê Cashmere.


5. Mọi loại chất thải ra môi trường đều an toàn, dễ dàng và nhanh chóng

Những thuật ngữ kỹ thuật như là “phân huỷ sinh học” và “hữu cơ” thường không xuất hiện trong ngành thời trang, thì giờ đây là những quy trình quan trọng trong thời trang tuần hoàn (vì không phải tất cả chất thải đều có thể được loại bỏ hoàn toàn). Đây cũng là các khái niệm mới mà các chuyên gia thời trang cần làm quen để có thể đưa ra các quyết định sáng suốt. Vật liệu nên được phân huỷ trong đất nhanh chóng, dễ dàng và không gây ô nhiễm khi chúng không còn khả năng sử dụng được.

Những lầm tưởng về thời trang tuần hoàn

Vì khái niệm tuần hoàn ngày một phổ biến nên cũng đã có không ít nhầm lẫn về bản chất của nó. Liệu “tuần hoàn” có nguy cơ trở thành một từ ngữ sáo rỗng, một thứ “cực chất” tiếp theo để một nhãn hiệu thời trang nói rằng hùng hồn tuyên bố rằng họ đang làm?

Chúng ta dễ thấy ngày càng có nhiều những món đồ được nâng cấp hoặc làm từ vật liệu tái chế hoặc có thể tái chế thì đã được gán mác là “thời trang tuần hoàn”. Tuần hoàn không chỉ đơn thuần là sự tái sinh vật chất. Nó cũng không chỉ đơn thuần là quần áo mang về rồi bán lại hoặc cho thuê hoặc thiết kế cho tuổi thọ dài hơn. Tuần hoàn là sự kết hợp của tất cả những hoạt động nêu trên và nhiều hơn thế nữa.

Levis và dự án tái chế quần jeans đã qua sử dụng
Levi's và dự án tái chế quần jeans đã qua sử dụng.

Ví dụ, thương hiệu quần jeans lâu đời nhất thế giới, Levi’s, hợp tác với chương trình The Blue Jeans Go Green™ để thu hồi quần jeans đã sử dụng và tái chế thành vật liệu cách nhiệt sử dụng trong xây dựng.

Có thể nói, nền kinh tế thời trang tuần hoàn là một hệ thống. Các nhà máy tái chế, các chương trình mua-trả (take-back), quần áo được tái chế, nhà máy không ô nhiễm và nhiều thứ khác đều là những mấu chốt để tạo nên một nền kinh tế thời trang tuần hoàn. Chúng ta cần hiểu rằng chúng chỉ là một phần trong hệ thống và không thể nào tạo nên một vòng tuần hoàn riêng lẻ được.

Hơn thế nữa, chúng cũng có thể là một phần của mô hình vận hành theo đường thẳng tối ưu (người mua chiếc váy cũ đó có thể vứt nó đi khi đã chán mặc nó, hay sản phẩm được thuê một khi nó bị mòn có thể không được tái chế hay đưa vào sử dụng cho mục đích khác mà bị vứt bỏ tại bãi rác,…)

Tương lai của thời trang tuần hoàn

Mô hình tuần hoàn không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho ngành thời trang tại thời điểm này. Nó có thể đầy tiềm năng, nhưng các hệ thống cần thiết để giữ cho tất cả các sản phẩm may mặc và giày dép hiện đang được lưu hành, tái sử dụng và xử lý mà không gây hại vẫn chưa được thiết lập hoàn thiện. Trong khi đó, chúng ta vẫn không ngừng sản xuất các sản phẩm mới từ vật liệu thô với tốc độ nhanh chóng. Tiến trình này không đủ để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng đó.

Mô hình tuần hoàn không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho ngành thời trang tại thời điểm này
Mô hình tuần hoàn không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho ngành thời trang tại thời điểm này.

Hiện tại các công ty điều hành có chương trình mua-trả đang khuyến khích người mua sắm mang trả quần áo đã qua sử dụng bằng cách cho họ các phiếu mua hàng (voucher) để mua thêm. Theo báo cáo Tương lai của Thời trang Tuần hoàn của Fashion for Good thì “80% khách hàng trả lại hàng may mặc đã sử dụng phiếu mua hàng của họ để mua một mặt hàng mới từ cùng thương hiệu đó”.

Liệu việc chuyển sang nền kinh tế thời trang tuần hoàn có thể giải quyết được tác động của các mô hình kinh doanh vốn dựa vào sự tăng trưởng liên tục, khối lượng sản xuất ngày càng tăng và mong muốn sự mới mẻ từ người tiêu dùng thì vẫn đang là dấu chấm hỏi lớn. 

Tuy nhiên, tại thời điểm này, chỉ cần nỗ lực để chuyển hướng sang một mô hình tuần hoàn hơn cũng đã mang lại lợi ích, ít nhất là đã giúp giảm thiểu chất thải và ô nhiễm.

Bài viết của Clare Lissaman trên Common Objective, được chuyển ngữ bởi Đinh Hương.  

Xem thêm:

[Bài viết] Chuyện chưa kể về chiếc quần jeans trong tủ đồ của bạn

[Bài viết] Ngưng dùng từ “bền vững” một cách vô tội vạ