"Thức tỉnh" một Paul McCartney trẻ với công nghệ DeepFake | Vietcetera
Billboard banner
Khảo Sát Về Thói Quen Tiêu Thụ Nội DungBắt Đầu
15 Thg 09, 2021
Điện Ảnh

"Thức tỉnh" một Paul McCartney trẻ với công nghệ DeepFake

Ở độ tuổi 79, cựu Beatle Paul McCartney vẫn cho ra những sản phẩm âm nhạc phù hợp với xu thế thời đại - về mặt nghệ thuật lẫn công nghệ.
"Thức tỉnh" một Paul McCartney trẻ với công nghệ DeepFake

Paul McCartney và hành trình âm nhạc 6 thập kỷ. | Nguồn: Paul McCartney

Vào ngày 22/7 vừa rồi, Paul McCartney - nửa còn lại của bộ đôi sáng tác Lennon-McCartney của The Beatles, và Beck đã cho ra mắt MV Find A Way (thuộc album McCartney III Remixed).

Ở độ tuổi 79, Paul vẫn cởi mở hợp tác với những nghệ sĩ ở thế hệ về sau này. Trong MV mới nhất của Find My Way, công nghệ DeepFake để được áp dụng để tái hiện lại hình ảnh của Paul McCartney thời trẻ.

Video được đạo diễn bởi Andrew Donoho và đồng sản xuất bởi Hyperreal Digital, một công ty “chuyên tạo ra những hiện thân ảo của các nhân vật thực”. Đại diện của công ty, ông Remington Scott cũng nói thêm: “Công nghệ dùng để làm trẻ hóa những tài năng và giúp họ biểu diễn trong các môi trường sáng tạo đang dần được hoàn thiện".

Ở phần cuối của MV, “McCartney trẻ tuổi” đã kéo một chiếc mặt nạ và để lộ… Beck ở ngay phía dưới. MV vừa thể hiện được sự tiến bộ của công nghệ A.I. được ứng dụng trong âm nhạc, vừa cho thấy Paul McCartney vẫn còn “dư sức” cho ra những sản phẩm bắt kịp với xu thế.

Hãy cùng Vietcetera nhìn lại lịch sử “quái vật” của làng âm nhạc nước Anh trong bài viết sau.

“Con dao đa năng” Paul McCartney

Khó có thể đánh giá thấp những đóng góp của Paul McCartney cho The Beatles, nhất là ở khả năng về nhạc cụ và sáng tác. Ông có thể chơi đến hơn 40 nhạc cụ khác nhau, cùng với những kỹ thuật bass ảnh hưởng rất nhiều lên các thế hệ nhạc sĩ về sau.

Song, điểm nhấn khiến các bản thu của Paul được chú ý chính là phần viết nhạc đột phá. Ca từ của ông có thể khắc họa những câu truyện và nhân vật có phần giả tưởng như trong Rocky Raccoon hay Eleanor Rigby. Chúng cũng có thể rất thực tế và cụ thể, như hình ảnh về tuổi thơ tại Liverpool trong Penny Lane.

Ngay sau khi The Beatles tan rã, Paul đã ra mắt album đầu tiên, mang tên gọi McCartney. Trong album, ông hoàn toàn tự sản xuất và chơi các nhạc cụ guitar acoustic, guitar điện, bass, trống, piano, organ, bộ gõ, và mellotron.

Bob Dylan đã nói về Paul như sau: "Tôi bị kinh ngạc bởi McCartney. Anh ta là người duy nhất khiến tôi có thể kinh ngạc. Anh ta có thể làm tất cả mọi thứ và chưa bao giờ bỏ cuộc."

Ở độ tuổi 78, Paul McCartney vẫn đều đặn đưa ra những tác phẩm âm nhạc mới đến công chúng. | Nguồn: The Rolling Stone

Paul như một “con dao đa năng”, ông có thể “nhảy” từ thể loại này sang thể loại khác một cách dễ dàng: từ những tình khúc sâu lắng ballad, baroque pop, đến psychedelic folk, country, hard rock hay thậm chí là avant-garde.

Các fan của Paul không ai có thể quên lần ông thử nghiệm với âm thanh điện tử của thập niên 1980 trên McCartney II. Hoặc ban nhạc Wings cùng với vợ Linda McCartney vào thập niên 70. Hay lúc ông chơi đùa với jazz trên Kisses on the Bottom. Hoặc dự án The Fireman kết hợp với Youth vào đầu những năm 1990. Paul không ngừng nghỉ hợp tác với những thế hệ nghệ sĩ trẻ hơn qua các thập kỷ.

Đến những năm 2010, Paul McCartney và Kanye West cùng cho ra những tác phẩm collab (hợp tác), trong Only OneFourFiveSeconds với Rihanna. Kanye và McCartney đều có những lời kính trọng gửi đến nhau, dù cả hai nghệ sĩ xuất thân từ hai cộng đồng khác nhau: Paul từ rock ‘n roll còn Kanye từ hip-hop.

Paul McCartney và Kanye West. | Nguồn: Time

Đến thập niên 2020, Paul tiếp tục thử nghiệm những chất liệu mới, lần này là trong sản xuất MV. Bằng việc áp dụng công nghệ DeepFake vào trong Find My Way, tinh thần trẻ trung thời đôi mươi của Paul vẫn “sống” trong các thước phim được tái dựng. DeepFake đã được dùng trong rất nhiều các mục đích, song việc áp dụng nó trong một MV ca nhạc là một điều hiếm hoi từ trước đến nay.

Hình ảnh Paul được tái hiện bằng công nghệ DeepFake. | Nguồn: Fatherly

McCartney: đa tài, đa tật

Trong đời sống thường ngày, Paul cũng không thiếu những khoảnh khắc "ngông nghênh". Có lần ông bị bắt tại Nhật Bản vì tàng trữ cần sa và vẫn giơ ngón tay cái trước ống kính của ký giả. Paul cũng từng thủ vai chính trong bộ phim Give My Regards to Broad Street. Phim đã được đánh giá là một “nỗi thất vọng” của giới phê bình (Theo: rogerebert.com).

Paul McCartney sau khi bị tạm giam tại Nhật Bản vì tàng trữ cần sa, năm 1980. | Nguồn: Paul McCartney

Hay lần ông đã viết một bài công kích (diss) Too Many People nhắm tới John Lennon 1 năm sau khi The Beatles tan rã. Nó như một lời từ biệt trêu đùa "vừa đấm vừa xoa" đến người bạn thân của mình. Ca khúc đã khiến cho Lennon phải phản pháo lại bằng track Too Many People ở trên album Imagine. Đây đồng thời cũng là bài hát.. đặt nền móng cho văn hóa diss trong âm nhạc, về sau trở thành một phần không thể thiếu của hip-hop.

Có một điều không thể chối cãi, đó là Paul McCartney, dù là ở trong bất cứ hình dạng và phiên bản nào, cũng như nhiều nghệ sĩ xứng đáng với hai chữ "nghệ sĩ" khác, là một nguồn năng lượng lớn và dẻo dai của thế giới âm nhạc.

Paul minh chứng cho tình yêu cống hiến cho nền nhạc rock/pop hiện đại, hơn thế nữa, đại diện cho tư tưởng sống đầy tình yêu và hòa bình. Cùng với John Lennon, George Harrison, Ringo Starr, ông là một trong những nhân vật đại diện cho thế hệ thập niên 1960.

Các ca từ trong bài hát kinh điển Let It Be, một ca khúc lấy cảm hứng từ giấc mơ về người mẹ quá cố của Paul là minh chứng cho khả năng kết hợp giữa âm nhạc và ca từ - một thông điệp đơn giản nhưng đi thẳng vào lòng người - hãy buông xuôi.

"Whispering words of wisdom, let it be"