Tìm thấy bản thân khi đi làm kiếm sống trước 18 tuổi | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Tìm thấy bản thân khi đi làm kiếm sống trước 18 tuổi

Chữ “bản thân” không phải bản thể hay nhân cách “thật” hơn, “tốt” hơn, mà nó là sự phản tư, giúp tôi tự thấy chính mình và tự hỏi mình ở đâu trong xã hội bên ngoài kia.
Tìm thấy bản thân khi đi làm kiếm sống trước 18 tuổi

"Lớp 11, tôi có công việc đầu tiên" | Nguồn: Vũ Hoàng Long

Thời phổ thông, tôi từng nghĩ về bản thân mình và tương lai thật đơn giản: có giải thưởng thi học sinh giỏi một môn chuyên tự nhiên, nộp hồ sơ du học và sau 4 năm quay trở về nước làm đúng những gì bố mẹ làm. Là hai kỹ sư, bố mẹ định hướng tôi học Toán-Lý từ nhỏ, vì thế họ chỉ nhìn nhận tôi như một đứa trẻ giỏi con số và logic. Tôi nhớ thi thoảng gia đình cũng nói, tôi “thừa kế” một chút tài năng hội hoạ từ mẹ, vì trước đây mẹ tôi từng là một hoạ sĩ sơn mài, sau đó mẹ từ bỏ nghệ thuật và học thêm một bằng kỹ sư viễn thông để nuôi đứa con đầu lòng - là tôi. Cuộc đời mà!

Biến cố tài chính - bước ngoặt cuộc đời tôi

Năm lớp 11, gia đình tôi trải qua một biến cố tài chính và dường như mọi kế hoạch đều đổ vỡ. Tôi không thể lên vòng cao hơn trong kỳ thi học sinh giỏi, và rốt cục sau đó cũng xin rút khỏi đội tuyển vì đầu óc rối bời. Các tin xấu từ người lớn liên tục ập đến theo chiều hướng nghiêm trọng dần: Cả nhà năm đó tạm không đi du lịch, bố bán xe, mẹ bán xe, đau ốm… Tôi thậm chí còn được họ hàng khuyên rằng giáo dục trong nước tốt lắm, không phải đi nước ngoài làm gì đâu. Tôi hiểu toàn bộ ẩn ý của câu nói này.

Qua một số mối quan hệ cũ, tôi ngỏ ý xin được làm việc bán thời gian, để vừa đi học, vừa có chút tiền tiêu vặt nhằm không gây thêm gánh nặng lên bố mẹ. Ba ngày sau, tôi mang theo laptop và máy ảnh trong ba lô, dùng 4-5kg sách vở trên trường để tiện nhận nhiệm vụ vào giờ nghỉ trưa hoặc sau khi tan học. Tôi làm báo. Sau đó một thời gian khi trưởng thành hơn một chút, tôi mới hiểu đặc quyền của mình - một học sinh trường chuyên: tôi có nhiều quan hệ xã hội do từng làm qua vô số hoạt động ngoại khoá để làm đẹp hồ sơ du học. Giờ đây, mong muốn đi học ở một chân trời địa lý khác đã tiêu tan, nhưng các mối quan hệ lại cứu vớt tôi.

Là một học sinh chuyên tự nhiên, tôi chưa từng nghĩ mình có thể đáp ứng tốt các kỹ năng xã hội, từ giao tiếp cho đến viết lách. Cũng từ bé, tôi từng nghe lỏm nhiều cuộc trò chuyện của người lớn rằng “Thằng này về sau khó làm được việc lớn, vì đâu có nhanh mồm nhanh miệng!” Tôi cũng từng dốt đặc môn Văn do không có khả năng học thuộc lòng, đồng thời không hiểu vì sao mình phải học và viết về những thứ trong chương trình.

Cuối lớp 9 là lần đầu tôi viết thứ gì đó cho chính mình. Tôi chỉ muốn giải toả vì áp lực học tập, áp lực vào trường chuyên bủa vây. “Nhưng ai cũng đang như vậy mà!” - Tôi “gaslight” bản thân đến độ khó có thể chia sẻ suy nghĩ của mình với ai khác, vì thế tôi tìm sự giải thoát qua con chữ của chính mình và cho chính mình. Những bài viết đầu tiên, tôi thực hiện không phải vì bị ép buộc bởi trường lớp. Chúng đơn thuần chỉ là chiếc gương phản chiếu chính tôi. Tôi nhìn vào hình ảnh phản chiếu của chính mình và tự hỏi tôi có thể sống theo những cách nào khác. Lúc đó tôi thấy tự do.

Biến tự ti thành tự hào

Chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi, những bài viết tôi cất giấu ở đâu đó trong sổ và trong ổ cứng máy tính cũ có thể được đăng báo. Tôi cứ viết và viết rất nhiều, vì thu nhập cho cá nhân, vì đỡ lo toan hơn cho việc mình sống 16-17 năm trên đời mà chưa đóng góp gì cho gia đình, vì tôi muốn tưởng tượng ra một cuộc sống khác ngoài thi học sinh giỏi và các công thức Vật lý. Người ta thường nói để viết hay, bạn phải có năng khiếu. Tôi thì chẳng có năng khiếu gì cả. Tôi đơn thuần chỉ vận dụng kỹ năng của một đứa học chăm để đọc rất nhiều từ người khác và tự đúc kết phương pháp hành ngôn của mình.

Đi làm từ cấp 3 giúp tôi biến sự tự ti thành điểm mình có thể hơi tự hào về bản thân. Khi tan học, tôi có thể chạy vội đi lấy xe mà không cần chào hỏi bạn bè, vì lý do “Tôi lên cơ quan bây giờ đã!” Trước đó, ngày ngày đến trường tôi chỉ sợ bị đánh giá vì đi một đôi giầy rẻ tiền, một bộ quần áo đồng phục đã bạc, và không có những món độ công nghệ mới bạn bè được trang bị tận răng.

Dĩ nhiên, nhiều nỗi tự ti tôi chỉ biết giấu vào một góc tủ và để đó. Bước chân ra ngoài xã hội khi còn ngồi ghế phổ thông, tôi gặp nhiều bạn bè đồng trang lứa có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Họ bước ra ngoài cuộc sống đã lâu để cho đến lúc tôi gặp họ, cuộc đời đã không thể đánh gục họ thêm một lần nữa. Và tất nhiên, tôi gặp cả những bạn bè chỉ đi làm để lấy chút câu chuyện và kinh nghiệm cuộc sống, nhằm có một bộ hồ sơ du học đẹp đẽ. Tôi tự ti vì mình chỉ có thể đứng ở giữa, không đủ thấp để cố gắng tột độ, không đủ cao để hưởng thụ cuộc sống.

Bước khỏi “vùng an toàn”

Đời sống bao gồm nhiều hơn những trải nghiệm quen thuộc của bản thân. Đó là điều tôi nhận thức được khi đi làm từ sớm. Một phần nào đó, tôi biết ơn biến cố gia đình kia, vì nó hất tung tôi vào nơi tôi không hề quen thuộc, và tôi đã học được cách không còn sợ việc phải giao tiếp với người khác, cách mặn mà hơn với xã hội xung quanh…

Công việc và nhãn quan tôi luyện tập để phục vụ công việc đó lại tiếp tục hất tôi đi xa hơn cả vùng tôi vừa mới cảm thấy an toàn chút ít. Tôi nhìn thấy đời sống của “tha nhân” - hay những người có hoàn cảnh sống hoàn toàn khác mình. Nỗi lo của họ không dừng lại ở một đôi giầy bong đế, hay bộ quần áo sờn. Họ lao tâm khổ tứ về miếng ăn hàng ngày.

Tôi được gặp những nữ công nhân, làm việc cho dãy nhà máy có khói đen kịt sắp xếp lổn nhổn ở đường chân trời, bên cạnh những đồng lúa xanh rì. Tôi gặp con cái họ, được bảo mẫu chăm sóc trong những không gian được quây lại bởi những tấm tôn tạm bợ… Số phận là một trò may rủi. Tôi đã có thể là những đứa trẻ ấy thay vì mơ về giải thưởng học sinh giỏi và kế nghiệp cha mẹ.

Đó là lúc tôi quyết định “quay xe” từ một học sinh chuyên tự nhiên, thành một sinh viên khoa học xã hội và nhân văn. Tôi muốn biết về những tình cảnh sống của con người. Tôi muốn biết điều gì khiến chúng ta khác nhau như vậy, liệu ta bị định đoạt bởi những thiên tính, hay còn bởi việc con người không sống với điều kiện về nguồn lực giống nhau?

Đi làm ở tuổi 16, 17 giúp tôi tìm thấy “bản thân.” Chữ “bản thân” này không phải bản thể hay nhân cách “thật” hơn, “tốt” hơn, mà nó là sự phản tư, giúp tôi tự thấy chính mình và tự hỏi mình ở đâu trong xã hội bên ngoài kia. Ngày nay, gia đình tôi đã vượt qua giông bão, nhưng thay vì quay trở về lối sống trước đây, thì tôi quyết định rằng mình sẽ không còn thờ ơ với cuộc đời nữa.