Tôn Thất An: Dám “sạch” như một tờ giấy trắng khi làm nhạc phim | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 12, 2021
Âm Nhạc

Tôn Thất An: Dám “sạch” như một tờ giấy trắng khi làm nhạc phim

Vì mỗi bộ phim đều là một cuộc đối thoại mới.
Tôn Thất An: Dám “sạch” như một tờ giấy trắng khi làm nhạc phim

Nguồn: Tôn Thất An

Sinh ra ở Paris trong một gia đình gốc Huế yêu âm nhạc, Tôn Thất An và nghệ thuật của anh vốn là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, của truyền thống và hiện đại.

Anh là nhà soạn nhạc của nhiều tác phẩm điện ảnh nổi bật như ‘Vợ ba’ (2018), ‘Song Lang’ (2018), ‘Giữa bóng tối và tâm hồn’ (2019), ‘Thưa mẹ con đi’ (2019), ‘Ròm’ (2019), và mới nhất là ‘Tro tàn rực rỡ’ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Ngoài ra, anh cũng soạn nhạc cho các phim quốc tế như ‘True Mothers’ (Naomi Kawase), ‘Rain in 2020’ (Lee Yong Chao), và ‘Moonlight Shadow’ (Edmund Yeo).

Nhưng điện ảnh chỉ là “điểm chạm” mới nhất. Trước đó, anh sáng tác nhạc cho nhiều lĩnh vực, từ múa đương đại, nhạc kịch, ca nhạc... cho đến nhạc giao hưởng và thính phòng. Một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của anh là giải thưởng Best Arranger tại Taiwan Golden Melody 2019 cho album ‘Forgotten West’ (西部) đồng sáng tác cùng ca sĩ Đài Loan Sam Liao.

Đi một quãng đường dài với âm nhạc, giờ đây nhìn lại, anh thấy rằng cảm hứng thường đến từ việc chuyên tâm lắng nghe cuộc sống. Và làm nhạc phim thì phải biết cách nhẫn nại để chờ âm nhạc tự nó “nảy nở”.

Vì sao anh chọn gắn bó với công việc soạn nhạc phim trong những năm gần đây?

Có nhiều nguyên nhân. Tôi yêu âm nhạc (tất nhiên rồi), và trước giờ luôn yêu điện ảnh. Nhưng thứ chất đốt mạnh mẽ nhất với tôi là niềm vui của việc sáng tạo tập thể. Tôi luôn muốn cộng tác với những nghệ sĩ mà mình yêu quý và tôn trọng, giàu sức hút, có sự nhạy cảm, có những ý tưởng mà chính tôi có thể đồng cảm.

Khi nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc đề xuất với tôi việc viết nhạc cho phim ‘Vợ ba’ (The Third Wife), tôi đã khá bất ngờ. Lúc đó, tôi đang tập trung phát triển dự án nghệ thuật ‘[FEEL] IN/OUT’ ở Sài Gòn, chưa hề có dự định viết nhạc cho phim điện ảnh. Nhưng với cơ hội này, tôi thấy mình không nên bỏ lỡ.

Với tôi, mỗi dự án mới là một chuyến phiêu lưu để khám phá và phát triển bản thân. Dù vậy, tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ dành những năm tiếp theo để viết nhạc phim nhiều đến thế!

Để soạn nhạc, anh thường có cách tiếp cận bộ phim như thế nào?

Tôi có nhiều cách làm, và nó sẽ thay đổi tùy theo dự án. Nhưng trong mọi cách làm, tôi chọn cách đi theo trực giác.

Khi soạn nhạc cho ‘Vợ ba’, tôi được mời đến phim trường, được đọc kịch bản, nói chuyện với đạo diễn và diễn viên. Cảm hứng đã tìm tới khi tôi đi thăm trường quay ở Ninh Bình. Cảnh vật quá sức choáng ngợp.

Khi bước vào giai đoạn viết, tôi làm việc chặt chẽ với Julie Béziau, người dựng phim của ‘Vợ ba’ và các phim như ‘Bi, đừng sợ’, ‘Cha và con và…’ (Phan Đăng Di), ‘Chơi vơi’ (Bùi Thạc Chuyên). Nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm theo cách này.

Với những phim như ‘Ròm’, ‘Thưa mẹ con đi’, phim tài liệu ‘Rain in 2020’, tôi viết nhạc khi đã có bản dựng hoàn chỉnh. Trong khi đó, với ‘Song Lang’, ‘Moonlight Shadow’, và ‘Tro tàn rực rỡ’, quá trình soạn nhạc sẽ diễn ra song song với quá trình dựng phim. Đây là cách tôi ưu tiên, vì nó cho tôi nhiều không gian để thử nghiệm.

Tôn Thất An làm việc cùng nghệ sĩ piano Vanessa Sanfilippo trong quá trình sản xuất nhạc cho 'Ròm'.

Nhưng trong mọi trường hợp, tôi muốn mình có đủ thời gian để ý tưởng nảy nở, để tìm được màu nhạc phù hợp cho phim. Tôi ưu tiên dành nhiều thời gian nói chuyện với đạo diễn, đôi khi còn hơn việc xem phim.

Như lúc viết nhạc cho ‘Moonlight Shadow’, hầu hết ý tưởng đến khi tôi đọc sách của Banana Yoshimoto và trò chuyện thật nhiều với đạo diễn Edmund Yeo. Lúc xem bộ phim này lần đầu tiên, tôi đã làm gần xong phần nhạc rồi.

Đâu là thử thách lớn nhất anh từng trải qua trong công việc này?

Mỗi dự án đều là thử thách. Nhưng khó khăn giống như cánh cửa mà một khi mở ra, sẽ đưa ta đến những khám phá mới. Cho nên vấn đề nằm ở chỗ mình có dám bước qua cánh cửa ấy, dám đặt chân lên một vùng đất đầy lạ lẫm hay không.

Thử thách lớn nhất với tôi có lẽ là lúc soạn nhạc cho ‘Giữa bóng tối và tâm hồn’ (Between Shadow and Soul), bản trắng đen của ‘Vợ ba’.

Ban đầu, đạo diễn Ash Mayfair chỉ dự định chuyển màu phim, như cách mà ‘Parasite’, ‘Mother’, hay ‘Logan’ có thêm bản trắng đen bên cạnh bản màu. Tuy nhiên sau khi xem bản dựng thô mà Ash thực hiện cùng colorist Yov Moor, tôi đã cảm thấy phần nhạc không còn ứng với phần hình.

Hai tuần sau, Ash thông báo rằng đây sẽ là một bộ phim câm! Thế là tôi chắc rằng đây sẽ là một hành trình hoang dại!

Một bộ phim câm (không có thoại) nghĩa là âm nhạc sẽ trở thành “tiếng nói” của phim, nhưng không vì thế mà phần nhạc chỉ nên mang tính tả thực, chỉ để thay thế phần thoại - như cách làm ngày xưa.

Tôn Thất An và Ash Mayfair trong phòng dựng ‘Giữa bóng tối và tâm hồn’.

Thế là tôi trăn trở tìm cách tiếp cận bộ phim này suốt nhiều tháng. Để tham khảo, tôi xem lại những phim câm làm bởi Yasujiro Ozu, hay những phim như ‘Pandora’s Box’ vốn được tái phát hành với phần nhạc phim mới. Nhưng rồi tôi nghĩ, đó đều là những phim cũ. Khán giả ngày nay có cách cảm và hiểu về điện ảnh rất khác.

Ngoài ra, tôi cũng tránh áp dụng công thức có sẵn, dù bản thân có cách làm nhạc riêng. Để tìm được thứ âm nhạc đúng với bản sắc của một bộ phim, mình không thể vội. Nên khác một số nhạc sĩ, tôi không “đẻ” nhạc phim liền tù tì được.

Mỗi bộ phim đều là một cuộc đối thoại mới. Mình cần đối diện với nó như với một câu hỏi chưa có lời giải. Bộ phim sẽ nói mình biết nó muốn gì và dẫn mình đi. Cái khó chính là khi tiếp cận nó, mình dám bỏ lại những gì đã biết, dám “sạch” như một tờ giấy trắng. Trải nghiệm làm nhạc cho ‘Giữa bóng tối và tâm hồn’ độc đáo với tôi là vì thế.

Phim ‘Ròm’ có cảnh montage âm nhạc ấn tượng! Anh đã dùng chất liệu nào để sáng tác nó?

Những thanh âm trong cuộc sống, chúng là cảm hứng. Với cảnh mở đầu phim ‘Ròm’, tôi đã dùng tiếng chẻ gỗ, tiếng đóng mở cửa của thang máy, hay bất kỳ tiếng động nào vô tình thu được trong các buổi ghi âm. Điều này rất cảm tính, như đã nói.

Khi sáng tác nhạc cho các cảnh phim, tôi thường không đi theo hình mà chỉ theo trực giác của mình. Với ‘Ròm’, khi tôi đưa nhạc của mình vào phim, nó phù hợp một cách kỳ diệu với cách dựng của Huy (đạo diễn Trần Thanh Huy).

Tôn Thất An bên cạnh Nhật Tiên và Thanh Huy - Sản xuất và đạo diễn của ‘Ròm’ tại LHP Busan.

Nên có thể nói, tôi thường để âm nhạc tự khai mở chính nó. Không có phép toán nào ở đây. Cái “hồn” của bộ phim sẽ mách bảo mình phải làm gì. Khi thấy phần nhạc về cơ bản đã xong, tôi sẽ thử ráp nó với phần hình. May mắn là với trường hợp cảnh mở đầu của ‘Ròm’, chúng vừa khít nhau!

Anh từng nói chỉ soạn nhạc cho những phim mình thấy hứng thú, vậy đâu là điều khiến anh hứng thú với một bộ phim?

Tất nhiên đây là những hứng thú về mặt nghệ thuật. Nó thiên về cảm nhận. Nếu cảm thấy hợp với một tác phẩm, tôi sẽ nhận.

Dù vậy, thời gian tôi làm nhạc cho phim chưa quá dài. Và điều đặc biệt là hầu hết những dự án tôi từng tham gia đến nay đều là phim đầu tay. Có thể ví việc này rủi ro như một canh bạc, thế nên tôi thường đi theo bản năng.

Tôi cũng sẽ yên tâm hơn nếu đã biết tác phẩm của đạo diễn mình hợp tác. Như với Naomi Kawase, Edmund Yeo hay Lee Yong Chao, tôi đã xem và thích tác phẩm của họ từ trước, nên rất vui khi được họ mời.

Nhưng thường thì tôi không phải chọn. Với cách viết nhạc của tôi, việc này giống như một sự… chọn lọc tự nhiên vậy. Những đạo diễn chuyên làm phim rom-com (hài hước - lãng mạn) chắc sẽ không bao giờ cân nhắc mời tôi làm nhạc cho họ.

Như cách chúng ta biết ai thì có vẻ hợp với mình để kết bạn ấy.

Anh đã phải buông bỏ gì để theo đuổi con đường nghệ thuật của mình?

Có lẽ là... bỏ đi những khái niệm thế nào là nghệ sĩ. Và trên hết là thứ ảo ảnh về thành công mà giới Hollywood đặt ra. Ảo ảnh đúng là chẳng ai cầm nắm được, nhưng hãy coi chừng vì sức nặng của nó có thể khiến ta vỡ vụn.

Chỉ khi tách bản thân khỏi thứ ảo tưởng trên, tôi mới bắt đầu nhìn thấy con đường của mình. Tôi cũng phải học cách chấp nhận rằng sống cùng nghệ thuật là sống trong sự đơn độc.

Tôn Thất An làm việc cùng nghệ sĩ cello Ho Lin Tang cho 'Vợ ba' và 'Giữa bóng tối và tâm hồn'.

Bạn biết các truyện ngắn của E.T.A Hoffmann chứ? Chúng thường xoay quay một nhân vật chính - một nghệ sĩ luôn phải chọn giữa nàng thơ và người tình của anh ta, và rốt cuộc hy sinh người tình vì nàng thơ của mình.

Tất nhiên, đây là những tác phẩm lãng mạn thuộc về thế kỷ 19. Nhưng với tôi, bằng cách nào đó chúng vẫn đúng. Sau tất cả, chúng ta vẫn chỉ là con người.

Năm 2010, tôi có tham gia soạn nhạc cho Les Contes d’Hoffmann (The Tales of Hoffmann), một vở múa ballet được biên đạo bởi Jo Kanamori dựa trên 3 truyện ngắn của Hoffmann. Trải nghiệm sáng tác này đã khiến tôi... bừng tỉnh, theo cái cách mà những câu chữ trong truyện cứ như tấm gương phản chiếu cuộc đời mình.

Tự nhiên tôi có một cảm giác thật lạ, rằng mình cũng giống nhân vật của Hoffmann. Còn đời mình thì hiện rõ mồn một qua từng lời kể.

Tìm hiểu thêm thông tin về nhạc sĩ Tôn Thất An tại:
Website | Bandcamp