Lịch sử thời trang công sở trên thế giới có từ những năm 1950s. Vào thời đó, đàn ông và phụ nữ có những quy tắc bắt buộc khi đi làm. Chẳng hạn như đàn ông phải bận suits, phụ nữ diện váy, giày bít mũi. Tại Việt Nam, khái niệm thời trang văn phòng cũng từng có lúc bị đóng khung với nam sơ mi, nữ mặc quần tây dài.
Thời trang công sở ngày nay là gì?
Ngày nay, khái niệm thời trang công sở phức tạp hơn bởi định nghĩa công sở đã có không ít thay đổi. Nhiều công ty đã không còn gò ép một chuẩn mực, đồng phục cố định cho nhân viên. Thay vào đó là đề cao sự tiện lợi, thoải mái và thậm chí là yếu tố thời trang khi đi làm.
Chưa kể bây giờ bạn còn có thể chọn bất kì nơi nào làm công sở (như chọn một quán quen và ngồi làm hằng ngày) hay thậm chí là work-from-home.
Vậy ăn mặc tự do đến đâu nơi công sở sẽ bị xem là phản cảm? Theo từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê, "phản cảm" là gây ra phản ứng tiêu cực, làm cho cảm thấy bực mình, khó chịu và thường nói về người thưởng thức nghệ thuật. Vì vậy, bàn về việc ăn mặc phản cảm nơi công sở nói chung thật ra là một câu chuyện khá rộng.
Trong khuôn khổ bài viết này, thời trang sẽ thu gọn lại một chút tại những địa điểm được xây dựng với mục đích đầu tiên là để làm việc. Chẳng hạn đó là cao ốc văn phòng hay những khu vực co-working space.
Những tình huống khiến thời trang có thể trở nên phản cảm
Trong công sở, phản cảm có thể được giải thích cụ thể hơn trong một vài hoàn cảnh nhất định.
“Va chạm” với quy tắc ăn mặc
Đây hầu như không thuộc về cảm nhận cá nhân mà là các quy tắc được cộng đồng hay công ty đồng thuận. Thời trang công sở có thể gây xốn xang nếu rơi vào trường hợp như quên kéo khóa quần, bị lộ đồ lót, đồ xuyên thấu hay quá hở hang.
Tuy nhiên, sự việc chỉ trở thành phản cảm khi nó diễn ra trong một thời gian dài. Còn đôi khi, chúng ta vẫn có những phút lơ đễnh với chiếc khóa quần hay chọn màu sắc đồ lót và áo ngoài không phù hợp khiến chúng trở nên phản chủ.
Trang phục không hợp mục đích sử dụng
Theo chị Xuân Nguyễn, trưởng phòng HR của công ty BluSaigon, ăn mặc trở nên phản cảm ngoài chuyện hở hang ra còn không phù hợp với mục đích sử dụng. Đơn cử như những chiếc váy quá ngắn thì khi đến văn phòng nó thường không phục vụ bất kì mục đích nào cả. Hoặc một số bạn nam mặc những chiếc sơ mi quá bó để khoe cơ thể tập gym cũng không cần thiết.
Có yếu tố gây tranh cãi
Và trường hợp khác cũng khá phổ biến đó là trang phục cũng chẳng hở hang, cũng không sai mục đích sử dụng nhưng lại có thể gây tranh cãi. Đơn cử như nếu bạn diện một chiếc áo thun bình thường nhưng trên đó lại in một hình ảnh có yếu tố 18+.
Hoặc bạn ăn mặc với những item thời trang lạ mắt theo phong cách Y2K, Adorkable như quần ống loe, túi sequin thời thượng đi làm. Trong mắt một số người, đó là thời trang và cá tính. Nhưng với người khác, thông điệp mà bạn đang tỏa ra lại mang yếu tố tranh cãi và cũng có thể là khó nhìn.
Trường hợp này khó phân định hơn bởi nó ở vùng xám giữa những sở thích cá nhân với nhau.
Tự do trang phục nên hiểu là gì?
Hiện nay, nhiều bạn trẻ đi làm rất quan tâm đến quy định trang phục của công ty. Trong đó, yếu tố tự do trang phục là sự tìm kiếm hàng đầu. Có lẽ không ít người cảm thấy “ngộp” khi nghe nói đến hai từ đồng phục hay một phép tắc ăn mặc khi đi làm. Nhưng tự do trang phục thì nên hiểu thế nào cho đúng?
Là phong cách hơn là một món đồ cụ thể
Chúng ta có thể bàn một chút về câu nói nổi tiếng của Gabrielle Chanel là “Tôi không làm thời trang mà tôi bán một phong cách.” Thứ chúng ta nên quan tâm là một phong cách tổng thể hơn là lựa chọn một món đồ cụ thể nào đó. Điều này cũng thể hiện rõ qua việc ngành nghề ảnh hưởng đến phong cách của người trong ngành.
Chẳng hạn nhân sự trong ngành bảo hiểm, bạn sẽ thấy họ vẫn có nhiều cách ăn mặc khác nhau, đa dạng nhưng tựu trung vẫn toát lên cảm giác lịch sự, chuyên nghiệp. Hay người làm trong ngành sáng tạo cũng vậy, sẽ có những cách ăn mặc, trang điểm, phụ kiện để bạn có thể dễ dàng “nhận ra” họ.
Vì vậy, tự do trang phục nên được hiểu là cách một người chọn những thứ diện lên người để có thể thoải mái trong khi làm việc, đồng thời đáp ứng được nhu cầu xây dựng hình ảnh của cá nhân hoặc của cả một công ty.
Nếu chúng ta nói tự do trang phục nghĩa là thích gì mặc đó thì sẽ tạo nên một văn phòng hỗn loạn. Nhưng nếu bạn ý thức được ngành nghề mình đang làm và chọn trang phục có “vibe” của ngành đó thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Khó chọn vì quá…tự do
Tự do trang phục không phải là thứ thời trang vội vàng, dễ dãi mà rõ ràng đòi hỏi mỗi người phải tự định hình gu thẩm mỹ của mình. Nếu đồng phục cho chúng ta cơ hội an toàn, dễ hòa nhập với những gì mình mặc thì tự do trang phục lại tạo nên một vùng đất hấp dẫn, nhiều thứ khai phá.
Nhưng đồng thời nó cũng có thể đẩy bạn đến việc ăn mặc không hòa nhập được với cộng đồng, trở nên lạc quẻ và cảm thấy gu thẩm mỹ của mình không được đón nhận. Đứng trước sự tự do chọn lựa đôi khi làm khó chúng ta hơn bạn nghĩ. Đây có thể được xem là mặt trái lớn nhất của việc tự do trang phục.
Đi làm thì nên mặc gì?
Quần áo ngày càng gồng gánh nhiều trách nhiệm từ con người. Ban đầu chỉ là để che thân cho ấm, về sau lại thể hiện địa vị, giờ lại thêm trọng trách xem người nào đó có đứng đắn hay phản cảm. Trang phục đi làm không chỉ có mình ta diện mà nó còn được “quét” qua nhiều “bộ lọc” khác từ đồng nghiệp cho đến phòng nhân sự.
Học cách phối đồ cơ bản
Trường hợp bạn cảm thấy quan ngại khi xung quanh ai cũng đánh giá thời trang của bạn, hãy xem xét lại mình có vô tình khiến trang phục trở thành tâm điểm của bàn tán hay không. Nếu do kiến thức thời trang khiến bạn ăn mặc không ổn, hãy học những tips phối đồ công sở ở trong bài viết này trên Vietcetera.
Điều chỉnh để cá tính và chuyên nghiệp song hành
Trường hợp bạn cảm thấy những lời nhận xét về trang phục quá vô lý và mang tính áp đặt, công kích cá nhân. Điều đầu tiên trong tình huống này, bạn chỉ cần tập trung vào hai chữ “chuyên nghiệp.” Chúng ta hoàn toàn có thể cân bằng được yếu tố cá tính và chuyên nghiệp. Đơn cử như cách phối hợp những item trịnh trọng và những item phá cách với nhau.
Tìm niềm vui trong việc thử nhiều phong cách
Ngoài ra, bạn cũng có thể thả lỏng và tìm niềm vui với những văn hóa công ty khác nhau. Thời trang đến cuối cùng vẫn là cuộc chơi của việc biến hóa, cân chỉnh. Đừng vội vàng phản kháng với các quy tắc ở những công ty mà tìm cách biến tấu nó để giúp bạn cảm thấy thoải mái. Rất có thể bạn sẽ có thêm kiến thức phối đồ mới khi trải qua những môi trường làm việc xa lạ như vậy.
Tuy nhiên, trong tương lai, rất có thể chúng ta cũng chẳng cần phải quan tâm đi làm mặc gì. Những văn phòng tại nhà, những công ty trên mạng giờ đây đang thay thế cho những không gian làm việc truyền thống.
Những văn phòng trên metaverse có thể sẽ chẳng phán xét bạn có đang ăn mặc phản cảm hay không. Đôi khi trong thế giới đó, ăn mặc bình thường mới là…bất thường cũng nên!