Từ câu chuyện “Sự phẫn nội của người lửa”, đặt câu hỏi về A.I trong giáo dục | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

Từ câu chuyện “Sự phẫn nội của người lửa”, đặt câu hỏi về A.I trong giáo dục

Vụ việc về giảng viên trường Cao đẳng FPT dường như đã đi tới hồi kết, nhưng liệu đây có phải là sự khởi đầu cho vấn đề về A.I trong giáo dục?
Từ câu chuyện “Sự phẫn nội của người lửa”, đặt câu hỏi về A.I trong giáo dục

Nguồn: VOV; Facebook

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Chuỗi sự việc bắt đầu từ ngày 10/8, khi sinh viên N.K.L trường Cao đẳng FPT Polytechnic nhận điểm 0 trong bài thi Thiết kế đồ họa vì sử dụng A.I để làm bài thi.

Sinh viên N.K.L sau đó lên group Messenger của lớp để thắc mắc về điểm số và nhận được phê bình từ giảng viên L.V.M.D. Phụ huynh của K.L cho biết những lời phê bình đó đã gây ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của sinh viên này, và yêu cầu nhà trường phải “thẩm định chất lượng giảng viên”.

Nhà trường đã tổ chức phúc khảo lại bài của sinh viên K.L, đồng thời yêu cầu giảng viên L.V.M.D xin lỗi K.L trực tiếp và trên group lớp theo nguyện vọng của gia đình sinh viên. Tới ngày 28/8, nhà trường xác nhận đã chấm dứt hợp đồng lao động với giảng viên L.V.M.D.

Tuy nhiên, sau khi giảng viên L.V.M.D bị buộc thôi việc, các sinh viên cùng lớp với N.K.L đã đăng tải những thông tin “trong cuộc” với mục đích đòi lại công bằng cho giáo viên. Những thông tin này bao gồm tin nhắn của giảng viên yêu cầu N.K.L sửa bài, việc N.K.L nộp bài muộn hay đã cam kết không sử dụng A.I để thực hiện bài thi,...

alt
Bài thi mang tiêu đề “Sự phẫn nội của người lửa” (sai chính tả) của sinh viên N.K.L, bản cam kết của sinh viên, tin nhắn phê bình và tin nhắn xin lỗi của giảng viên N.K.L | Nguồn: Tổng hợp; YouTube

7 ngày sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với giảng viên L.V.M.D, vào ngày 3/9, Hiệu trưởng trường Cao đẳng FPT Polytechnic tuyên bố giảng viên này sẽ trở lại trường để tiếp tục dạy học, thừa nhận rằng “quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trước đó [...] là nóng vội, chưa đáp ứng cơ sở pháp lý”.

2. Việt Nam xử lý thế nào về việc sử dụng A.I trong giáo dục?

Nhiều người đã gọi cô giáo L.V.M.D là “giảng viên đầu tiên bị mất việc vì A.I ở Việt Nam”.

Không thể phủ nhận sự xuất hiện ngày một rộng rãi của A.I trong giáo dục ngày nay. Chia sẻ với báo Thanh Niên, một sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM thừa nhận A.I giờ đây “như hình với bóng” trong mọi hoạt động học tập của cô.

Giáo dục Việt Nam đang từng bước thích nghi với điều này. Tại buổi tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm trong lĩnh vực giáo dục” của trường Đại học Luật và Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 6, các chuyên gia đều khẳng định ứng dụng A.I trong giáo dục là xu thế tất yếu, song cần có những quy chế để áp dụng tối ưu.

alt
Học sinh sử dụng ChatGPT cho môn Hóa (ảnh minh họa) | Nguồn: Thanh Niên

Chính FPT IS, một công ty trong cùng “hệ sinh thái” với trường FPT Polytechnic cũng đã lên tiếng về việc lạm dụng trí tuệ trong học tập, cho rằng sử dụng A.I không hiệu quả có thể “giết chết sự sáng tạo của học sinh”.

Bộ GD&ĐT tại cuộc họp Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đã cảnh báo về việc sử dụng A.I với mục đích gian lận thi cử. Song trước một vấn đề quá mới và liên tục thay đổi, chưa có một bộ khung quy định rõ ràng về việc sử dụng A.I trong giáo dục ở Việt Nam.

3. Thế giới xử lý thế nào về việc sử dụng A.I trong giáo dục?

Việc áp dụng A.I trong giáo dục là một “vùng đất mới” đối với hầu hết các nước trên thế giới.

Một số quốc gia nhiệt liệt chào đón sự đổi mới này. Singapore, với chiến dịch “Smart Nation”, đặt mục tiêu phổ cập A.I cho tất cả học sinh để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo trong năm 2030.

Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu áp dụng khóa học A.I cho học sinh các cấp vào năm 2025, trong khi Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo qua camera giám sát để chống gian lận trong thi cử.

Một số quốc gia lớn cũng bắt đầu xây dựng bộ khung pháp lý về việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục. Vào tháng 5/2023, Bộ Giáo dục Mỹ đã công bố một bộ tài liệu chính sách nhằm hỗ trợ cho các dự thảo luật dân quyền về A.I, trong đó nhấn mạnh việc không sử dụng A.I để thay thế giáo viên, và kêu gọi các tập đoàn phát triển trí tuệ nhân tạo căn chỉnh mô hình A.I khớp hơn với tầm nhìn của giáo dục.

alt
Ảnh minh họa | Nguồn: The Japan Times

Nhật Bản tiến một bước xa (và rõ ràng) hơn. Kể từ tháng 7/2023, quốc gia này đã bắt đầu thí điểm tại một số trường học các quy định về việc sử dụng A.I cho mục đích học tập, trong đó nghiêm cấm học sinh nộp bài tập được thực hiện với sự giúp đỡ của A.I.

Ngoài ra, một số nhà lập pháp Nhật Bản cũng kêu gọi việc cấm sử dụng A.I đối với học sinh cấp 1, khi điều khoản của ChatGPT chỉ khuyến khích người dùng trên 13 tuổi.