Từ khi nào làn da cần dùng mỹ phẩm công nghiệp?  | Vietcetera
Billboard banner

Từ khi nào làn da cần dùng mỹ phẩm công nghiệp? 

Chúng ta đã bị "thao túng" để dùng mỹ phẩm từ khi nào?
Từ khi nào làn da cần dùng mỹ phẩm công nghiệp? 

Mỹ phẩm công nghiệp len lỏi vào đầu chúng ta thế nào? | Nguồn: Pinterest

Buổi sáng thức dậy, cô gái rửa mặt với nước mưa. Mỗi khi làn da trở nên khô, cô ra vườn hái một ít nha đam và thoa lên. Mỗi một nhu cầu làm đẹp của cô đều gắn liền với một nguyên liệu từ thiên nhiên. Đoạn mô tả trên hẳn nghe rất chữa lành và dễ chịu. Nhưng có lẽ thời nay chẳng ai làm đẹp theo cách chậm rãi và gần như thuần tự nhiên như vậy.

Bạn thử nhìn lại kệ mỹ phẩm của mình, rồi thử nhìn lại làn da của bản thân xem? Số lượng mỹ phẩm có tỉ lệ thuận với độ đẹp của da? Rốt cuộc điều gì đã xảy ra để chúng ta tiêu tiền nhiều đến thế cho mỹ phẩm công nghiệp?

Mỹ phẩm công nghiệp “xâm chiếm” cuộc sống từ khi nào?

Sản phẩm làm đẹp đã được con người dùng từ hàng ngàn năm trước. Thuở thô sơ ấy đã qua, bài viết này sẽ cùng bạn tìm hiểu về những loại mỹ phẩm được sản xuất hàng loạt. Những thứ khiến chúng ta mê đắm, rút hầu bao rồi lại tự vấn bản thân vì mua quá nhiều.

Thế kỷ 19 đánh dấu sự khởi đầu của quá trình chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa trong lĩnh vực chăm sóc da với sự ra đời của các sản phẩm như Chapstick (dưỡng môi), Vaseline và phấn rôm trẻ em. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ 20 (theo sau cuộc cách mạng công nghiệp) mới thực sự là thời điểm ​​ngành công nghiệp chăm sóc da, trang điểm nở rộ. Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu vào cuối thế kỷ 18 đã tác động sâu sắc đến ngành này. Đây cũng là lúc các công ty mỹ phẩm lớn tạo được dấu ấn và bắt đầu bán “giấc mơ” về vẻ đẹp hoàn hảo cho người tiêu dùng.

alt
Cách mạng công nghiệp giúp cho việc sản xuất mỹ phẩm hàng loạt trở nên dễ dàng | Nguồn: Dalybeauty

Trong thời kỳ này, việc sản xuất hàng loạt mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da đã trở nên khả thi hơn, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm. Các công ty cũng ra sức tạo những chiến dịch quảng bá với những lời có cánh về những chuẩn mực nhan sắc mới như tóc vàng uốn lượn, môi đỏ, một nền da trắng nhợt... Các phong cách trang điểm liên tục được đẩy trên tạp chí, những ngôi sao Hollywood xuất hiện cùng những màu son thời thượng.

alt
Những mẫu quảng cáo bán "giấc mơ" về cái đẹp được truyền tải liên tục đến người tiêu dùng | Nguồn: Pinterest

Thế kỷ 21 chứng kiến ​​sự bùng nổ của đổi mới sản phẩm chăm sóc da và toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển của công nghệ và văn hoá self-care và self-love. Lúc này, dùng mỹ phẩm không chỉ là làm đẹp mà còn là tuyên ngôn sống. Tất nhiên, những tuyên ngôn này cũng đã được các công ty truyền thông lên kế hoạch tỉ mỉ để “chạm” đến người dùng. Tất cả đều đánh vào một quy luật bản chất bất biến của con người được đề cập trong quyển The Laws of Human Nature (Robert Greene) là luôn yêu thương bản thân.

alt
Nhiều người dùng tại Việt Nam tập tành sử dụng mỹ phẩm với các sản phẩm đến từ Hàn Quốc | Nguồn: Elle Korea

Tại Châu Á, cụ thể là Việt Nam, từ những năm 1990, làn sóng Hallyu đã mang sự phổ biến của văn hoá giải trí Hàn Quốc, kéo theo sự bùng nổ của xu hướng chăm sóc da Hàn Quốc (K-beauty). Chẳng hạn như quy trình dưỡng da 10 bước của Hàn Quốc, các cập nhật về thành phần như nhân sâm, trà xanh ngày càng trở nên thân thuộc. Đúng với tên gọi là một “làn sóng”, cách làm đẹp và cách làm sản phẩm của người Hàn "vỗ" vào túi tiền chúng ta một cách mãnh liệt. Nhìn lên màn ảnh thấy người đẹp, nhìn ra siêu thị thấy ngay sản phẩm để đạt được vẻ đẹp mình yêu thích.

Còn ngày nay, các bạn trẻ cũng có những cách “chân ướt chân ráo” bước vào ngành làm đẹp một cách còn mạnh mẽ hơn. Đó là những trào lưu xuất hiện trên các mạng xã hội. Đôi khi bạn không hẳn đã có nhu cầu sử dụng mỹ phẩm, nhưng nó cần thiết và là đạo cụ cho những màn biến hình hay review.

alt
Thế hệ trẻ còn xem mỹ phẩm như một công cụ để sáng tạo nội dung tạo hiệu ứng ASRM trên TikTok | Nguồn: YT

Nhiều người đã bị cuốn vào cơn nghiện mua mỹ phẩm bởi áp lực theo kịp với sự ra mắt liên tục của các sản phẩm mới. Hiện tại, subreddit r/SkincareAddiction đã ghi nhận hơn 2 triệu thành viên. Nhiều người sử dụng các cộng đồng trực tuyến như Reddit để tìm kiếm thông tin về sản phẩm chăm sóc da mới. Những bài đánh giá tích cực và thú vị ở các nền tảng này có thể khiến chúng ta lao vào tình trạng mua sắm không kiểm soát (impulse buying).

Tiến sĩ Evan Rieder, một bác sĩ tâm thần và chuyên gia da liễu tại New York cho biết cảm giác độc quyền khi tìm thấy những sản phẩm chăm sóc da mới và chưa được nhiều người biết đến làm thôi thúc cảm giác say mê khi mua sắm. Điều này có thể gây áp lực tài chính và ảnh hưởng đến tâm sinh lý của những người sử dụng nghiện mỹ phẩm.

Có thể không lệ thuộc mỹ phẩm?

Nếu quy trình chăm sóc da theo kiểu công nghiệp có vẻ hơi “ngộp thở” cho làn da của bạn, bạn có thể nghĩ đến việc ngừng sử dụng các mỹ phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, đây là lúc vấn đề mới ra đời bởi không phải muốn dừng là dừng ngay được. Có hai yếu tố ảnh hưởng đến việc chúng ta sẽ còn lệ thuộc dài dài với mỹ phẩm công nghiệp:

Môi trường sống và nguồn nguyên liệu thiên nhiên

Ngày nay bạn khó mà trở về nhà mà không tẩy trang da mặt vì bụi bẩn cùng lớp trang điểm dày. Bản thân nguồn nước mà chúng ta sử dụng đã là một thứ “hóa chất” vô hình khi qua quá trình lọc, khử trong... Có thể nói, làn da cơ bản đã bị tác động bởi hóa chất theo nhiều cách khác nhau. Và để trung hòa các chất này, ta phải dùng một chất khác để làm điều đó. Kế đến, bạn có dám sử dụng nguyên liệu thô lên da mặt của mình không?

alt
Về cơ bản, làn da chúng ta đã tiếp xúc với rất nhiều hóa chất không chỉ có trong mỹ phẩm | Nguồn: Betibalaman

Về cơ bản, do lối sống thiếu lành mạnh, cơ thể con người ngày càng có sức đề kháng kém, thiếu các enzyme quan trọng (Theo kiến thức y khoa từ sách Nhân tố Enzyme). Vậy nên, khi tiếp xúc với một thứ gì đó quá thô, quá thật từ tự nhiên lại có thể gây tác dụng ngược như da bị kích ứng, nổi mụn, nhanh bắt nắng… Chưa kể cách canh tác các loại nguyên liệu này cũng không phải lúc nào cũng đảm bảo an toàn.

Nhu cầu “phi tự nhiên” từ quan niệm xã hội

Làn da là cơ quan có diện tích lớn nhất cơ thể. Nó phản ánh rất nhiều thứ từ môi trường sống, tình trạng sức khỏe cho đến…quan niệm xã hội. Trong lịch sử loài người, chúng ta chứng kiến không ít những trào lưu tác động trực tiếp đến làn da. Đơn cử như việc làm trắng hay làm đen da. Từng có thời, làn da trắng trở thành một tiêu chuẩn của nhan sắc vì quan niệm cho rằng da trắng là sung sướng, ít lao nhọc ngoài trời.

alt
Những nhu cầu làm đẹp mới đẩy con người tìm kiếm những phương pháp đòi hỏi sử dụng các sản phẩm công nghiệp | Nguồn: Intothegloss

Thế là những phương pháp làm trắng mạnh bạo từ hóa chất ra đời. Nhưng ngày nay, nhiều người lại chọn làm đen đi làn da của mình vì lý do người khỏe mạnh thì làn da bánh mật, có thời gian thư thái tắm nắng, đó mới là hưởng thụ. Một ví dụ đơn giản để thấy từ những nhu cầu phi tự nhiên của con người mà làn da phải trải qua không ít "kiếp nạn". Vì lẽ đó, về cơ bản, làn da sẽ khó mà yên thân khi con người vẫn mang nó ra để “chiến đấu” với những định kiến xã hội hay những xu hướng làm đẹp.