Tự kỷ luật bằng 5 bước của tư duy thiết kế | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
13 Thg 10, 2020
Chất Lượng Sống

Tự kỷ luật bằng 5 bước của tư duy thiết kế

Luyện khả năng tự kỷ luật có lẽ sẽ ‘dễ thở’ hơn nếu bạn sử dụng 5 bước tư duy thiết kế để phát triển ý thức tự giác theo một góc nhìn khác

Tự kỷ luật bằng 5 bước của tư duy thiết kế

Nguồn: UX Indonesia/Unsplash

Bạn có từng quyết tâm tự kỷ luật nhưng được vài ngày thì mọi thứ "đổ sông đổ bể"?

Cái vòng lặp kỳ quặc của "kỷ luật rồi thất bại" cứ xuất hiện tới lui mà chẳng bao giờ bạn thoát khỏi.

Vậy vấn đề nằm ở đâu và liệu có giải pháp nào cho nó?

Có gì đó 'sai sai' khi thực hành tự kỷ luật

Vấn đề ở đây có lẽ là cách mà bạn nhìn nhận việc kỷ luật. Nhắc đến hai chữ ‘kỷ luật’ chúng ta thường cảm thấy bị ‘ngộp’ dưới những luật lệ, ràng buộc và sự cứng nhắc.

Tuy nhiên, đó chỉ là cảm giác được hình thành do thói quen xã hội. Theo tiếng Latin, kỷ luật (discipline) có nghĩa là “disciplina” lời chỉ dẫn, hay “discere” học hỏi. Thực chất, kỷ luật chỉ là quá trình chúng ta học hỏi, rèn luyện. Thông qua đó ta sẽ có cơ hội khám phá, tìm ra sự lựa chọn phù hợp với bản thân.

Thay vì coi kỷ luật là một điều gì đó áp đặt, khó khăn và căng thẳng; hãy thử tiếp cận kỷ luật theo hướng khác hơn thông qua việc áp dụng “tư duy thiết kế” (Design thinking).

Vậy tư duy thiết kế là gì?

Tư duy thiết kế là một công cụ giúp ta giải quyết một vấn đề hiệu quả hơn, bằng cách tiếp cận nó dưới góc độ con người. Ví dụ trong việc thiết kế website, các designer của website cần hiểu người dùng, để có thể phát triển sản phẩm phù hợp với họ. Làm sao để vừa đảm bảo về phần nhìn (User Interface), vừa dễ thao tác (User Experience).

Quy trình 5 bước của tư duy thiết kế, bao gồm:

Tư duy thiết kế Nguồn Interaction Design Foundation
Tư duy thiết kế | Nguồn: Interaction Design Foundation

Các bước này hoạt động khá linh hoạt, tùy theo mỗi vấn đề. Nếu đến bước cuối vấn đề vẫn chưa được giải quyết, bạn có thể điều chỉnh bằng cách quay lại những bước trước đó.

Kỷ luật - Vì sao lại cần tư duy thiết kế?

Tư duy thiết kế là công cụ khai thác về khía cạnh cảm xúc, hành vi, nhu cầu của con người. Đó là nền tảng để tạo ra giải pháp phù hợp với họ.

Tư duy này không chỉ áp dụng vào lĩnh vực thiết kế nói riêng, mà còn có thể ứng dụng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Bởi vì nó không chỉ tập trung vào yếu tố bên trong, mà còn hướng đến việc thay đổi các yếu tố bên ngoài để phù hợp với cá nhân.

Tư duy thiết kế còn hướng tới giải pháp Nguồn Unsplash
Tư duy thiết kế còn hướng tới giải pháp | Nguồn: Unsplash

Rất nhiều giả thuyết và giải pháp được đặt ra trong quá trình tư duy thiết kế, để giúp bạn trên con đường đạt được mục tiêu. Mỗi thất bại của bạn, dưới góc nhìn của tư duy thiết kế, sẽ được coi là một phép thử sai. Bạn có thể thử cho tới khi tìm được giải pháp phù hợp nhất với mình.

Tập thể dục đều đặn nhờ 5 bước của tư duy thiết kế

1. Thấu hiểu, đồng cảm với con người thật của bạn: Chấp nhận rằng bạn rất muốn có một cơ bụng săn chắc, nhưng không thể duy trì tập luyện đều đặn. 

2. Xác định nghiêm túc, rõ ràng về khó khăn khiến bạn mắc kẹt: Lý do gì dẫn đến sự sự trì hoãn? Vì thẻ tập quá đắt? Không có bạn tập chung? Sự nuông chiều bản thân? Hay thời gian tập luyện chưa hợp lý? Bạn nên chọn lọc 1-2 vấn đề cốt lõi nhất và tập trung giải quyết chúng.

Tiếp cận kỷ luật bằng tư duy thiết kế Nguồn Unsplash
Tiếp cận kỷ luật bằng tư duy thiết kế | Nguồn: Unsplash

3. Lên ý tưởng, tìm nhiều giải pháp khác nhau:  Ví dụ, 20 phút chạy bộ vào một khung giờ cố định 3 ngày 1 tuần. Tìm kiếm cộng đồng yêu thích chạy bộ, yoga để có nhóm cùng nhau luyện tập. Xếp sẵn giày, đồ tập và playlist nhạc sôi động khiến ta có thêm động lực chạy bộ mỗi sáng.

4. Chọn vài giải pháp khả thi nhất: Lên kế hoạch, cách thức, thời để bạn thử nghiệm. Ví dụ, 20 phút chạy bộ vào 3 ngày trong tuần, lúc 7 giờ sáng. Bạn có thể thử cách này đầu tiên trong vòng 1 tháng, để xem mình có thể duy trì nó một cách đều đặn không.

5. Áp dụng thử:  Ghi chép lại cảm xúc, tinh thần trong quá trình thử nghiệm. Đánh giá hiệu suất sau thử nghiệm. Nếu vẫn chưa cải thiện, hãy quay lại thử giải pháp khác (bước 3) hoặc xác định lại vấn đề (bước 2) và tiếp tục trải nghiệm.

Kết

Hãy thử kỷ luật bằng cách hiểu và chấp nhận cảm xúc, thay vì dùng tới sức mạnh của ý chí như thường lệ. Khi đã thấu hiểu, chấp nhận chính con người của mình, bạn sẽ tìm ra được mục tiêu và các phương pháp đúng đắn để duy trì nó.