Từ kỳ thị đến công nhận: Khi nghệ thuật cất lên tiếng lòng của nghệ sĩ đồng tính nam | Vietcetera
Billboard banner

Từ kỳ thị đến công nhận: Khi nghệ thuật cất lên tiếng lòng của nghệ sĩ đồng tính nam

Những câu chuyện nghệ thuật phần nào soi rọi lịch sử của cộng đồng đồng tính nam thế giới.
Từ kỳ thị đến công nhận: Khi nghệ thuật cất lên tiếng lòng của nghệ sĩ đồng tính nam

Keith Haring, Untitled, 1983, từ Lia Rumma Archive

Nghệ thuật là sự soi rọi và chiêm nghiệm về cuộc đời. Bằng nghệ thuật, những cộng đồng bị áp bức tìm thấy tiếng nói của họ, giải tỏa nỗi đau, ngợi ca bản dạng và lưu lại lịch sử.

Qua câu chuyện của một số nghệ sĩ đồng tính nam tiêu biểu, bài viết này sẽ phần nào kể về cuộc đấu tranh và tâm tư của cộng đồng gay trên thế giới - từ thập niên 80s tới nay.

Nghệ thuật có thể vượt qua đại dịch và sự kỳ thị

Keith Haring là nghệ sĩ pop art tiêu biểu cho những tác phẩm graffiti, murals giàu năng lượng và thông điệp bình đẳng. Với niềm tin nghệ thuật không chỉ dành cho nhóm nhỏ thượng lưu, Haring tiên phong đưa nghệ thuật tới công chúng thông qua những món merchandise giá phải chăng.

Tác phẩm của Haring nâng cao nhận thức về quan hệ tình dục an toàn, quyền LGBT+, quyền trẻ em và AIDS. Sau khi dương tính với AIDS năm 1988, Haring thành lập Tổ chức Keith Haring để vận động tiền và trao tặng tác phẩm nghệ thuật cho các tổ chức phòng chống AIDS và hỗ trợ trẻ em khó khăn.

Trái: Một tấm ảnh, 3 nghệ sĩ đồng tính huyền thoại: Keith Haring vẽ trên người biên đạo Bill T. Jones, chụp bởi Tseng Kwong Chi tại London, 1983. Cả 3 đều mắc AIDS, chỉ còn Jones sống qua đại dịch và tiếp tục sáng tác tới ngày nay. Phải: Poster Keith Haring: Into 84, Tony Shafrazi Gallery.

Ông qua đời năm 1990 lúc mới 31 tuổi, khi vẫn đang sáng tác để nâng cao nhận thức về AIDS. Trong đại dịch AIDS của thập niên 80s, sự im lặng và chính sách phân biệt của chính phủ Mỹ dẫn đến cái chết của hàng vạn người, đặc biệt là người đồng tính, song tính nam và chuyển giới nữ.

Từ 1981 - 1986, hơn 16,000 người Mỹ qua đời liên quan đến AIDS. Nhưng Tổng thống Reagan không một lần nhắc đến cụm từ AIDS trong các diễn văn cộng đồng. Nhiều chính trị gia coi AIDS “là cách tự nhiên trừng phạt cộng đồng gay.”

Khoa học và lịch sử đã chứng minh, virus HIV không phân biệt màu da, giới tính, xu hướng tính dục hay giai cấp. Sự kỳ thị mới chính là căn bệnh tàn ác nhất.

Keith Haring, Ignorance = Fear Poster (The AIDS Coalition to Unleash Power), 1989

Đến nay, tác phẩm của Haring vẫn giữ nguyên giá trị nhân bản, phản đối nạn kỳ thị và hướng đến một thế giới công bằng. Thập niên 80 hay bây giờ, sự im lặng đều dẫn đến áp bức và cái chết.

Dẫu mất mát, tình yêu vẫn còn mãi

Với tôi, một trong những tác phẩm về tình yêu xúc động nhất trong lịch sử nghệ thuật là Untitled (Perfect Lovers)(1991) của Felix Gonzalez-Torres - nghệ sĩ người Mỹ gốc Cuba. Tác phẩm sắp đặt gồm hai chiếc đồng hồ bắt đầu chạy cùng lúc, kim giờ-phút-giây đều đồng bộ.

Nhưng rồi, chúng sẽ lệch nhau - một lẽ dĩ nhiên khi đồng hồ dần hết pin và cấu trúc không thể mãi chuẩn xác.

Phải: Felix Gonzalez-Torres, Untitled (Perfect Lovers), 1991, ảnh: MoMA. Trái: Thư Felix gửi Ross Laycock năm 1988.

Mất mát là lẽ dĩ thường của thời gian, nhưng tình yêu luôn vĩnh hằng. Perfect Lovers là phép ẩn dụ về người tình của Felix - nhà hoạt động Ross Laycock khi yếu dần vì AIDS và qua đời năm 1991.

Felix tiếp tục sáng tác, đề tặng tác phẩm của mình cho “người khán giả duy nhất, Ross”, trước khi qua đời năm 1996 cũng vì AIDS.

Felix Gonzalez-Torres, “Untitled (Portrait of Ross in L.A.)", 1991. Tác phẩm sắp đặt là một chồng kẹo, nặng 80kg, bằng cân nặng của Ross. Felix khuyến khích khán giả lấy kẹo và ăn, khiến tác phẩm dần biến mất - một phép ẩn dụ về chứng sụt cân khi mang bệnh, và về cái chết của Ross.

Trong bức thư gửi Ross năm 1988, Felix viết: “Đừng sợ những chiếc đồng hồ - thời gian của đôi ta. Thời gian đã thật hào phóng. Chúng ta đã đánh bại số phận khi gặp nhau ở đúng thời điểm và không gian đó. Chúng ta hòa hợp, lúc này và mãi mãi. - Em yêu anh.”

Những cặp bạn đời cùng sáng tạo

Bài viết này cũng là một dịp để tôi ngợi ca những chuyện tình đẹp, của những cặp nghệ sĩ - bạn đời.

Như Gilbert & George, một biểu tượng của nghệ thuật Anh. Ở bên nhau, cùng hoạt động nghệ thuật suốt 55 năm và đã kết hôn năm 2008, G&G luôn giữ hình tượng của một cặp nghệ sĩ không thể tách rời.

Trái: Ảnh từ National Gallery of Victoria. Phải: Gilbert & George, Death Hope Life Fear, 1984.

Họ chỉ xuất hiện trước công chúng khi có người còn lại, cùng phối những bộ suits hợp nhau, và xuất hiện trong những bức điêu khắc. Với tôn chỉ “Art for All”, tác phẩm của G&G khám phá về xu hướng tính dục, giai cấp và cái chết.

Tiếp nối câu chuyện về biên đạo Bill T. Jones: Ông sống cùng AIDS và sáng tác về nỗi đau hậu đại dịch, khi Arnie Zane - bạn trai và người cộng sự đã cùng Jones sáng lập công ty múa - qua đời vì AIDS năm 88.

Luôn sáng tạo không ngừng nghỉ, Jones trở thành một trong những biên đạo và đạo diễn kịch xuất sắc nhất ngày nay. Sự nghiệp của ông có hơn 120 dự án cho Broadway, New York Live Arts và những sân khấu, tổ chức nghệ thuật khác.

Đây là câu chuyện về sức mạnh chữa lành của tình yêu. Sau khi bạn trai của cả hai qua đời vì AIDS, Jones và nghệ sĩ thị giác Bjorn Amelan gặp nhau ở Paris. Đã bên nhau 28 năm và đã kết hôn, Bjorn thiết kế sân khấu và quản lý công ty múa của Jones. Jones khuyến khích chồng thử nghiệm nhiều lĩnh vực sáng tạo.

Ảnh trái: Jones và Arnie Zane trong Rotary Action (1982). Ảnh phải: Jones và Bjorn Amelan trên Out (2012).

Chiêm ngưỡng sức sáng tạo và tình yêu bền chặt những cặp đôi này, tôi càng tiếc nuối khi AIDS đã cướp khỏi lịch sử nghệ thuật những nghệ sĩ xuất chúng như Derek Jarman, David Robilliard, David Wojnarowicz, nhiếp ảnh gia Robert Mapplethorpe, Peter Hujar,...

Hơn hết, đau buồn vì sự kỳ thị đã cướp đi tình yêu, quyền con người và cả sự sống của vô số những người thuộc cộng đồng LGBT+, trong quá khứ và cả lúc này.

Nối tiếp lịch sử nghệ thuật, những câu chuyện của cộng đồng LGBT+

Vài năm trước, tôi bắt gặp bài đăng này trên Tumblr. Một câu chuyện thú vị về cách nghệ thuật phản ánh và tương tác với đời sống thật:

Bài dưới: “2 người đàn ông, thư giãn trong hai nấm mồ mở, cách nhau 5 feet vì họ không gay.” Đây là một lời đùa biến thể từ meme “Two Bros Chillin' In A Hot Tub”, một meme vốn được cộng đồng LGBT+ ưa chuộng.

Miller & Shellabarger, Graves, 2010

Một người trả lời: “Đây thực chất là một tác phẩm bởi Miller & Shellabarger trong đó họ đào hai mộ thông nhau để họ có thể nắm tay. Họ cực kỳ gay và thực ra đã kết hôn rồi.”

Dưới nấm mồ giả tưởng, họ vẫn nắm tay nhau. Trong mọi nghịch cảnh, những người yêu nhau, yêu tự do sẽ luôn tìm ra cách để yêu.

Ngày nay, các nghệ sĩ trong cộng đồng gay nói riêng, và LGBT+ nói chung vẫn tiếp tục sáng tác và đấu tranh cho quyền bình đẳng, về khám phá bản dạng, về mưu cầu hạnh phúc và tình yêu. Sẽ có nhiều hơn những dự án của nghệ sỹ LBGT+, về cộng đồng của họ - mà chúng tôi hết lòng mong chờ và ủng hộ.

Khi nghệ thuật là sự soi chiếu và chiêm nghiệm về cuộc đời, hy vọng những chương tiếp theo của nghệ thuật bởi cộng đồng LGBT+ có thể phản ánh một cuộc sống thêm phần an yên.