Tuấn Mami là nghệ sĩ đương đại sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Hiện anh vẫn đang sống và làm việc ở đây.
Những tác phẩm của anh thường là các dự án dựa trên nghiên cứu, đề cập đến khái niệm tái cấu trúc, và được sáng tác tại các nơi chốn hay cộng đồng cụ thể, nhằm tìm đến các vấn đề của cuộc sống, ý nghĩa của các thực trạng và các tương tác xã hội.
Tuấn Mami chia sẻ, trong thực hành nghệ thuật của mình, anh không ngừng khám phá các phương tiện và phương pháp thể hiện mới với những thử nghiệm mang tính phản tư, chất vấn và nghiên cứu xã hội. Anh thường làm việc với nghệ thuật thử nghiệm liên ngành, bao gồm nhiều dạng thức biểu đạt khác nhau như Sắp đặt, Video, Trình diễn, Ý niệm…
Với anh, việc sáng tác là hành trình của sự học hỏi, của nghiên cứu và khám phá các ngóc ngách khác nhau của một vấn đề. Anh thường để cho sự trải nghiệm thực tế hay những sự tình cờ ngẫu nhiên trong quá trình nghiên cứu dẫn dắt và tạo nguồn cho các tác phẩm.
1. Trong thế giới nghệ thuật rộng lớn đầy những chân trời mới lạ, đâu là kim chỉ nam trong thực hành của anh?
Có lẽ là niềm tin vào cái đẹp, cái tử tế, sự thấu cảm và hướng thiện. Tôi cũng tin vào sự thuần khiết, sự tỉnh thức trong mỗi con người nhằm đóng góp và tạo dựng ra một thế giới đẹp đẽ, trong trẻo, và tự nhiên.
2. Ba vấn đề mà anh quan tâm nhất tại thời điểm này là gì?
- Môi trường sinh thái: Tôi đang làm việc với những dự án liên quan đến khai thác tài nguyên và sự phá hủy môi trường tự nhiên, môi trường sống, như dự án ‘Trong Từng Hơi Thở-Không Gì Đứng Yên’.
- Tâm lý cộng đồng: Tôi theo đuổi nhiều năm trong việc tìm hiểu và nghiên cứu tâm lý và đời sống của các nhóm người Việt di cư. Tôi khám phá những yếu tố lưu luyến văn hóa bản địa hay những biến đổi nhằm thích nghi với đời sống mới.
- Quyền lực chính trị hay những vấn đề thực dân mới: Thông qua những vấn đề địa-chính trị, hay sự kiểm soát kinh tế-quyền lực nhằm đạt được những mục đích nhóm hay mưu cầu mang tính chính trị. Ví dụ như nghiên cứu về cộng đồng dân bản địa sống ở đường biên giữa Campuchia-Việt nam, hay những mâu thuẫn trong sự kiểm soát tài nguyên tạo ra sự chia rẽ sâu sắc giữa thế giới vật chất và tinh thần của con người hiện nay.
3. Động lực nào giúp anh liên tục tham gia vào việc sáng lập các sân chơi cho nghệ sĩ như Nhà Sàn Collective, Á Space...?
Là một nghệ sỹ sáng tác thử nghiệm độc lập, tôi thấy sự khó khăn cho những nghệ sĩ trẻ hay nghệ sĩ độc lập như tôi. Đó là sự thiếu vắng các nguồn hỗ trợ cả kinh tế lẫn cơ sở hạ tầng, thiếu vắng những sân chơi phi lợi nhuận, thiếu vắng nguồn nhân lực như: các nhà giám tuyển, phê bình, các nhà nghiên cứu nghệ thuật… Đây là những yếu tố hỗ trợ cho các bạn nghệ sĩ trẻ thử nghiệm, tự do sáng tác và giao lưu học hỏi.
Điều này có lẽ là lý do cơ bản để tôi tìm kiếm những cơ hội tạo ra một môi trường nào đó, nhằm đóng góp cho cộng đồng nghệ thuật ở Việt Nam. Một môi trường nghệ thuật lành mạnh, đa dạng, sôi nổi có lẽ là một nhu cầu vô cũng thiết yếu cho xã hội đối với tôi.
4. Tốt nghiệp hội hoạ nhưng anh thực hành sắp đặt và trình diễn là chủ đạo, vậy điều gì dẫn dắt anh tới nghệ thuật đương đại?
Tôi đến với nghệ thuật đương đại như trình diễn, sắp đặt, video… từ khá sớm, từ khi tôi còn là sinh viên năm 2 trong trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Có lẽ là do cơ duyên nên tôi được tiếp cận với nghệ thuật đương đại thông qua các buổi thuyết trình và trò chuyện nghệ thuật của Viện Goethe, của Nhà Sàn Studio.
Lúc đó, tôi phát hiện ra những khả thể sáng tạo vô cùng lớn trong những dạng thức mới mẻ này. Không chỉ có thế, nó giúp tôi được quay trở về với bản thể. Đó là lúc tôi được làm việc với chính những rung động của mình, với đời sống xung quanh một cách trực diện, gần gũi, và tự do mà không phải đi vào những khuôn mẫu sáo mòn lập đi lập lại như những điều tôi được học trước đó.
5. Ba giây phút khó khăn nhất trong sự nghiệp sáng tác của anh?
Nhiều lúc không thể tìm ra câu trả lời cho chính mình về việc phải làm sao chuyển hóa những rung động, hay những vấn đề thực tại ra thành ý tưởng, thành tác phẩm.
Lúc bắt đầu tiếp cận và đi vào những cộng đồng ,môi trường nghiên cứu mới.
Lúc thiếu tiền, thiếu tài nguyên khi bắt tay vào thực hiện hóa ý tưởng.
6. Dự án dài hơi nhất của anh là gì? Vì sao lại kéo dài đến vậy?
Dự án dài hơi nhất tới nay có lẽ là dự án Trong Từng Hơi Thở-Không Gì Đứng Yên. Tôi bắt đầu nghiên cứu và đi thực địa từ khoảng đầu năm 2014. Một dự án nghiên cứu tại khu vực khai thác đá ở Hà Nam. Chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp với thiên nhiên, sự biến đổi môi trường, sự triệt tiêu đời sống sinh thái không chỉ đối với những sinh vật sống trong rừng, mà còn phá hủy tới đời sống của người dân bản địa đã khiến tôi muốn làm một điều gì đó.
Tôi không chỉ quan tâm tới nơi này như là một vấn đề xã hội học, nó còn là sự gắn kết thân mật, riêng tư với tôi, vì đây là quê hương bố mẹ tôi. Từ nhỏ tới lớn, tôi đã được nhiều lần về chơi, sống với người dân bản địa trong những ngày thiên đường trước khi những mỏ đá xuất hiện.
Có lẽ, khi mà người dân ở đây vẫn còn vật lộn để sống sót, vật lộn để được tồn tại trên quê hương của mình, có lẽ, việc tàn phá khủng khiếp của những cỗ máy đầy quyền năng còn tồn tại, thì tôi sẽ vẫn muốn gắn bó với dự án này, với hy vọng có thể làm một điều gì đó có ý nghĩa.
7. Nếu có thể thay đổi một thứ trên thế giới, anh sẽ thay đổi gì?
Có lẽ, Thế giới này đang vận động quá nhanh. Có lẽ, tôi muốn mọi thứ có thể diễn ra chậm lại hơn, để mọi thứ được điều phối một cách hài hòa, bền vững hơn, các mối quan hệ giữa con người với thế giới phi con người được gắn kết chặt chẽ và tồn tại cùng nhau một cách tự nhiên, đẹp đẽ.
Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory là không gian đầu tiên tại Việt Nam có chủ đích dành riêng cho nghệ thuật đương đại. Mang mô hình như một doanh nghiệp xã hội, The Factory tập trung vào các hoạt động văn hoá liên ngành nhằm giới thiệu và nâng cao kiến thức về nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.
Địa chỉ: Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, 15 Nguyễn Ư Dĩ, Phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh
Thông tin liên hệ: art@factoryartscentre.com | +84 (0)28 3744 2589