Vẽ mắt lên vô diện, tranh triệu đô bị phá hoại  | Vietcetera
Billboard banner

Vẽ mắt lên vô diện, tranh triệu đô bị phá hoại 

Cuối cùng, thủ phạm phải lựa chọn giữa phạt tiền hoặc một năm lao động cải tạo.
Vẽ mắt lên vô diện, tranh triệu đô bị phá hoại 

Nguồn: Minh Hong cho Vietcetera.

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Sau hai tháng điều tra, cảnh sát thành phố Yekaterinburg (Nga) đã tìm ra người phá hoại bức tranh Three Figures của họa sĩ Anna Leporskaya. Thủ phạm là một nhân viên an ninh, đã dùng bút bi vẽ thêm mắt cho 2 trong số 3 nhân vật vô diện của bức tranh nổi tiếng này.

Họa sĩ Anna Leporskaya vẽ Three Figures vào những năm 1930, hiện được công ty bảo hiểm định giá khoảng 1 triệu USD. Bức tranh được trưng bày tại Trung tâm Yeltsin ở thành phố Yekaterinburg khi vụ việc xảy ra.

Thiệt hại về bức tranh ước tính khoảng hơn 3.300 USD và đã được công ty dịch vụ bảo vệ chi trả. Hiện tại, bức tranh đã được khôi phục hoàn toàn và đưa trở lại Moskva.

2. Thủ phạm bị xử phạt như thế nào?

Tờ Independent viết, Cảnh sát Nga đã thẩm vấn song không tiết lộ danh tính nhân viên bảo vệ nói trên. Còn theo Dailymail, người vẽ bậy lên tranh triệu đô là Alexander Vasiliev (63 tuổi). Ông là một cựu chiến binh, từng được vinh danh vì lòng dũng cảm.

alt
Chân dung thủ phạm vẽ bậy lên tranh triệu đô Alexander Vasiliev. | Nguồn: Mail

Tờ Independent cho biết thêm, thủ phạm có thể bị phạt tiền hoặc lao động cải tạo trong vòng một năm. Vẽ bậy thì sẽ phải… "ăn gậy".

3. Nguyên nhân nào dẫn đến hành vi này?

Cơ quan điều tra chưa kết luận động cơ trong vụ việc phá hoại tác phẩm hội họa kể trên. Truyền thông cho rằng, thủ phạm cảm thấy buồn chán nên đã thực hiện hành vi vẽ bậy/phá hoại này.

Theo bà Anna Reshetkina, Giám tuyển triển lãm, hành động vẽ bậy lên tranh có thể đến từ một phút mất tỉnh táo của người bảo vệ.

Alexander Vasiliev, thủ phạm vụ phá hoại kể lại, "Thành thật mà nói, tôi không thực sự thích bức tranh này. Nó để lại một ấn tượng khó chịu. Tôi thường cố đi qua mà không nhìn nó."

Ông Vasiliev nghĩ rằng, bức tranh được trưng bày là tác phẩm của nhóm học sinh tham quan triển lãm. “Có một vài nữ sinh trong nhóm, và họ nói với tôi, Hãy vẽ thêm mắt, bác làm việc ở đây mà."

4. Vì sao khi buồn chán lại hay “vẽ bậy”?

Chúng ta thường vô thức nguệch ngoạc (doodling) khi buồn chán trong một tiết học, một cuộc họp với cấp trên hay đối tác. Doodling cho phép áp lực được xua tan, tập trung suy nghĩ và sáng tạo. Đôi khi, nguệch ngoạc còn tạo nên những tác phẩm nổi tiếng.

Việc nguệch ngoạc vài đường cơ bản (vốn mơ hồ) lại có liên quan đến tư duy và mang đến nhiều lợi ích:

  • Nguệch ngoạc giúp trí nhớ tốt hơn: Một thử nghiệm của nhà tâm lý học Jackie Andrade vào năm 2009 chỉ ra rằng, những người vẽ linh tinh có thiên hướng chú ý đến thông điệp và nhớ lại các chi tiết (nhiều hơn 29%).
  • Nguệch ngoạc giúp giảm căng thẳng và tập trung hơn: Các nét vẽ tượng trưng có thể lấp đầy những khoảng trống, tìm thấy những mảnh ghép kí ức đã mất, đưa chúng về hiện tại và làm cho bức tranh cuộc sống trở nên toàn vẹn hơn.

5. Có vụ vẽ bậy lên tác phẩm nào tương tự gần đây?

Bên cạnh vụ việc vẽ thêm mắt vào tranh Three Figures ở Nga, một vụ việc vô tình phá hoại nghệ thuật khác đã từng diễn ra ở Hàn Quốc.

alt
Một cặp đôi vô tình phá hoại tác phẩm graffiti trong 1 triển lãm tại Hàn Quốc. | Nguồn: The Korean Time

Vào tháng 04/2021, một cặp đôi đã đến một buổi triển lãm ở TTTM Hàn Quốc, dùng cọ sơn vẽ vào bức tranh trên tường. Hành động phá hoại được cặp đôi này giải thích rằng, tưởng đây là một loại tác phẩm tương tác, cho phép khách đến xem được vẽ lên đó.

6. Hình thức phá hoại nghệ thuật nào đang tồn tại ở Việt Nam?

Những vụ phá hoại bởi thiếu cẩn trọng, tức giận hay mất trí vẫn diễn ra thường xuyên trong thế giới nghệ thuật. Từ tranh của Rembrandt van Rijn đến tác phẩm của Marcel Duchamp… đều từng là đối tượng bị tấn công, phá hoại. Tại Việt Nam, nhiều nghệ sĩ cũng từng xin rút khỏi một triển lãm vì tác phẩm của họ bị rạch xước.

alt
Nhiều bạn trẻ Việt nam vô tình phá hoại tác phẩm nghệ thuật tại một triển lãm. | Nguồn: exhibitch.police.

Trong một triển lãm nghệ thuật do Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) tổ chức, nhiều bạn trẻ đến xem triển lãm nghệ thuật không tuân theo yêu cầu của ban tổ chức. Họ sờ vào hiện vật, bước qua rào phân cách, hay đứng lên tác phẩm trưng bày, khiến dấu chân bị in lại.

7. Ứng xử thế nào trước nghệ thuật?

Không có lời bào chữa nào hợp lý (và được chấp nhận) nếu ai đó cố ý phá hoại nghệ phẩm. Nhưng chúng ta có thể tránh vô tình "làm đau" nghệ thuật, chúng ta có thể học các phép lịch sự tại phòng triển lãm.

"Thay vì muốn bạn phải cảm thấy ‘sợ’ làm hỏng tác phẩm nghệ thuật", đây là nguyên tắc đầu tiên mà chúng ta lưu ý. Và trước hết, hãy tôn trọng, nâng niu và bảo vệ nguyên vẹn các tác phẩm được các nghệ sĩ dày công tạo nên.