Vì sao chính phủ kêu gọi người trẻ "chạy KPI" lập gia đình? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Vì sao chính phủ kêu gọi người trẻ "chạy KPI" lập gia đình?

Và bạn còn bao lâu để hoàn thiện KPI này?
Vì sao chính phủ kêu gọi người trẻ "chạy KPI" lập gia đình?

Nguồn: Tron Le/Unsplash

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Fanpage Thông tin Chính phủ mới đây đã đăng dòng thông tin: "Vận động nữ, nam thanh niên không kết hôn muộn (khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi)". Admin của kênh này còn “chỉ điểm” chính xác những bạn trẻ sinh năm 1994, 1995 - những người cần… trả KPI kết hôn gấp trước khi năm 2023 kết thúc.

Lời kêu gọi này dựa theo báo cáo trong Hội thảo "Mức sinh thấp tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp" do Bộ Y tế tổ chức ngày 10/11. Từ góc nhìn thế giới, mức sinh ở hầu hết các châu lục đều liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, từ 15-49 tuổi).

Từ góc nhìn Việt Nam, dù đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác dân số thời gian qua, nhưng nước ta lại đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn.

Một số tỉnh có mức sinh rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong các quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao (khoảng 7,7%).

2. Mức sinh thấp gây ra vấn đề gì?

Mức sinh thấp sẽ dẫn đến việc thiếu hụt lực lượng lao động, gây ra vấn đề phát triển không bền vững về con người. Khi số người sinh ra ngày càng ít đi, dân số trong độ tuổi lao động - lực lượng chính tạo ra của cải vật chất và sự phát triển của xã hội, ngày càng co hẹp.

Mức sinh thấp còn đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gia tăng các dòng di cư. Sự thiếu hụt lực lượng lao động tác động đến các chính sách di cư để thu hút nhân lực từ địa phương khác, kích thích việc di chuyển giữa các địa phương để tìm việc làm.

20nov2023image20231120104931160png
Thống kê về tỷ suất sinh và tỷ lệ nhập cư tại một số tỉnh thành, với trọng tâm chú ý là TP.HCM. | Nguồn: Tổng cục Thống kê/VnExpress

Nếu cứ tái diễn, tình trạng này còn tác động đến sự ổn định xã hội và phát triển đất nước, làm phát sinh hàng loạt các vấn đề về an sinh xã hội. Cụ thể, khi mức sinh thấp, tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ làm gia tăng quỹ phúc lợi xã hội cho người già, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, v.v.

3. Người trẻ “sợ” sinh con vì... bảo vệ môi trường?

Bên cạnh các yếu tố như: áp lực kinh tế, công việc, sức khỏe tinh thần không ổn định, thì có một trường phái lựa chọn không kết hôn và sinh con là để… bảo vệ môi trường.

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết “phong trào không sinh con do lo ngại về biến đổi khí hậu đang gia tăng và ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh nhanh hơn bất kỳ xu hướng nào trước đây trong các nguyên nhân của giảm tỷ lệ sinh.”

Họ chỉ ra: “Việc sinh con đẻ cái sẽ khiến khí hậu trở nên tồi tệ hơn gấp 7 lần do lượng CO2 thải ra.”

Một nghiên cứu công bố trên IOPscience vào năm 2017 của Thụy Điển cho thấy mỗi gia đình có ít con có thể tiết kiệm khoảng 58,6 tấn carbon mỗi năm ở các nước phát triển.

Cũng có người lựa chọn không sinh con vì sợ chúng sẽ phải “chịu đựng thời tiết khắc nghiệt” như hiện nay. “Tôi từ chối đưa con trẻ vào địa ngục rực lửa mà chúng ta gọi là hành tinh,” Jessica Combes - giáo viên tiếng Anh nói với tờ CNBC.

Phản bác lại ý kiến trên, Kimberley Nicholas - nhà khoa học bền vững tại Trường Đại học Lund (Thụy Điển) cho biết việc giảm sinh không phải là cách giải quyết khủng hoảng khí hậu.

4. Bao lâu nữa Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già?

Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) chiếm 7% - theo tờ Dân Trí.

Tới năm 2036, Việt Nam có khả năng sẽ bước vào giai đoạn dân số già và năm 2047 sẽ bước vào giai đoạn dân số siêu già - tương tự xã hội Nhật Bản bây giờ. Khi đó, số người cao tuổi của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069.

20nov2023image20231120110014294png
Tháp dân số Việt Nam vào năm 2019, dự báo 2039 và 2069 theo phương án tỷ lệ sinh thấp. | Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên đáng nói ở chỗ, tốc độ già hóa của Việt Nam đang “lạm phát phi mã.” Nếu Thụy Điển mất 85 năm, Úc mất 73 năm dân số mới già hóa, thì Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn này chỉ sau 25 năm.

Trong tương lai, điều này sẽ đặt ra nhiều thách thức về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng… nhưng liệu rằng dân số già chỉ toàn là những tiêu cực?

5. Dân số già chỉ mang lại điều tiêu cực?

Nhìn nhận một cách lạc quan, già hóa dân số có thể thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, dinh dưỡng, du lịch, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoặc quản lý trong bối cảnh thiếu lực lượng lao động.

Theo một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), già hóa dân số có thể là lợi thế đối với các nền kinh tế tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương nếu các chính phủ có những chính sách chuyển đổi nhân khẩu học phù hợp, áp dụng những công nghệ nhằm cải thiện sức khỏe của người cao tuổi, tăng cường kỹ năng và mở rộng thời gian làm việc.

Báo cáo cũng kêu gọi các chính phủ cần có tư duy lại về giáo dục và đào tạo kỹ năng bao gồm việc học tập suốt đời, ứng dụng các công nghệ giúp công việc và môi trường làm việc trở nên phù hợp hơn với người lao động cao tuổi.

Tuy nhiên, những lợi thế kể trên không nhất thiết phải diễn ra cùng với già hóa dân số, mà có thể nảy sinh bất cứ lúc nào nếu các chính phủ quan tâm và có chính sách thúc đẩy. Và nếu xem xét các mặt hại của già hóa dân số, có lẽ Việt Nam nên có những hành động mạnh mẽ để đảo ngược tình thế.