Cha mẹ và con cái: Liệu có nên trở thành bạn bè? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
03 Thg 10, 2020
Gia Đình

Cha mẹ và con cái: Liệu có nên trở thành bạn bè?

Những lời khuyên về việc cha mẹ và con cái nên làm bạn có thật sự đúng?

Cha mẹ và con cái: Liệu có nên trở thành bạn bè?

Nguồn: Art photo_shutterstock

Dạo một vòng internet tìm những kinh nghiệm nuôi dạy con trẻ, các bậc phụ huynh không khó để thấy những lời khuyên về việc nên làm bạn với con. Nhưng điều đó liệu có thật sự phù hợp?

Việc làm cha mẹ, ngoài tình yêu, còn là những công việc liên quan đến chức năng. Khi con mới sinh ra, chức năng của cha mẹ là cho con ăn, tắm, thay tã và cung cấp những điều mà trẻ cần. Khi con lớn hơn, điều đó có nghĩa là đảm bảo chuyện ăn, học, chơi của con. Và khi con ở tuổi vị thành niên, đó là lúc cha mẹ cần đưa ra những quy tắc, trách nhiệm, về những điều trẻ được và không được làm.

Con cần cha mẹ như một người dẫn dắt và thiết lập kỷ luật

Trong cuốn sách The Narcissism Epidemic, tác giả Jean Twenge and W. Keith Campbell lưu ý rằng nhiều cha mẹ gặp vấn đề khi cố gắng làm bạn với con. Đó là bởi vì cha mẹ, với tư cách là bạn bè, khó có thể áp dụng các quy tắc và chuẩn mực cho con mình.

Những quy tắc này có thể là đặt ra giờ giới nghiêm, yêu cầu con làm bài tập, la rầy khi con nói hay làm những điều vượt quá giới hạn, hoặc nói “không” trước những đòi hỏi vô lý. Những điều này có thể khiến trẻ không thích, nhưng ở vị trí của một người bạn, cha mẹ sẽ cảm thấy tệ khi con khó chịu với những quyết định của mình.

Trẻ em cần cha mẹ như một người hướng dẫn Nguồn freepik
Trẻ em cần cha mẹ như một người hướng dẫn | Nguồn: freepik

Nhà trị liệu Nancy Collier đã chia sẻ đôi khi cha mẹ cần phải nói “không” và điều đó cũng đòi hỏi dũng khí. Bạn không phải là cha mẹ tồi khi thỉnh thoảng con cái ghét những quyết định mà bạn đưa ra. Bà cũng nói rằng, cha mẹ cần biết mình có thẩm quyền, thẩm quyền không đồng nghĩa với việc bạn gạt đi ý kiến của con. Thẩm quyền chính là khi cha mẹ lắng nghe cảm xúc và suy nghĩ của con, nhưng vẫn giữ vững được lập trường của mình về những điều trẻ nên và không nên làm.

Con cần có những mối quan bạn bè mà cha mẹ không thể thay thế

Để phát triển toàn diện, con cái cần có các mối quan hệ với các bạn cùng lứa. Kết bạn là một phần quan trọng của quá trình trưởng thành, nhằm giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, học cách cộng tác và điều chỉnh cảm xúc. Tình bạn còn giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng và cũng là hàng rào bảo vệ chống lại nạn bắt nạt.

Những người bạn có một vai trò đặc biệt với con và cha mẹ không nên thay thế điều đó Nguồn shutterstock
Những người bạn có một vai trò đặc biệt với con, và cha mẹ không nên thay thế điều đó | Nguồn: shutterstock

Vì thế, theo Irene Levine (nhà tâm lý học và giáo sư trường Y Khoa NYU) cha mẹ không thể thay thế vai trò bạn bè. Điều họ có thể là giúp con trẻ cảm thấy bớt cô đơn hơn nếu gặp vấn đề xã hội.

Cha mẹ có thể giúp tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân này bằng cách khuyến khích con kết bạn, đưa bạn bè về nhà chơi và tư vấn cho con cách phát triển cũng như duy trì tình bạn lành mạnh. 

Con cần cảm giác an toàn khi ở nhà

Trở thành bạn của cha mẹ, trẻ sẽ có áp lực phải biết về và tham gia vào những tình huống người lớn mà có thể chúng vẫn chưa sẵn sàng về mặt tinh thần hay cảm xúc. Điều này có thể là tiền bạc, cảm xúc tiêu cực hay các mối quan hệ phức tạp.

Trên cương vị bạn bè, cha mẹ dễ vô tình sa vào việc chia sẻ thông tin tiêu cực cho con trẻ. Việc này có thể làm cho con cái trở nên căng thẳng. Bên cạnh đó, nó còn khiến trẻ bối rối, vì cảm thấy bản thân cần hỗ trợ người lớn, trong khi đáng lẽ nên là điều ngược lại. 

Cha mẹ và con cái Liệu có nên trở thành bạn bè2

Trẻ con chưa sẵn sàng về mặt cảm xúc và tinh thần để tham gia những vấn đề của người lớn | Nguồn: freepik

Ở giai đoạn phát triển, trẻ em cần có đủ năng lượng cảm xúc để điều chỉnh và xử lý các vấn đề bất an của bản thân. Trong thời gian này, trẻ sẽ tìm đến cha mẹ như nguồn sức mạnh, kiến ​​thức và hỗ trợ. Vì vậy cha mẹ cần khiến cho trẻ cảm giác an toàn khi trở về nhà, nơi trẻ biết mình có thể dựa vào cha mẹ về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Thay vì chia sẻ quá nhiều, cha mẹ có thể dạy trẻ cách thông cảm với các thành viên trong gia đình trong giai đoạn khó khăn. Bằng việc chia sẻ thông tin đơn giản, phù hợp với lứa tuổi, mà không cần đi sâu vào vấn đề.