WeChoice Awards 2020: Phan Thanh Miên - Người vì dân mà quên mình trong lũ dữ | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

WeChoice Awards 2020: Phan Thanh Miên - Người vì dân mà quên mình trong lũ dữ

Câu chuyện về bác Phan Thanh Miên - Chủ tịch xã qua đời vì nhiễm vi khuẩn khi đi ứng cứu người dân trong mưa lũ miền Trung.

WeChoice Awards 2020: Phan Thanh Miên - Người vì dân mà quên mình trong lũ dữ

Nguồn: WeChoice Awards

Chúng tôi quyết định dành chuyến đi đầu tiên của năm 2021 về xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình để tìm lại những mảng ký ức ấm áp nhất mà người dân nơi đây dành cho bác Phan Thanh Miên – vị Chủ tịch xã qua đời vì nhiễm khuẩn trong nước lũ sau một thời gian cứu trợ người dân.

Chỉ hơn 2 tháng trước đó, cơn lũ lịch sử đã khiến người dân xã Bắc Trạch lâm vào cảnh khốn cùng khi tất cả nhà cửa, ruộng vườn, tài sản cả đời tích góp được đều chìm trong biển nước. Dù trên cơ thể có vết thương chưa lành nhưng Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Miên vẫn không ngại nguy hiểm, dầm mình nhiều ngày trong nước lũ để chỉ đạo và trực tiếp ứng cứu người dân.

Cơn lũ qua đi, toàn bộ tính mạng của người dân xã Bắc Trạch đều được đảm bảo, nhưng bác Phan Thanh Miên lại mãi mãi ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người dân.

Quên mình đi cứu dân trong lũ dữ

Dưới cái se se lạnh của những ngày đầu năm, con đường nhỏ dẫn vào nhà của cố Chủ tịch xã Phan Thanh Miên bỗng trở nên dài hơn. Ngoài đầu thôn, tiếng lũ trẻ con cười đùa rôm rả cùng nhau chơi trốn tìm, bên trong, cuộc sống mới dần hiện hữu trong từng nhà dân.

Ôm 2 đứa con nhỏ đứng trước căn nhà xập xệ, anh Nguyễn Văn Chung (34 tuổi) không khỏi xúc động khi chúng tôi hỏi đường về nhà bác Phan Thanh Miên.

Anh Chung vẫn còn nhớ như in cái đêm 19/10, những cơn mưa lớn không ngớt khiến nước lũ dâng cao, vợ chồng anh cùng 3 đứa con nhỏ bị kẹt trong nhà không thể thoát ra ngoài. Cả khu vực mất điện, trời thì tối mù mịt, trong lúc anh Chung loay hoay tìm cách cứu vợ con thì tiếng bác Miên vang lên, dưới ánh sáng lập lòe của chiếc đèn pin, bác Miên đẩy chiếc thúng to, lội nước ngang cổ để đón cả nhà anh Chung ra chỗ tạm lánh an toàn.

alt
Nguồn: WeChoice Awards

“Lúc ra tới chỗ trường tiểu học, em có xin bác Miên vào nhà lấy cái bếp gas với một số vật dụng cần thiết nhưng bác không chịu, bác bảo em ở yên với vợ con rồi bác lội lại vào nhà. Bác là người có tâm, có trách nhiệm với người dân, ông trời chả biết sao lại để một người tốt như bác ra đi quá sớm”, anh Chung nghẹn lời.

Cách nhà anh Chung một đoạn không xa, bà Nguyễn Thị Yến ngậm ngùi mỗi khi nhắc đến vị cố Chủ tịch xã. Dù nhà có đông con cháu nhưng tất cả đều đi làm ăn xa, nước lũ dâng nhanh khiến bà cụ 76 tuổi trở tay không kịp.

“Mệ với đứa cháu bắt thang lên nóc nhà ngồi rồi đợi trời sáng kêu cứu chú Miên, khi chú ấy đến, nhìn vẻ mặt rất mệt mỏi sau một đêm chạy lũ nhưng chú vẫn cố gắng cõng mệ và đứa cháu ra ngoài. Mệ thương chú Miên lắm, chú là người thiệt tình, từ già đến trẻ ở đây ai cũng thương chú hết”, bà Yến nói đoạn rồi đưa tay quệt nước mắt.

alt
Nguồn: WeChoice Awards

“Mưa lũ lớn thế chứ có bao giờ chú ở nhà đâu, chú là người của công việc, sống có nghĩa tình, cái gì của chú mệ cũng thích hết, gặp mệ lúc nào chú cũng ân cần hỏi han, giờ chú mất rồi, mệ tiếc lắm…”.

Có lẽ với bà Yến cũng như nhiều người dân tại xã Bắc Trạch, họ vẫn chưa thể nào chấp nhận được sự ra đi vĩnh viễn của vị Chủ tịch xã hiền hậu, lúc nào cũng nhiệt tình, tâm huyết với người dân. Cơn lũ qua đi, người dân lại trở về guồng quay của cuộc sống nhưng ở một góc nhà nhỏ trong căn nhà cấp 4, vành khăn tang của vợ bác Miên khiến chúng tôi chạnh lòng.

“Dì chẳng còn nước mắt để khóc nữa…”

Đứng nép mình một góc trước bàn thờ chồng, khuôn mặt của cô Nguyễn Thị Oanh hiện lên vẻ mệt mỏi. Kể từ lúc bác Miên rời đi, chưa ngày nào cô Oanh lại nguôi ngoai nỗi nhớ, Nhi - đứa con gái út 8 tuổi vẫn khờ khạo đợi tin rằng ba sẽ quay về.

Theo cô Oanh, ngày nước lũ dâng cao, bác Miên chỉ kịp về nhà lấy đồ, căn dặn “mẹ ở nhà ráng sắp xếp” rồi lao vào công tác cứu trợ cho người dân. Hơn một ngày bác Miên mới quay về nhà với vết thương ở chân nhưng bác uống thuốc hạ sốt rồi gắng gượng tiếp tục đi chỉ đạo, cứu trợ cho người dân.

“Đến lúc chú chịu hết nổi mới đồng ý vô bệnh viện Bố Trạch cho gần nhà để tiện giải quyết công việc. Nhưng ở đây chú cứ sốt hoài không cắt được sốt, sức khỏe chú yếu đến nỗi ký tập hồ sơ cũng run không ký được, nhìn chú lúc đó, dì chỉ biết khóc. 3 ngày sau chú vẫn sốt cao, các bác sĩ mới chuyển lên BV Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Đồng Hới) để chữa trị, sau đó thì chuyển vào Huế”, cô Oanh kể tiếp.

“Mình có nhớ vợ không?” – Nhớ!
“Mình có thương vợ không?” – Có!

Đoạn hội thoại ngắn ngủi của cô Oanh nói với bác Miên trong ngày đầu nhập viện Trung ương Huế. Những ngày sau đó, bác Miên chìm trong vô thức, mọi hi vọng đều chợt tắt khi đứa con rể chạy ra báo tin cho cô Oanh: “Bác sĩ bảo để ba về thăm quê hương, xóm làng, chứ ba không trụ được nữa”.

alt
“Dì khóc rất nhiều, giờ cũng không còn nước mắt để khóc nữa”, cô Oanh nghẹn lời. | Nguồn: WeChoice Awards

Suốt gần 30 năm nên nghĩa vợ chồng, chưa một lần bác Miên xúc phạm hay mắng nhiếc nặng lời. Trong ký ức của cô Oanh, bác Miên là người hiền lành, yêu thương vợ con, mấy mươi năm toàn kỷ niệm ngọt ngào chứ chưa bao giờ cay đắng. Thế mà trong phút chốc, cô đã mất tất cả, đứa con gái út vừa lên 8 tuổi đã vội xa rời vòng tay che chở của ba.

Ngồi cạnh bên mẹ, Phan Hiền Nhi (8 tuổi) thỏ thẻ: “Con nhớ ba” rồi quay mặt đi chỗ khác. Lúc trước ba còn sống, Nhi thường hay làm nũng với ba, giờ ba đi rồi, Nhi cũng tự mình chăm sóc cho bản thân.

alt
Nguồn: WeChoice Awards

“Nhi thay đổi nhiều lắm, trước đây ăn cơm tận 2 tiếng, giờ thì tự ăn nhanh hơn, con bé cũng không dám xin mẹ tiền đi học như trước nữa. Mỗi lần nhớ ba, con bé lại ước ba sống lại, dì chỉ biết nói với con là cứ coi ba đi Sài Gòn để 2 mẹ con khuây khoả hơn”, cô Oanh tâm sự.

“Anh Miên! Bây giờ tôi là đồng chí của anh rồi”

Đó là câu nói của Phan Thị Cẩm Hương (28 tuổi) nói với ba khi vừa gia nhập vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Thắp nén hương lên mộ phần của bác Miên, Hương không giấu được nỗi xúc động khi lần cuối cùng được nói chuyện với ba là lúc ba đang giành giật sự sống từng ngày trong bệnh viện.

Dù cho đã lập gia đình và có con nhưng trong mắt của bác Miên, Hương vẫn là đứa con gái nhỏ khờ khạo. Cứ mỗi lần đi làm ăn xa về, bác Miên lại thấp thỏm ra đầu ngõ để đón con.

“Trước đây có những lần em làm cho ba buồn, không làm theo lời ba, nhưng ba không la mắng mà nhẹ nhàng giải thích. Ba bảo sướng khổ sau này như thế nào thì phải chịu nhưng ba sẽ luôn bên cạnh, luôn động viên em. Ba tốt như vậy mà chưa bao giờ em nói được một câu “con thương ba, con yêu ba cả”, Hương trải lòng.

Qua Tết, Hương dự định vô lại Bình Dương để mở quầy thuốc tây, đó là ước mơ của Hương ngay từ nhỏ cũng như thực hiện nốt lời hứa của mình dành cho ba. Bởi hơn ai hết, Hương hiểu được rằng ở bên kia thế giới, bác Miên hẳn sẽ tự hào vì đứa con gái nay đã lớn khôn. Có điều: “Em lo cho mẹ, con Linh (em gái thứ) lại đi làm xa, mẹ mà nằm xuống đó thì không biết làm sao. Có còn ai để chăm sóc nữa đâu, bé Nhi lại còn quá nhỏ”, nói đoạn, Hương quay về phía đứa em gái nhỏ đang ngây ngô chơi ngoài cổng rồi vội lau nước mắt.

alt
Nguồn: WeChoice Awards

Từ ngày bác Miên ra đi, cái xóm nhỏ cũng trở nên trầm lắng hơn, bà Khởi (75 tuổi), bà Biểu (72 tuổi) chẳng còn đi bộ vào mỗi sáng khi con đường làng thiếu hẳn bước chân của bác Miên. Còn cô Huế, cứ mỗi lần nhìn di ảnh của người anh trai, cô lại nghẹn ứ nơi cổ họng, không nói thành lời.

“Ảnh vui vẻ lắm, cứ có dịp gì là khuấy động phong trào, luôn là người đi đầu cả”.
“Ảnh hát không hay nhưng lại thích hát, cái bài Lâu Đài Tình Ái đó, toàn mang tiếng cười cho người khác”.

Hôm tiễn bác Miên, cả làng quê như chết lặng, từ già cả đến những đứa trẻ thơ, ai cũng òa khóc vì không tin rằng vị Chủ tịch xã đáng kính lại khép lại hành trình ngắn ngủi của mình một cách đột ngột như thế.

“Ban ngày, mấy chị em hàng xóm còn qua chơi chứ đêm về dì buồn lắm, không biết nỗi đau này đến khi nào dì mới quên được. Động lực duy nhất của dì là 3 đứa con, hiện chưa có đứa nào ổn định cả, dì chỉ muốn sức khỏe của mình tốt hơn để đi làm, trở thành chỗ dựa tinh thần cho con, nhất là bé Nhi”, cô Oanh tâm sự.

“Dì vẫn nghĩ chú đang còn sống trong ngôi nhà này…”

20 giờ tối, một góc nhỏ trong sân nhà bác Miên, hơi ấm từ đám lửa phát ra phần nào xua tan cái không khí lạnh lẽo của tiết trời, những người hàng xóm ngồi sát lại bên nhau, kể cho nhau nghe những kỷ niệm về bác Miên.

Có người nhớ đến giọng hát ồm ồm của bác, người thì nhớ cái tính chịu chơi, hễ ai cần gì là bác luôn có mặt, chẳng nề hà khó khăn. Rồi cả cái tính hài hước nữa, gặp ai cũng cười đùa, lan tỏa năng lượng tích cực nên ai cũng quý, cũng yêu.

“Năm chị Oanh sinh bé Nhi, cậu cũng không về được vì bận trực. Trận lũ vừa rồi cứ gồng mình mà cõng người dân, ai cho cái bánh chưng cậu mới ăn cầm sức, cậu sốt đến nỗi 2 thùng mì tôm cũng không bưng nổi, nhắc đến cậu ai cũng đau đớn hết”, cô Huế nghẹn lời.

Có ai ngờ đâu trong vòng 20 ngày ngắn ngủi, cái con người cả cuộc đời luôn cố gắng sống tốt, tận tâm ấy lại ra đi. Nuốt nước mắt ngược vào trong, cô Huế siết chặt đôi bàn tay chai sần của mình rồi quả quyết: “Cậu đi làm việc xã hội, người dân đã tín nhiệm, giao trách nhiệm rồi thì cậu phải hoàn thành, cô sẽ không bao giờ cản cậu, đây chẳng qua là cái rủi ro mà thôi”.

alt
Nguồn: WeChoice Awards

Mặc dù rất tiếc nuối nhưng với những người thân trong gia đình, bác Miên là niềm tự hào của gia đình khi nhận được muôn vàn tình yêu thương từ xóm làng, anh chị em đồng nghiệp.

“Đến giờ dì vẫn không tin được chú mất rồi, dì cứ nghĩ chú đang còn sống trong ngôi nhà này, chú đi làm rồi sẽ về với vợ con, bé Nhi còn đợi chú mua cho chiếc xe đạp…”, cô Oanh cười chua chát.

Người dân Bắc Trạch mất đi người cán bộ giỏi, tâm huyết

Trước khi nhận nhiệm vụ là Chủ tịch vào tháng 6/2020, bác Miên có gần 10 năm làm Bí thư xã Đoàn. Đi lên từ phong trào Đoàn nên lúc nào vị Chủ tịch xã cũng tràn đầy năng lượng, luôn là người dẫn đầu trong các hoạt động tập thể của cơ quan.

3 tháng đảm nhiệm cương vị mới, bác Miên luôn làm việc hết sức mình, có trách nhiệm trong công việc. Chị Nguyễn Thị Pha – Cán bộ Văn hóa xã hội vẫn còn nhớ như in cái ngày lũ tràn về, khi mọi người còn đang ở nhà chạy lũ thì bác Miên đã ở cơ quan để cứu lấy tài liệu, giấy tờ của cơ quan. Khi ấy, nước lũ đã ngập lên đến cửa sổ…

“Mực nước lên cao quá, người già, trẻ em khắp nơi đều kêu cứu, anh Miên đã đuối sức lắm rồi nhưng anh vẫn cố cõng mệ Yến ra ghe. Anh sốt nhưng vẫn cố gắng tiếp đoàn cứu trợ, có người lãnh đạo nào chạy hì hục đi lấy từng cái áo phao cho anh em”, nói đến đây, chị Pha rớm nước mắt.

Là người sát cánh cùng bác Miên trong đợt lũ vừa qua, ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch xã vẫn còn nhớ cái đêm mọi người cùng nhau thức trắng, chia nhau thanh lương khô còn sót lại để dằn bụng rồi tiếp tục việc ứng cứu người dân.

Khi nghe tin bác Miên bị bệnh, phải chuyển từng tuyến lên vì gia đình không đủ điều kiện để đưa thẳng ra Hà Nội như dự định ban đầu, ai nấy đều chua xót.

Ngồi trong căn phòng của bác Miên, ông Nguyễn Văn Vui – Bí thư Đảng ủy xã Bắc Trạch nở một nụ cười đầy tự hào khi nhắc đến người đồng chí, đồng đội, người anh em kém mình 1 tuổi. Hơn 20 năm làm việc chung với nhau, ông Vui không thể nào nhớ hết những kỷ niệm mà ông và bác Miên có được. Dù ở đâu, trên cương vị nào, bác Miên vẫn rất gần gũi, hòa đồng với anh em.

alt
Nguồn: WeChoice Awards

Theo ông Vui, nếu biết bệnh tình của bác Miên diễn tiến nặng, phía chính quyền xã đã động viên, san sẻ công việc để bác Miên sớm được đi chữa bệnh. Nhưng do là lần đầu tiên có người nhiễm khuẩn trong nước lũ nên ai cũng chủ quan…

Trong trận lũ lịch sử giữa tháng 10/2020, trên địa bàn xã Bắc Trạch có gần 1.700 hộ bị ảnh hưởng, ước tính thiệt hại trên 30 tỷ đồng. Vì phần lớn người dân trong xã là phụ nữ, người già, trẻ con nên việc tham gia công tác ứng cứu diễn ra hết sức khẩn trương. Mặc dù bị sốt cao, có vết thương ở chân nhưng bác Phan Thanh Miên vẫn miệt mài vừa trực chỉ huy, vừa cứu người, trực tiếp đi tiếp tế lương thực, nước uống cho người dân.

Chuyến đi lần này, chúng tôi tìm về nhà bác Miên không phải để ca ngợi sự hi sinh của bác mà trước đó truyền thông trong và ngoài nước đã không ít lần nhắc đến. Hình ảnh một vị Chủ tịch xã giản dị, ngâm mình trong nước lũ nhiều ngày để bảo vệ bình an cho người dân. Chúng tôi muốn tìm lại những mảng màu đẹp đẽ nhất trong ký ức của người ở lại. Và hơn nữa là nụ cười hiền hậu, lòng tự hào của người dân Bắc Trạch mỗi khi nhắc đến vị cố Chủ tịch xã mang tên Phan Thanh Miên.

Chia tay Bắc Trạch, tạm biệt cô Oanh, chị em Hương – Nhi, chuyến xe tối muộn đưa chúng tôi quay về với nhịp sống hối hả thường ngày. Một cuộc sống mới lại bắt đầu với 4 mẹ con cô Oanh, và có thể là cả bác Miên, người vẫn luôn tồn tại trong tâm thức của những người ở lại.

Bài viết được sản xuất và đăng tải lần đầu tại WeChoice.vn.