6 Dấu hiệu nội lực của bạn đang lớn dần | Vietcetera
Billboard banner
15 Thg 04, 2024
Cuộc SốngChất Lượng Sống

6 Dấu hiệu nội lực của bạn đang lớn dần

Nội lực như quả bóng cao su khi bị ném xuống sàn sẽ tự nảy lên. Nó là nguồn sức mạnh bên trong không dễ đo lường, nhưng không có nghĩa là không thể nhận biết.
6 Dấu hiệu nội lực của bạn đang lớn dần

Nguồn: Hoàng Nguyễn

Sau hơn một tháng bị chấn thương cổ tay trong lúc chơi đá bóng, tuần vừa rồi mình mới tập gym trở lại dù tay vẫn chưa hoàn toàn hết đau. Vốn dĩ đã tập gym được vài năm rồi, nên khi chưa thể tập lại mức tạ nặng như trước, mình đâm ra khá khó chịu với bản thân. Tập nhẹ quá thì không thấy vô cơ, tập nặng hơn tí thì cổ tay lại đau, không dám cố vì sợ lại lâu lành.

Nhưng ngồi nghĩ lại, lẽ ra mình nên cảm thấy tự hào chứ nhỉ, vì ít nhất bản thân đã cố gắng quay lại phòng tập, để duy trì được hoạt động thể chất.

Có vẻ như chúng ta thường đánh giá thấp nỗ lực của bản thân, nhất là khi nỗ lực đó không mang lại kết quả tích cực.

Trong cuốn sách Spark: The Revolutionary New Science of Exercise and the Brain, (tạm dịch: Những Phát hiện Cách mạng về Thể dục & Não bộ) của nhà tâm thần học John J. Ratey có nhắc tới một phát hiện như thế này.

Phil Lawler là một giáo viên thể dục ở một trường trung học. Trong số học sinh ông đang phụ trách, có một em học sinh 11 tuổi luôn có thành tích kém trong môn điền kinh. Trong một lần, ông đã yêu cầu em học sinh này đeo máy đo nhịp tim khi chạy, và ông đã rất ngạc nhiên khi thấy nhịp tim trung bình của em chạm đến con số 187, và thậm chí còn tăng lên tới 207 khi về đích.

Theo lý thuyết nhịp tim tối đa thường được tính bằng cách lấy 220 trừ đi số tuổi của người đó. Cụ thể hơn nhịp tim tối đa của em học sinh 11 tuổi này vào khoảng 209. Nghĩa là em đã nỗ lực hết sức trong những lần chạy của mình, dù kết quả có thể gây hiểu nhầm là em thiếu cố gắng.

Trong hoạt động thể chất, chúng ta có thể dựa vào những chỉ số sinh học để đo lường, nhận biết được mức độ nỗ lực của một cá nhân mà không cần nhìn vào thành tích.

Nếu trong các khía cạnh khác, chúng ta cũng biết được những dấu hiệu tương tự như vậy, thì sẽ có thể duy trì được một tinh thần lành mạnh, tránh phải hoang mang, bởi vì sự nỗ lực, hay chỉ số nội lực của bản thân là những thứ vô hình không dễ để đo lường.

Nội lực ở đây có thể hiểu là khả năng vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, tự đứng bằng đôi chân của mình. Đặc biệt nó liên quan mật thiết tới khả năng kháng thương, chống chịu, vừa giúp bản thân nhận ít thương tổn, vừa giúp bản thân hồi phục sau thương tổn.

Bài viết này là những quan sát của mình về những dấu hiệu cho thấy nội lực của chúng ta đang lớn dần theo thời gian.

Tuổi thơ của mình có nhiều kỷ niệm gắn liền với cây tre ở quê, vì thế mình dành một sự yêu thích đặc biệt cho loài cây này, như từng nói trong tập podcast “4 Yếu tố quyết định khả năng tự học và 5 hiểu lầm lớn nhất”.

Và lần này, mình cũng sẽ mượn tạm hình ảnh cây tre để làm ẩn dụ cho những dấu hiệu của việc nội lực của chúng ta đang lớn dần.

1. Bạn tin vào bản thân

Khi cây tre bắt đầu nảy lên từ mầm trong lòng đất, nó phải tin vào khả năng sinh trưởng của chính mình dù chưa thấy ánh sáng. Đây cũng là dấu hiệu đầu tiên cho việc nội lực của bạn bắt đầu xuất hiện. Đó là khi bạn bắt đầu xây dựng được niềm tin vào bản thân, vào tiềm năng vô hạn của mình mà không cần tới sự công nhận của người khác.

Điều này tuy nói thì dễ nhưng để thật sự hiểu và tin vào bản thân thì sẽ cần trải qua một khoảng thời gian tương đối khó khăn. Theo quan sát của mình thì thường có 2 kịch bản.

Một là chúng ta được nuôi dưỡng trong một gia đình quá bảo bọc. Ta lớn lên với hành tích học tập khá giỏi trở lên, và thường quen với sự công nhận từ bên ngoài, thế nên dễ rơi vào cuộc đua tìm kiếm sự công nhận từ người khác.

Hai là ta lớn lên trong một môi trường thiếu sự công nhận, hay tệ hơn là luôn phủ định, cho rằng sự tồn tại của chúng ta lại là gánh nặng cho gia đình. Dù rằng mình tin khi người lớn có những hành vi phủ nhận thường không hoàn toàn có ý đó, nhưng với thế giới quan non nớt của đứa trẻ đang lớn, nó sẽ dễ tin là không có ai công nhận mình cả. Trưởng thành trong môi trường này thường khiến cho chúng ta luôn hoài nghi vào bản thân, có một tư duy yếm thế và không dám thể hiện mình, vì luôn sợ sai, luôn sợ bị trừng phạt.

Còn một kịch bản may mắn hơn là chúng ta được gieo trồng trong một môi trường lành mạnh, nhưng lại là một kịch bản hiếm xảy ra. Nhìn chung lại là dù trưởng thành trong kịch bản nào, thì mình tin là nội lực phải bắt đầu từ dấu hiệu này: tin vào bản thân, tin vào tiềm năng vô hạn của chính mình. Đây gọi là sức mạnh từ niềm tin lành mạnh.

Niềm tin này sẽ cung cấp cho bạn sự tự tin cũng như động lực để vượt qua những thời khắc khó khăn và u ám nhất, cũng như chuẩn bị cho một giai đoạn mới, bứt phá trong thời gian tới, như câu nói:

Sometimes when you’re in a dark place you think you've been buried, but you’ve actually been planted. - Christine Caine

Tạm dịch: Đôi khi mọi thứ quá tăm tối khiến bạn nghĩ mình đang bị nhấn chìm, nhưng thật ra bạn đang được ủ mầm.

Bagravei viết lagrave phiecircn bản ruacutet gọn của tập podcast ldquo9 Dấu hiệu nội lực của bạn đang lớn dầnrdquo bạn coacute thể truy cập kecircnh YouTube hoangthoughts để nghe nội dung đầy đủ
Bài viết là phiên bản rút gọn của tập podcast “9 Dấu hiệu nội lực của bạn đang lớn dần”, bạn có thể truy cập kênh YouTube @hoangthoughts để nghe nội dung đầy đủ.

2. Bạn chủ động

Măng, là cây tre khi còn nhỏ, sẽ mọc thẳng lên từ mặt đất một cách độc lập và tự tin, dù cho môi trường đó có thuận lợi hay không. Cũng giống như việc bạn quyết định thôi dừng vai diễn nạn nhân, không đổ lỗi cho hoàn cảnh, vì hiểu rằng điều đó là vô ích.

Chẳng hạn bạn sinh ra trong gia đình không có điều kiện kinh tế quá tốt, khiến việc học hành gặp nhiều khó khăn hơn so với bạn đồng lứa. Nhưng bạn sẽ không trách gia đình, chán nản với số phận, mà thay vào đó chủ động tận dụng mọi cơ hội học tập, hay tranh thủ làm thêm để có nguồn thu nhập duy trì việc học.

Hoặc như dự án gặp vấn đề, có thể là vì lỗi của đồng đội, nhưng bạn sẽ không để mình chìm trong cảm giác khó chịu rằng đang phải “gánh” hậu quả của người khác. Bạn chủ động đi tiếp tìm giải pháp, thay vì dừng lại trách móc cho khuây khỏa sự tức giận.

Trong cả hai trường hợp này, thái độ và hành vi của bạn đều xuất phát từ tư duy cốt lõi rằng mình có thể phải ở trong hoàn cảnh bất lợi, nhưng mình không phải là nạn nhân của nó.

3. Bạn có tinh thần tự kỷ luật

Khi ra khỏi mặt đất, trong 4 năm đầu tiên tre non chỉ cao thêm khỏi mặt đất tầm 3 cm, nhưng từ năm thứ 5, nó sẽ phát triển cực kỳ mạnh mẽ có khi dài hơn 30cm mỗi ngày, và chỉ mất đúng 6 tuần để vươn lên độ cao 15 mét, cùng với một sự dẻo dai chắc chắn khó bị gãy đổ.

Tất cả là nhờ nó bền bỉ trong một thời gian dài tập trung cho bộ rễ, cũng giống như con người cần đầu tư xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của mình.

Tự kỷ luật cao là khi bạn hiểu rằng kỷ luật cá nhân cũng là tự yêu bản thân. Vì tự yêu bản thân nên mới có thể chấp nhận chịu đựng mọi sự khó khăn, vượt qua những cám dỗ trong ngắn hạn để trở thành phiên bản mình muốn.

Nội lực và kỷ luật tương hỗ cho nhau, bạn càng có nội lực, bạn càng dễ kỷ luật, và khi bạn có kỷ luật, nó lại càng giúp cho nội lực của bạn lớn dần lên. Ai dám nói một người có thể bền bỉ duy trì tập thể dục mỗi ngày, hoàn thành công việc chính, và dành thêm thời gian để tự học là một người không có nội lực được chứ?

4. Bạn chấp nhận sự yếu kém của bản thân

Cây tre có cách thích nghi với môi trường. Dù tin tưởng vào sự vững chắc của bộ rễ vĩ đại, nhưng nó vẫn có những đặc tính như ruột rỗng, thân nhỏ, giúp nó có thể đung đưa theo gió, chứ không cứng rắn chống lại gió.

Nó cũng giống như việc bạn chấp nhận sự yếu kém, và thua thiệt của mình trước, rồi từ đó chọn cho bản thân một chiến lược ứng phó phù hợp.

Như trong chuyến đi tới Everest Base Camp trong năm 2022, khi lên tới độ cao khoảng 4400m, nồng độ oxy của mình đã tụt giảm nghiêm trọng. Bản thân mình cũng không tin vào điều đó, vì mình đã có sự chuẩn bị, cũng như tự tin vào năng lực thể chất của mình.

Nhiều ngày sau đó, nồng độ oxy vẫn tiếp tục giảm. Mình đã thành thật chấp nhận sự yếu kém này của cơ thể, nhưng cũng không muốn bỏ cuộc giữa chừng, mà mình đã có hai sự điều chỉnh trong kế hoạch.

Một là ở ngày cuối cùng, mình đã đi cùng một con ngựa, để khi cần có thể leo lên ngựa về lại trạm nghỉ chân ngay. Hai là thay vì giữ nguyên kế hoạch là leo về như trước, thì cả đoàn đã bay trực thăng về cho an toàn. Sự điều chỉnh này đã giúp mình hoàn thành được mục tiêu, và an toàn trở về, chính là nhờ vào việc chấp nhận sự yếu kém của bản thân.



Tới đây có thể bạn sẽ thấy hơi mâu thuẫn với ý ở phần đầu, rằng có nội lực là tự tin vào bản thân. Nhưng thật chất là chúng không mâu thuẫn mà là bổ sung cho nhau.

Tự tin vào bản thân là tốt, nhưng cũng phải hiểu được giới hạn của mình. Chỉ khi bắt đầu chấp nhận bản thân chưa giỏi ở đâu, thì lúc đó chúng ta mới bắt đầu học hỏi ở đó. Khi nhận ra được có những thứ chúng ta không thể tự làm, thì lúc đó mới thấy giá trị của tập thể và đồng đội.

Cũng giống cây tre nếu nó chỉ đứng một mình thì có thể bị quật ngã khi gặp gió quá mạnh, thế nên chúng luôn mọc thành bụi để có thể dựa vào nhau khi cần.

5. Trước một sự kiện, bạn luôn dừng lại và tự hỏi điều gì có thể kiểm soát, điều gì không

Cây tre sẽ không thể kiểm soát gió, nhưng nó biết là bản thân có thể xoay trở, nương theo cơn gió đến từ bất kỳ hướng nào.

Thường thì những thứ chúng ta hay than vãn, trách móc đều là những điều không thể kiểm soát. Bạn than vãn tại sao công việc lại nhiều thế, bạn trách móc tại sao người sếp lại luôn khó tính với mình. Bạn than vãn đang vội đi thì trời mưa, bạn trách móc đang mệt thì con mèo lại tè lên giường.

Có thể việc than vãn những điều này phần nào giúp bạn nguôi ngoai được thứ cảm xúc khó chịu bạn có trong lúc đó. Nhưng sự thật là việc than vãn chỉ giúp bạn xao nhãng ra khỏi vấn đề, chứ không thể giúp bạn giải quyết được vấn đề. Thế nên bạn tập thói quen khi một sự kiện xảy đến với mình, bạn luôn tự hỏi đâu là những điều mình có thể kiểm soát, để tập trung vào đó.

Mình chia sẻ thêm một mẹo suy nghĩ là, khi ở trong một tình huống không như ý, hãy học cách suy nghĩ lạc quan, bắt đầu từ cụm từ “ít nhất là”. Chẳng hạn như khi biết con mèo tè lên giường, hãy nghĩ “ít nhất là giờ đã có lý do thay ga giường mới”.

Ngoài ra, khi đã quen với việc xác định điều gì có thể kiểm soát, điều gì không, bạn biết cách điều chỉnh sự kỳ vọng cho hợp lý. Việc này cũng sẽ ít nhiều giúp bạn tránh hành động theo cảm xúc, dẫn tới những kết quả không đáng có sau này.

6. Bạn tự nuôi dưỡng động lực cho mình

Tre không cần đến sự chăm sóc nào ở bên ngoài để mọc cao và xanh tươi, giống như một người tự tìm ra nguồn động lực bên trong mình. Bạn luôn giữ những sở thích nhỏ, đơn giản giúp bạn lấy lại năng lượng và tinh thần.

Mình luôn duy trì những sở thích ngắn hạn, làm được ngay, như chạy bộ, đọc một cuốn sách hay, uống rượu với những người bạn thú vị. Hoặc sở thích dài hạn hơn là những chuyến đi đến những vùng đất khác biệt về lịch sử và văn hóa để làm mới các góc nhìn.

Nhờ xây dựng và duy trì những thói quen này mà khi gặp vấn đề, bạn không phụ thuộc vào người khác, hay cần đến sự an ủi của họ để tìm lại sự cân bằng. Đó là vì bạn có thể tự an ủi mình.

Chính nhờ khả năng tái tạo nội lực mà bạn có thể sẽ trông như không cần đến người khác. Nhưng thực tế là bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ của người khác khi cần, trong khi vẫn hiểu rằng bản thân vẫn là người chịu trách nhiệm cho kết quả cuối cùng. Bạn có thể cô đơn nhưng không cô đơn trong sự nhàn rỗi.

Bạn coacute thể tigravem đến sự giuacutep đỡ của người khaacutec khi cần nhưng vẫn hiểu rằng bản thacircn vẫn lagrave người chịu traacutech nhiệm cho kết quả cuối cugraveng
Bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ của người khác khi cần, nhưng vẫn hiểu rằng bản thân vẫn là người chịu trách nhiệm cho kết quả cuối cùng.

Kết

Kiến thức, sức mạnh và năng lực là những thứ giúp chúng ta tiến về phía trước. Nhưng chỉ có nội lực mới giúp ta đứng dậy mỗi khi thất bại.

Nội dung bài viết chỉ mới nhắc đến vài biểu hiện của nội lực, chắc là vẫn còn những thiếu sót. Nếu bạn thấy có dấu hiệu nào khác, hoặc có những trải nghiệm sâu sắc nào về các dấu hiệu mình đã chia sẻ hôm nay, thì hãy để lại bình luận nhé.

Xin kết thúc bằng một câu nói:

Nothing can dim the light which shines from within. - Maya Angelou

Không gì có thể làm lu mờ ánh sáng tỏa ra từ bên trong.