Chris Do - Là người tiên phong có phải chịu cô đơn? | Vietcetera
Billboard banner

Chris Do - Là người tiên phong có phải chịu cô đơn?

Mở đầu buổi trò chuyện, host Thuỳ Minh, một người dẫn dày dặn kinh nghiệm cũng không thể giấu đi sự phấn khích của một fangirl khi gặp Chris Do. Vậy Chris Do là ai? 
Chris Do - Là người tiên phong có phải chịu cô đơn?

Chris Do là khách mời trong tập Have A Sip lần này. | Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

(Bài phỏng vấn Chris Do được recap từ podcast Have a Sip - Uống gì không của Vietcetera, dẫn dắt bởi host Thùy Minh)

Với những người quan tâm đề ngành thiết kế và đồ họa chuyển động, Chris Do có thể được coi là một ‘siêu sao'. Anh là giám đốc nghệ thuật đạt giải Emmy, nhà sáng lập và giám đốc của Blind - khởi điểm là một graphic motion studio tiên phong và nay là một agency cung cấp giải pháp branding toàn diện.

Anh cũng là người sáng lập và host của The Futur - một kênh giáo dục trực tuyến miễn phí, cung cấp cấp các dạng nội dung, khoá học, và công cụ để giúp những ai muốn phát triển kỹ năng thiết kế và xây dựng sự nghiệp trong ngành sáng tạo. Kênh YouTube của The Futur hiện có 2,35 người đăng ký (cập nhật tháng 1/2024).

Chris Do là giám đốc nghệ thuật cho MV Heart of Stone cho cặp đôi nhạc rock The Raveonettes. MV này đã mang về cho anh giải Emmy cho hạng mục Outstanding Individual Achievement In Animation vào năm 2010.

Thông qua buổi trò chuyện tại Have A Sip, ta còn nhìn thấy trong Chris Do một bản ngã khác, đời thường hơn của anh: một người con đi ngược lại với mong đợi của ba mình nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của gia đình, một người bố cho phép con cái được tự do lựa chọn hướng đi riêng, và một người Mỹ gốc Việt từng loay hoay tìm kiếm bản sắc cá nhân.

alt
Nhiều người khốn khổ vì họ đã chôn vùi những niềm vui đẹp đẽ ban sơ và cố gắng uốn nắn bản thân để vừa với những gì người khác định nghĩa về mình. | Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Điều táo bạo nhất mà anh từng làm là gì?

Là khi bắt đầu chọn theo đuổi sự nghiệp này, vì đó cũng là lúc tôi đi ngược lại với mong muốn của ba mình.

Ba tôi mong mình có thể theo đuổi ngành nghề nào đó cũng được, trừ thiết kế (cười). Ông là một người khá truyền thống, nên tôi có thể hiểu những lo lắng muốn con mình có một tương lai ổn định.

Điều may mắn là, dù không ủng hộ lắm nhưng ba chưa bao giờ ép buộc tôi phải đi theo con đường mà ông ấy chọn. Ông chỉ bày tỏ nỗi lo lắng thôi. Sau này thì tôi biết rằng, chính mẹ là người khuyên bảo ông để cho tôi có quyền tự do quyết định.

Ba mẹ cũng cố gắng tìm hiểu công việc mà tôi đang làm. Nhưng mỗi khi ba tôi dần hiểu được một chút thì tôi lại… nghỉ việc và chuyển sang một hướng đi khác. Tôi không hề cố tình đâu. Mỗi lần như vậy, ba lại thấp thỏm “Sao con không cứ ở yên một chỗ đi?”

Có câu nói rằng, con cái tới thế giới này là để giày vò cha mẹ. Trong trường hợp của tôi có vẻ cũng không sai (cười).

Anh là một người đọc chậm. Đây có liên quan đến cách anh tiếp thu thông tin không?

Từ lâu tôi đã biết mình “tiêu hoá" thông tin bằng hình ảnh tốt hơn. Ví dụ như khi nghe sách nói thì tôi không đọng lại được nhiều thông tin. Tôi cần phải nhìn vào mặt chữ để tiếp nhận và khắc ghi tốt hơn.

Sau này, tôi nhận ra là khi đọc, mình xử lý thông tin hơi khác so với những người khác. Tôi đọc ở tốc độ cho phép mình có thể nhớ những gì đã đọc để dạy lại cho mọi người.

alt
"Tôi luôn biết là mình sẽ theo đuổi lĩnh vực về hình ảnh vì đó là thứ khiến tôi thấy hứng thú nhất từ nhỏ." | Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Anh có từng nghĩ là mình sẽ đi theo con đường bây giờ?

Tôi luôn biết là mình sẽ theo đuổi lĩnh vực về hình ảnh vì đó là thứ khiến tôi thấy hứng thú nhất từ nhỏ. Tôi còn nhớ hồi 4 hay 5 tuổi được ngồi trên đùi một người bác và được bác chỉ dẫn cách vẽ. Món quà sinh nhật năm 7 tuổi mà tôi nhớ đến tận bây giờ cũng là một bộ bút màu và giấy vẽ. Những kỷ niệm tuổi thơ liên quan đến nghệ thuật là những thứ còn đọng lại trong tôi tới bây giờ.

Vì vậy, khi trò chuyện với người trẻ ngày nay, tôi luôn gợi ý họ tìm về những thú vui tuổi thơ. Những điều mà hồi 5 đến 7 tuổi mang đến cho họ niềm vui dâng trào và phấn khích để được làm vào ngày hôm sau. Đó chính là món quà được trao cho bạn.

Nhiều người khốn khổ vì họ đã chôn vùi những thứ đẹp đẽ ban sơ ấy và cố gắng uốn nắn bản thân để vừa với những gì người khác định nghĩa về mình.

Dạy những điều chưa ai từng dạy hẳn anh phải đối mặt với nhiều thử thách?

Đúng vậy. Lúc mới tốt nghiệp, tôi chọn bước vào một lĩnh vực mới chưa hề tồn tại, nên tôi phải tự trải nghiệm và học mọi thứ.

Cách tôi tự học quay quảng cáo và làm đồ hoạ chuyển động cũng khác người. Một hôm, tôi đang ngồi chờ Kyle Cooper, người thuê tôi làm việc, trong phòng hội nghị. Lúc ngồi đợi, tôi để ý là dọc theo tường treo hàng hà các bảng phân cảnh (storyboard) cho những dự án mà họ đang thực hiện. Tôi ở đó, suốt một tiếng đồng hồ, nhìn ngắm hết từng storyboard cho đến khi nhận ra luật chơi và cách lĩnh vực này vận hành.

Bây giờ, tôi phải làm việc với sinh viên trong 14 tuần, mỗi tuần 5 tiếng để giải thích cho họ hiểu những gì mà tôi học được chỉ trong vỏn vẹn 1 tiếng đồng hồ. Điều này ban đầu khiến tôi bồn chồn vì không hiểu tại sao những người khác không thể nhìn ra những gì mà tôi thấy.

Vì thế, thử thách lớn nhất trong cuộc đời đi dạy của tôi là phân tách những kiến thức phức tạp mình có trong đầu thành những đơn vị dễ truyền đạt hơn cho người khác.

Là người tiên phong đầu tiên trong lĩnh vực của mình, anh có cô đơn không?

Tôi không nhìn nhận trải nghiệm này là cô đơn. Chán nản thì có như thành quả nhận lại rất xứng đáng. Đó là cảm giác đạt được một thành tựu như thể bạn có thể làm được bất cứ thứ gì trên đời.

alt
"Điều ngạc nhiên nhất là tôi có thể ngồi nói chuyện với một ai khác trước ống kính mà không sợ sệt." | Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Điều gì khiến anh ngạc nhiên trên con đường làm YouTube?

Rất nhiều thứ, nhưng ngạc nhiên nhất là tôi có thể ngồi nói chuyện với một ai khác trước ống kính mà không sợ sệt. Đây là điều tôi chưa từng nghĩ là mình có thể làm được vì bản thân vốn là một người hướng nội, ngại tiếp xúc với người khác và không thích ra khỏi nhà.

Chính điều này khiến tôi nhận ra rằng, khi theo đuổi một điều gì mới với tinh thần phiêu lưu, những cơ hội và cánh cửa mới sẽ mở ra với bạn.

Đã 9 năm trôi qua kể từ tập YouTube đầu tiên phát sóng, giờ đây tôi được mời đi chia sẻ nhiều nơi trên thế giới, được đến Have A Sip và trò chuyện với host Thuỳ Minh, và có nhiều người hâm mộ ở khắp nơi. Đây là một điều lạ lùng đẹp đẽ trong cuộc đời tôi.

Với anh, đâu là tương lai của The Futur?

Đó là thay đổi hệ thống giáo dục hiện tại.

Cách giáo dục bây giờ hầu như không hề thay đổi so với ngày xưa dù xã hội, cộng đồng, và nhận thức của chúng ta về thế giới đã chuyển đổi rất nhiều.

Tôi muốn thay đổi điều này nhưng trước hết, là phải chứng minh được mô hình giáo dục của The Futur là hiệu quả. Mô hình của The Futur cho phép người học tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao, với những người giáo viên giỏi nhất - một môi trường công bằng cho cả giáo viên và học sinh.

Với giáo viên, khi họ không thể tiếp tục kiếm tiền khi ngừng giảng dạy, cho đến khi nghỉ hưu. Với hệ thống của The Futur, khi người giáo viên giảng dạy là họ đang tạo ra tài sản trí tuệ (intellectual property). Họ sẽ được trả tiền tác quyền cho mỗi khi ai đó mua sản phẩm trí tuệ của họ.

Có câu nói rằng, những ai không thành công mới chọn đi dạy? Anh nghĩ gì về điều này?

Tôi nghĩ đây là một điều xúc phạm. Khi được hỏi, “Bạn học điều này từ ai?”, câu trả lời luôn sẽ là từ thầy cô. Vì vậy nếu nói rằng những ai không thành toại trong đời mới phải đi dạy là một sự xúc phạm với mọi người giáo viên đã dạy dỗ bạn trong đời.

alt
Nguồn: Bobby Vũ cho Vietcetera

Phần Việt Nam trong anh có ảnh hưởng như thế nào anh bây giờ?

Từ nhỏ, có lần tôi hỏi mẹ mình và biết được rằng mẹ tôi nằm mơ bằng tiếng Việt. Trong khi tôi nằm mơ bằng tiếng Anh. Kể từ đó, tôi luôn đặt câu hỏi “Mình là ai?”

Là một người sinh sống ở một đất nước mà không ai trông giống mình, nói chuyện giống mình, thậm chí phải vật lộn với những vấn đề như ranh giới văn hoá, phân biệt chủng tộc, và định kiến, tôi không có nhiều bạn khi còn nhỏ và chỉ muốn ở một mình. Nghĩ lại, đó có vẻ là khủng hoảng bản sắc cá nhân.

Khủng hoảng này càng rõ ràng hơn khi tôi dự lễ tốt nghiệp tại Art Center. Đó là lễ tốt nghiệp cho các bạn học sinh quốc tế châu Á. Họ mặc trang phục truyền thống đến dự tốt nghiệp với tâm thế rất tự hào. Còn tôi thì ngồi một chỗ, không thể hình dung ra mình trong bộ áo dài mà không thấy xấu hổ. Vì đó là phần mà tôi luôn cố gắng che đậy.

Chính lúc đó, tôi nhận ra bản thân chỉ đang sợ hãi con người thật của mình sẽ không được chấp nhận. Tôi mất một chặng đường dài để tìm lại bản ngã của mình là một người Việt, chỉ vô tình sinh ra ở nước Mỹ. Tôi học cách lấy lại sức mạnh từ việc ôm lấy văn hoá và nguồn cội của mình.

Đón xem tập Have A Sip đầy đủ trên kênh YouTube của Vietcetera: