Đáng Tiền: 400 Đô để... đổi nghề | Vietcetera
Billboard banner

Đáng Tiền: 400 Đô để... đổi nghề

Lần đầu tiên tôi tí phì cười. Nghĩ bụng học online mà mong đổi nghề ư?

Đáng Tiền: 400 Đô để... đổi nghề

Học trực tiếp hay trực tuyến đều không thể chỉ "cưỡi ngựa xem hoa".

Lúc click vào khoá học online, bạn hay được hỏi, mục đích đi học là gì. Trong 4 lý do, có một ô ghi: “Để… đổi nghề". Lần đầu tiên tôi tí phì cười. Nghĩ bụng học online mà mong đổi nghề ư? Học online chỉ “cưỡi ngựa xem hoa" thôi mà? Học chút kỹ năng mềm thì được, nhưng sao có thể nghĩ mình sẽ đổi hẳn con đường mình đang đi...

...cho đến khi tôi mua khoá Giới thiệu về Tâm lý học trên Outlier.org. Outlier.org được xếp vào 100 phát minh vĩ đại của năm do Time bình chọn. Nó còn là startup gọi vốn thành công 30 triệu USD từ “vòng gửi xe”. Chuyện hay ho là người sáng lập ra trang học trực tuyến này, là cậu bạn quen đang sống ở New York.

Vài năm trước, trong lúc sì sụp húp bát ramen cùng nhau trong ngày giá lạnh, Aaron chia sẻ sau khi sáng lập ra MasterClass (một nền tảng học trực tuyến toàn các ngôi sao cỡ bự), cậu giờ chỉ muốn biến những môn học siêu khô cứng như kế toán, thống kê… trở nên hấp dẫn, “sexy” khiến ai cũng muốn học.

Sau này khi Outlier có mặt trên thị trường và nổi như cồn, tôi vẫn luôn có cảm giác đặc biệt thân quen về nó. Tôi muốn đăng ký thử không chỉ bởi muốn ủng hộ bạn mà còn muốn học thêm về ngành Tâm lý học. 

Thế mà lúc nhìn thấy con số 400 đô, tôi không khỏi có chút giật mình.

Có nhiều khóa học Tâm lý học trên Coursera hoàn toàn miễn phí, nếu muốn lấy chứng chỉ thì chỉ cần trả 99 đô. Còn đây những gấp 4. Lại còn phải đợi xếp hàng, chứ không phải đóng tiền là được học ngay. 

Tôi an ủi mình, học mất tí tiền cho có động lực. 

Nhưng chuyện khủng khiếp xảy ra khi một ngày tôi nhận được tin : “Này, còn 2 ngày nữa nếu mày không động đậy học hành, thì hãy rút đơn ngay, Outlier sẽ trả lại đủ 400 đô ngay tắp lự”. Email này làm sự ỉ lại việc học online muốn học lúc nào cũng được bị một cú thức tỉnh bất ngờ. 

“Cú đấm” thứ 2 vào lúc tôi đang tung tăng dạo trên bãi biển. “Này, 2 ngày nữa là đến kỳ thi Midterm (giữa kỳ) nhé - thi 7 chương tất cả." Lúc ấy tôi mới học hết chương đầu tiên.

Nguồn: Outlier

Những ngày tháng sau đó là cuộc chạy đua trên từng mặt trận. Tôi không thể nghĩ một khoá học online lại toát mồ hôi hột đến vậy. Có những lúc sát ngày thi, tôi phải huỷ hết các cuộc họp vì không có đủ thời gian học. Buổi sáng khi mặt trời vừa lên, ý nghĩ đầu tiên tôi có trong ngày, là học!

Vất vả muốn bỏ cuộc là một chuyện. Học mà không hiểu lại càng kinh khủng hơn. Tôi có thể “chém gió” bằng tiếng Anh vài tiếng nhưng học về Thần Kinh học bằng tiếng Anh lại là một chuyện khác. Chưa bao giờ tôi tra từ điển tiếng Anh chuyên ngành nhiều như thế.

Khi đã bắt đầu hiểu được kiến thức thì “cơn ác mộng” khác ập đến. Những công thức, thí nghiệm; những phản ứng hóa học của hormones khiến tôi luôn có cảm giác mình là một kẻ có chỉ số IQ siêu thấp. Nực cười là, nhờ khoá học, tôi biết được rằng, lý do IQ ra đời là để đo cho những học sinh có khả năng học hành yếu kém do khuyết thiếu não bộ.

Khen Outlier.org thì bằng thừa, vì các bài giảng đều được quay đẹp như phim Netflix, cấu trúc bài học để luyện tập, thi cử, đều được thiết kế rất chuyên nghiệp, dễ vào. Nhưng thứ đáng tiền nhất, là việc đào cực kỳ sâu về chủ đề. Nếu mỗi tuần bạn không dành ít nhất 6-8 tiếng để học và nghiền ngẫm, thì bạn sẽ không thể nào chạy đua được với lịch thi. Thực ra việc học, dù là trực tuyến hay thực tế, điều quan trọng nhất không phải là phương tiện bạn được dạy là gì, mà là cách bạn học ra sao.

Thời đại này, chúng ta luôn nghĩ kiến thức là mênh mông và dễ dàng tìm thấy ở khắp mọi nơi. Nhưng để chúng chui vào đầu, theo cách tôi được học, đấy là phải “encode" (mã hoá) vào não bộ. Để nhớ một thứ gì trong 20 giây thì cực dễ, nhưng để “nhốt" nó vào thành một thứ tài sản, thì bạn cần nhiều thời gian và sự chú tâm hơn tất thảy. 

Ngày nay, chúng ta cũng quen làm mọi thứ thật nhanh, để click vào những ô trống mà chúng ta định sẵn, rằng ta đã hoàn thành khóa học này, sở thích kia. Nhưng chỉ sự tò mò và đam mê thực sự mới khiến ta quyết lao đầu vào một tảng đá sừng sững chẳng dễ chịu tí nào. Khi đã mê, chỉ cần đọc được về một thí nghiệm tâm lý hay, tôi có thể nghí ngủm chuyện trò về nó suốt. Ví dụ như vào năm 1991 ở Anh, người ta cho 394 người một giọt virus cảm lạnh vào mũi và phát hiện chỉ có những người stress mới nhiễm bệnh. Đây là sự kiện đặt nền móng cho mối quan hệ giữa những căng thẳng của con người và hệ miễn dịch của chính họ. 

Lúc này thì 14 tuần học với giá 400 đô của tôi trở thành trải nghiệm cực đáng tiền. Ngoài việc nó giúp bạn quy đổi thành các credit trong trường đại học (đây là điểm tặng kèm của khoá học, nếu bạn thi đỗ các kỳ thi), thì điều quan trọng nhất mà tôi học được là: Không có sự vất vả nào mà lại không đánh đổi lại bằng trái ngọt. Không có sự học nào, là vô nghĩa! 

Giờ thì tôi thực sự nghĩ về chuyện… đổi nghề. Trở thành một chuyên gia tâm lý học, tại sao không? Dù rằng không thể học 14 tuần là thành danh, nhưng như một cái hạt đã được gieo và nẩy mầm- giờ là lúc chăm bón để cái cây lớn lên và mọc ra cành lá… 

#ĐángTiền là series về những khoản chi tiêu mang lại nhiều giá trị nhất trong cuộc sống của bạn.