Một châu Á dị biệt trong vũ trụ Haute Couture | Vietcetera
Billboard banner

Một châu Á dị biệt trong vũ trụ Haute Couture

Tuy tần suất góp mặt của những gương mặt châu Á trên địa hạt Haute Couture trước đây chưa nhiều, họ đã mở đường cho một thế hệ nhà thiết kế Á Đông trẻ tuổi và đầy tham vọng.
Một châu Á dị biệt trong vũ trụ Haute Couture

Từ trái qua: Thiết kế của Yuima Nakazato, Kansai Yamamoto, Tomo Koizumi

Kể từ khi ra đời vào năm 1868, Haute Couture vẫn là một di sản được bảo vệ hợp pháp, chỉ được chứng nhận chọn lọc cho một số ít nhà thiết kế có các xưởng may ở Paris.

Giá trị độc bản của một thiết kế Haute Couture nằm ở các loại vải cao cấp được xử lý thủ công cùng sự tỉ mẩn, công phu và tinh tế trong từng đường kim hay nếp gấp. Hàng năm, chỉ những nhà thời trang được sự phê duyệt của Chambre Syndicale de Haute Couture (Hội Liên Hiệp Parisian Couture) và với sự bảo trợ của Bộ Công Nghiệp Pháp mới có thể định danh là “Haute Couture” hay “Couturier”.

Có thể thấy, công chúng từ trước đến nay vẫn quen với những buổi trình diễn Couture lộng lẫy từ những nhà mốt phương Tây. Tuy vậy, những nhà thiết kế tài ba từ châu Á từ lâu đã đặt chân vào thế giới Couture, từng bước thay đổi cái nhìn của giới mộ điệu về tài năng của những nhà thiết kế Á Đông.

Đế chế rực rỡ của đồ thủ công châu Á

Vào năm 1977, Hanae Mori giới thiệu bộ sưu tập thời trang cao cấp đầu tiên của mình tại Pháp và là thành viên Á Đông đầu tiên của Chambre Syndicale de la Couture Parisienne. Nối tiếp bà là Issey Miyake và Kansai Yamamoto cũng thành công “mang chuông đi đánh xứ người", một thời làm làng mốt phương Tây kinh ngạc khi mang văn hóa Nhật Bản lên bản đồ thế giới.

alt
Chân dung nhà thiết kế Nhật Bản Hanae Mori | Nguồn: Vogue

Khi nhắc đến Issey Miyake, người ta nhớ tới một nhà thiết kế với những phát minh tiên phong trong lĩnh vực công nghệ như phong cách Pleat Please với nếp gấp vĩnh viễn không bị nhăn, những trang phục từ nhựa, dây kim loại, giấy thủ công Nhật Bản… Về phía Kansai Yamamoto, ông được nhớ đến là bậc thầy phong cách Basara (đồng nghĩa với phong cách Maximalism ở phương Tây) đồng thời là người đi đầu trong việc khuếch trương văn hóa kịch nghệ Kabuki Nhật ra thế giới.

Nền văn minh đồ thủ công châu Á rất đa dạng, bao gồm gốm sứ, dệt may, đồ trang sức, đá quý, giấy, sản phẩm làm từ da và các mặt hàng gia dụng khác. Thị trường hàng thủ công mỹ nghệ của châu Á được định giá vào khoảng 100 tỷ USD trên toàn cầu trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là một trong những nhà xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lớn nhất sang các nước châu Âu.

Ở châu Á, khái niệm “nghệ thuật” và “thủ công” không có sự tách rời. Nếu phương Tây tin tưởng vào sự đổi mới liên tục với hàng thủ công, nghề thủ công ở châu Á được nhìn nhận là một cách để bảo tồn văn hóa và di sản truyền thống. Thời kỳ thuộc địa và sự đổ bộ ồ ạt của hàng hoá của phương Tây đã trở thành điều kiện cho sự ra đời của những phong trào, những cuộc biểu tình phản đối hàng nhập khẩu và thuế quan đắt đỏ đối với các sản phẩm thủ công bản địa.

Năm 1918, nhà hoạt động chính trị Mahatma Gandhi đã sử dụng vải Khadi như một phần quan trọng của phong trào Swadeshi, một phong trào nhằm tẩy chay việc sử dụng các sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu, từ đó giúp đưa Ấn Độ thoát khỏi đói nghèo bằng cách tạo ra việc làm tại địa phương. Ngày nay, truyền thống dệt, nhuộm vải Khadi vẫn được truyền lại cho thế hệ sau nhằm bảo tồn truyền thống và lịch sử đồng thời mang lại sự phát triển bền vững cho các làng nghề thủ công ở vùng quê Ấn Độ.

Nếu Ấn Độ có Khadi, Campuchia có nghề dệt lụa tơ tằm du nhập từ thế kỷ 13, phát triển mạnh mẽ, suy tàn và khôi phục trở lại cho đến ngày nay. Vải lụa Campuchia mềm, có thể giặt như các loại vải khác mà không bị phai màu, không chỉ được dùng để làm khăn, xà rông hay trang phục truyền thống mà còn được sử dụng để may thành những trang phục hiện đại, tạo nên bản sắc riêng cho quốc gia này.

alt
Một thiết kế sử dụng kỹ thuật nhuộm Suminagashi | Nguồn: Weebly

Tại Nhật Bản, nghề dệt và nhuộm vải thủ công cũng có giai đoạn phát triển rực rỡ. Ví dụ như kỹ thuật nhuộm cẩm thạch bằng mực suminagashi-zome (kỹ thuật đặt vải trên một hỗn hợp hồ tinh bột có pha bột màu để các hoa văn tinh xảo được nhuộm trên vải) ra đời từ thời Taisho và có giai đoạn biến mất sau chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng đang dần được khôi phục bởi một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Kyoto.

Việt Nam cũng là một đất nước giàu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, từ thảm dệt, túi xách thổ cẩm vùng Tây Bắc, các sản phẩm thêu và lụa nổi tiếng từ các vùng Hà Đông, Thái Bình, Huế đến các sản phẩm trang sức và đồ kim khí chủ yếu được sản xuất ở Đà Nẵng (Vùng Ngũ Hành Sơn). Với gần 2000 năm lịch sử, đồ sơn mài Việt Nam và các sản phẩm khác của cộng đồng nghệ nhân thủ công mỹ nghệ đã tạo dựng được vị thế vững chắc và ngày càng lớn mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Haute Couture châu Á có gì khác biệt so với châu Âu?

Một trong những bước tiến nổi bật của Haute Couture châu Á có thể kể đến sự thành công của nhà thiết kế Trung Quốc Guo Pei, người đã trở thành hiện tượng sau một đêm khi được mời trình diễn BST tại tuần lễ thời trang Haute Couture Paris 2016 và sau màn xuất hiện của nữ ca sĩ Rihanna trong bộ đầm Omelette thêu bằng chỉ vàng nặng 25kg huyền thoại của cô.

alt
Bộ đầm Omelette thêu bằng chỉ vàng của nhà thiết kế Guo Pei | Nguồn: The Guardian

Những thiết kế của Guo Pei hay Hanae Mori không chỉ có giá trị thẩm mỹ cao mà còn là tuyên ngôn về lịch sử, văn hoá Á Đông. Hanae Mori, ​​bên cạnh việc sử dụng các họa tiết mang đậm tinh thần Nhật Bản, bà đã mang vải kimono vào trong thiết kế của mình nhằm tôn vinh trang phục truyền thống của đất nước mặt trời mọc. Về phía Guo Pei, với cảm hứng từ những câu chuyện lịch sử phong kiến hay giai tích thần thoại, cô đã phục dựng biết bao nét đẹp đậm chất Á đông như hoa văn gốm sứ, hoạ tiết rồng phượng và mấn mão vua chúa.

Không chỉ có giá trị thẩm mỹ cao, Haute Couture châu Á còn hướng đến sự bền vững với sự sáng tạo vượt bậc trong công nghệ, chất liệu. Một vài cái tên nổi bật có thể kể đến Yuima Nakazato với công nghệ Biosmocking độc đáo cho phép các nhà thiết kế tự do biến đổi hình dạng vải cùng các kỹ thuật truyền thống từ văn hóa Kimono Nhật Bản như sơn mài và nhuộm chàm tự nhiên, Park Sohee với vải tái chế từ cây chuối và pha lê tái chế.

Ngược lại với những nhà thiết kế Haute Couture thường tìm đến những loại vải xa xỉ, hiếm có, châu Á cũng có những gương mặt ưa sáng tạo từ những chất liệu đời thường. Điển hình như Tomo Koizumi, người trung thành với chất liệu polyester organza phổ biến và dễ tìm ở bất kì cửa hàng nào tại Tokyo và đặc biệt yêu thích sử dụng nguồn vải dư thừa đến từ rất nhiều xưởng may nằm rải rác khắp Nhật Bản, tạo nên những gam màu độc đáo, uyển chuyển.

Châu Á có thực sự thua thiệt?

Dù tài năng và khả năng sáng tạo của những nhà thiết kế Á Đông không thua kém gì những gã khổng lồ xa xỉ ở Tây bán cầu, châu Á vẫn chưa thể xây dựng một đế chế thời trang cao cấp cho riêng mình. Một nhà thiết kế Couture của châu Á vẫn chỉ thực sự được công nhận khi họ được trình diễn bộ sưu tập Haute Couture của mình tại tuần lễ thời trang Paris và gây được sự chú ý với Hội Liên Hiệp Parisian Couture.

Điều này có thể đến từ việc những nhà thiết kế châu Á từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… vẫn đang hoạt động khá đơn lẻ. Bên cạnh đó, có một sự thật chẳng hề dễ chịu vẫn luôn hiện diện qua nhiều thập kỷ trong ngành công nghiệp thời trang là người da màu nhận được ít cơ hội và đặc quyền hơn so với người da trắng.

alt
Nhà thiết kế Tomo Koizumi bên những thiết kế của mình | Nguồn: Business of Fashion

Tâm lý sính ngoại cũng là một yếu tố gây khó khăn cho những nhà thiết kế châu Á nhiều năm qua. Vượt qua Mỹ và châu Âu, Trung Quốc được dự kiến sẽ trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025. Tuy vậy, thời gian gần đây, người tiêu dùng Trung Quốc đã bắt đầu thay đổi nhận thức về hàng hóa địa phương nhờ vào làn sóng Guochao, làn sóng thể hiện sự ưa chuộng ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các thương hiệu, thiết kế và văn hóa Trung Quốc.

Theo giáo sư Daniel Langer của Đại học Pepperdine, ngày nay, những yếu tố như dịch vụ hay chất lượng vượt trội chỉ đơn thuần là các yếu tố vệ sinh, “savoir-faire" trong thế giới xa xỉ là tạo ra sự đồng cảm thực sự về văn hoá và thể hiện được vốn hiểu biết về chiều sâu văn hoá của thị trường.

Đây là khi các thương hiệu và nhà thiết kế Trung Quốc có lợi thế. Họ không chỉ là những người tham gia vào hệ tư tưởng Guochao, họ còn là những người tạo ra nó. Do đó, họ có khả năng thoả mãn nhu cầu về văn hóa cho làn sóng người tiêu dùng Guochao theo cách mà không thương hiệu phương Tây nào có thể làm được.

Một điểm sáng nữa trong bối cảnh Couture châu Á có thể kể đến Asian Couture Federation (Liên đoàn thời trang cao cấp châu Á), nơi đại diện và quảng bá những tài năng thời trang cao cấp nhất nơi đây. Trong đó, Nguyễn Công Trí là nhà thiết kế Việt đầu tiên gia nhập liên đoàn.

Asian Couture Federation đang làm rất tốt việc thiết lập mạng lưới với các liên đoàn và tổ chức thời trang khác như Hội đồng Thời trang Anh, Hội đồng Nhà thiết kế Thời trang Hàn Quốc… và khởi xướng các dự án nhằm cung cấp khả năng tiếp cận thương mại nhiều hơn cho các nhà thiết kế của những thành viên.

Tuy vậy, để ACF sánh ngang với Chambre Syndicale de Haute Couture có vẻ không chỉ dừng ở đó. Bản thân những nhà thiết kế Couture châu Á cũng cần chung tay để xây dựng bộ quy chuẩn may mặc cao cấp tại châu Á, duy trì và phát triển nghề thủ công trong khu vực - một yếu tố quan trọng trong những thiết kế Couture. Tương tự như “ông lớn" Chanel tại tòa nhà Le19M đã tập trung rất nhiều xưởng thu công quý giá như Barrie, Lesage, Lemaire và Massaro.

alt
Guochao: Làn sóng mang lại giá trị cho những mặt hàng xa xỉ nội địa "Made in China" | Nguồn: FirstClasse

Trên thực tế, nhằm bảo tồn nghệ thuật thủ công, chính phủ nhiều quốc gia châu Á đã có những chính sách thiết thực. Trung tâm Hỗ trợ thủ công mỹ nghệ quốc tế Thái Lan (SACICT) đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ các địa phương, trong đó, SACICT mời các nhà thiết kế ở Bangkok kết hợp với đội ngũ thợ thủ công ở các làng nghề nhằm đưa ra những mẫu mã sản phẩm mới nhưng vẫn dựa trên nền tảng kỹ thuật và vật liệu truyền thống. Nhờ đó, nghề thủ công Thái Lan được mở rộng hơn.

Bộ Kinh tế Nhật Bản thông qua Hiệp hội Xúc tiến các ngành công nghiệp thủ công truyền thống đã hỗ trợ các làng nghề bằng nhiều hình thức như: Khảo sát thăm dò thị trường, tổ chức triển lãm sản phẩm làng nghề, kết nối các nhà thiết kế và nghệ nhân thủ công mỹ nghệ truyền thống nhằm lên ý tưởng cho sản phẩm mới…

Kết

Quay lại với định nghĩa về thời trang cao cấp, là các loại vải quý, là tay nghề thủ công, là sản xuất hoàn hảo và hàng trăm giờ làm việc cho một thiết kế. Đó cũng chính là điều mà những thiết kế của Guo Pei, Tomo Koizumi hay Yuima Nakazato đều đáp ứng đủ.

Không chỉ dừng ở đó, sự phát triển kinh tế chung đã góp phần thu hút nhiều nguồn tài chính đầu tư vào khu vực, giúp những tài năng trẻ hiện thực hóa các ý tưởng lớn của mình. Bởi vậy, việc châu Á xây dựng cho mình một đế chế Couture riêng, tuy chưa phải “một sớm một chiều", là khả thi.