Nhà tuyển dụng “chấm điểm” ứng viên làm “chín nghề” thế nào? | Vietcetera
Billboard banner

Nhà tuyển dụng “chấm điểm” ứng viên làm “chín nghề” thế nào?

Trong mắt nhà tuyển dụng, ứng viên làm việc đa ngành có điểm mạnh và điểm yếu riêng. Hãy hiểu tâm tư của người tuyển dụng để bạn có thể tìm được công việc phù hợp.
Nhà tuyển dụng “chấm điểm” ứng viên làm “chín nghề” thế nào?

Ứng viên làm đa ngành trong mắt nhà tuyển dụng | Nguồn: Unsplash

Thế hệ trẻ ngày càng thích trải nghiệm và khám phá nhiều công việc khác nhau. Thay vì gắn bó lâu dài với một công việc, một kỹ năng được đào sâu thì các ứng viên này dám thử nhiều công việc và học những kĩ năng mới. Điều này ngày càng phổ biến và gần như đối lập với câu “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.

Bài viết này mang đến “tiếng lòng” dưới góc nhìn từ nhà tuyển dụng trước những thay đổi của thị trường lao động. Khách mời đầu tiên là chị Yến Nhi, chuyên viên Giáo dục và tư vấn hướng nghiệp được đào tạo từ Doanh nghiệp xã hội Hướng nghiệp Sông An. Khách mời thứ hai là chị Thanh Nhàn, hiện là People & Culture Associate tại công ty Unios và chị Mi Võ, Senior HR Consulting.

alt
Từ trái sang: chị Yến Nhi, chị Thanh Nhàn, chị Mi Võ | Nguồn: NVCC

Thông qua lăng kính của họ, những ai đang tìm kiếm công việc sẽ phần nào hiểu được điểm mạnh, điểm yếu và những cách để việc làm “chín nghề” của mình mang lại kết quả tốt hơn.

CV của ứng viên làm đa ngành trong mắt nhà tuyển dụng

Bước đầu tiên trong quy trình tuyển dụng luôn là đọc qua CV của ứng viên. Nhiều bạn trẻ hăm hở điền rất nhiều công việc mình từng làm vào vì cho rằng nó thể hiện bản thân là người được việc. Tuy nhiên ở bước này, các ứng viên đa ngành thường bị vướng lại ở yêu cầu số năm kinh nghiệm cho cùng vị trí. Tuy nhiên, yếu tố này không nói lên việc ứng viên có đi tiếp vào các vòng sâu hơn hay không. Mấu chốt nằm ở “cá tính” nơi công ty bạn nộp vào.

Chị Yến Nhi nhận định rằng ứng viên làm việc nhiều ngành nghề cho thấy họ có sự can đảm để đa dạng hóa trải nghiệm của bản thân. Nếu tổ chức, đội ngũ có giá trị cốt lõi tương tự về lòng can đảm, tinh thần trải nghiệm, sáng tạo thì đây sẽ là một điểm bắt đầu hợp lý để nhà tuyển dụng tìm hiểu ứng viên.

alt
Nguồn: Unsplash

Một điều mà các ứng viên nên làm là cho thấy bài học mà họ có được với từng nghề nghiệp mình đã trải qua và biết cách chuyển chúng thành hành động mang đến giá trị cho một tổ chức. Khi đó, đa ngành đa nghề không còn là một điểm yếu nữa.

Tuy nhiên, chị Thanh Nhàn cho rằng tùy vào vị trí tuyển dụng mà một CV đa ngành có “đậu” qua các vòng sàng lọc hay không. Đơn cử như công ty tuyển vị trí kỹ sư công nghệ thì sẽ cần người có chuyên môn cao và tập trung cho công việc này. Nhưng các vị trí khác như trợ lý hoặc những công việc liên quan đến marketing, làm nội dung (content) thì ứng viên có “background” đa ngành sẽ có lợi thế hơn.

Trong khi đó chị Mi Võ cho rằng nhiều công ty có văn phòng đại diện nhỏ, không mở tuyển nhiều vị trí nên họ lại có xu hướng ưa thích các ứng viên có khả năng đảm nhiệm nhiều vị trí vì sẽ tiết kiệm chi phí nhân sự.

“Bạn rất tốt nhưng công ty rất tiếc”

Cả ba nhà tuyển dụng đều đồng ý rằng người làm đa ngành có điểm mạnh ở kiến thức rộng và tính thích nghi. Một nét tính cách thường thấy ở các ứng viên này là họ có sự tò mò rất thường trực. Vì tò mò nên họ hay quan sát và đặt câu hỏi. Vậy nên, họ tháo vát, nắm quy trình và làm được việc rất nhanh ở thời gian đầu.

alt
Cần hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của các ứng viên đa ngành khi tuyển dụng | Nguồn: Unsplash

Tuy nhiên, chị Yến Nhi cho rằng “Đường dài mới biết ngựa hay” có thể được dùng để nói về thử thách cho các ứng viên này. Vì đa ngành, đa nghề nên cảm giác họ thường có là mình luôn có thể đổi hướng khi bị kẹt. Khi họ được đặt vào một vai trò cần chuyên môn sâu, giải quyết vấn đề phức tạp và cần sự cam kết lâu dài mới thấy được kết quả, các ứng viên này sẽ gặp thử thách về độ bền chí của mình.

Chị Thanh Nhàn cho biết các ứng viên này tuy lanh lẹ nhưng luôn bị cân nhắc khả năng gắn bó. Công ty sẽ mất chi phí tuyển dụng, phí đào tạo và nhiều chi phí khác để tạo ra một người lao động được việc. Vậy nên không phải công ty ngại tuyển người đa ngành mà đôi khi chính bản thân người lao động cũng không cho thấy rằng họ cam kết ở lại công ty lâu dài. Dù có cởi mở đến đâu, ưu tiên hàng đầu của một công ty là ổn định nhân sự và không bao giờ muốn có một ứng viên nghĩ rằng “cứ làm để có trải nghiệm, không hợp thì nhảy”.

Trái ngọt từ những lần trao nhau cơ hội

Quả thật chấp nhận một ứng viên làm việc đa ngành đôi khi là quyết định phải có cả hi vọng và sự can đảm. Bởi nếu ứng viên không phù hợp, uy tín người tuyển dụng sẽ bị ảnh hưởng. May mắn là, chị Yến Nhi cho biết đã có nhiều trường hợp một ứng viên đa ngành trở thành nhân lực tài năng mà công ty muốn đầu tư và phát triển bền vững.

Một ví dụ điển hình mà chị có dịp hợp tác là một bạn ứng tuyển vào vị trí Huấn luyện viên thể thao (Personal Trainee) dù không có kinh nghiệm. Ba công việc trước đây ứng viên này từng làm giáo viên tiếng Anh, chuyên viên Marketing, chuyên viên Phát triển sản phẩm. Sau 3 tháng làm PT, ứng viên mang đến rất nhiều trải nghiệm học tập và rèn luyện tuyệt vời cho học viên, tỷ lệ quay lại cao. Lý giải cho sự thành công này vì bạn ứng viên đã ứng dụng việc soạn giáo án (của nghề giáo viên), biết tâm lý mua hàng (từ công việc marketing) và biết thấu hiểu “pain points” của khách hàng khi trải nghiệm sản phẩm và ứng dụng chúng hết vào công việc PT.

Ngành tuyển dụng đang thay đổi cách nhìn ứng viên đa ngành thế nào?

Như đã nói bên trên, đa ngành không phải là một điểm yếu, mà nó nằm ở khả năng nhìn nhận và đúc kết sau mỗi trải nghiệm. Vậy nên, tuyển dụng hiện tại khi đọc CV chuyển sự tập trung vào chữ “có liên quan” nhiều hơn. Nhà tuyển dụng sẽ cân nhắc công việc hiện tại và công việc đang ứng tuyển có kỹ năng nào liên quan có thể chuyển đổi? Kiến thức ngành hiện tại có thể ứng dụng bao nhiêu vào ngành đang ứng tuyển? Làm đa ngành, đa nghề mang đến kỹ năng gì liên quan cho vị trí đang ứng tuyển?

alt
Nhà tuyển dụng có cái nhìn cởi mở hơn về ứng viên làm việc đa ngành | Nguồn: Unsplash

Theo chị Yến Nhi, tuyển dụng hiện tại cũng không còn dùng khuôn mẫu thành công trước đây để áp dụng vào việc đánh giá ứng viên nữa. Ví dụ, trước đây, 3 năm kinh nghiệm ở một vị trí là tối thiểu để có thể thấy một ứng viên hiểu rõ mình đang làm gì ở công việc và ngành nghề đó.

Hiện nay, có nhiều bạn trẻ có thể vừa đi làm chính thức bằng một vị trí, vừa tham gia các dự án bên ngoài ở một vị trí khác để rút ngắn thời gian tích lũy kinh nghiệm và hiểu biết. Vậy nên, tuyển dụng cần linh hoạt nhìn thấy sự liên quan giữa kinh nghiệm ứng viên đang có và yêu cầu vị trí hơn là chỉ nhìn vào các khuôn mẫu về thời gian làm việc trước đây.

Chị Mi Võ cho biết thêm quan điểm tuyển dụng giữa ở công ty từ các nước khác nhau cũng có sự khác biệt. Đơn cử như công ty Nhật sẽ thường loại các bộ CV mà ứng viên làm một công ty dưới 2 năm vì họ đề cao sự trung thành. Trong khi đó các công ty Âu Mỹ nhìn thoáng hơn với ứng viên đa ngành. Chỉ cần bạn thích ích ứng tốt và phát huy năng lực là được.

Sự khác biệt trong lộ trình thăng tiến của ứng viên đa ngành

Chị Yến Nhi cho rằng mô hình chữ T (T-shape) trong lộ trình phát triển nghề nghiệp rất phù hợp với các ứng viên đa ngành, đa nghề. Mô hình này đề xuất rằng, đi dọc (đi sâu) không phải là con đường duy nhất, mà đi ngang cũng là một lựa chọn. Khi áp dụng mô hình này, điều các ứng viên cần xác định đầu tiên chính là kiến thức và năng lực cốt lõi mà mình muốn phát triển trong giai đoạn 3 năm tới là gì. Chúng chính là cái mống của chữ T.

Sau khi rõ về cái mống, ứng viên cần thường xuyên tự vấn và đúc kết, trải nghiệm này đang đóng góp và tích lũy cho cái mống nào, bằng thành tựu gì, trong ít nhất bao lâu. Các thành tựu này chính là các cột mốc để ứng viên hiểu, mỗi trải nghiệm mình có đều đang “gieo hạt” cho lộ trình tương lai của bản thân.

Trong khi đó, chị Thanh Nhàn nhận định với ứng viên đa ngành thì việc thăng tiến thường sẽ lâu hơn. Vì khi nhảy ngành thì vị trí xuất phát thường rất cơ bản. Hiếm khi nào bạn có thể nhảy ngành mà đạt được một vị trí cao. Vì vậy, có thể bạn sẽ có được trải nghiệm, nhưng khi nhìn lại sẽ thấy bản thân đang quẩn quanh ở những vị trí khá thấp trong công ty.

Chị Mi Võ cho rằng đến hiện tại nếu ứng viên phát triển nghề chuyên sâu vẫn có lợi thế hơn. Nhìn chung mức độ tăng trưởng sự nghiệp của nhóm này bền vững và lâu dài hơn về chức danh và cả mức lương.

alt
Con đường thăng tiến khác nhau của kỹ năng chuyên sâu và làm việc đa ngành | Nguồn: Unsplash

Qua những chia sẻ này, những ứng viên làm việc đa ngành có thể tự xem lại bản thân và tìm thấy điểm chung với nhà tuyển dụng. Từ đó, việc làm đa ngành không còn đơn thuần là chạy đua về số lượng công ty mà sẽ là câu chuyện chúng ta đã phát triển ra sao, tốt lên thế nào ở mỗi trạm dừng chân. Và cách thể hiện điều đó cho những nhà tuyển dụng đang tìm kiếm nhân tài cho công ty.