Talking stage là gì? Vì sao bạn hẹn hò nửa đường lại đứt gánh? | Vietcetera
Billboard banner
16 Thg 01, 2024
Cuộc SốngThươngBóc Term

Talking stage là gì? Vì sao bạn hẹn hò nửa đường lại đứt gánh?

“Không qua được talking stage” là nỗi đau nhức nhối trên thị trường hẹn hò nơi cả 2 người rơi vào trạng thái “xem story nhau mãi mãi”.
Talking stage là gì? Vì sao bạn hẹn hò nửa đường lại đứt gánh?

Nguồn: Elite Daily/Verywell Family.

1. Talking stage là gì?

Talking stage là giai đoạn nhắn tin, “hẹn hò thử nghiệm”, tìm hiểu tất-tần-tật về nhau của 2 người trước khi trở thành người yêu chính thức.

Một đêm đẹp trời và bạn nhận ra mình vừa nhắn tin vừa tủm tỉm cười lúc… 2 giờ sáng - bạn có thể đã ở trong talking stage. Talking stage có thể bắt đầu từ một tin nhắn reply story trên Instagram, kéo theo chuỗi ngày tâm sự, nhắn tin, đưa đón.

Không đơn giản như cái tên của nó, talking stage là cả một “hệ sinh thái” tương tác nơi ta quan sát người kia đối nhân xử thế để nhìn được bức tranh toàn cảnh nhất về con người họ.

Họ thích gì, ghét gì, họ có cư xử nhẹ nhàng với nhân viên phục vụ? Giá trị sống, quan điểm của họ về hôn nhân, con cái có hợp với bạn? - Tất cả nhằm giúp liên kết giữa 2 người ngày một chặt chẽ.

alt
Nếu bạn chỉ có 1 tháng để biết tất cả về một người, bạn sẽ chọn dẫn họ đi đâu, làm gì? | Nguồn: Pinterest.

May mắn thì talking stage của bạn chỉ kéo dài 1-2 tháng. Còn nếu không, sau đó sẽ là chuỗi ngày cả 2... xem story nhau mãi mãi.

2. Nguồn gốc của talking stage?

Thuật ngữ talking stage xuất hiện lần đầu năm 2017 trên Urban Dictionary, là cách Gen Z gọi tên giai đoạn lưng chừng hạnh phúc - tiến không được, lùi không xong.

Cho đến 2022 thời đại bùng nổ của TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác, từ vựng này nổi cộm với hashtag #talkingstage đạt 3 tỷ views.

alt
"Dấu hiệu 1 talking stage đang trở thành mối quan hệ chính thức" / "Cuộc sống tôi sau mối talking stage thất bại ấy" | Nguồn: TikTok @annnexmp, TikTok @youfoundsantii.

Nếu bạn từng ở trong một talking stage với ai đó, bạn có thể ngầm hiểu lý do vì sao thuật ngữ này hấp dẫn. Một số kiểu nội dung phổ biến về talking stage được các content creator chia sẻ có thể kể đến:

  • Dấu hiệu một talking stage thất bại/thành công.
  • Red flags trong talking stage mà bạn cần lưu ý!
  • Vì sao bạn mãi không vượt qua talking stage?

3. Vì sao talking stage phổ biến?

Nỗi sợ cam kết trong một mối quan hệ

Những thất bại liên tiếp trong tình yêu có thể khiến một người trở nên lãnh cảm với kiểu mối quan hệ cam kết. Đặc biệt khi việc “ván đóng thuyền” với một ai đó khiến họ gợi lại ký ức không mấy vui vẻ, đi kèm nguy cơ bị bỏ rơi lần nữa.

alt
"Một câu chào trong inbox có thể là mở đầu cho 3 năm đi trị liệu tâm lý, nên tôi ghost tin nhắn họ luôn" | Nguồn: X/Twitter.

Nhà trị liệu Nicole Richardson cũng cho biết, “Nỗi sợ cam kết càng được củng cố giữa thời đại app hẹn hò mọc lên như nấm. Chúng ta đều chỉ dừng lại ở talking stage này, để bắt đầu một talking stage khác với người khác”.

Hẹn hò không áp lực, vui là chính

Trái ngược với thời ông bà anh nơi việc hẹn hò truyền thống đi kèm nhiều nguyên tắc và kỳ vọng, Gen Z là thế hệ đang phá vỡ những định kiến đó. Họ chủ động chọn tìm hiểu tự nhiên, thiên hướng cảm xúc hơn qua việc:

  • Gửi playlist nhạc cho nhau.
  • Chat và đoán tâm trạng đối phương qua tin nhắn.
  • Gửi meme, những nội dung vô tri như một một cách bộc lộ bản thân trong tình yêu.
alt
Các cuộc hẹn trong talking stage sẽ diễn ra ở những địa điểm ngẫu nhiên như thư viện, bãi xe, siêu thị,... miễn là cả 2 thấy thoải mái | Nguồn: Pinterest.

Một khảo sát bởi Google trên 300 người độ tuổi 18-24 cho thấy, hơn 20% bạn trẻ cho rằng việc nhắn tin qua điện thoại cũng được tính là một buổi “date”. Đó là điểm sáng của talking stage nơi việc hẹn hò được thả lỏng.

Tuy nhiên talking stage kéo dài có thể khiến bạn rơi vào trạng thái mập mờ không lối ra như situationship, delusionship, và các kiểu mối quan hệ độc hại khác.

Chẳng ai thích giai đoạn tìm hiểu kéo dài và vô vọng. Chúng còn khiến bạn mệt mỏi, tiêu hao năng lượng cho một tương lai không chắc chắn.

Muốn thoát khỏi talking stage? Hãy đối thoại làm rõ kiểu mối quan hệ mà cả 2 tìm kiếm

Trả lời tờ Cosmopolitan, Chuyên viên Tư vấn Stephanie Mintz chỉ ra rằng nhu cầu hẹn hò ngày nay đã phức tạp hơn bao giờ hết.

“Bạn cần tình yêu và sự cam kết (commitment), trong khi đối phương chỉ cần một trạm dừng chân tiện lợi - mục tiêu 2 người tìm kiếm vốn dĩ đã khác nhau, đó là lý do khiến mối quan hệ này trở nên tồi tệ”.

Giải pháp nằm ở việc giao tiếp rõ ràng và minh bạch từ đầu. Khi 2 người đến với nhau cùng chung một mục đích, việc xây dựng mối quan hệ sẽ đồng nhất và ít trở ngại hơn. Đó cũng là lý do app hẹn hò thời nay, điển hình là Bumble cho phép bạn tiết lộ mình đang kiếm người yêu (relationship) hay người hẹn hò ngẫu hứng (something casual).

Lỡ sa vào lại khó ra. Đâu là những cách giúp bạn có một talking stage hiệu quả hơn? Đọc tiếp ở bài viết phần 2 của Talking stage tại Vietcetera nhé!

4. Cách dùng talking stage

Tiếng Anh

A: How’s your dating life?

B: Pretty well. But if I go through another failed talking stage, I’ll give up.

Tiếng Việt

A: Hẹn hò thế nào rồi bạn tôi?

B: Cũng ổn. Nhưng nếu lần này mà không qua được talking stage nữa thì tôi bỏ luôn.